Phông chữ

Cách đây đúng 100 năm, khi Thế chiến 1 bùng nổ ở châu Âu vào đầu tháng 8-1914, Sài Gòn lúc ấy là thuộc địa của Pháp đã chứng kiến những sự kiện đặc biệt. Sự thù hận giữa hai nước tham chiến Pháp và Đức đã bộc lộ không kìm chế ở Sài Gòn, mà nạn nhân là những kiều dân Đức vô tội. Họ là những nhà kỹ nghệ, kỹ sư, thương gia đã sống và làm việc ở Sài Gòn trong nhiều năm trong lãnh vực sản xuất, dịch vụ thương mại hàng hải, bảo hiểm, xuất nhập khẩu...

 

Những sự kiện này nhắc ta nhớ rằng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào thì người dân ở hai bên chiến tuyến là những người gánh chịu thua thiệt nhiều nhất.

Người Đức ở Sài Gòn

Cộng đồng người Đức có mặt ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1860, không lâu sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ. Vào đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Đức khá đông đảo mà đa số là các doanh nhân chuyên về dịch vụ bảo hiểm, chuyên chở hàng hóa bằng tàu biển. Người Đức có tiếng ở Sài Gòn lúc này là ông F. W. Speidel. Ông Speidel là chủ Công ty Speidel et Cie chuyên buôn bán đèn dầu, dầu hỏa, bảo hiểm hàng hải, xay xát lúa, xuất nhập cảng và chuyên chở hàng hóa trên các tuyến đường biển ở Viễn Đông.

Công ty Speidel có hai nhà máy xay lúa lớn nhất ở Nam kỳ là Nhà máy Orient et Progres và Nhà máy Union. Hai nhà máy này nằm dọc theo kênh Tàu Hủ ở Sài Gòn-Chợ Lớn, cạnh tranh với các nhà máy xay lúa khác trong khu vực của người Hoa từ Chợ Lớn, Singapore, Malacca và Penang. Công ty Speidel et Cie còn có các tàu chuyên chở hàng hóa làm ăn mật thiết với một công ty tàu biển Đức khác ở Viễn Đông là Jebsen & Co.

Ngoài Công ty Speidel trụ sở ở số 44 Quai de Belgique (Quai de l’Arroyo Chinois, tức bến Chương Dương ngày nay), trên con đường này còn có nhiều cơ sở thương mại của các công ty Đức khác như công ty bảo hiểm hàng hải Engler et Cie (số 8), công ty bảo hiểm Diethelm et Cie (số 23), công ty nhập bia, nước uống của ông Bierdermann và Waespé (số 30-37)...

Mặc dầu cạnh tranh với người Hoa trong lãnh vực xay xát lúa gạo nhưng Công ty Speidel cũng hợp tác với người Hoa trong dịch vụ chuyên chở hàng hóa và lúa gạo của các thương gia gốc Hoa ở các thành phố cảng như Sài Gòn, Hải Phòng, Singapore, Hồng Kông trên các tuyến hàng hải mà tàu của rất nhiều nước tham gia cạnh tranh khốc liệt. Thương mại quốc tế qua tàu biển từ Singapore, Sài Gòn, Phnôm Pênh, Hải Phòng, Hồng Kông đến các cảng ở Trung Hoa như Bắc Hải, Hạ Môn, Thượng Hải và Nhật Bản như Yokohoma, Nagasaki rất phát đạt với các tàu buôn mang cờ của đủ các nước. Ông Vương Thái (Wang-Tai), một thương gia già và có thế lực ở Sài Gòn, đã mướn và dùng tàu Triumph của Công ty Speidel năm 1891 trên tuyến đường biển Hải Phòng - Bắc Hải (cảng Beihai, Quảng Tây).

Công ty Speidel et Cie do một người Đức, ông Theodore Speidel, thiết lập vào năm 1868 ở Sài Gòn. Đây là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên thiết lập ở Việt Nam, chỉ vài năm sau khi người Pháp đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Đặc biệt, có một người Hòa Lan, ông Jan George Mulder, làm việc cho Công ty Speidel ở chi nhánh Hải Phòng, bán đèn dầu và dầu hỏa. Trong lúc rảnh việc, ông say mê nghiên cứu nhiếp ảnh nổi (stereoscopic photographs) trên mảnh kính và đã chụp nhiều ảnh nổi sinh hoạt thường ngày ở Hải Phòng vào các năm 1904-1908 (8). Đây là những ảnh tư liệu quý giá về xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Ông Theodore Speidel hoạt động tích cực trong lãnh vực thương mại hơn 30 năm, và là hội viên của Phòng Thương mại Sài Gòn (1882). Ông mất ở Paris năm 1909 và được ông F.W Speidel thay thế điều hành công ty.

