Phông chữ

Những ngày vừa qua, hàng loạt các tờ báo in và báo mạng đăng tin Huỳnh Thị Thu Trang - người mẫu trong bức ảnh "cô gái vườn bưởi" làm đơn khởi kiện nhiếp ảnh gia đã chụp mình, trở thành một đề tài nóng khiến giới nhiếp ảnh xôn xao bàn luận. Và chắc hẳn, đây cũng là một vấn đề khiến các nhà quản lý ngành nhiếp ảnh Việt Nam suy ngẫm để sớm đưa ra những quy định chính thức nhằm tạo hành lang pháp lý cho những người chụp ảnh.


Chuyện mới và chuyện cũ... vẫn mới

Vụ việc mới nhất nêu trên có thể tóm tắt như sau: Cuối năm 2003, Huyện ủy Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long tổ chức buổi họp mặt văn nghệ sĩ và phóng viên báo chí trong tỉnh với nội dung: giới thiệu một số thành tựu của địa phương nhằm quảng bá về quê hương, con người Bình Minh với bè bạn trong nước và quốc tế... nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển (Vĩnh Long) - hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, được lãnh đạo huyện trực tiếp mời chụp một số hình ảnh phục vụ công tác tuyên truyền. Bức ảnh "Tuổi xuân" hay còn gọi "Cô gái vườn bưởi" được sử dụng để quảng bá cho đặc sản quê hương bưởi Năm Roi ra đời.

Ở thời điểm đó, "cô gái vườn bưởi" Huỳnh Thị Thu Trang thấy "rất vinh dự vì đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh cho tỉnh nhà". Nhưng rồi tám năm sau, Trang khởi kiện nhiếp ảnh gia Nguyễn Vinh Hiển ra Tòa án Nhân dân thành phố Vĩnh Long đòi "bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín" vì thấy hình ảnh trên của mình xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và cho rằng tác giả đã bán hình ảnh chụp mình cho nhiều tổ chức, cá nhân để quảng bá thương hiệu và yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng (lần 1) rồi tăng lên 200 triệu đồng (lần 2)...

Còn nhớ, chuyện "cũ mà chưa cũ": cuối năm 2002, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðỗ Kha (Quảng Ninh), phát hiện cửa hàng ảnh điện - hàng xóm kế bên nhà ông bày bán những bức ảnh điện về phong cảnh Hạ Long đủ cỡ là bản sao chụp những đứa con tinh thần của chính mình. Mặc dù ông đã gửi đơn trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng đề nghị sớm làm rõ sự việc nhưng mọi chuyện không được giải quyết và người hàng xóm vẫn tiếp tục kinh doanh những bức ảnh "đạo"... Năm 2003, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo kiện NXB Văn hóa Dân tộc và soạn giả Nguyễn Khắc Cần vì đã sử dụng bức ảnh Từ "thần sấm" xuống "xe trâu" của ông trong cuốn sách ảnh Việt Nam cuộc chiến, 1858 - 1975 vì không giữ nguyên vẹn tác phẩm gốc và không đề tên tác giả cũng như không chi trả nhuận ảnh... Tòa đã bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn bởi không có căn cứ để bồi thường.

Tháng 1-2003, cô Phan Thị Như Quỳnh gửi đơn khiếu nại Tổng cục Du lịch Việt Nam và tác giả Vũ Quốc Khánh vì sử dụng bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" có ảnh của cô mà không xin phép. Cô Quỳnh liên hệ với ông Khánh để khiếu nại, song không thấy phản hồi. Còn Tổng cục Du lịch thì cho rằng, họ đã mua bản quyền với tác giả bức ảnh nên việc sử dụng chẳng có gì là sai, mà còn "tôn vinh" người mẫu. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng hứa là sẽ bù đắp cho cô Quỳnh bằng "một chuyến đi chơi Hạ Long!". Mới đây nhất, vào dịp cuối tháng 12-2010, khi bộ phim "Cánh đồng bất tận" ra mắt, các poster phim được hãng phim giới thiệu rộng rãi, đã bị người chụp ảnh thể hiện trên loạt poster đó phản ứng dữ dội vì đã không được "đứng danh"...

 Còn rất nhiều những tác phẩm khác bị sử dụng vô tội vạ để minh họa trong các cuốn sách, tạp chí, báo, bìa đĩa, trên các phương tiện thông tin đại chúng... mà tác giả không hề được xin phép, không trả tiền bản quyền, không những thế đa số trường hợp này đều bị mất luôn quyền tác giả.

Ðạo đức nghề nghiệp, ý thức sống và làm việc theo pháp luật

Trước những vụ vi phạm tác quyền nhiếp ảnh liên tiếp bị phát giác, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thấy rõ sự cần thiết phải có một khung pháp lý chặt chẽ để quản lý lĩnh vực này. Năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 63/2006/QÐ-BVHTT ban hành Quy chế sử dụng ảnh trong tranh cổ động và bìa xuất bản phẩm. Tuy quy chế này chỉ khoanh vùng điều chỉnh với một phạm vi đối tượng sử dụng ảnh trong sáng tác tranh cổ động, nhưng bước đầu cũng đã tạo hành lang pháp lý để những người làm tranh cổ động "biết cách hành xử" đối với các bức ảnh và các tác giả ảnh mà họ sử dụng trong tác phẩm tranh cổ động của mình.

