Để tạo khung pháp lý trong việc hình thành hệ thống tài chính nhà ở hoàn chỉnh, góp phần giải quyết nhà ở một cách bền vững, ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall tổ chức Hội thảo “Mô hình tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam; ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; bà Jutta Frasch, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo, chuyên gia Ngân hàng Schwäbisch Hall và các chuyên gia, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp BĐS của Việt Nam…Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: Chiến lược phát triển nhà ở (PTNƠ) quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã nêu rõ, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Giải quyết vấn đề nhà ở có liên quan đến nhiều lĩnh vực như quy hoạch, đất đai. Trong đó, tài chính cho PTNƠ là rất quan trọng.
Thứ trưởng cho biết: Trong những năm qua, việc PTNƠ nói chung và PTNƠ cho người thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội nói riêng luôn được Nhà nước Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng cao của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì việc PTNƠ cũng đã và đang phát sinh nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là vấn đề huy động vốn, tài chính cho hoạt động này.
Thời gian qua, nguồn tài chính phục vụ cho PTNƠ chủ yếu được huy động từ 3 kênh chính gồm: Sự hỗ trợ của nhà nước thông qua việc cấp vốn từ ngân sách, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí; huy động từ các tổ chức tín dụng thương mại; huy động từ các thành phần kinh tế bằng nguồn vốn tự có từ các tổ chức, cá nhân tham gia PTNƠ, vốn hợp tác đầu tư, vốn liên doanh liên kết, vốn từ tiền mua nhà trả trước của những người có nhu cầu.
Bên cạnh đó, do ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, các nguồn vốn từ các định chế tài chính còn hạn hẹp nên trong những năm qua, việc PTNƠ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thương mại.
Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các tổ chức tín dụng thắt chặt hoặc dừng việc cho vay đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đầu tư PTNƠ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thị trường BĐS trầm lắng, đóng băng, gây tác động xấu đến nền kinh tế xã hội.Để khắc phục tình trạng trên, nhà nước cần ban hành các quy định, các chính sách cụ thể nhằm hình thành các kênh huy động vốn chuyên nghiệp phục vụ cho việc PTNƠ nói riêng, thị trường BĐS nói chung, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thương mại.
Đây cũng là mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong việc nghiên cứu, xây dựng các quy định về tài chính cho việc PTNƠ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 2014.
Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài hệ thống tín dụng thương mại như hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm cách định chế tài chính mới, vừa để đang dạng hóa các kênh huy động vốn, vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho PTNƠ như quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác BĐS, đặc biệt là mô hình tiết kiệm nhà ở (TKNƠ).
Đây là tổ chức tài chính chuyên nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, CHLB Đức, Cộng hòa Séc và các nước châu Âu khác.
Việc thành lập mô hình ngân hàng TKNƠ vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho việc PTNƠ, vừa tạo được hình thức tiết kiệm cho các hộ gia đình, cá nhân để tích cực và chủ động tham gia vào việc tạo lập nhà ở cho hộ gia đình của mình.
Thông qua hội thảo này, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan của Việt Nam sẽ có thêm thông tin và kinh nghiệm của nước ngoài trong việc nghiên cứu và xây dựng mô hình TKNƠ để quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm áp dụng cho Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thể hiện quan điểm cơ bản trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tầm nhìn đến năm 2030.
Theo bà Jutta Frasch – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam, mô hình TKNƠ có thể coi là một biện pháp, là con đường đúng đắn để cho mọi người có thể tiếp cận và có được ngôi nhà riêng của mình.
Đây là mô hình tiết kiệm tốt nhất và từ khoảng 100 năm nay đã rất thành công và phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều người Đức đã bắt đầu tiếp cận và triển khai mô hình tiết kiệm này.
Việc tiết kiệm nhà ở ở CHLB Đức được gắn liền với một loạt chương trình hỗ trợ của nhà nước Đức và đây cũng là một trong những mục đích và đặc điểm của mô hình này.
Bên cạnh đó, bà Jutta Frasch cho rằng, Ngân hàng TKNƠ không nên được coi là sự cạnh tranh đối với các ngân hàng thương mại, mà là sự bổ sung, giúp cho các ngân hàng thương mại giảm nhiều rủi ro trong việc cho vay tín dụng để mua nhà.
Ngân hàng TKNƠ chịu sự kiểm soát của các ngân hàng khác và ở Đức thì ngân hàng này chịu sự kiểm soát của Ủy ban kiểm soát quốc gia và Ngân hàng Trung ương Đức.
Hội thảo là bước quan trọng để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hai bên có thể trao đổi thông tin đầu tiên về giới hạn, khó khăn, đặc thù chung của Việt Nam trong việc ứng dụng mô hình TKNƠ này.
Đây là mô hình nên được tìm hiểu và đưa vào ứng dụng tại Việt Nam và sẽ tiếp tục trở thành một dự án ghi nhận thành công trong sự hợp tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam.
Hội thảo cũng đã thảo luận một số nội dung liên quan đến mô hình TKNƠ như “Mô hình tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam”; “Tiết kiệm mua nhà ở - những đặc điểm và chính sách ngân hàng TKNƠ”; “Kinh nghiệm tiết kiệm mua nhà ở - những chức năng quan trọng”; “Kinh nghiệm tiết kiệm mua nhà ở tại Trung Quốc”.Theo baoxaydung
Việt Nam - Đức: Trao đổi thông tin về mô hình tiết kiệm nhà ở
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc