Phông chữ

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay trên thế giới, ngày càng có nhiều vụ tấn công bằng axit. Nạn nhân của những vụ tấn công này thường là phụ nữ, những người có mâu thuẫn tình ái hay những người có cuộc sống gia đình bạo lực.


Một người mẫu sáng giá, một cô sinh viên xinh đẹp, một người vợ đảm đang hiền dịu... đang hừng hực sức sống của tuổi thanh xuân bỗng biến thành "quái nhân" chỉ trong giây lát. Đó chính là nghệ thuật tàn phá nhan sắc của thứ dung dịch chết người mang tên Axit.
 
Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay trên thế giới, ngày càng có nhiều vụ tấn công bằng axit. Nạn nhân của những vụ tấn công này thường là phụ nữ, những người có mâu thuẫn tình ái hay những người có cuộc sống gia đình bạo lực. Thủ phạm các vụ tấn công thường không muốn giết chết nạn nhân mà muốn huỷ hoại khuôn mặt họ, làm họ trông kinh khủng đến nỗi không ai muốn yêu thương.

Loại axit thường được sử dụng là sulfuric và nitric. Sức huỷ hoại của những loại axit này thuộc dạng cực mạnh so với sức chống đỡ của bề mặt da con người. Mặt khác những loại axit này lại cực kỳ dễ mua và rẻ tiền. Chỉ sau một phút bị tạt axit, sau khi làm tan chảy lớp da bên ngoài, nếu bị tạt nhiều, nó có thể ăn mòn đến tận xương. Khi bị tạt axit, người ta sẽ đau đớn đến mức nào?.

Hãy tưởng tượng nỗi đau đó như có ai đó ấn thanh sắt nung đỏ rực vào mặt hay thân thể bạn. Nhưng khủng khiếp hơn cả nỗi đau đớn về thể xác là hậu quả mà nó để lại, đó là nỗi đau đớn hơn cả cái chết. Họ rời khỏi bệnh viện, họ để tang cho gương mặt của mình nhưng lễ tang đó không bao giờ kết thúc. Những phụ nữ sau khi gặp nạn, khuôn mặt họ bỗng chốc trở thành "quái dị". Đối với những phụ nữ mạnh mẽ, họ có thể tiếp tục cuộc sống, nhưng đối với những phụ nữ yếu đuối, họ có thể trở thành kẻ tàn phế suốt đời và đắm chìm trong bóng tối.

Rất nhiều người sau khi bị nạn, vì gương mặt biến dạng xấu xí nên họ không muốn xuất hiện trước báo chí, trước truyền hình, nhưng vẫn có những phụ nữ rất dũng cảm, họ tình nguyện cho báo giới truyền thông đăng ảnh của mình, khuôn mặt "quái dị" của họ chính là bằng chứng thiết thực nhất để cảnh báo những kẻ thủ ác.

Người mẫu Campuchia biến thành dị nhân

Tat Marina sinh ngày 21/10/1983, là con út trong một gia đình ở Phnôm Pênh, Campuchia. Hồi nhỏ, Tat vốn là cô gái xinh xắn, hồn nhiên và rất dễ gần. Cha mẹ cô rất nghèo, họ không có việc làm, là một thành viên trong gia đình, Tat nghĩ rằng mình phải làm việc gì đó để giúp đỡ gia đình. Cô đã phải bỏ học từ rất sớm để kiếm sống. Ban đầu, cô bán nước sinh tố trái cây trên đường, nhưng niềm yêu thích ca hát từ nhỏ vẫn nhen nhóm trong cô. Khi đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình, Tat đã tự trích ra một khoản tiền nho nhỏ để đầu tư hát karaoke ở các quán cafe, giải khát. Nhưng cuối cùng mộng ca hát của cô cũng không trở thành hiện thực, nhưng thay vào đó cô may mắn được mời đóng phim quảng cáo cho một hãng rượu nổi tiếng. Mỗi ngày cô được trả thù lao là 20 USD.

Tat là một người con hiếu thảo và rộng lượng, số tiền cô kiếm được đủ trang trải cuộc sống cho gia đình và đóng học phí cho em trai, không những thế cô còn thường xuyên giúp đỡ những người hàng xóm khi họ gặp khó khăn. Và đến năm 1998, cô trở thành người mẫu đóng minh hoạ trong các đoạn băng karaoke. Và như một định mệnh, cô gái 15 tuổi này đã trao trọn tình yêu đầu của mình cho Svay Sitha, một nhà kinh doanh có tiếng. Cô đã quen Svay qua một người bạn của mình. Trong một lần đang ở phòng thu, Svay bước vào trả mọi chi phí và đưa số điện thoại của mình cho Tat, vào lúc đó Svay Sitha là một ngôi sao đang lên trong chính phủ và CPP cầm quyền.

Sau lần gặp đầu tiên ấy, Svay Sitha nhiều lần gọi điện thoại cho Tat, và nói rằng mình là một nhà kinh doanh chưa có gia đình và rằng anh ta rất yêu cô. Ban đầu, Tat không để ý đến người đàn ông thành đạt giàu có này, cô muốn theo đuổi giấc mơ người mẫu của mình chứ không muốn yêu sớm. Nhưng lòng kiên trì theo đuổi, những cuộc điện thoại hàng giờ, những bó hoa hồng đỏ thắm, những món quà hấp dẫn đã khiến cô thiếu nữ xinh đẹp 15 tuổi say mê.

Tat nhận lời yêu Svay vào năm 1999 khi cô vừa tròn 15 tuổi, Tat nói rằng cô đã yêu Svay bằng một tình yêu thật sự chứ không phải bởi tiền bạc và danh vọng, cô đã nói rằng "tôi yêu Svay vì anh ấy yêu tôi rất nhiều". Sau đó Svay đã thuê một căn hộ gần ngay với nhà cô để hai người có thể thường xuyên qua lại.

Qua một thời gian chung sống, sau khi biết Svay đã có vợ, Tat đã nói rằng mình không muốn sống một cách "bất hợp pháp" và cô muốn kết thúc mối quan hệ. Khi đó Svay đã không chấp nhận, anh ta đã bắt ép Tat phải chung sống với mình nếu không cô sẽ gặp rắc rối, Svay còn yêu cầu cô từ bỏ nghiệp làm người mẫu.

Tat đã chạy trốn khỏi mối quan hệ này bằng dự định sẽ bỏ đến Battambang. Nhưng vào buổi chiều trước ngày cô rời đi, trên đường đi mua điện thoại di động để có thể liên lạc với gia đình từ Battambang, cô bất ngờ bị một phụ nữ đi từ phía sau, túm lấy mái tóc dài quật ngã cô và dùng giày cao gót giẫm vào chân cô, sau đó là hai người đàn ông liên tục dùng chân đá vào ngực cô, và đau đớn nhất là cô đã bị tạt tới 2 lít axit vào người.

Ngay sau khi Tat Marina bị tấn công, cảnh sát trưởng quận đã xác định được các nghi phạm đó là Khoun Sophal, vợ của Hội đồng Bộ trưởng Svay Sitha, và hai vệ sĩ của bà ta. Tat được đưa ngay vào một bệnh viện gần đó, đầu, cổ, lưng, ngực và cổ tay của cô bị tàn phá hoàn toàn. Đôi tai của cô bị đứt lìa. Đôi môi bị sưng không thể cử động, người ta đã phải thông ống nhựa qua lỗ mũi để giúp cô có thể thở và ăn uống. May mắn thay đôi mắt của cô chưa bị huỷ hoại hoàn toàn vì trong lúc bị tấn công cô đã lấy tay che khuôn mặt, nhưng cô cũng chỉ có thể nhìn thấy những vật ở khoảng cách gần, còn những vật ở xa thì rất lờ mờ.

Vài ngày sau khi điều trị, Tat nói rằng cô không thể nghe thấy gì. Một thời gian sau đó, Tat được đưa đến một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam để điều trị, các bác sĩ đã khuyên cô không nên soi gương nếu không cô sẽ không thể chịu nổi. Nhưng Tat vẫn khăng khăng rằng "nhưng tôi vẫn muốn nhìn thấy khuôn mặt của tôi". Không thể cưỡng lại ý muốn của Tat, các bác sĩ đành phải đáp ứng nguyện vọng của cô, và sau khi soi gương, Tat đã nói rằng: "Tôi trông giống như một hồn ma, tôi ghét bản thân mình, căm thù bản thân mình. Mọi người đều sợ tôi, con tôi sẽ không nhận ra tôi nữa. Trời ơi!"

Câu chuyện của Tat vừa được đưa vào một bộ phim tài liệu có tên "Tìm lại khuôn mặt" do một nhóm làm phim người Mỹ thực hiện, nói về những nạn nhân của nạn tạt axit. Nhà sản xuất Skye Fitzgerald để ý đến đề tài này khi đang thực hiện một bộ phim khác ở Campuchia. Fitzgerald và đoàn làm phim đã được chứng kiến sự sợ hãi và dè dặt của các nạn nhân bị tạt axit. Khi ấy, phải mất một thời gian thuyết phục thì Tat Marina và anh trai cô mới đồng ý tham gia vào bộ phim vì sợ bị trả thù.

Bộ phim đã được cho ra mắt hôm 11/3. Hồi đầu năm 2008, một bộ truyện tranh Shake girl (Cô gái bán sinh tố) kể về cuộc đời Tat và nhiều nạn nhân khác cũng được phát hành trên mạng. Trong tuần đầu tiên, hơn 100.000 lượt truy cập từ hơn 70 quốc gia đã vào để đọc truyện. Bản truyện này sau đó được in thành sách. Và hiện nay, khuôn mặt của Tat sau nhiều lần phẫu thuật trông đỡ ghê sợ hơn lúc vừa gặp nạn nhưng vẫn không thể xinh đẹp được như xưa nữa.

"Ngươi cũng phải trở thành kẻ mù loà!"

Ameneh Bahrami, cô sinh viên tươi tắn, trẻ trung, năng động người Iran đã hoàn toàn trở thành kẻ mù loà trong chớp mắt. Cô bị tạt axit vì từ chối lời cầu hôn của bạn trai tên là Majid Mohavedi. Hai người đã gặp nhau vào năm 2002 khi cùng học chung một trường đại học. Bahrami kể lại rằng, chàng trai 19 tuổi hay xấu hổ, nhút nhát là bạn cùng lớp với cô. Mỗi khi trong lớp học, anh chàng đều nhất quyết phải ngồi cạnh cô cho bằng được để được chạm nhẹ vào cô bạn gái xinh đẹp. Mặc dù vậy nhưng Bahrami không hề có tình cảm với Mohavedi, cô còn cho rằng anh ta thật phiền phức, và cô đã khước từ lời cầu hôn của Mohavedi mặc cho gia đình anh có tiếp cận nhiệt tình thế nào chăng nữa.

Một lần, khi đang ở trong lớp, Bahrami đã đứng dậy và quát cậu bạn đừng "động chạm" ngay. Tuy nhiên, Mohavedi chỉ lặng lặng cúi mặt không nói và vẫn tiếp tục bám theo đe doạ cô. Thậm chí, anh ta còn yêu cầu cô gái phải kết hôn với mình và đe doạ sẽ giết nếu cô từ chối.

Cuối cùng, những đe doạ bằng lời của cậu sinh viên nhút nhát đã biến thành hành động bạo lực vào tháng 11/2004. Mohavedi đã ra tay khi cô bạn cùng lớp đang đứng đợi xe bus. Bahrami kể lại rằng, lúc đang đứng đi ra trạm xe bus, cô linh cảm như có người đang đi theo mình, khi cô bất ngờ rẽ vào lối ngoặt thì nhận ra đó là Mohavedi, và đúng lúc cô nhận ra anh ta cũng là lúc cô cảm thấy cháy rát trên khuôn mặt, hai mắt đen sầm lại, từng giọt axit thấm đẫm trên khuôn mặt và nhỏ xuống cánh tay, xuống cổ khi cô cử động để tự vệ, thứ dung dịch tàn độc này làm da thịt cô chuyển dần sang trạng thái trắng bệch và bắt đầu tan chảy. Cô ngã quỵ và nhanh chóng được mọi người đưa vào bệnh viện.

Cô đã hoàn toàn bị mất đi một mắt, mắt còn lại chỉ còn nhìn thấy lờ mờ. Sau đó cô đã dùng toàn bộ số tiền của mình để tiến hành đến 17 lần phẫu thuật nhưng kết quả là trên khuôn mặt cô vẫn còn chằng chịt với những vết sẹo.

Hai tuần sau khi tấn công bạn gái, Mohavedi đã tự đến sở cảnh sát để thú tội. Tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với CNN tại căn hộ của gia đình cô ở Tehran, Bahrami nói: "Tôi không muốn trả thù bằng việc khiến Mohavedi bị mù. Tuy nhiên, tôi sẽ làm việc này để hắn không gây nên thảm hoạ đó cho ai khác nữa". Ameneh Bahrami hy vọng Majid Mohavedi sẽ từ từ nếm trải cảm giác mù loà. Cô chỉ có một yêu cầu với toà án ở Tehran, Iran, là nhỏ axít vào hai mắt của một người từng là bạn cùng lớp như một sự trừng phạt. Và như đúng nguyện vọng của Bahrami, Mohavedi đã bị kết án vào năm 2005 với hình phạt là sẽ bị nhỏ axit cho mù cả hai mắt.

Sở dĩ toà án Iran đồng ý với lệnh trừng phạt này là vì ngày càng có nhiều phụ nữ bị tấn công bằng axit ở các nước Hồi giáo, các nạn nhân thường từ chối kết hôn và sau đó họ bị tấn công. Theo CNN, hình thức trừng phạt này là hợp pháp theo nguyên tắc Shariah về sự tương đương trong đạo Hồi và được áp dụng cho những tội phạm bạo lực. Luật sư của Bahrami, Ali Sarrafi, cho biết, Mohavedi chưa bao giờ thể hiện sự ăn năn hay lòng xót thương người con gái mình yêu quý. Hình phạt dành cho hắn là vô cùng thích đáng, nó là tiếng chuông cảnh báo cho những kẻ thủ ác.

Chỉ vì từ chối lời cầu hôn

Kamilat Mehdi, cô gái 21 tuổi trẻ trung xinh xắn người Ethiopia với một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ở phía trước. Kamilat đang theo học một trường đại học đào tạo nữ tiếp viên hàng không, cô mong ước sớm được ra trường và trở thành một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp. Nhưng tất cả đã thay đổi chỉ trong tích tắc vào một đêm khi cô cùng hai chị gái đi bộ từ chỗ làm về nhà và bị một gã đàn ông hắt axit sulphuric vào mặt.

Theo lời kể của Kamilat, khi cả 3 chị em cô đang trên đường trở về nhà từ cửa hàng của cha mẹ, Kamilat chú ý đến một người đàn ông với bước đi ngật ngưỡng về phía mình, cô đoán rằng người đàn ông này đang say xỉn nên cũng không chú ý lắm. Khi chị em cô đi vào một ngõ hẻm tối, bất ngờ người đàn ông có vẻ như say rượu nọ khống chế Kamilat và dồn cô vào chân tường, hai người chị cô hoảng hốt chạy lại nhưng cả ba chị em bất ngờ bị một người đàn ông khác chạy lại và tấn công họ bằng một lọ chứa đầy axit. Trong 3 chị em thì Kamilat là người bị tạt axit nặng nhất, cô lập tức ngã quỵ trên nền đất và bất tỉnh, hai người chị của cô bị nhẹ hơn xúm lại giúp em nhưng họ chẳng làm được gì cả ngoài việc kêu cứu. Họ đã phải chờ đợi cho đến khi anh trai Ismael đến và đưa mọi người vào viện.

Kamilat và hai chị gái được đưa vào bệnh viện, nước da mịn màng của cô tấy đỏ, khuôn mặt xinh đẹp bị biến dạng và không thể nhận ra, mái tóc của cô bị cháy trụi và hai mí mắt hoàn toàn bị tiêu huỷ. Hàng ngày các bác sĩ luôn phải gây mê cho Kamilat vì nếu không cô sẽ không thể nào chịu nổi sự đau đớn này. Anh trai Ismael nói rằng em gái anh biết thủ phạm là ai, anh nói: "Từ bốn năm nay, hắn luôn đeo đuổi quấy rầy em tôi, nhưng Kamilat đã không nói cho gia đình biết vì sợ hắn sẽ làm hại đến gia đình. Hắn đã đe doạ em gái tôi rằng nếu nói cho cả nhà biết hắn sẽ giết cả nhà tôi". Và cũng chính vì sự câm lặng của Kamilat, việc từ chối lời cầu hôn với kẻ thủ ác đã khiến cô phải gánh chịu hậu quả đau đớn này. Hiện tại Kamilat đang được điều trị tại một bệnh viện đặc biệt, vì cô là nạn nhân hi hữu của những vụ tấn công bằng axit trên đất nước này. Các kênh truyền hình quốc gia kêu gọi sự giúp đỡ và thường xuyên cập nhật về tình trạng của cô.


