Ca sĩ Ý Lan nói chị hát bằng trái tim, bằng tình cảm chân thành nên chị luôn được khán giả đón nhận.
Hơn hai mươi năm đứng trên sân khấu, nhưng cũng phải đến tuổi ngoài năm mươi, ca sĩ Ý Lan mới có cơ hội được hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một nơi, với cả gia đình chị, chứa đầy kỷ niệm. Lần trở về Hà Nội của Ý Lan vào những ngày đầu hè mang đầy khắc khoải, nỗi nhớ mong, thậm chí là cả sự nôn nóng được hát trước khán giả Hà Nội.
Mẹ chị, ca sĩ Thái Thanh, trước khi ra nước ngoài sinh sống đã là một ca sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng Ý Lan thì lại khác, sau rất nhiều năm được ghi nhận ở nước ngoài, chị mới có cơ hội đem tiếng hát của mình phục vụ khán giả Hà Nội. Hát trên sân khấu Nhà hát Lớn, nơi bố mẹ chị lần đầu tiên gặp nhau, đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Niềm hạnh phúc ấy càng tăng lên khi khán giả cả già lẫn trẻ sẵn sàng chờ Ý Lan đến tận gần 24 giờ để nghe những ca khúc cuối cùng. Nhạc sĩ Phạm Duy, từ TPHCM ra tận Nhà hát Lớn Hà Nội để cổ vũ cháu gái, đã tâm sự rằng: “Thật là một điều kỳ diệu”.
Hát là chia sẻ
Không giống những ca sĩ khác, Ý Lan bước vào nghề ca hát rất muộn, ở tuổi ba mươi hai, khi đã là mẹ của sáu người con. Nhưng hỏi chị, có tiếc vì đã đến với âm nhạc quá muộn, người phụ nữ có vẻ đẹp dường như không tuổi này lại bảo không. Có lẽ, vì đã trải qua nhiều thăng trầm, nên chị hiểu được những gì ở lại với mình, gắn bó với mình là quý giá nhường nào.
Chị bảo mọi sự xảy ra trong cuộc đời của mình đều có lý do, chính vì ngày xưa ca sĩ Thái Thanh không cho Ý Lan đi hát sớm nên chị đã hoàn tất con đường học hành, rồi làm vợ, làm mẹ. Có thể đi hát sớm hơn chị sẽ thành danh sớm hơn, nhưng sự hiểu biết giới hạn hơn sẽ khó giúp Ý Lan có những trải nghiệm cần thiết để đưa giọng hát của mình đến với khán giả đầy đặn hơn.
Công bằng mà nói, Ý Lan không phải là người có chất giọng thật đặc biệt, nhưng khi chị cất tiếng hát, giọng hát ấy luôn có sức truyền cảm khiến con tim của mỗi khán giả rung động. Ý Lan bảo, chị hát bằng trái tim, hát bằng tình cảm chân thành và vì thế, chị luôn được khán giả đón nhận bằng những tình cảm. Không ít khán giả Hà Nội đã chia sẻ với Ý Lan rằng nhờ giọng hát của chị, họ đã tìm lại được những kỷ niệm của mình.
Một khán giả trẻ ở Đức đã trải lòng với Ý Lan, anh chưa bao giờ nghe nhạc Việt Nam, nhưng từ khi được nghe Ý Lan hát, chàng trai ấy bắt đầu tìm về nguồn cội và nghe nhiều hơn âm nhạc quê hương mình. Rồi từ đó, chàng trai hai mươi hai tuổi sinh ra và lớn lên tại Đức đã trở về sống tại Việt Nam, đất mẹ của mình. Với Ý Lan, âm nhạc còn là phương tiện để chia sẻ kinh nghiệm sống, chia sẻ tâm tư và những điều tốt đẹp.
Động lực để sống và hát: Gia đình
Một người phụ nữ bình thường làm mẹ của sáu người con đã vất vả, với một nghệ sĩ thì dường như điều ấy càng khó khăn hơn. Ý Lan đã từng trải qua nhiều nỗi đau, nỗi mất mát trong đời, đầu tiên là cuộc chia tay của bố mẹ khi chị mới tám tuổi, sau đó là cuộc hôn nhân của chính mình cũng tan vỡ, bản thân chị từng ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư…, thế nên chị yêu cuộc sống, yêu gia đình của mình biết chừng nào.
Chị bảo, chị luôn làm bạn với các con, lắng nghe các con muốn gì, nghe gì. Và vì để làm bạn với các con, chị phải trẻ hóa, phải nghe nhạc của lớp trẻ, sau đó là hát nhạc của lớp trẻ, như rock chẳng hạn. Nghe Ý Lan hát Em đến thăm anh một chiều mưa, Mộng dưới hoa, Nửa hồn thương đau, Áo anh sứt chỉ đường tà, Tôi đang mơ giấc mộng dài…, khán giả thấy như chìm đắm trong không gian xưa, thấy mình trở về với những kỷ niệm cũ. Nhạc sĩ Phạm Duy từng thừa nhận, Ý Lan làm sống lại dòng nhạc của ông qua những cách trình diễn mới của mình. Nhưng khi nghe chị hát rock, thậm chí là jazz, người nghe lại thấy Ý Lan rất khéo biến hóa trong giọng hát.
Chị bảo nhờ các con, nhờ gia đình mà mình luôn có động lực để sống, hát, cống hiến cho nghệ thuật. Ở tuổi năm mươi ba, làm bà ngoại được bốn năm, nhưng dường như tuổi tác không có nghĩa lý gì với ca sĩ này. Với Ý Lan, bí quyết để trẻ là luôn giữ cho mình những niềm vui, đơn giản như những dòng thư con cái gửi bố mẹ: “Cám ơn bố mẹ đã cho con một tấm gương để chúng con sống, biết trân quý, gìn giữ tình yêu để được như bố mẹ”. Chỉ vậy thôi, là quá đủ rồi.