Phông chữ

Kết quả một cuộc điều tra dư luận do BBC World Service tiến hành gần đây cho thấy, Đức là quốc gia có cái nhìn tiêu cực nhất về Trung Quốc, 76% số người được phỏng vấn cho rằng “Trung Quốc là nước chủ yếu gây ra những tác động tiêu cực đối với thế giới”, tỷ lệ này thậm chí còn vượt qua Nhật (73%).

 

Kết quả này thu hút sự chú ý đối với dư luận, bởi giữa Trung Quốc và Đức không hề có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ, không tồn tại lịch sử thù hằn, quan hệ văn hóa và kinh tế tốt đẹp, tại sao người dân Đức lại có cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc như vậy?

Những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy “hòa bình” của Trung Quốc, truyền thông Đức khá quan tâm đến tình hình Trung Quốc, theo đó các mặt xấu của chính quyền Bắc Kinh theo đó cũng được phơi bày.

Chẳng hạn như trên trang Der Spiegel của Đức (là một trong các tạp chí uy tín và bán chạy nhất tại Châu Âu) ngày 26/08/2007 đăng tải bài viết có tiêu đề “Gián điệp vàng – Trung Quốc tại sao ăn cắp công nghệ của Đức” cho biết, những người dân hoa kiều tại Đức chính là các gián điệp.

Tiếp tục phơi bày mặt trái của Trung Quốc, tạp chí Focus (tuần báo lớn thứ 3 của Đức) ngày 25/02/2013 đăng tải bài viết có tiêu đề “Trung Quốc khiến người ta lo sợ”, cùng với tiêu đề phụ bắt mắt phía dưới “Hoạt động gián điệp, ăn cắp tài liệu, mở rộng quân sự: Trung Quốc là mối đe dọa lớn của chúng ta”.

Tính tổng cộng các bài báo của truyền thông Đức viết về Trung Quốc năm 2008 là 8.766 bài, nhưng đa số các bài viết đều là tiêu cực. Theo đó, truyền thông Đức miêu tả Trung Quốc là “một quốc gia độc tài”, “tội phạm phá hoại môi trường”, “nhà sản xuất sản phẩm giá rẻ”, “kẻ vi phạm bản quyền”, “tiến hành chủ nghĩa thực dân tại châu Phi”…

Ngoài ra, Đức còn phê phán chế độ tử hình, chế độ lao động, vấn đề an toàn thực phẩm, đồ chơi độc hại cho trẻ em, sự ngược đãi đối với dân tộc thiểu số vùng Tân Cương, vấn đề tự do tôn giáo, tình hình nhân quyền không mấy tốt đẹp của Trung Quốc, cũng được cho là nguyên nhân khiến cho người dân Đức có một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc.

Thêm vào đó, các vấn nạn tiêu cực như nhiều xí nghiệp tại Đức phải đóng cửa, thất nghiệp gia tăng, giá sữa và hàng hóa gia tăng cũng được giới chức trách Đức đánh giá một phần nguyên nhân là những “trò chơi bẩn” của Trung Quốc như ăn cắp sáng chế, hàng nhái, phá giá thị trường…
Theo đó, có người nhận xét rằng, cái nhìn của người dân và truyền thông Đức tất nhiên không phải là toàn diện, khách quan nhưng cũng không phải là không phù hợp với thực tế, Trung Quốc cần quan tâm, chú ý đến điều này.

Không chỉ Đức, rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng nhìn Trung Quốc với “đôi mắt hình viên đạn” bởi những hành xử ngang ngược, “chơi xấu” và đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng ngày càng lộ rõ của nước này.

Có vẻ như hình ảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên xấu xí trong con mắt quốc tế, và thực sự đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tờ The Diplomat của Nhật Bản dẫn lời học giả Dingding Chen cho biết, nếu được yêu cầu phải chọn lựa giữa vấn đề lợi ích quốc gia và việc bảo vệ hình ảnh quốc gia, Trung Quốc có lẽ sẽ chọn lợi ích quốc gia.

BIZlive