Cũng như Theodore Speidel trước đó, ông F.W. Speidel là đại diện lãnh sự của Đức và cả hai nước Bỉ và Đan Mạch ở Sài Gòn. Ông đến Sài Gòn ít nhất là trước năm 1871, làm việc cho công ty bảo hiểm Engler et Cie cũng do một người Đức nổi tiếng ở Sài Gòn thành lập là ông Albert Engler.

Ông F.W Speidel rất được kính nể trong cộng đồng thương mại ở Sài Gòn. Ông giúp đỡ và có quan hệ tốt đẹp các thương gia người Việt, các kiều dân nước ngoài như Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Trung Hoa. Vì ông có kinh nghiệm thương mại hàng hải, ông đã giúp tàu chiến Palas của Hoa Kỳ và nhiều tàu khác của các nước bị hư hại vào sửa chữa ở cảng Sài Gòn. Theo ông Sewell, lãnh sự Hoa Kỳ ở Singapore, thì ông Speidel là người lịch thiệp, rất được quý trọng trong cộng đồng nguời Mỹ ở Sài Gòn. Đã có lúc ông Sewell đề nghị với Chính phủ Hoa Kỳ cho ông Speidel làm đại diện lãnh sự của Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

Đặc biệt ông F.W.Speidel có quan hệ rộng rãi với các thương gia người Hoa ở Chợ Lớn, tham gia vào nhiều công tác xã hội và là hội viên hội đồng quản trị của Hội Y tế Nam kỳ (Association Hospitalière de Cochinchine) ở Chợ Lớn.

Mất tất cả vì chiến tranh

Ngày 3-8-1914, Đức tuyên chiến với Pháp và đánh bọc Pháp qua Bỉ. Bỉ, một nước trung lập, bị xâm phạm và vì thế Anh tuyên chiến với Đức ngày 4-8-1914. Thế chiến 1 thật sự bùng nổ.

Tin tức chiến tranh giữa đồng minh (Anh, Pháp, Nga) và Đức-Áo đến Sài Gòn ngày 4-8-1914. Chiều ngày 6-8-1914, người Pháp ở Sài Gòn tụ tập biểu tình gây không khí căng thẳng chống Đức. Báo The Straits Times ở Singapore ra ngày 19-8-1914 đã tổng hợp tin tức các báo tiếng Pháp xuất bản ở Nam Kỳ, kể lại những sự kiện xảy ra chiều ngày 6-8-1914, tóm tắt như sau:

Người Pháp biểu tình vào buổi sáng trước tòa lãnh sự Đức và kéo cờ Đức xuống. Vào buổi chiều tối, số người biểu tình kích động tụ tập lần nữa chung quanh tòa Bưu điện Sài Gòn. Ở đây một người Sài Gòn rất quen thuộc, ông Carpentier diễn thuyết với một bài nói chuyện chống Đức hằn học, trong đó ông đả phá việc cho phép sự hiện diện của người Đức và đòi hỏi trục xuất ngay lập tức tất cả công dân Đức ra khỏi thuộc địa.

Một cuộc tuần hành sau đó tiến về tòa nhà lãnh sự Đức giữa những tiếng la hét, huýt sáo, hát các bài ca ái quốc (Pháp). Tại tòa lãnh sự Đức, có tiếng súng nổ và các tiếng hô lớn “Trả thù”, “Khai tử nước Đức” phát ra từ đám đông. Những người biểu tình sau đó tuần hành đến tòa lãnh sự Bỉ và Nga. Lãnh sự Bỉ và Nga được ca ngợi tiếp đón với nhưng tiếng vỗ tay hoan hô rần trời.

