Chưa hết đau đầu với căn bệnh nợ công khiến khủng hoảng kinh tế, châu Âu đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp tràn lan, tình trạng nhập cư, di dân bất hợp pháp và nạn buôn người đã ở mức báo động.
Theo báo cáo hôm 15-4 của Ủy ban châu Âu về các vấn đề gia đình, mỗi năm, Liên hiệp châu Âu (EU) có hàng nghìn người trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán người. Số liệu từ Hội đồng EU công bố cho thấy, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ công hồi năm 2008 đến năm 2010, số nạn nhân của việc buôn người đã được xác định tăng 18% lên khoảng 10 nghìn người. Mặc dù vậy, con số này chắc chắn chỉ phản ánh một phần nhỏ số các nạn nhân trên thực tế.
Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy EU phụ trách các vấn đề gia đình nói: “Những gì chúng ta biết chỉ là một phần nhỏ của tảng băng”.
Báo cáo cho hay, các nạn nhân của tội buôn người chủ yếu là phụ nữ và phần lớn họ bị ép buộc biến thành nô lệ tình dục, một số bị buộc làm lao động nặng nhọc và hoạt động trong các hoạt động tội phạm. Một số khác tiếp tục biến thành nạn nhân của những kẻ buôn bán nội tạng.
Hầu hết các nạn nhân được xác định là công dân từ Romania và Bulgaria, hai nước nghèo nhất trong EU.
Tình trạng báo động này đã khiến Hội đồng châu Âu phải thông qua các đạo luật mới hồi năm 2011 cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với những kẻ buôn người, đồng thời giúp các đạo luật này dễ thực hiện hơn ở các quốc gia thành viên cũng như bảo vệ tốt hơn các nạn nhân.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia thành viên EU đều không thực hiện nghiêm khắc và nghiêm túc các đạo luật mới nhằm ngăn chặn vấn nạn này khi mà chỉ có sáu nước trong tổng số 27 nước áp dụng luật mới. Đáng buồn hơn, hai quốc gia có nhiều công dân bị trở thành “hàng hóa” của bọn buôn người cũng đều không áp dụng các đạo luật mới.
Rõ ràng, nếu không thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới để ngăn chặn và giải quyết rốt ráo, vấn nạn này chắc chắn sẽ trở thành hòn đá ngáng đường tiến trình phục hồi kinh tế hiện nay của EU.
- T.T, Nhandan
Châu Âu đối mặt với tội phạm buôn người
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc