Hôm qua (10/12), đại diện Liên minh châu Âu đến Na Uy nhận giải Nobel Hòa bình 2012. Giải thưởng được trao cho EU vì 6 thập kỷ nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu.
Năm 1957, sáu nước gồm Bỉ, Đức, Pháp, Italy, Luxembourg và Hà Lan đã thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu với mục tiêu chính là ngăn chặn chiến tranh và tái thiết kinh tế và họ đã thành công. Với sự liên kết này, Cộng đồng kinh tế châu Âu có một hệ thống kinh tế và dân chủ có một không hai trên thế giới. Năm 1993, Cộng đồng kinh tế châu Âu đổi thành Liên minh châu Âu (EU) nhằm phản ánh sự thay đổi đó.
Một châu Âu không biên giới
Tại ngôi làng nhỏ Schengen, phía Đông - Nam Luxembourg, gần ngã ba biên giới với Đức và Pháp, ngày 14/6/1985, các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Đức đã ký kết Hiệp định Schengen, bãi bỏ việc kiểm soát biên giới lẫn nhau. Năm 1995, hiệp ước Schengen chính thức có hiệu lực, cho phép người dân các nước EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên mà không cần thị thực. Nhờ vậy, người dân trong khối có thể sống, làm việc, học tập và nghỉ ngơi tại tất cả các nước thành viên.
Đồng tiền chung châu Âu: Thuận lợi và thách thức
Hội nhập kinh tế trở nên dễ dàng hơn với việc ra đời một đồng tiền chung, đồng Euro ngày 1/1/2002. Không còn tỉ giá hối đoái, không còn biên giới, đồng Euro đã làm đơn giản hóa cuộc sống của hàng triệu người dân châu Âu tại các nước thành viên Eurozone.
Anh Marco Schlitz, Lái xe tải đường dài chia sẻ: ”Trước đây chúng tôi lái xe qua Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, phải đổi các loại tiền Franc, Peseta, Mark... bây giờ thì chỉ cần đồng Euro”.
Tuy nhiên, đầu năm 2010, khu vực đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công. Từ Hy Lạp, nợ công nhanh chóng lan sang Ireland, rồi Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, nhưng khó khăn về kinh tế càng cho thấy tình đoàn kết giữa các nước trong liên minh.
Anh Luwig, Người dân Đức nói: “Tôi rất buồn nếu châu Âu bị ảnh hưởng trong những thời điểm khó khăn. Chúng tôi có những vấn đề nhưng chúng tôi luôn đoàn kết với nhau. Nó có giá trị lớn và đó là phần thưởng đối với tôi”.
EU mở rộng hơn và có trách nhiệm hơn
Trong quá trình hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, Liên minh châu Âu luôn khẳng định là một hình mẫu thành công trên thế giới về sự liên kết chính trị và kinh tế. Từ 6 nước thành viên ban đầu, EU bây giờ lớn mạnh với 27 thành viên. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế trong thời gian qua, EU vẫn là nhà tài trợ phát triển lớn nhất thế giới với 53 tỉ Euro viện trợ phát triển (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011, chiếm hơn 50% tổng viện trợ của thế giới. Qua chính sách an ninh và đối ngoại chung, EU đã tham gia vào những nỗ lực hòa giải nhằm ngăn chặn hay giải quyết xung đột tại nhiều nước trên thế giới như khu vực Balkan.
Giải Nobel Hòa bình năm 2012 được trao cho EU là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của EU trong 6 thập kỷ qua.
Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “Giải Nobel Hòa bình được trao cho EU là sự ghi nhận đối với hòa bình và ổn định của cộng đồng trong suốt 60 năm qua. Giải thưởng này không phải đến một cách ngẫu nhiên, mà là sự ghi nhận một quá trình”.
EU được nhận giải Nobel Hòa bình cũng là nhận một nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa hòa bình trên thế giới. Sứ mạng này từng là mục đích ra đời và EU sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi sứ mạng đó.
- Tác giả : Thanh Thủy, VTV