Trước tình cảnh kinh tế èo uột ở quê nhà, hiện nay các doanh nhân từ Italia ùn ùn bay sang thủ đô Berlin của nước Đức để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và từ đó dẫn đến sự phát triển mạnh một cộng đồng người Italia bên trong môi trường kinh doanh ngành này ở Đức. Dòng chảy người Italia vào nước Đức có thể thấy rõ qua lăng kính DigItaly Berlin - cộng đồng những người Italia làm việc trong môi trường công nghệ thông tin (IT) ở Berlin.
Cách đây một năm, Silvia Foglia đến thủ đô nước Đức và cùng với một nhóm bạn thân thành lập Công ty DigItalia. Nhưng, hiện nay DigItaly Berlin đã có trên 500 thành viên và họ gặp nhau một lần mỗi tháng để trao đổi về các sự kiện công nghệ thông tin diễn ra trên khắp nước Đức.
Mới thoạt nhìn, cuộc họp mặt công nghệ cao diễn ra vào tháng 5/2013 trong khuôn viên một trường đại học ở thủ đô Berlin của nước Đức không có vẻ gì là đặc biệt - ngồi trước chiếc bàn chất đầy những chai nước và hộp bánh pizza, các doanh nhân bàn tán sôi nổi về những trải nghiệm của mình về công nghệ thông tin. Nhưng, có một khác biệt rất lớn, đó là ngôn ngữ được sử dụng không là tiếng Anh mà là tiếng Italia. Đây là một khuynh hướng đang tăng ở Berlin.
Cùng với cuộc khủng hoảng đồng euro quét qua khu vực Nam Âu, ngày càng có nhiều người Italia trẻ tuổi năng động bay đến Berlin để khởi nghiệp hay làm việc cho các công ty IT mới thành lập. Silvia Foglia, 35 tuổi, gọi đây là "một hiện tượng bùng nổ". Và dĩ nhiên, các công ty IT mới thành lập đặc biệt có sức hút đối với người nước ngoài đến Đức tìm cơ hội sống còn trước thảm cảnh kinh tế hiện nay. Berlin không chỉ là thành phố có giá thuê nhà rẻ mà nó còn là mảnh đất hứa hẹn cho các chuyên gia IT trẻ tuổi, trong khi không đòi hỏi phải thông thạo tiếng Đức.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Đức, mỗi ngày có đến 5 công ty IT mới ra đời - trong đó nhiều công ty do người nước ngoài thành lập - ở Berlin giúp thành phố trở thành khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất của Đức. Nền kinh tế ảm đạm của Italia đã thúc đẩy các tài năng khoa học công nghệ của nước này tìm đường đến Đức. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Italia đạt mốc 40,5% vào tháng 4/2013, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1966 của nước này - theo cơ sở dữ liệu thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU).
Sau 2 năm miệt mài làm việc ở Thung lũng Silicon, Francesco Baschieri - thành viên 37 tuổi của DigItaly và đồng sáng lập trình ứng dụng chia sẻ âm nhạc và thu âm Speaker - muốn đưa hoạt động của mình trở về quê hương Italia, nơi lần đầu tiên anh phát triển ý tưởng về ứng dụng, song lại không tuyển mộ được các kỹ sư trẻ sẵn lòng đi theo do lo ngại không có nhiều cơ hội ở Italia.
Nhưng, Baschieri cho biết Berlin lại là một câu chuyện khác: "Khi nghĩ đến thành phố Berlin, chúng tôi quan tâm ngay lập tức bởi vì mọi người có thể phát triển nghề nghiệp ở đó. Còn nếu làm ăn không suôn sẻ, chúng tôi có thể chuyển sang nơi khác".
Không gian làm việc của một chuyên gia IT Italia ở Berlin. Silvia Foglia cho biết, khi mới đến nước Đức chị gặp rất nhiều khó khăn bởi vì không biết tiếng Đức, do đó chị đã mạnh dạn thành lập DigItaly Berlin để cùng làm việc với những người Italia nhập cư khác. Hiện nay, Foglia thường xuyên về Italia để nói chuyện với giới trẻ quê nhà về môi trường đầu tư vào lĩnh vực IT thuận lợi ở Berlin. Cứ mỗi tuần, Foglia đều tiếp chuyện những người Italia muốn tìm cơ hội ở Berlin. Tuy nhiên, không dễ nắm bắt chính xác con số những chuyên gia IT cũng như những doanh nhân lập công ty mới của Italia đến Berlin trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy từ khi Italia ngập ngụa trong khủng hoảng thì dòng chảy trí thức từ nước này sang Đức cứ tăng đều. Theo cơ quan thống kê Destatis của chính quyền Đức, so với năm 2011 thì số người nhập cư vào nước này tăng lên 40% vào năm 2012.
Alessandro Petrucciani, đồng sáng lập DigItaly Berlin, hợp tác với hai người bạn quen biết trong thời gian học tập ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha để phát triển một trình ứng dụng gọi là Klash, và mới đây nó may mắn nhận được trợ giúp tài chính đáng kể từ cộng đồng người Italia ở Berlin.
Dario Alboretti, một thành viên khác của DigItaly Berlin, đang đầu tư nghiên cứu một dự án IT mới. Dario Alboretti cũng là đồng sáng lập Views, một ứng dụng cho iPhone giúp người dùng khám phá thời trang trong các cửa hiệu xung quanh mình với sự tập trung mạnh vào những nhà thiết kế địa phương.
Dario Alboretti phát biểu: "Ở châu Âu, Berlin được đánh giá là nơi thích hợp để thành lập những công ty IT mới. Berlin là thành phố rất năng động và sáng tạo". Italia cũng có vài trung tâm IT nhỏ hơn ở các thành phố như Milan, Rome và gần Venice. Nhưng, không giống như ở Đức, chúng không được coi là tâm điểm thu hút những doanh nhân nước ngoài.
Giuseppe Colucci từ Italia đến Berlin cách đây 2 năm để làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO). Anh tâm sự: "Tôi lúc đầu ở Tây Ban Nha, nhưng do rất khó tìm được việc làm nên tôi bay sang Berlin. Tôi biết có nhiều người tìm đến thành phố Berlin bởi vì nơi đây có sức thu hút chất xám thật đặc biệt".
Từ tháng 9/2012, Colucci bắt đầu quản lý chi nhánh Ploonge - mạng xã hội đặt trụ sở tại Milan chuyên quảng bá trực tuyến những sự kiện liên quan đến thực phẩm và các cuộc họp mặt công nghệ cao tại những thành phố lớn như Berlin - ở Đức. Colucci cho rằng việc giúp đỡ các doanh nhân trẻ phát triển sẽ cực kỳ có lợi cho kinh tế Italia, song anh nhận xét: "Hãy đến Italia mà xem tuổi tác của giới chính khách là người ta có thể hiểu tại sao điều đó không xảy ra. Tôi muốn nói là Tổng thống Italia đã 88 tuổi rồi!".
Colucci cho biết anh rất ngạc nhiên khi nhìn thấy có quá nhiều người Italia đổ dồn về Berlin và cảm thấy xấu hổ khi giới chính khách quê nhà của anh đã bỏ mặc cho chất xám trong nước chảy ồ ạt sang Đức.
- Duy Minh (CAND tổng hợp)
Dòng chảy chất xám công nghệ cao từ Italia sang Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc