Phông chữ

Trường Đại học Việt Đức là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính, cụ thể như được quyền tự xây dựng và quy định mức thu học phí, mức thu lệ phí thi và tuyển sinh...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Đức.

Theo đó, Trường Đại học Việt Đức là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước thành lập, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguồn tài chính của Trường Đại học Việt Đức gồm: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; vốn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác.

Trong đó, Ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 60% kinh phí hoạt động thường xuyên của năm 2012; không quá 50% trong giai đoạn 2013 - 2015 và không quá 40% trong giai đoạn 2016 - 2020. Mức kinh phí hoạt động thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm được tính toán theo mức thu học phí, chi phí đào tạo và tổng quy mô Nhà nước đặt hàng đào tạo hàng năm.

Đối với đào tạo theo nhu cầu xã hội hoặc theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp thì Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí theo nguyên tắc thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.

Bên cạnh kinh phí hoạt động thường xuyên, Ngân sách Nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong phạm vi dự toán được giao hàng năm.

Các nguồn thu sự nghiệp của trường gồm: Nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ do Nhà nước đặt hàng; thu từ phí và lệ phí theo quy định; thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ...

Khoản hỗ trợ, tài trợ của đối tác Đức được coi là nguồn thu của Trường và phải được hạch toán vào tài khoản của Trường.

Trường Đại học Việt Đức được tự chủ về quản lý và sử dụng nguồn tài chính

Trường Đại học Việt Đức là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính. Cụ thể, Trường được quyền tự xây dựng và quy định mức thu học phí; mức thu lệ phí thi và tuyển sinh.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xây dựng mức thu phí, lệ phí, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, Trường được tự quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên của Trường) trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Hằng năm, sau khi trang trải tất cả các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của  pháp luật, trong phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có), Trường phải trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập tối thiểu 25%.

Sau khi đã trừ tất cả các khoản chi và trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập theo quy định, Trường Đại học Việt Đức được tự quyết định việc sử dụng kinh phí còn lại để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức và người lao động tùy thuộc vào nội dung, kết quả công việc và chính sách đãi ngộ theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

Trường Đại học Việt - Đức được thành lập theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trường được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức. Hiện Trường đặt trụ sở chính tại Khu đại học Thủ Đức, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đại học Việt - Đức đã khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 10/9/2008 với 80 học viên cho 2 khoa kỹ thuật xây dựng và điện, điện tử. Trường dự kiến sẽ có 5.000 sinh viên vào năm 2020. Trọng tâm đào tạo của trường là các ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Ở phạm vi nhỏ hơn, trường cũng sẽ mở thêm những ngành đào tạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như các ngành kinh tế. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập tại trường là tiếng Anh, nhưng trong quá trình học tại trường sinh viên cũng được học tiếng Đức song song.

Chiến lược của trường là triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao của Đức trực tiếp tại Việt Nam. Chương trình đào tạo hiện đại, sát thực tế và mối liên kết chặt chẽ của trường với nền kinh tế Đức mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường các cơ hội việc làm tốt trên thị trường lao động.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Đại học Việt - Đức sẽ trở thành 1 trong 200 trường đại học có chất lượng nhất trên thế giới, là biểu tượng của trí tuệ và khát vọng nghiên cứu khoa học.

Trong năm học 2011-2012, Đại học Việt - Đức có khoảng 370 sinh viên đang theo học.

  • Hoàng Diên, VGPnews