Phông chữ
World Cup đầu tiên 1930: Uruguay trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên

Vào năm 1930, khi mà người dân Uruguay còn phải chật vật để kiếm sống thì chuyện tổ chức một giải đấu lớn như World Cup là một hy sinh quá lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính, cộng với việc chọn Uruguay làm nước chủ nhà cũng gây nên khó khăn. Muốn tham dự, các nước châu Âu sẽ phải vượt qua hành trình dài bằng tàu thuỷ xuyên qua Đại Tây Dương.

Hai tháng trước ngày khai mạc, không có quốc gia châu Âu nào đồng ý tham gia. Tuy nhiên, bằng tài thuyết phục và nhiệt huyết, chủ tịch FIFA Jules Rimet đã thuyết phục được Pháp, Bỉ, Rumani và Nam Tư dự giải. 4 đội bóng châu Âu, cùng 8 đội Nam Mỹ và đội cuối cùng là đội tuyển Mỹ, tham dự ngày hội bóng đá đầu tiên, khởi tranh vào ngày 13/7/1930.

Những đội bóng lục địa già thực sự gây tiếng vang. Pháp đè bẹp Mexico 4-1 trong trận khai mạc (bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup được ghi bởi 1 cầu thủ Pháp, Lucien Laurent). Nam Tư thắng Bolivia 4-0. Rumani thắng Peru 3-1. Duy nhất Bỉ tỏ ra không thích nghi với khí hậu bên kia bờ Đại Tây Dương, khi lần lượt thất thủ trước Mỹ và Paraguay. Tuy nhiên, cùng với diễn tiến của giải đấu, các đội bóng châu Âu đuối dần. Chỉ có một mình Nam Tư đủ sức lọt vào vòng bán kết, nhưng thất thủ trước đội chủ nhà Uruguay với tỷ số đậm 1-6. Cũng với kết quả 6-1, Argentina vượt qua Mỹ để hướng về trận

Ngày 30/7/1930, được sự cổ vũ của 93.000 khán giả, Uruguay giành thắng lợi 4-2 trước Argentina, trở thành đội bóng đầu tiên vô địch thế giới. Vui mừng với thắng lợi, hàng tuần lễ sau đó người dân Uruguay liên tục tổ chức những bữa tiệc linh đình. Vì lòng tự hào dân tộc, chính phủ nước này đã chọn ngày 30/7 hàng năm trở thành quốc lễ.

Có một số chi tiết thú vị liên quan đến World Cup 1930. Khó khăn về tài chính đã khiến mỗi đội bóng phải mang theo một quả bóng. Mỗi hiệp đổi bóng mỗi đội một lần. Trong trận chung kết, trọng tài điều khiển trận đấu với áo quần chững chạc, cổ thắt cravat, có kèm theo một cận vệ vì trước đó, nhân viên canh gác sân đã kiểm soát và tịch thu được gần 1.600 khẩu súng của các khán giả muốn mang vào sân.

World Cup 1934: Giuseppe Meazza đưa Italy lên ngôi vô địch

4 năm sau, để trả đũa việc Italy không tham dự World Cup 1930, đương kim vô địch Uruguay từ chối tham dự World Cup 1934 tổ chức tại Đất nước hình chiếc ủng. 32 quốc gia gửi đội tuyển đến tham dự, trong đó có 2 nước Nam Mỹ là Argentina và Brazil. Đây cũng là lần đầu tiên World Cup tiến hành đá vòng loại.

Trong 3 đội mạnh nhất Áo, Tiệp Khắc, Italy chỉ có đội chủ nhà là có vẻ ổn định trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Dưới bàn tay dẫn dắt của HLV giỏi nhất thời đó Vittorio Pozzo, đội quân áo Thiên thanh được xây dựng một cách vững chắc và không quá lệ thuộc vào những cầu thủ ngôi sao. Trong hàng thủ tuyển Italy có 3 cầu thủ mạnh mẽ người gốc Argentina là Luis Monti, Raimondo Orsi, Enrico Guaita. Trên hàng công có Giuseppe Meazza - huyền thoại của Inter Milan - luôn là mối đe doạ cho hàng phòng ngự đối phương. Sau này tên ông được lấy làm tên cho sân nhà của Inter.

Đội tuyển Áo kỳ diệu dưới bàn tay huấn luyện của ông Hugo Meisl, có 3 cầu thủ tầm cỡ thế giới là hậu vệ trái Carl Sesta, tiền vệ giữa Josep Smistik và trung phong nổi tiếng không chiến tốt Mathias Sindelar. Trước giải, họ đã thắng các cầu thủ Italy chính trên sân Turin với tỉ số 4-2.
Về phía đội tuyển Tiệp Khắc, ngoài thủ thành vĩ đại Frantisek Planicka ra còn có 2 tiền đạo lừng danh Oldrich Nejedly và Frantisek Svoboda. Tại WC lần này, lần đầu tiên xuất hiện vị trí trung vệ. HLV đội tuyển Đức Hugo Otto sử dụng một chiến thuật mới, thay cho lối chơi truyền thống 2-3-5. Đó là lối chơi WM. Trong đội hình của Otto tiền vệ giữa Fritz Szepan lùi xuống phía sau. Lịch sử đã gọi đó là vị trí trung vệ đầu tiên. Chiến thuật ấy đã hạ gục người Áo, đem về chiếc huy chương đồng cho đội tuyển Đức. Zamora - thủ thành Tây Ban Nha bị gãy 3 xương sườn vẫn tiếp tục thi đấu. Hình ảnh của Zamora trở thành một biểu tượng cho tinh thần thi đấu tuyệt vời.

Với tinh thần thể thao, các cầu thủ Italy và HLV của họ tỏ ra bất phục những quy định mà Quốc xã đưa ra. Họ chỉ muốn thi đấu trong tinh thần hoà nhã. Do đó trước trận chung kết, Nhà độc tài Mussolini không ngần ngại gửi đến đội tuyển Italy một điện tín: “Thắng hay là Chết”. Ông ta bỏ ra rất nhiều tiền để hối lộ các trọng tài, cầu thủ Ý bị buộc phải chơi xấu với đối thủ. Cuối cùng Italy giành cúp vô địch sau khi thắng Tiệp Khắc trong trận chung kết với tỉ số 2-1./.