Phông chữ

Một hồ sơ mật của các sĩ quan cảnh sát cao cấp mô tả hiện trạng mang tính thảm họa về Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp (BfV) - Cơ quan tình báo nội địa Đức được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm mục đích phát hiện và ngăn chặn sự truyền bá chủ nghĩa cực đoan vốn từng mở đường cho Đức Quốc xã lên nắm quyền lực ở nước này vào thập niên 30 thế kỷ trước.

Người ta cho rằng, BfV có lẽ đã củng cố thêm sức mạnh cho các nhóm chiến binh cánh hữu ở Đức thông qua mạng lưới những người chỉ điểm hơn là bảo vệ hiến pháp theo đúng chức năng của nó. Và, hiện nay 4 ủy ban điều tra của Quốc hội Đức đang phân tích hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, từ đó dẫn đến việc 4 lãnh đạo phải từ chức.

Sự thất bại trong cuộc chiến chống bọn khủng bố cánh hữu đã nhấn chìm BfV vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi cơ quan này ra đời cho đến nay. Sự việc khám phá nhóm Quốc xã bí mật (NSU) và những tội ác của nhóm này đã làm lung lay đến tận đáy BfV. Hiện thời, 4 ủy ban điều tra của Quốc hội Đức đang nghiên cứu hơn 100.000 trang hồ sơ mật để làm sáng tỏ hoạt động cài người chỉ điểm của BfV vào các tổ chức cực hữu đã hoàn toàn không mang lại lợi ích.

Xung đột căng thẳng giữa cảnh sát và tình báo Đức

Cuộc bàn luận căng thẳng hiện nay xuất phát từ hồ sơ mật được lập từ năm 1997 của Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) - bản sao Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) của Đức, trong đó chỉ trích mạnh mẽ BfV thay vì kiên quyết chống lại bọn Tân Quốc xã thì lại ra sức bảo vệ chúng.  Ngày 4/11/2011, cảnh sát phát hiện thi thể 2 thành viên nhóm khủng bố cực đoan cánh hữu (NSU) là Uwe Mundlos và Uwe Bohnhardt trong một chiếc xe đỗ tại thành phố Eisenach miền Đông nước Đức.

Ngay sau đó, người của NSU tuyên bố họ đã “ra tay trừng trị 2 tên phản bội” và còn nhận trách nhiệm vụ giết chết ít nhất 9 người đàn ông và 1 nữ sĩ quan cảnh sát trong làn sóng giết người bắt đầu từ năm 2000. Các nạn nhân nam giới - gồm chủ cửa hàng hoặc nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ - thuộc về cộng đồng thiểu số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Theo BKA, toàn bộ các khu vực thuộc miền Đông nước Đức đã trở thành "cấm địa" đối với những người nước ngoài sống ở nước này. Sau đó, BKA đã tăng cường điều tra tìm kiếm những kẻ chịu trách nhiệm gây ra tội ác; trong khi đó BfV tìm cách cài người chỉ điểm vào nội bộ của cộng đồng Tân Quốc xã nhằm tìm hiểu cơ cấu và xác định rõ những tên lập kế hoạch khủng bố, kẻ cầm đầu cũng như những người ủng hộ chúng.

Vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, các cơ quan tình báo quốc gia cũng như các chi nhánh địa phương tại 16 bang nước Đức ra sức tuyển mộ  người chỉ điểm bên trong cộng đồng cực hữu. Họ cố gắng bảo đảm cho mạng lưới nội gián này sẽ không bị truy tố trước pháp luật - đây chính là yếu tố dẫn đến những xung đột dữ dội giữa cảnh sát và tình báo Đức. Sự xung đột âm ỉ đã dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt vào ngày 27/11/1996 trong suốt cuộc họp cấp cao giữa các lãnh đạo BKA và BfV để bàn luận về cuộc khủng hoảng liên quan đến bọn cực hữu.

Các sĩ quan cao cấp lãnh đạo BKA chỉ thị cho các cơ sở an ninh cấp bang (chịu trách nhiệm chống tội phạm có động cơ chính trị) điều tra làm rõ các vấn đề liên quan đến sự thất bại của cảnh sát trong các chiến dịch chống bọn cực hữu.

Ngày 3/2/1997, các sĩ quan an ninh cấp bang của BKA đệ trình bản báo cáo dài 14 trang, trong đó nêu rõ nguyên nhân của vấn đề là "tình trạng mâu thuẫn đang tăng giữa các chiến dịch của BfV và các biện pháp thực thi pháp luật".  Cụ thể, tài liệu của cơ sở an ninh cấp bang có các kết luận như sau: Hệ thống nội gián của BfV có nguy cơ tạo ra một "hiệu quả kích động" khủng bố; với lý do "bảo vệ nguồn thông tin" cho nên cơ quan tình báo chuyển giao thông tin cho cảnh sát quá muộn dẫn đến việc không ngăn chặn được các hành động của những kẻ gây tội ác; mạng lưới nội gián thường được BfV thông tin trước về những cuộc đột kích của cảnh sát cho nên có nguy cơ bằng chứng bị phá hủy trước khi lực lượng thực thi pháp luật có mặt; nội gián "được coi là tội phạm" nhưng "không hề bị buộc tội"; "tuyệt đại đa số các nguồn thông tin" là "những tên cực đoan cánh hữu chính cống" được tin là "chúng có thể hành động mà không bị truy tố do có được sự bảo vệ tích cực từ phía BfV".

