Ngày 27/4/2025 TP.HCM, – Tiếp nối Tuần lễ Báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn phóng viên quốc tế và kiều bào đã có một ngày đầy cảm xúc khi tham quan các địa điểm lịch sử gắn liền với ký ức chiến tranh và nghề báo.
Những hình ảnh không thể quên tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Buổi trưa, đoàn đã đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật và hình ảnh phản ánh nỗi đau của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, triển lãm “Chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam” của nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Goro Nakamura đi cùng đoàn phóng viên quốc tế đã thu hút sự chú ý. Ông Nakamura, người đã dành phần lớn sự nghiệp để ghi lại hậu quả của chất độc da cam, đã giới thiệu nhiều bức ảnh chân thực về nỗi đau của các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc này.
Nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Goro Nakamura
Cũng tại đây, đoàn đã chiêm ngưỡng bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út, người cũng có mặt trong chuyến đi. Bức ảnh chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu sau khi làng bị phi cơ Mỹ tấn công bằng bom napalm vào năm 1972 đã trở thành biểu tượng toàn cầu về sự tàn khốc của chiến tranh và góp phần thay đổi quan điểm của công chúng Mỹ về cuộc chiến.
“Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út
Cuộc hội ngộ xúc động tại Trung tâm Báo chí Quốc tế
Buổi chiều, đoàn phóng viên quốc tế tiếp tục hành trình đến thăm Trung tâm Báo chí Quốc tế trước năm 1975, hiện nay đặt tại khách sạn Caravelle Saigon – nơi từng là “tổng hành dinh” của báo chí nước ngoài trong những ngày sôi động cuối cùng của chiến tranh Việt Nam.
Tại không gian lịch sử này, một buổi gặp gỡ đầy xúc động đã diễn ra giữa các cựu phóng viên chiến trường quốc tế và những nhà báo lão thành Việt Nam. Tham dự buổi giao lưu có những tên tuổi lừng danh như ông Nayan Chanda (Tạp chí Far Eastern Economic Review), nhiếp ảnh gia Nick Ut (hãng AP, tác giả bức ảnh “Em bé Napalm” huyền thoại), bà Edith Lederer (hãng AP), nhà báo Tom Fox (báo New York Times và Time Magazine), cùng các nhà báo Việt Nam như đạo diễn Xuân Phượng và nhiều phóng viên kỳ cựu trong nước.
Nhà báo Tom Fox trò chuyện với những người tham dự chương trình
Trong bầu không khí ấm áp, các nhà báo đã cùng nhau hồi tưởng lại những năm tháng khói lửa, chia sẻ những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh, mỗi bài báo đã góp phần làm lay động lương tri nhân loại về cuộc chiến tại Việt Nam. Những ký ức về những ngày lăn lộn ngoài chiến trường, đối mặt với hiểm nguy cận kề, nhưng vẫn giữ trọn đạo đức nghề nghiệp để phản ánh trung thực những gì đã và đang diễn ra, được kể lại đầy xúc động.
Không chỉ ôn lại quá khứ, những người có mặt cũng nhấn mạnh vai trò vĩnh cửu của báo chí trong việc bảo vệ sự thật và nhân quyền. Nhiều câu chuyện cá nhân lần đầu được hé lộ, như hành trình Nick Ut cứu sống bé Kim Phúc ngay sau khoảnh khắc lịch sử ông bấm máy, hay những góc nhìn đầy nhân văn mà Goro Nakamura đã âm thầm ghi lại trong các thước phim hậu quả chiến tranh.
Buổi gặp gỡ khép lại bằng phần giao lưu tự do đầy sôi nổi, nơi những con người từng là nhân chứng của lịch sử cùng nhau hướng về một tương lai hoà bình và hợp tác. Từng ánh mắt, nụ cười, những cái bắt tay thật chặt đã kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên một bản hòa ca của ký ức và hy vọng.
Lam An, tapchihuongviet.eu
Một số hình ảnh:
Hành trình ký ức qua ống kính chiến tranh và cuộc hội ngộ lịch sử
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc