Sau cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ, các đảng thành viên trong chính phủ liên minh mới của Đức không đạt được đồng thuận về việc liệu có nên giảm thuế điện cho người tiêu dùng cá nhân hay không.
Ngày 3/7, Chính phủ liên minh mới của Đức đã gặp trở ngại lớn đầu tiên, khi các đảng thành viên không đạt được đồng thuận về việc liệu có nên giảm thuế điện cho người tiêu dùng cá nhân hay không.
Mặc dù đã tiến hành cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ vào tối trước đó, song liên minh giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Theo thỏa thuận liên minh ký kết 2 tháng trước, các bên cam kết giảm thuế điện cho toàn dân nhằm đối phó với giá năng lượng tăng cao sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, tuần trước, chính phủ thông báo sẽ chỉ giảm thuế cho các ngành công nghiệp nặng, nông nghiệp và lâm nghiệp - quyết định gây phản ứng trong nội bộ liên minh và giới truyền thông.
Tờ Bild đã lên tiếng kêu gọi các đảng “giữ lời hứa," trong khi một số nghị sỹ liên minh bày tỏ lo ngại công khai.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Bộ trưởng Tài chính Lars Klingbeil lập luận rằng ngân sách hạn hẹp khiến việc giảm thuế toàn diện trở nên khó khả thi. Dự kiến biện pháp này sẽ tiêu tốn 5,4 tỷ euro (6,4 tỷ USD) trong năm tới, trong khi các bên vẫn chưa thống nhất được nguồn cắt giảm chi tiêu để bù đắp.
Bộ trưởng Lao động Barbel Bas khẳng định cần "ưu tiên những việc cấp bách," trong đó bảo vệ việc làm và hỗ trợ nền kinh tế được đặt lên hàng đầu. Dù chính phủ có kế hoạch vay thêm hàng trăm tỷ euro, phần lớn khoản nợ mới sẽ được dùng cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và quân đội, thay vì hỗ trợ ngân sách xã hội.
Cuộc tranh cãi lần này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lặp lại tình trạng chia rẽ nội bộ từng khiến liên minh 3 đảng dưới thời cựu Thủ tướng Olaf Scholz tan rã vào tháng 11 năm ngoái, dẫn đến tổng tuyển cử sớm vào tháng 2./.
(TTXVN/Vietnam+)
Chính phủ mới của Đức đối mặt với trở ngại lớn đầu tiên
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc