Phông chữ

Tờ Spiegel của Đức trung tuần tháng 5 công bố thông tin về việc hơn 50 nghìn người dân của Cộng hòa dân chủ Đức trước đây từng trở thành "chuột bạch" thí nghiệm cho các hãng dược phẩm phương Tây.

Hơn 600 nghiên cứu dược phẩm mới được thực hiện tại 50 cơ sở chữa bệnh ở Đông Đức trong thời gian trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Những tiết lộ này có được khi phóng viên của Spiegel tiếp cận các tài liệu chưa từng công bố của Bộ Y tế Đông Đức và Viện Dược phẩm Đức.

Những nhân chứng còn sót lại

Vào năm 1986, khi Nicole Preiss lên 9 tuổi thì mẹ bà qua đời. Hồ sơ bệnh án ghi lại rằng, mẹ bà bị ung thư da và chết vì những biến chứng của căn bệnh này trong khi những lần kiểm tra trước đó đều cho kết quả khả quan.

Cho đến tận bây giờ, khi Preiss đã 37 tuổi, cô vẫn đang cố gắng tìm hiểu những việc mà các bác sĩ Đông Đức đã làm với mẹ cô tại một bệnh viện ở thành phố Erfurt. Cô nghi ngờ bác sĩ đã thử nghiệm một loại thuốc mới từ phương Tây trên các bệnh nhân. Preiss hiện đang tìm cách truy cập vào các tập tin và tìm câu trả lời đích thực về cái chết của mẹ mình. Preiss không phải là người duy nhất có những hoài nghi về việc các công ty dược phẩm phương Tây đã từng thí nghiệm thuốc trên bệnh nhân.

"Tôi đã từng nghi ngờ về việc này", Hubert Bruchmüller, vốn là một thợ điện, 59 tuổi, ở miền đông nước Đức nói. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm cơ tim khi ông 35 tuổi. "Tôi có thể là người sống sót duy nhất của cuộc thử nghiệm lâm sàng thực hiện tại Bệnh viện Lostau trong năm 1989". Bác sĩ nói với ông rằng, ông nên tận dụng cơ hội để được tiếp cận với các loại thuốc mới.

Nhân chứng Hubert Bruchmuller.

"Tôi đã được sử dụng thuốc viên nang từ một hộp nhỏ dán nhãn: "tim mạch, bệnh nhân số 030". Bạn cùng phòng của tôi cũng được sử dụng thuốc tương tự và được liệt kê là "bệnh nhân số 029". Người bạn này sau đó đã chết với hồ sơ bệnh án là chết vì "suy tim cấp tính". Trường hợp cái chết của bệnh nhân số 029, cũng như nhiều trường hợp tử vong khác đã không được điều tra.

Tài liệu duy nhất đề cập đến cái chết này là một nhận xét ngắn gọn trong tập tài liệu của zentraler Gutachterausschuss für den Arzneimittelverkehr - một hội đồng đánh giá các phản ứng có hại của thuốc do Bộ Y tế thành lập. Biên bản cuộc họp ngày 6/3/1990 có ghi mấy dòng ngắn gọn như sau: "Giáo sư, Tiến sĩ Assmann đã được nhắc nhở về việc thực hiện nhiệm vụ khi có hai trường hợp tử vong ở Lostau".

"Danh sách đen" có nhiều hãng dược phẩm lớn

Các nhà sản xuất thuốc, đặc biệt là từ Tây Đức, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ đã bắt tay với các bệnh viện thuộc trường đại học quốc tế nổi tiếng như Bệnh viện Charité ở Đông Berlin cùng hơn 50 bệnh viện ở các thành phố khác như Dresden, Erfurt, Halle, Jena và Rostock để thực hiện hơn 600 cuộc thử nghiệm thuốc lâm sàng, một số gây hậu quả chết người.

Theo các hồ sơ kể trên, có hai người chết tại Đông Berlin, sau khi thử thuốc Trental, một dược phẩm có mục tiêu cải thiện lưu thông máu của hãng dược phẩm Tây Đức Hoechst (nay đã hợp nhất với hãng Sanofi), hai người khác gần Magdebourg bị thiệt mạng do một dược phẩm điều trị huyết áp cao của Sandoz, hiện nay thuộc hãng Novartis của Thụy Sĩ. Vấn đề này cũng đã gặp phải với Ramipril, một loại thuốc được phát triển bởi Hoechst để điều trị huyết áp cao.

Vụ việc được coi là chương đen tối trong lịch sử ngành dược phẩm.

Boehringer Mannheim (hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Roche) thậm chí còn tiến hành thử nghiệm thuốc trên trẻ sinh non, ba mươi em sinh thiếu tháng có trọng lượng từ 750g đến 1.500g đã được sử dụng thuốc để kích thích sản xuất tế bào máu ở Charité. Trong khi đó, Bayer đã tiến hành thử nghiệm nimodipine - một loại thuốc dùng cải thiện lưu lượng máu não tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương và thần kinh học ở Đông Berlin.

Theo Spiegel, các cơ sở sản xuất thuốc đã chi 800.000 mark Tây Đức (tương đương 400.000 euro) cho mỗi nghiên cứu đến. Việc thử nghiệm trên người là một trong những chương đen tối của lịch sử ngành công nghiệp dược phẩm và các công ty sản xuất thuốc phương Tây cần phải có trách nhiệm với việc làm "phi đạo đức" này.

  • T. Phạm (CAND Tổng hợp)