Trong phân tích báo cáo đệ trình lên BKA, cảnh sát lập danh sách những cái tên và mô tả những nội gián của BfV nhiều lần được phát hiện là người tổ chức hay chủ mưu các hoạt động khủng bố giết người của bọn cực đoan cánh hữu. Ví dụ, một nội gián của BfV bên trong giới thủ lĩnh của đảng Công nhân Đức tự do Tân Quốc xã (FAP) - người tổ chức các cuộc họp bí mật mà cảnh sát đã cố gắng có biện pháp ngăn chặn nhưng không thành công - được BfV cảnh báo sớm về lệnh cấm hoạt động sắp được thi hành đối với FAP vào tháng 2/1995 nên giúp hắn có đủ thời gian để tiêu hủy toàn bộ 2 túi chứa tài liệu phạm tội.

Các thành viên NSU tuần hành tưởng niệm Rudolf Hess ở Worms, năm 1996.

Trong một cuộc thẩm vấn, cha của kẻ nội gián này cho biết, ông ta rất ngạc nhiên về việc con trai ông luôn nhận được cảnh báo sớm về mọi hoạt động của cảnh sát và tòa án! Một người chỉ điểm khác của BfV - kẻ bị nghi ngờ dính líu đến những cuộc tấn công khủng bố bằng bom thư - nhận được tin báo từ cơ quan tình báo nên không bị cảnh sát bắt giữ và kịp thời bay sang Hy Lạp vào tháng 3/1995.

Sau khi trở về Đức, người này bị BKA tra vấn về vấn đề khác và hắn được phép thuê luật sư. Nhưng thực tế hắn chỉ gọi đến người tuyển mộ mình trong BfV để yêu cầu giúp đỡ và sau đó nhận được chỉ dẫn cách "nói chuyện" với cảnh sát! Giới chức BKA còn tức điên lên về nhiều hành động hết sức kỳ quặc khác của BfV.

Những người chỉ điểm không bị trừng phạt

Theo tài liệu của BKA, BfV còn tuyển mộ Andree Z. - một trong những thủ lĩnh của nhóm Tân Quốc xã khét tiếng mang tên Mặt trận hành động Sauerland - làm người chỉ điểm. Andree Z. là phần tử khủng bố có bí danh "Lustscher", đã chết trong một tai nạn ôtô vào cuối năm 1997 - được coi là người truyền bá tư tưởng Tân Quốc xã để tạo ra một cộng đồng cực đoan trong lòng nước Đức. Khi Cơ quan Tư pháp Liên bang Đức (FAO) mở cuộc điều tra về Andree Z. thì ngay lập tức người của BfV báo tin cho hắn biết. Sau vụ việc động trời này, giới chức BKA than phiền rằng "không có cuộc nói chuyện điện thoại nào" liên quan đến Andree Z. được ghi âm nữa!

Mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng Tân Quốc xã và tình báo Đức dường như được công khai khi xảy ra cuộc tuần hành thường niên nhằm tưởng niệm chính khách Quốc xã Rudolf Hess - gọi là "Rudolf Hess Action Week" - của bọn cực đoan cánh hữu vào tháng 8/1994. Những cuộc tuần hành như thế này bị các tòa án Đức cấm vào năm 2005. Tin rằng, có không dưới 5 người chỉ điểm của BfV nằm trong số những điều phối viên của sự kiện "Rudolf Hess Action Week". Sau đó, bộ phận an ninh của BKA còn phát hiện Andree Z. và một phần tử tên là Kai D. một lần nữa tham gia tổ chức cuộc tuần hành tưởng niệm Rudolf Hess vào ngày 17/8/1996.

Tài liệu của BKA cho biết, hoạt động của những người chỉ điểm của BfV vượt xa khỏi vai trò thụ động. Ví dụ, Andree Z. ấn định người phát ngôn cho sự kiện tưởng niệm Rudolf Hess, trong khi Kai D. thiết kế những tờ bướm quảng bá tuyên truyền cho sự kiện. Cuộc tuần hành tưởng niệm Rudolf Hess được lên kế hoạch tuyệt mật đến mức địa điểm diễn ra sự kiện - ở thành phố Worm miền Nam nước Đức - chỉ được thông báo đến các thành viên Tân Quốc xã vào thời điểm cận kề nhất. Tuy nhiên, Kai D. khôn khéo chỉ cẩn thận quan sát sự kiện từ khoảng cách an toàn.

