Phông chữ

Đến thăm Anh chớp nhoáng trong vòng một ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ kịp dùng bữa trưa với người đồng cấp nước chủ nhà David Cameron để tranh thủ bàn thảo hàng loạt vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược của cả London và Berlin.

Dù cố gắng tránh đề cập đến, nhưng hai nhà lãnh đạo đều hiểu rằng giữa họ vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể vượt qua, cũng như thực đơn bữa trưa 27/2 ở số 10 phố Downing có ít "món" hợp khẩu vị...

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong ngần ấy tiếng đồng hồ eo hẹp, bà Merkel vẫn phải "chạy sô" để có thể phát biểu trước toàn thể Quốc hội Anh, ăn trưa làm việc cùng ông Cameron, họp báo và dự tiệc trà với Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Burkingham. Tầm quan trọng của mối quan hệ Anh-Đức đặt trong môi trường an ninh địa chính trị và địa kinh tế châu Âu hiện nay là lý do khiến người phụ nữ quyền lực nhất thế giới không thể bỏ qua bất cứ đầu mối nào mỗi khi tới London.

"Đồng sàng, dị mộng"

Có lẽ điều mà ông Cameron mong chờ nhất khi chào đón bà Merkel ở số 10 phố Downing là sự ủng hộ và cùng tham gia của Đức trong kế hoạch cải cách Liên minh châu Âu (EU). Trước chuyến thăm này, dư luận hy vọng bà Merkel sẽ mang nhiều "quà" đến tặng ông Cameron để giúp ông đảm bảo một chiến thắng tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào năm 2017 về tư cách thành viên EU của Anh. Những đồn đoán rằng Đức sẽ nhượng bộ và thỏa hiệp với Anh dường như chỉ là ảo tưởng. Trong khi đó, việc Anh ra khỏi EU ngày càng trở thành một nguy cơ hiện hữu, nếu ông Cameron không thể thúc đẩy kế hoạch cải cách tổ chức khu vực này theo hướng mà London trù tính.

Để hạ nhiệt bầu không khí "bài" châu Âu và cứu vãn tình thế cho đảng Bảo thủ cầm quyền trước tổng tuyển cử năm 2015, ông Cameron thực sự cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ và cụ thể hơn từ phía Berlin. Sửa đổi Hiệp ước Lisbon để san sẻ quyền lực và trách nhiệm, hạn chế dòng người nhập cư từ Đông sang Tây trong nội khối, siết chặt ngân sách và giảm thiểu tệ quan liêu..., tất cả những nội dung đầy tham vọng này đã được đề cập đến như điều kiện tiên quyết đổi lấy sự thống nhất và toàn vẹn của EU. Tuy nhiên, thật dễ hiểu khi bà Merkel chỉ tái khẳng định điều mà giới chức Đức vẫn thường nhắc đến: cải cách là tất yếu để giúp EU hiệu quả hơn, còn nội hàm cụ thể của đòi hỏi tất yếu này là gì thì "hồi sau sẽ rõ".

Trong bối cảnh EU vẫn nỗ lực kết nạp thêm thành viên để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thì việc một nước trụ cột như Anh quay lưng lại là điều khó có thể chấp nhận được. Rõ ràng, Đức cũng cần Anh tiếp tục tham gia EU để chứng minh cho sức mạnh đoàn kết của những mối liên kết sâu rộng trên lĩnh vực chính trị, kinh tế... Nhưng họ không thể đồng thuận với tất cả điều kiện mà Anh đưa ra, bởi thật khó khi phải phủ nhận những gì từng được coi là biểu tượng của sự hội nhập, ví dụ như quyền tự do di cư.

Hơn thế nữa, tham gia thúc đẩy kế hoạch cải cách EU theo lộ trình của London có thể được hiểu là một lần Berlin chấp nhận "xuống thang" với ảnh hưởng và vai trò bị suy giảm. Vì vậy, phát biểu trước Quốc hội Anh và trong thảo luận với người đồng cấp Cameron, bà Merkel chỉ có thể khuyến cáo rằng London cần ở lại và can dự sâu hơn vào EU. Cuối cùng, Anh có thể sẽ phải chấp nhận một kế hoạch cải cách khác được soạn ra từ Berlin, chứ không phải London.

Lựa chọn khó khăn

Ai sẽ là người kế nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso sau năm 2015? Một câu hỏi khá tế nhị, và cũng khó trả lời trong bữa trưa giữa ông Cameron và bà Merkel. Thủ tướng Cameron coi đây là một vấn đề quan trọng, bởi ông muốn tân Chủ tịch EC cần phải ủng hộ tầm nhìn cải cách EU mà Anh khởi xướng. Nói cách khác, ông sẽ tìm và ủng hộ một ứng cử viên nào sẵn lòng bảo vệ vị thế hiện nay của nước Anh đối với EU. Đó là một nước Anh thành viên EU nhưng không hội nhập hoàn toàn, vẫn duy trì thị trường đơn lẻ và đứng ngoài những rắc rối của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong bối cảnh Anh đang hối thúc EU cải cách theo hướng chia sẻ quyền lực, thì việc có một chủ tịch EC "hiểu vấn đề" sẽ rất có lợi cho London.
    
Tuy nhiên, câu chuyện về người kế nhiệm ông Barroso dễ dàng lâm vào bế tắc. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel từng công khai ủng hộ cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker ngồi vào ghế Chủ tịch EC. Nhưng London lại không chấp nhận ứng cử viên có quan điểm trung hữu này. Anh lo ngại rằng nếu trở thành Chủ tịch EC, ông Juncker sẽ quyết tâm tăng cường các thể chế của Eurozone, gây bất lợi cho những quốc gia bên ngoài khu vực đồng tiền chung. Và ông Cameron có trách nhiệm gửi đi thông điệp với hy vọng bà Merkel kịp thời điều chỉnh để quay sang ủng hộ một ứng cử viên được cả hai bên chấp nhận.

Người đứng đầu trong danh sách các ứng cử viên mà ông Cameron có thể ủng hộ là nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt - con dâu nước Anh. Ông Neil Kinnock - bố chồng bà, từng là thủ lĩnh Công đảng Anh. Theo đuổi quan điểm về tự do hóa thương mại và ủng hộ cải cách, bà Thorning-Schmidt thường bày tỏ quan ngại về việc tập trung quyền lực thái quá vào đầu não EU ở Brussels. Ngoài bà Thorning-Schmidt, Anh còn dành sự hậu thuẫn cho Thủ tướng Ireland Enda Kenny và Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
    
Cải cách hay không cải cách, câu chuyện dường như không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng cường hiệu quả hoạt động của EU, mà có thể coi đây là cuộc chiến cạnh tranh về ảnh hưởng giữa Anh và Đức ở châu Âu. Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những ý kiến chỉ trích và phản đối EU, thì nỗ lực duy trì mối quan hệ Anh - Đức ở trạng thái cân bằng sẽ có tác động tích cực đến tương lai của tổ chức khu vực này. Vì thế, ông Cameron và bà Merkel chắc hẳn vẫn sẵn lòng ăn trưa cùng nhau, dù thực đơn có nhiều "món" không hợp khẩu vị.


Lê Phương (P/v TTXVN tại London)