Đám đông cũng đi cướp phá trụ sở của Công ty Speidel and Co. trên đại lộ Charner. Nhưng chính tại câu lạc bộ Đức trên đường Lefevre mà những sự kiện nghiêm trọng nhất đã xảy ra. Chỉ trong vòng 15 phút, câu lạc bộ bị phá sạch, bàn ghế, đồ trang trí, tranh, sách... không còn gì khác hơn là một đống đổ nát...
Phóng viên từ Singapore của tờ báo Straits Times ở Java, nơi những người Đức bị trục xuất đến trú ngụ, sau đó thuật lại:

Vào ngày 6-8, cao ủy cảnh sát thành phố ra lệnh cho tất cả người Đức đóng cửa các cơ sở thương mại của họ vì dân chúng có thể biểu tình bất cứ lúc nào. Người Đức buộc phải rời thành phố trên chiếc tàu Solveig của Na Uy vào sáng sớm ngày 7-8. Những người quản lý các cơ sở thương mại người Đức không có thời gian sắp xếp công việc hay giao lại cho những người đại diện tin cậy. Ngay cả những người giúp việc và nhân viên bản xứ của các cơ sở thương mại Đức cũng bị hăm dọa bởi các đám biểu tình, trong đó nhiều trường hợp bị đối xử thô bạo.

Vào lúc 3 giờ sáng, 33 người Đức, đàn ông lẫn đàn bà, không một người nào có trên tay đồ đạc cá nhân gì hết, đứng trên boong tàu Solveig sửa soạn rời Sài Gòn nơi mà họ đã sống bao nhiêu năm. Tàu Solveig ra khỏi cảng Sài Gòn lúc khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ sáng nhưng không bao lâu sau một chiếc tàu của chính quyền rượt theo bắt tàu trở về cảng. Không có gì xảy ra sau đó và sau một thời gian dài bị đình trệ, tàu Solveig rời cảng lần thứ hai đi Batavia.

Đây là câu chuyện đau lòng của những người Đức sống ở Sài Gòn, được những người Đức di tản thuật lại ở Batavia. Họ sẽ ở lại Batavia cho đến khi hết chiến tranh bởi vì họ không nghĩ là họ có thể trở về Đức trong lúc này.

Đoạn kết

Ông Speidel sau khi buộc phải rời bỏ Sài Gòn đã đến Sukabumi, Java thuộc Hòa Lan và trú ngụ ở đó chờ đợi cho đến khi thế chiến chấm dứt. Không có tư liệu nào để lại cho biết số phận của ông ra sao. Công ty Speidel et Cie hiện diện gần nửa thế kỷ từ năm 1868 cho đến năm 1914, đã đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Nam kỳ và Đông Dương, nhất là trong lãnh vực lúa gạo, dịch vụ chuyên chở đường biển và bảo hiểm nhưng chỉ trong một ngày tháng 8-1914 tất cả đã tiêu tan. Ông rời Sài Gòn với hai bàn tay trắng, chắc hẳn ông rất đau buồn vì hầu như cả cuộc đời của ông sống và làm việc ở đó.

Hai nhà máy xay xát lúa của ông, Nhà máy Union et Progres và Nhà máy Orient, bị chính quyền tịch thu và sau đó đã được đem ra bán đấu giá ở Sài Gòn vào ngày 20-8-1915. Hai nhà máy này đã được hai người Hoa từ khu Straits Settlements, gồm Singapore, Penang, Malacca mua lại. Người Hoa từ đó hoàn toàn nắm thị trường xay xát và buôn bán lúa gạo ở Nam kỳ. Các cơ sở khác của Công ty Speidel trong lãnh vực buôn bán đèn dầu và dầu hỏa ở khắp Đông Dương đã được công ty dầu hỏa Hoa Kỳ Standard Oil đứng ra thay thế.

Sau Thế chiến thứ 1, với hòa ước Versailles Đức mất nhượng địa Giao Châu Loan (ở Nam bán đảo Sơn Đông) và thành phố Thanh Đảo ở Trung Hoa cho Nhật vì Nhật là một trong các nước đồng minh tuyên chiến với Đức ở Viễn Đông. Thuộc địa Đức ở Papua New Guinea được giao cho Australia quản lý và các đảo khác ở Thái Bình Dương mất cho Nhật. Hầu như tất cả các cơ sở và hoạt động thương mại của các công ty Đức ở Viễn Đông không còn.

Nguyễn Đức Hiệp, TBKTSG