Chiều ngày 17/8/1996, cảnh sát bắt giữ Kai D. khi hắn đang cố vượt biên giới đến Luxemburg trên một chiếc ôtô. Kai D. được dẫn ngay đến Đồn cảnh sát Saarbrücken gần đó, nơi đây hắn yêu cầu được nói chuyện với đặc vụ của Cục Cảnh sát hình sự bang (LKA) để tiết lộ một "thông điệp quan trọng" mà không chấp nhận "sĩ quan cảnh sát bình thường". Một lúc sau 2 sĩ quan LKA xuất hiện và Kai D. tự tin nói nếu hắn không được thả ra để xoa dịu tình hình thì hậu quả sẽ càng tồi tệ thêm, thậm chí có "những cuộc tấn công khủng bố". Thế là, vài giờ sau đó Kai D. được thả!

Một thành viên Tân Quốc xã Đức.

Đây không phải là lần đầu tiên người chỉ điểm của BfV được trả tự do một cách nhẹ nhàng như thế. Những kẻ chỉ điểm như Kai D. được coi là công cụ cực kỳ có giá trị đối với các cơ quan tình báo Đức bởi vì họ có thể xâm nhập vào những nơi mà chính quyền không thể vào được. Tuy nhiên, họ thậm chí còn nói dối và lừa gạt, thế thì với người của tình báo Đức, họ xem có ra gì! Với vỏ bọc làm việc cho tình báo Đức nên bọn họ dễ dàng hoạt động mà không hề bị can thiệp bắt giữ. Thực tế cho thấy mạng lưới người chỉ điểm không giúp BfV "bảo vệ hiến pháp" mà thậm chí còn chống lại trật tự Nhà nước Đức! 

Liệu mạng lưới những người chỉ điểm có thật sự cần thiết?

Winfried Ridder là cựu lãnh đạo BfV. Sau 20 năm làm việc trong BfV ông thấy rõ một sự thật là "Nhà nước hiến pháp Đức không thể tiếp tục sử dụng mạng lưới những người chỉ điểm theo cách đã làm trong quá khứ". Weinfried Ridder tin chắc rằng, sự phản bội luôn hiện diện trong mạng lưới như thế và các cơ quan chính quyền dứt khoát nên "tống khứ" các nguồn thông tin con người cực đoan, mà thay vào đó, Ridder cho rằng, cộng đồng tình báo Đức nên gài nội gián vào các nhóm khủng bố cực đoan tiềm ẩn bằng cách cung cấp cho các điệp viên thực thụ những giấy tờ giả cần thiết (như tình báo Mỹ và đặc biệt là Cơ quan Tình báo quân đội Mossad của Israel vẫn làm) và sau đó biến họ thành những điệp viên hoạt động ngầm.

Song, cho đến nay không một bộ trưởng Nội vụ Đức nào làm điều đó! Đương kim Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich thuộc đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo bảo thủ (CSU) tuyên bố: "Nếu không tiếp tục sử dụng mạng lưới những người chỉ điểm thì chúng ta sẽ không có được thông tin gì từ cộng đồng khủng bố cực đoan cánh hữu trong nước". Và, phần lớn những đối tác của ông trong Chính phủ Đức cũng tán đồng quan điểm này!

Thật ra, những người chỉ điểm cũng từng cung cấp nhiều thông tin tình báo có giá trị trong một số trường hợp. Ví dụ, chi nhánh BfV ở bang Bayern nhận được tin báo mật từ một nguồn chỉ điểm vào năm 2003 nên nhờ đó mà ngăn chặn kịp thời vụ đánh bom khủng bố do nhóm Tân Quốc xã của Martin Wiese lên kế hoạch nhằm vào một sự kiện của trung tâm cộng đồng người Do Thái ở thành phố München.

Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức BND và BfV cũng nắm được thông tin từ mạng lưới người chỉ điểm về một vài vụ đánh bom do bọn Hồi giáo cực đoan lên kế hoạch. Do đó mà Ulrich Maurer, thành viên đảng Dân chủ Xã hội trung tả Đức (SPD) và lãnh đạo Cơ quan Nội vụ bang Bremen, cảnh báo "nếu không có những người chỉ điểm thì chúng ta sẽ không còn nhận được những thông tin nhạy cảm nữa".

Nhưng, trong tương lai phải có sự giám sát chặt chẽ mạng lưới những người chỉ điểm và không một nguồn cực đoan nào được sử dụng nếu không có sự phê chuẩn của các nhà lập pháp. Nghĩa là sắp tới BfV sẽ thành lập một đơn vị đặc nhiệm có nhiệm vụ theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của những người chỉ điểm để phát hiện sớm những trường hợp nguy hiểm mà ngăn chặn kịp thời. Các cơ quan an ninh Đức cũng đang bàn luận về khả năng thành lập một cơ sở dữ liệu trung tâm về mọi mạng lưới người chỉ điểm.

  •   Trang Thuần - Thiên Minh (tổng hợp) CAND