Phông chữ

Ngày 6/1, đại diện 12 ngành công nghiệp lớn của Thụy Sĩ, trong đó có các ngành chế tạo máy, sản xuất đồng hồ, công nghệ thông tin, du lịch, bảo hiểm, y tế... đã kêu gọi cử tri nước này phản đối dự luật áp đặt hạn ngạch đối với việc cấp phép cho người nhập cư từ các nước Liên minh châu Âu (EU).

 

Dự luật "Ngăn chặn sự nhập cư ồ ạt" do đảng cánh hữu Công dân Thụy Sĩ (SVP), hiện chiếm đa số trong Quốc hội, đề xuất với mục đích hạn chế dòng người nhập cư vào nước này.

Theo thống kê, từ năm 2002 - 2012, số lượng người nhập cư vào Thụy Sĩ là 63.000 người. Hiện tại, khoảng 2 triệu trong tổng số 8 triệu người đang sống ở Thụy Sĩ là người nhập cư, tăng 3,3% so với năm 2012. Lượng người nhập cư đông nhất đến từ Bồ Đào Nha, Đức, Italy và Pháp.

Đại diện SVP cho rằng Thụy Sĩ hiện không kiểm soát được lượng người nhập cư. Điều đó tạo ra những tác động nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội nước này, như tình trạng cạnh tranh việc làm với người dân địa phương, giá nhân công lao động và giá đất tăng lên, tình trạng tội phạm gia tăng và tạo gánh nặng đối với hệ thống y tế, giáo dục và vận tải công cộng.

Trong khi đó, đại diện các ngành công nghiệp Thụy Sĩ cho rằng việc thông qua dự luật trên sẽ là một "sai lầm lớn" do nền kinh tế nước này đang phụ thuộc lớn vào lao động nhập cư.

Theo thống kê, 45% lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm và công nghệ sinh học đến từ các nước thuộc EU và khoảng 40% lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn là người nước ngoài.

Việc áp đặt hạn ngạch cấp phép cho người nhập cư hàng năm sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động của nước này, nhất là hạn chế khả năng thuê đội ngũ lao động năng động, có trình độ cao, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Trước đó, chính phủ và quốc hội Thụy Sĩ đã bác bỏ dự luật trên. Tuy nhiên, theo dự kiến, dự luật sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 9/2 tới do Thụy Sĩ theo quy chế dân chủ trực tiếp, người dân có quyền quyết định các vấn đề lớn của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu dân ý.

Các chuyên gia nhận định dự luật trên, nếu được thông qua, sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa Thụy Sĩ với EU. Mặc dù không phải là thành viên EU nhưng Thụy Sĩ lại có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với các nước trong khối này.

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Thụy Sĩ năm 2013 đạt khoảng 130 tỷ USD. Theo thỏa thuận với EU, năm 2007, Thụy Sĩ đã bỏ việc áp dụng hạn ngạch nhập cư đối với công dân các nước EU và cho phép họ tham gia thị trường lao động nước này.

Việc thông qua dự luật trên sẽ buộc Thụy Sĩ phải xem xét lại các thỏa thuận về nhập cư với EU trước đó.

Cuộc trưng cầu dân ý sắp tới mới chỉ là sự kiện khởi đầu trong một loạt các cuộc trưng cầu nhằm kiểm soát dòng người nhập cư vào Thụy Sĩ./.

TTXVN