Phông chữ

Những nền kinh tế lớn trên thế giới nào đang phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới mà ít dựa trên nhu cầu trong nước? Liệu đó có phải là Trung Quốc, đối tượng ca cẩm lâu nay của Mỹ, hay là Đức, kẻ đang lãnh đạo châu Âu?

    Thặng dư thương mại của Trung Quốc - thước đo khái quát nhất về cán cân thương mại và là một chỉ tiêu phản ánh mức độ phụ thuộc vào cầu từ bên ngoài của nước này – đã giảm tỷ lệ so với GDP từ mức 10% năm 2007 xuống còn 2,6% năm 2012. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Đức chỉ giảm nhẹ từ 7,5% xuống 6,4% GDP trong cùng thời kỳ.

    Trong nền kinh tế thế giới, thường thì khi một số nước trở thành nhà xuất khẩu, một vài nước khác sẽ trở thành nhà nhập khẩu. Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm chạp tựa như miếng bánh không to lên, và khi đó, một nền kinh tế mạnh với thặng dư thương mại lớn sẽ lấy đi bữa trưa của người khác.

    Điều này đặc biệt rõ ở châu Âu. Nam Âu đang vất vả để tăng xuất khẩu và dùng tiền thu được để trả nợ. Bất kỳ mức giảm thâm hụt thương mại nào ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia cũng phải khớp với mức giảm thặng dư thương mại ở một vài nước khác. Đó là một phép toán kinh tế.

    Trung Quốc nhận lấy phần giảm thặng dư thương mại đó. Nước này đã cho phép đồng tiền của mình tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại, khiến cho hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên ít hấp dẫn hơn. Trung Quốc đã chi đầu tư lớn - có thể là quá lớn – vào mọi lĩnh vực, từ các nhà máy thép cho đến các sân bay. Nước này cũng đang nâng lương tối thiểu cho người lao động nhằm tăng sức cầu nội địa.

    Có thể nói, phần nào đó, hiện tượng giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc là do khách quan hơn là theo ý muốn. Bởi các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, Mỹ và châu Âu, không còn mua nhiều như trước nữa.

    Nhưng Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng. Lãnh đạo nước này, muốn thỏa mãn kỳ vọng đang lên của dân số lớn hơn là nghe theo những lời khuyên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chủ trương tăng cường sức mua cho người dân. Trung Quốc có một chặng đường dài để đi. Mục tiêu là tiêu dùng trong nước đóng góp khoảng 50% cho GDP, tỷ lệ mà Mỹ hay châu Âu đang có. Đó là một hướng đi đúng.

    Đức lại là một câu chuyện khác, một chuyện đã cũ. “Chuyện bắt đầu từ khi tôi ngồi vào chiếc ghế của Đức ở IMF vào năm 1987”, Thomas Mayer, hiện là kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank nói.

    Khuôn mẫu kinh doanh cứng nhắc của người Đức đã xuất hiện từ những năm 1950, khi những người công nhân đã bị bần cùng hóa, sản xuất hàng để bán cho lính Mỹ. Người Đức khi đó rất tiết kiệm và do đó, họ tiêu dùng rất ít. Các nhà sản xuất vì thế đã phải cậy nhờ vào việc bán hàng cho người nước ngoài.

    Nước Đức tỏ ra tự hào vì đã tái lập được sức mạnh sản xuất của mình sau nhiều phen bị suy giảm bởi các chu kỳ kinh tế và các sự kiện chính trị - xã hội (như việc nước Đức tái thống nhất), tận hưởng sự bùng nổ về xuất khẩu. Đức còn khuyên phần còn lại của châu Âu: Hãy học theo chúng tôi. Chúng tôi đã làm cho các nhà sản xuất của mình cạnh tranh hơn. Chúng tôi đã cắt giảm được thâm hụt ngân sách chính phủ.

    Đức không thấy được những điều có thể sẽ hạn chế xuất khẩu của nước này. “Đức coi thành công về xuất khẩu như một mục tiêu tự thân hơn là một phương tiện để đạt tới mục tiêu cuối cùng khác”, Adam Posen, nhà kinh tế của Viện kinh tế quốc tế Peterson nói.

    Cách tiếp cận của Đức đe dọa khả năng tồn tại của đồng euro. Nó đe dọa triển vọng Nam Âu có thể thanh toán được các khoản vay mà các quỹ tiết kiệm của Đức, các ngân hàng và các chính phủ đã tài trợ cho họ. Nó làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.

    Theo lý thuyết Keynes, Chính phủ Đức càng chi tiêu thì thâm hụt ngân sách càng lớn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Đầu tư kinh doanh được khuyến khích ở Đức, nhưng các công ty không có xu hướng làm vậy.

    Việc thay đổi các quy định về lĩnh vực dịch vụ để khiến giá rẻ hơn, việc mở rộng giờ mở cửa của các siêu thị và những điều tương tự như thế khiến người Đức có thể chi tiêu nhiều hơn. Nhưng thực tế là, 15 năm thay đổi vừa qua vẫn không làm cho dân Đức trở thành những người tiêu dùng theo phong cách Mỹ.

    Có lẽ, chỉ có một giải pháp thực tế cho Đức là tăng lương theo mức độ cải thiện của năng suất để người tiêu dùng có sức mua nhiều hơn và các nhà sản xuất Đức chịu bớt đi một chút năng lực cạnh tranh của họ. Về điều này, có lẽ Đức có thể học được điều gì đó từ Trung Quốc.

  • Quang Huy (Theo TNCK)