Tuy nhiên, để đưa ra những quy định rõ ràng về việc "sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý" lại là điều không dễ... Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết: "Cơ quan quản lý rất mong muốn có Nghị định hay Luật Nhiếp ảnh để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nhiếp ảnh... Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang xây dựng Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh, dự định ban hành trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Nhân vụ việc "cô gái vườn bưởi" đi kiện nhiếp ảnh gia này cũng như nhiều vụ việc tương tự trước đó đã xảy ra, chúng ta cũng cần suy nghĩ về vấn đề ứng xử văn hóa giữa người chụp và đối tượng được chụp, mà nói rộng ra là vấn đề đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội, chứ bảo có quy định, luật nào điều chỉnh rõ ràng, kỹ từng chi tiết về việc này rất khó...".

Giới nhiếp ảnh Việt Nam mong muốn có được Luật hay Nghị định Nhiếp ảnh bao quát toàn bộ hoạt động nhiếp ảnh để yên tâm hơn khi sáng tác. Tuy nhiên, suy đến cùng, mọi luật định và các khung pháp lý sẽ đều vô nghĩa nếu mỗi người chụp ảnh không tôn trọng, giữ gìn uy tín và đạo đức nghề nghiệp; mỗi đối tượng được chụp ảnh không nhìn nhận vấn đề, sự việc theo góc độ nhân văn (đạo đức cá nhân) mà chỉ dùng tiền để cân đong đo đếm; mỗi cá nhân, tổ chức khi dùng ảnh mà không có ý thức "làm việc theo pháp luật"...

Bởi nếu cứ "chiếu theo luật" thì sẽ khó cho người cầm máy, bởi nhiếp ảnh là loại hình sáng tạo đặc biệt, mỗi cú bấm máy chỉ là khoảnh khắc. Thử hỏi, nếu cứ phải xin phép mới được chụp ảnh thì làm sao có được những bức ảnh bắt được "cái thần" của người được chụp?

Lại thử hỏi, nếu dùng bức ảnh nào cũng phải "xin phép đối tượng được chụp" thì làm sao báo chí có thể cập nhật thông tin "nhanh nhạy, kịp thời" để phục vụ bạn đọc... Và như thế, nếu ai cũng đi kiện vì "sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý" (Ðiểm 2, Ðiều 31 Bộ Luật Dân sự) thì mỗi ngày tòa án phải xử bao nhiêu vụ người trong ảnh kiện báo chí ???

Và, nếu các cá nhân, tổ chức, các cơ quan báo chí, các trang mạng sử dụng ảnh "đúng theo luật" (Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ...), đừng lợi dụng "vin vào" cái cớ rất trên trời "nguồn in-tơ-nét, ảnh tư liệu, ảnh minh họa" thì đã giảm thiểu được đáng kể những vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả, tác phẩm.

* Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý (Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam): Từ sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế rõ ràng hơn trong việc sử dụng "người mẫu" trong tác phẩm ảnh, nếu không sẽ tạo sự bất lợi cho những người chụp ảnh. Ðây cũng là bài học để anh em nhiếp ảnh cần thận trọng hơn khi làm việc với "người mẫu" của mình. Tôi biết, vụ "cô gái vườn bưởi đi kiện nhiếp ảnh gia" không phải là trường hợp đầu tiên, mà đã có nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Có những vụ, người mẫu sau khi thấy tác giả đoạt giải thì lên tiếng đòi quyền lợi...

* Nhà báo Mạnh Hà (Báo Tiền Phong): Nói chung là hệ thống luật bản quyền chưa chặt, cộng với người dân thiếu hiểu biết về luật pháp nên mới dẫn tới những vụ việc bi hài như thế này. Chắc một số người ảo tưởng nhiếp ảnh gia của ta phải giàu vì tiền bản quyền lắm...

* Luật gia Nguyễn Thức: Cô Huỳnh Thị Thu Trang phải chứng minh nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển đã lợi dụng quyền tác giả dùng hình ảnh của Trang vào hoạt động riêng để trục lợi (xin nói rõ hoạt động riêng ở đây là ngoài việc phục vụ cho việc quảng bá quê hương mà Trang đã tự nguyện tham gia làm người mẫu), việc chứng minh phải cụ thể bằng nhân chứng sống hoặc các giấy tờ có liên quan mà Trang thu thập được để nộp cho Tòa án, chứ không thể nói chung chung bằng lời suy diễn của cá nhân mình. Trong trường hợp không có đủ chứng cứ để chứng minh cho Tòa án theo luật định, thì cô Huỳnh Thị Thu Trang sẽ bị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường vì không cung cấp được chứng cứ chứng minh lỗi của bị đơn...

  • CHU THU HẢO, Nhan Dan