Thử hỏi nếu không có sự tiếp tay của những người Việt “xấu xí” thì liệu có ai có thể làm tổn hại đến Việt Nam được không? Việt Nam có chịu mãi cái nhục của một nước nghèo hay không? Những người Việt “xấu xí” đã và đang làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa dân tộc, hình ảnh quốc gia, và sự tồn vong của dân tộc.
Từ năm 2005 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1.600 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Cơ quan chức năng đã xác định 3.000 đối tượng có liên quan và 4.300 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bán qua biên giới.
Đáng chú ý trong thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài là tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em đưa sang Trung Quốc để bán và các đối tượng tham gia gây án hầu hết là người Việt Nam. Hoạt động môi giới cũng do những má mì người Việt Nam chủ động dẫn mối, tìm khách. Lợi nhuận cao, nhanh chóng trở nên giàu có là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm này mất hết nhân tính và ngày một gia tăng.
Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam không chỉ phải đối phó với những sản phẩm có nhãn mác Trung Quốc mà còn phải cảnh giác với những nhãn hàng gắn mác Việt Nam nhưng lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoặc những loại thực phẩm, hoa quả , gia vị…được người bán giới thiệu có xuất xứ từ Thái Lan, Úc, Mỹ…cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Người bán biết nhưng vì lợi nhuận họ sẵn sàng nói sai sự thật để qua mắt người tiêu dùng. Đã có không ít những vụ ngộ độc thương tâm do người tiêu dùng mua phải thực phẩm, hoa quả Trung Quốc chứa chất bảo quản . Có thể nói, hàng hóa và thực phẩm không rõ nguồn gốc đều được chính người Việt mang về Việt Nam tiêu thụ.

Những việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất về kinh tế cho Việt Nam và hơn hết gây ảnh hưởng đến uy tin của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Những người Việt Nam “xấu xí” còn xuất hiện khi tham gia giao thông, những hành vi vi phạm giao thông như: chen lấn, tranh chấp, không nhường nhịn, không xếp hàng, không chấp hành luật, đi sai làn đường, dừng đỗ sai làn đường, vượt đèn đỏ hoặc vọt đi 4, 5 giây trước khi đèn chuyển xanh, đi xe tràn lên vỉa hè, chống đối người thi hành công vụ... thường xuyên xuất hiện tại các điểm giao thông tại Việt Nam. Nhà nước đã ban hành những điều luật mạnh tay để đối phó với vẫn đề này.
Những người Việt “xấu xí” không ngần ngại quạt bếp than để khói xộc thẳng vào nhà hàng xóm, ngang nhiên ném rác thải ra đường chỉ để sạch cho nhà mình, không giữ vệ sinh nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi trên đường và khi đi xe. Những thói quen không tốt đó ta vẫn thường bắt gặp ở những nơi công cộng.
Nạn trộm cắp biển số xe máy , bẻ gương xe ô tô , xẻ gỗ giữa trung tâm thành phố …chắc chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Khi một người không may bị mất biển số xe, ngay lập tức sẽ mua lại được chính biển số và gương xe của mình tại một cửa hàng chuyên cung cấp phụ tùng xe máy bất kỳ nào đó.
Ngày 31/3 xét xử nhóm 35 đối tượng chặt trộm hàng loạt cây sưa trên địa bàn Hà Nội trong đó mức phạt 9 năm tù giam cho kẻ chủ mưu vẫn chưa đủ mức răn đe chặt trộm cây sưa ở địa bàn Thủ đô. Nhưng ngay sau đó, vào rạng sáng 4/4, Công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, bắt quả tang một nhóm chặt trộm cây sưa trong công viên Thống Nhất.

Kết quả điều tra quốc gia mới nhất về gia đình cho thấy ở VN có 21,2% cặp vợ chồng đã trải qua một trong những hình thức bạo lực gia đình như bị đánh, mắng, nhục mạ...Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất nhưng phần lớn phụ nữ vẫn chỉ biết sống nhẫn nhục cam chịu. Những ông chồng bạo hành thường không có nghề nghiệp ổn định và thường mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc rượu chè.
Đầu năm 2009, vụ án mạng "học sinh lớp 12 giết cha đẻ chặt khúc ném xuống sông" tại thành phố Hải Dương vẫn còn gây bức xúc trong dư luận bởi những tình tiết dã man của nó. Vụ án gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước vấn đề đạo đức của giới trẻ và của ngành giáo dục nước nhà. Thời gian gần đây còn xuất hiện một loạt những clip nữ sinh đánh nhau, nữ sinh chơi bài "cởi áo"...nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng bởi những sự việc trên rất có thể đã xẩy ra với con em mình.
Vụ “Hiệu trưởng mua dâm học trò” ở Hà Giang, hiệu trưởng gạ tình nữ sinh lấy điểm ở Hà Nam, cô giáo hành hung đồng nghiệp ở Lâm Đồng lại là những người Việt có những hành động “xấu xí” khác ảnh hưởng xấu đến đạo đức và văn hóa Việt Nam.