Phông chữ

Trên cương vị HLV tuyển Đức, Joachim Loew quán triệt tinh thần: Chỉ những cầu thủ xem mình như một người Đức đích thực mới được ông lựa chọn.

Trong xã hội hiện đại, chuyện công dân nhập tịch hay sở hữu đồng thời nhiều quốc tịch là hết sức phổ biến. Ở một quốc gia “cởi mở” như CHLB Đức, xu thế này càng mạnh mẽ, thể hiện qua dòng người nhập cư đông đảo đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Điều này có tác động không nhỏ đến bộ mặt bóng đá Đức trong vài năm trở lại đây, khi thế hệ con cháu những gia đình nhập cư lâu đời trưởng thành. Rất nhiều trong số họ đã chọn nghề cầu thủ làm kế sinh nhai.

Những người điều hành bóng đá Đức buộc phải đối mặt với vấn đề cốt lõi là giữ gìn bản sắc của ĐTQG trước làn sóng hội nhập đang diễn ra chóng mặt. Những cầu thủ nhập cư giúp phong phú thêm nguồn lực cho “Die Mannschaft”, nhưng nguồn lực đó lại không được phép sử dụng một cách bừa bãi.

Ai cũng biết ĐTQG khác CLB ở chỗ, các cầu thủ không thi đấu để nhận lương mà vì màu cờ sắc áo dân tộc. Sự thành bại của một đội tuyển phụ thuộc rất lớn ở lòng khát khao cống hiến của từng cầu thủ. Thế nên, khi Loew triệu tập một cầu thủ nhập tịch hoặc song tịch cần dựa trên sự minh định về tư tưởng của cầu thủ đó.

Nắm được suy nghĩ của một cá nhân là việc không hề đơn giản chút nào. Người Đức rất e ngại máu áo trắng của “Die Mannchaft” bị lợi dụng vì “động cơ” thiếu trong sáng. Lấy ví dụ như trường hợp của tiền đạo Ailton. Cựu thành viên của Werder Bremen này không có cơ hội khoác áo ĐT Brazil nên từng bày tỏ nguyện vọng chơi cho ĐT Đức tại EURO 2004.

Tuy nhiên, nếu thâu nhận Ailton sẽ vô hình chung đặt ĐT Đức từ vị thế một cường quốc bóng đá 3 lần vô địch Thế giới trở thành cái “sân sau” trên bản đồ bóng đá. Rút cuộc, Ailton đã không có bất kỳ cơ hội nào trở thành một tuyển thủ quốc gia Đức.

Bộ sậu lèo lái “Xe tăng” Đức hiện nay, từ giám đốc Oliver Bierhoff đến HLV Loew, đều nhất quán quan điểm, cánh cửa đội tuyển chỉ mở ra với cầu thủ nào vừa đáp ứng về chuyên môn, vừa phải đáp ứng những chuẩn mực như một người Đức bản địa.

Cacau đã vượt qua nhiều thử thách để được công nhận là người Đức

Đến đây lại nhắc tới câu chuyện tiền đạo Cacau phải nỗ lực không ngừng để chứng minh mình “100% là người Đức”. Chuyện nói tiếng Đức làu làu với một người đã chơi bóng gần chục năm ở Bundesligakhông khó, song cầu thủ sinh tại Brazil này đã phải vượt qua cả một kỳ sát hạch bài bản về lịch sử văn hóa Đức trước khi được thừa nhận và tham dự World Cup năm ngoái. Sau này, Cacau diễn giải việc anh lấy biệt danh “Helmut” là để có một cái tên thấm nhuần chất Đức.

Đây chính là sự khác nhau cơ bản giữa hai trường hợp Cacau và Ailton. Hiện tiền vệ Luiz Gustavo Dias của Bayern Munich là người tiếp theo đang bày tỏ nguyện vọng được khoác áo ĐT Đức. Từ tấm gương của Cacau, Gustavo hiểu rằng khả năng hát thuộc lòng quốc ca Đức chưa nói lên điều gì. Quan trọng là anh phải thể hiện được quyết tâm và thiện chí trong cuộc gặp gỡ riêng với HLV Loew.

Cần phải nhấn mạnh Loew luôn đề cao tinh thần tự nguyện đối với các trường hợp cầu thủ song tịch. Hồi đầu năm 2009, LĐBĐ Thổ Nhĩ Kỳ lên hẳn kế hoạch rầm rộ kêu gọi ngôi sao trẻ Mesut Oezil trở về phục vụ đất nước. Trước nguy cơ hiển hiện mất đi một “viên ngọc sáng giá”, LĐBĐ Đức tuyên bố lựa chọn cuối cùng là ở chính Oezil và họ sẽ không níu chân anh.

Oezil tâm sự rằng anh đã đứng trước một quyết định khó khăn nhất trong đời, nhưng anh sẽ không bao giờ hối hận khi lựa chọn ĐT Đức. Cho đến nay, Loew cùng các cộng sự vẫn giữ nguyên lập trường đó và ĐT Đức đã “từ bỏ” không ít tài năng như Nuri Sahin, Neven Subotic, Kevin-Prince Boateng…

Chỉ vài ngày trước, lại rộ lên chuyện Bierhoff chỉ trích tiền vệ trẻ Alexander Merkel vì lời phát biểu sẽ cân nhắc giữa ĐT Đức hoặc ĐT Nga xem lời mời nào đến trước. Cầu thủ 19 tuổi vừa được AC Milan cho Genoa mượn đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đem vinh dự quốc gia ra đặt điều kiện. Vì phát ngôn thiếu suy nghĩ trên, tương lai của Merkel với “Die Mannschaft” xem như sớm chết yểu.

Chắc chắn trong tương lai, nước Đức sẽ còn chia tay thêm nhiều “măng non” mà họ dày công đào tạo cho những quốc gia khác. Nhưng với cách làm hiện tại, ĐT Đức có thể phát triển mạnh mẽ trên đà hội nhập mà không lo bị “hòa tan”.

Câu chuyện ở ĐT Đức khiến chúng ta liên hệ đến trường hợp cầu thủ Lee Nguyễn, một tài năng đặc biệt mang dòng máu Việt. Phải rất vất vả anh mới được công nhận là công dân Việt Nam, qua đó đủ điều kiện khoác lên mình màu áo đỏ sao vàng trong tương lai.

Vậy nhưng, có nguồn tin cho biết chàng trai sinh tại Mỹ này vẫn đang nuôi mộng trở lại với đội tuyển của Xứ sở cờ hoa. Phải thừa nhận đẳng cấp của Lee Nguyễn sẽ là sự bổ sung vô cùng quý giá một khi anh lựa chọn ĐT Việt Nam. Song nếu tư tưởng của Lee Nguyễn chưa thông suốt, trái tim anh sẽ khó cháy hết mình vì nghĩa vụ quốc gia.

Liệu rằng khi đó, Lee Nguyễn có thể tìm được chỗ đứng trong tập thể của HLV Falko Goetz, một chiến lược gia đến từ Đức?! Bởi biết đâu Goetz lại chẳng có quan điểm tương đồng với Loew cũng nên.