Những người vợ bất hạnh

Saira Liaqat vốn là một phụ nữ Pakistan xinh đẹp. Vì tục lệ của đất nước, ngay từ lúc còn nhỏ cô đã được gia đình cho kết hôn với một người họ hàng, nhưng gia đình chấp thuận để cô chưa sống chung cho tới khi tốt nghiệp trung học. Nhưng người đàn ông - người chồng của cô bắt cô phải về sống cùng anh ta. Cuộc sống hôn nhân sớm với một người đàn ông hơn tuổi đã không mang lại hạnh phúc cho Liaqat. Người chồng hay ghen luôn tìm mọi lý do để hành hạ cô, cô sống trong nhà mình mà như bị cầm tù. Và điều tồi tệ nhất cũng xảy ra, nó như là một kết quả chấm dứt một cuộc hôn nhân không mong đợi.

Vào một ngày cuối tháng 7/2003, chồng cô (trên giấy tờ) xuất hiện trước nhà với gói hàng cầm tay, rồi bảo cô mang cho anh ta một cốc nước uống. Anh ta theo cô vào bếp, khi quay ra, cô lập tức hứng trọn ca axit lên mặt. Đau đớn đến tột cùng vì sự tàn phá của thứ dung dịch chết người, Liaqat chỉ biết vùng vẫy trong tuyệt vọng và trước ánh mắt hả hê của người chồng tàn ác. Cô được người ta đưa vào viện với mắt bên phải bị mù, còn mắt trái mờ mịt, còn gương mặt cô hoàn toàn biến dạng.

Liaqat run lên khi nhớ lại vài ngày trước vụ tai nạn, hôm đó ngủ dậy cô bất chợt phát hiện trên mặt mình có nổi một vài mụn, điều đó đã làm cô vô cùng lo lắng. Thế mà giờ đây khuôn mặt xinh xắn của cô đã bị axit tàn phá hoàn toàn. Những ngày trong viện, qua khe sáng của tấm vải băng quấn quanh mắt, cô thấy mọi thứ trước mắt mình thật vô vọng, chán chường, cô không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sau khi ra viện sẽ ra sao, bạn bè, hàng xóm sẽ hốt hoảng thế nào khi nhìn thấy cô. Cô không thể nào hình dung được và không thể lý giải nổi vì sao người đàn ông "đầu gối tay ấp" với mình bao năm lại có thể hành động ác như loài cầm thú đến thế.

Những ngày điều trị trong viện quả thực đối với Liaqat thật nặng nề, cha mẹ cô không cho phép con gái nhìn vào gương. Nhưng rốt cuộc cô cũng được thấy chính mình, cô đã nhìn rất lâu vào khuôn mặt mình, một khuôn mặt hoàn toàn khác lạ, mọi bộ phận trên khuôn mặt đã bị biến dạng, chỉ còn lại mắt trái nhìn thấy lờ mờ. Bố mẹ những tưởng cô sẽ hét toáng lên và ngất đi vì sợ hãi, nhưng không, cô đã dũng cảm dám nhìn thẳng vào khuôn mặt thật của mình và cô đã không khóc. Khi được xuất viện trở về nhà, Liaqat đã tập quen dần với cuộc sống khi phải mang một bộ mặt mới - một khuôn mặt kỳ dị không ai muốn. Trong một lần gia đình có tiệc cưới, cô đã nói rằng: "Tôi tới đó, thấy các cô gái xung quanh mặc váy đẹp và cùng nhau trang điểm. Tôi cảm thấy bị tổn thương, nhưng tôi không muốn mọi người thấy tôi đau đớn".

Và thay bằng một cuộc sống ẩn dật, Saira Liaqat đã dũng cảm tìm một công việc để làm, công việc mà cô lựa chọn là làm đẹp cho người khác. Cô đã đến thẩm mỹ viện Depilex để tìm việc và… đã được chấp nhận. Thẩm mỹ viện tại Lahore không giống như nơi làm đẹp thông thường khác. Ở đây cũng có những chân dung tranh ảnh người đẹp treo trên tường, được trang điểm một cách hoàn hảo, nhưng trong phòng chính, còn có tấm hình lớn một cô gái với nửa khuôn mặt bị tàn phá. Liaqat đã thật sự tìm thấy niềm vui ở đây, tuy khuôn mặt cô không còn được xinh đẹp như xưa nhưng bàn tay cô vẫn vô cùng khéo léo. Cô coi đây là căn nhà thứ 2 của mình và cảm thấy vui khi được mang lại vẻ đẹp cho người khác.

Urooj Akbar, 28 tuổi cũng là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Cô kết hôn năm 22 tuổi và có hai con. Tưởng rằng gia đình êm ấm sẽ khiến cô hạnh phúc nhưng vào một ngày, khi đang ngủ, cô bất ngờ bị chồng hoà axit và dầu hoả đốt cháy gương mặt cô. Cô đã bị bỏng 70% cơ thể và đã trải qua 10 lần phẫu thuật để cố gắng phục hồi vết sẹo trên mặt với sự giúp đỡ của tổ chức Smileagain và được hỗ trợ về tâm lý để cô có thể tái hoà nhập với xã hội. Cô cũng làm việc tại thẩm mỹ viện Depilex giống như Liaqat, trên tường của thẩm mỹ, cô còn treo ảnh của mình cho mọi người xem.

Trên đường trốn chạy

Năm 2002, tại ngôi làng nhỏ Mpika cách Lusaka 80 km, cô bé 11 tuổi Fridah đang làm việc nhà thì bất ngờ nhận được tin báo từ cha mẹ rằng cô đã bị "đính hôn" với một người đàn ông lớn tuổi hơn cô rất nhiều. Vì cha mẹ cô đã nhận của hồi môn của người ta nên đám cưới này chắc chắn sẽ diễn ra. Hai năm sau, khi Fridah tốt nghiệp trung học, cô phải miễn cưỡng trở thành cô dâu trong một hôn lễ với ông chồng mới là Thomas Chileshe. Vì quá thương em gái, chị cô là Annette đã có một ý tưởng, Cô đã thực hiện một kế hoạch giải cứu Fridah chạy trốn đến thủ đô của Zambia, Lusaka- nơi mà Fridah có thể tiếp tục học cao hơn nữa và tránh khỏi cuộc hôn nhân không mong đợi này.

Nhưng người chồng Thomas đã nung nấu trong đầu một kế hoạch khác sau khi nhận được tin gia đình Fridah muốn huỷ bỏ hôn lễ. Trong sự cay cú, anh ta đã tính toán rằng bằng giá nào cũng phải bắt Fridah làm vợ mình. Chị gái của Fridah đã nói với Thomas như sau: "Nghe này Thomas, mối quan hệ này xảy ra trong làng chứ không phải ở Lusaka. Nếu anh muốn nhìn thấy em gái tôi, anh có thể nhìn thấy nó trong làng trong suốt kỳ nghỉ hè, và mong anh đừng đến nhà tôi như những vị khách không mời. Nhưng Thomas vẫn hi vọng có thể mang Fridah trở lại nhà của mình sống, và chuyện gì đến cũng phải đến.

Trong một buổi chiều trên đường từ siêu thị trở về nhà ở Zambia, cô đã bị tạt cả một lọ axit vào mặt, mắt bên phải bị mù hoàn toàn, còn mắt bên trái không nhìn rõ. Hiện tại, Fridah rất sợ hãi, dễ bị tổn thương và cô độc. Mỗi khi hỏi về câu chuyện của cô tức thì những giọt nước mắt chỉ trực trào ra và lăn dài trên khuôn mặt sần sùi đáng thương của cô.

Người ta có thể hại nhau bằng nhiều cách, nhưng có lẽ làm hại người khác bằng thứ dung dịch chết người này là khủng khiếp nhất. Bởi khi nhìn vào khuôn mặt, nó sẽ khiến người ta hồi tưởng lại những kỉ niệm đau đớn nhất.