Sau hàng loạt thông tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám điện thoại, hãng viễn thông Đức Deutsche Telekom muốn các công ty chung sức bảo vệ Internet nội địa trước tình báo nước ngoài.
Lời kêu gọi của Deutsche Telekom được đưa ra sau khi truyền thông đưa tin điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị NSA theo dõi. Theo các chuyên gia viễn thông và Internet, ý tưởng này không thể thực hiện khi người Đức vẫn lướt web được lưu trữ trên máy chủ đặt tại nước ngoài như mạng xã hội Facebook hay công cụ tìm kiếm Google.
Về cơ bản, ý tưởng đi ngược lại với hoạt động của thế giới Internet ngày nay: lưu lượng toàn cầu đi từ mạng lưới này sang mạng lưới khác dưới các thỏa thuận miễn phí hoặc trả phí mà không nghĩ đến biên giới quốc gia. Nếu nhiều nước tự dựng bức tường chống lại, nó sẽ dẫn tới hiện tượng “Balkanisation” của Internet, làm tê liệt tính hiệu quả và tính mở của thế giới web, một nguồn tăng trưởng kinh tế.
Theo Torsten Gerpott, Giáo sư Kinh doanh và Viễn thông, chưa từng có tiền lệ về lưu lượng Internet của quốc gia phát triển bỏ qua máy chủ của nước khác. Ý tưởng của Deutsche Telekom dù đáng khen ngợi nhưng hệ lụy tới rất nhiều thứ. Hồi tháng 8, hãng từng ra mắt dịch vụ “Email made in Germany”, mã hóa email và gửi chúng qua máy chủ đặt trong nước.
Trong khi các bộ định tuyến và bộ ngắt mạch có thể được lập trình lại để dữ liệu di chuyển qua một số tuyến nhất định, phần lớn dịch vụ trực tuyến không màng tới biên giới. Những công ty web thường dựa vào nhiều trung tâm dữ liệu (data center) lớn để kiểm soát toàn bộ hoạt động và họ không chọn địa điểm dựa theo nơi ở của khách hàng mà trên những yếu tố như giá điện rẻ, khí hậu mát, mạng băng rộng tốc độ cao.
Ví dụ, nếu một người dân Munich dùng Facebook để chat với bạn mình đang cách đó 500km, lưu lượng sẽ đi qua một trong ba trung tâm dữ liệu lớn của công ty đặt tại Mỹ hay Thụy Điển. Tài khoản người dùng châu Âu có thể không lưu trữ tại trung tâm đặt tại Thụy Điển mà thay vào đó những chức năng như game, nhắn tin, bài đăng trên tường (wallpost) được phân bố giữa các trung tâm để cải thiện hiệu quả.
Tương tự, email gửi qua Gmail của Google giữa hai công dân Đức có thể đi qua một trong ba máy chủ lớn của công ty tại Phần Lan, Bỉ và Ailen.
Cách duy nhất để thay đổi điều này là Đức phải yêu cầu lưu trữ website tại địa phương. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, người vô cùng tức giận trước báo cáo Mỹ gián điệp bà và những người Brazil khác, đã thúc đẩy luật pháp buộc Google, Facebook và những công ty Internet ngoại quốc lưu trữ dữ liệu của người dùng nước này bên trong Brazil. Một giải pháp khác là lãnh đạo Liên minh châu Âu nhanh chóng thông qua luật bảo vệ dữ liệu để người sử dụng dịch vụ web an toàn hơn.
Du Lam, ICTnewsTheo Reuters
Đức muốn bảo vệ người dùng Internet trước nguy cơ gián điệp
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc