Phông chữ

Suốt gần 2 thập niên qua, giới phóng viên toàn cầu dường như bất lực trước việc tiếp cận bà quả phụ Margot của cố Chủ tịch Erich Honecker (1912-1994), người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) kiêm Tổng Bí thư đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED) trước đây. Bà M. Honecker luôn từ chối đề nghị của những ký giả kinh nghiệm nhất, thậm chí khước từ cho phỏng vấn với khoản thù lao hậu hĩnh và chấp nhận sống ẩn dật vào lúc tuổi đã xế chiều.

Duy nhất chỉ có biên tập viên Hãng Truyền hình quốc gia Đức NDR Eric Friedler, là được bà Margot Honecker chấp thuận cho phỏng vấn, thể hiện qua cuốn phim tài liệu dài 90 phút mang tựa đề tiếng Đức "Der Sturz - Honecker Ende" (Sự sụp đổ - Giờ phút cuối của Honecker).

Eric Friedler là tác giả bộ phim tài liệu về nạn diệt chủng sắc dân Armenia dưới thời đế chế Ottoman thống trị Thổ Nhĩ Kỳ (bộ phim liên tiếp đoạt được các giải Deutscher Femsehprei 2010 và Grimme 2011, là 2 giải thưởng danh giá nhất của truyền hình Đức. Bộ phim này còn vinh dự được chiếu khai mạc Liên hoan phim quốc tế Montreal 2010 ở Canada).

Chính các thế lực hung hăng phải tạ lỗi trước nhân loại

Bà quả phụ mở  đầu buổi phỏng vấn bằng việc nhắc đến những số phận liên quan đến bức tường Berlin thời Chiến tranh lạnh: “Những người trẻ tuổi hà cớ gì phải đến chốn ấy để vượt đường biên giới và thiệt mạng, uổng phí cuộc sống của mình một cách vô lý như thế? Đây là một câu chuyện hết sức nặng nề, nhất là với đấng sinh thành ra họ. Vả lại hiện tượng ấy vẫn diễn ra hàng ngày trên đường biên giới giữa Mexico và Mỹ đó thôi. Đa phần các quốc gia trên thế giới đều xếp chuyện này vào dạng tội danh phản quốc".

Với câu hỏi của ký giả E. Friedler về giới tù nhân chính trị tại DDR, bà quả phụ Honecker liền khoát tay ra chiều phản bác: "Bọn tội phạm hình sự thuở ấy giờ đây dương dương tự đắc như những cựu tù nhân chính trị thủ cựu. Rất ít người ở DDR là phạm nhân chính trị, tuy rằng chúng tôi có không ít những kẻ chống đối. Thực trạng này cũng phổ biến với mọi nhà nước khác, những kẻ chống đối CNXH, rắp tâm làm bất ổn nền kinh tế đất nước và cuộc sống yên bình của nhân dân".

Kế đến E. Friedler nêu ra một trường hợp, rằng có một bà mẹ trẻ bị bắt sau khi đào tẩu bất thành sang Tây Berlin, rồi con của cô ta bị đem cho làm con nuôi. "Làm gì có chuyện ấy! Nhân danh Hiến pháp CHDC Đức tôi có thể khẳng định không hề có trường hợp nào bị ép buộc cho con nuôi cả - bà M. Honecker quả quyết đây là chuyện vu khống trắng trợn của những kẻ nhân cơ hội dậu đổ bìm leo hòng hạ uy tín của chính thể CHDC Đức".

Cuốn phim tư liệu truyền hình cũng tái hiện lại cuộc sống của vợ chồng cựu nguyên thủ sau khi thể chế CHDC Đức tan rã. E. Honecker buộc phải nhập viện điều trị chứng ung thư gan, rồi bị giam giữ suốt 5 tháng liền trong năm 1992. Lúc ra tù, vợ chồng Honecker thành người vô gia cư vì trước đây họ sinh sống trong hệ thống nhà công vụ. May mà có một mục sư tốt bụng đã cho gia đình Honecker tá túc, trước khi họ sang Nga và vào Đại sứ quán Cộng hòa Chile ở Moskva xin tị nạn chính trị.

Tới năm 1993, Chính phủ Chile đồng ý cho vợ chồng nhà cựu lãnh đạo CHDC Đức sang định cư, lại còn bố trí cho họ một căn hộ thuộc ngoại vi thủ đô Santiago. Điều trớ trêu là chính quyền Chile lúc ấy đang là một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, nhưng vẫn chấp thuận cưu mang cựu lãnh tụ đảng SED. Ông Honecker đã mất từ 8 năm trước, còn bà quả phụ nay cũng đã 84 tuổi.

"Tất cả những câu chuyện thêu dệt về sự sụp đổ của mô hình kinh tế XHCN tại CHDC Đức đều hoàn toàn bịa đặt - bà Margot tiếp tục luận điểm của mình - Người dân CHDC Đức từng muốn có nhiều thay đổi đáng kể, nhưng chúng tôi chưa kịp chuẩn bị thời gian để thực hiện rốt ráo việc này. Như các bạn thấy đấy, hiện nay trên thế giới đang tồn tại bao điều bất công lớn nhất là vẫn còn vô số người tử nạn quanh những cuộc xung đột triền miên. Chính các thế lực hung hăng mới cần phải tạ lỗi trước nhân loại về điều họ đã gây ra".

M.Gorbachev đã bán đứng Liên bang Xôviết và tổ chức Warsaw

Kế đến, bộ phim tài liệu truyền hình đề cập tới cuốn nhật ký của cố Chủ tịch E. Honecker. Cho tới thời gian gần đây, ngay cả những người thân cận với E. Honecker cũng không biết chuyện ông từng viết nhật ký khi bị tù đày. Cuốn nhật ký dày 400 trang với tựa đề "Những ghi chép sau cùng" đã được Nhà xuất bản Edition Ost phát hành từ giữa tháng 2 vừa qua, với 15.000 ấn bản đã được bán hết và kế hoạch tái bản đang được xúc tiến.

Thoạt tiên, nhật ký đến với độc giả Đức qua những trích đoạn do Frank Schumann cung cấp, được đăng dài kỳ trên tờ Berliner Kurier vốn là một trong những tờ nhật báo bán chạy nhất. F. Schumann là chủ một cơ sở xuất bản tư nhân chuyên về lịch sử Nhà nước CHDC Đức, đã bay sang Santiego gặp bà quả phụ Honecker và được ủy quyền cho công bố cuốn nhật ký. Theo nhận định của Schumann thì hoài niệm về chế độ tươi đẹp do Honecker dẫn dắt vẫn chưa nguôi trong lòng người dân từng sinh trưởng trong vùng của CHDC Đức, cho dù hơn 2 thập niên đã trôi đi.

Bà M. Honecker đang trả lời phỏng vấn truyền hình cùng biên tập viên Friedler trong căn hộ tại Santiego.

Trong lời tựa do bà Margot chấp bút đã bóc trần sự suy đồi đạo đức sau khi thể chế CHDC Đức sụp đổ: "Không có gì đáng chê trách hơn với giai cấp cầm quyền hiện nay, rằng họ đã đánh mất nhãn quan tiêu chuẩn đạo đức. Chính sự thù hận CNXH phát xuất từ một nền đạo đức suy đồi đi kèm với bạo lực cùng nạn thất nghiệp tăng cao. Lịch sử đích thực đã bị chà đạp giống như dưới tấm thảm chùi chân. Những phiên tòa xử cựu chiến sĩ biên phòng, cựu nhân viên an ninh STASI hay luật sư theo quan điểm tiến bộ nằm trong chiến lược thanh trừng chính trị, hòng xóa sổ mọi di sản từ thời CHDC Đức".

Ngoài những trang viết về tình cảm cá nhân đối với người bạn đời tri kỷ, nhật ký của E. Honecker tái khẳng định việc ông không làm gì sai lúc đang cầm quyền. Điều khiến ông buồn nhất là thực trạng nước Đức sau khi thống nhất, làn sóng bài xích người nước ngoài dâng cao song song với đủ tệ nạn xã hội là chuyện chưa từng có dưới thời CHDC Đức.

Với những kẻ cơ hội ngả theo phương Tây, ông gọi họ là bọn phản bội. Riêng với cựu Tổng thống Liên bang Xôviết Mikhail Gorbachev, E. Honecker đả phá không thương tiếc: "Hết thảy mọi người đều hiểu, rằng tên lừa đảo M. Gorbachev đội lốt người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô đã bán đứng Liên Xô cùng Tổ chức các nước thành viên Hiệp ước Warsaw cho chủ nghĩa đế quốc".

Bà Margot chợt nhớ lại dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà nước CHDC Đức vào đầu tháng 10/1989: "Erich tiếp vị tổng thống người Nga với nét mặt lạnh như băng, bởi ông thừa biết chân tướng của nhân vật dối trá này". Đoạn kết phim, bà Margot cho rằng những hạt giống đã ươm dưới thời CHDC Đức nhất định sẽ nảy mầm: "Cá nhân tôi tiên liệu những điều tốt đẹp nhất của CNXH sẽ lại xuất hiện trong đời sống tương lai của nước Đức thống nhất".

Gần  4,2 triệu khán giả màn ảnh nhỏ ở Đức đã xem cuốn phim về cuộc phỏng vấn bà quả phụ Margot Honecker, được khởi chiếu lần đầu trên kênh truyền hình Liên bang Đức vào tối ngày 2/4 vừa qua, đạt kỷ lục chưa từng thấy trong mảng phim thời sự tài liệu vốn là đề tài mà đa phần công chúng thờ ơ. Được biết, bà M. Honecker từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức hơn 1/4 thế kỷ (từ 1963-1989) và luôn duy trì nền giáo dục miễn phí ở tất cả các cấp học.

  •   Thu Hường (tổng hợp) CAND