Phông chữ

Việc chi phí cho mỗi ca tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc quá lớn trong khi lại không thể mang lại một cái chết nhân đạo cho tử tù đang khiến dư luận Mỹ gây sức ép buộc chính phủ  nước từ bỏ biện pháp hành này.

Chi phí cao

Nghiên cứu có tựa đề “Lộ trình nhằm thay đổi hoặc chấm dứt hình thức tử hình tiêm thuốc tốn kém” được công bố ngày 21/6 vừa qua của thẩm phán người Mỹ Arthur L. Alarcon và Giáo sư luật Paula M. Mitchell tại ĐH Loyola cho thấy, chỉ riêng tại bang California, có tới hơn bốn tỷ USD tiền thuế của người dân bị chi cho 13 trường hợp tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc suốt từ năm 1987 đến nay và tính ra là khoảng 308 triệu USD cho một trường hợp hành quyết.

Hai tác giả của nghiên cứu này cũng dự đoán, nếu duy trì hình thức tử hình tiêm thuốc độc, tính đến năm 2030, số tiền phải “đổ” ra lên tới 9 tỷ, trong khi ngân sách của bang lại có nguy cơ thiếu hụt tới 26 tỷ USD.

Hiện có 34 bang nước Mỹ thi hành án tử hình sử dụng hình thức tiêm thuốc độc như cách thức chủ yếu hoặc duy nhất. Sắp tới, nước Mỹ sẽ chỉ còn 33 bang áp dụng cách thi hành án này do hiệu lệnh cấm tại bang Illinois sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 này.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, số tiền mà hàng năm bang California phải chi trả cho các công tố viên theo đuổi những vụ án tử hình bằng thuốc độc này nhiều hơn 184 tỷ USD so với chi phí cho những công tố viên thông thường bởi những vụ án tử hình đòi hỏi phải có chứng cứ pháp lý hết sức chặt chẽ.

Ngoài ra, mỗi phiên tòa xét xử các tội phạm có mức án tử hình cũng sẽ tốn hơn các vụ án khác tới một triệu USD. Đơn cử một vụ xử mới đây tại New York, hai trong số bốn luật sư tham gia vụ xét xử được trả tới 187 USD một giờ và tính chung số tiền phải chi trả cho vụ án này trong suốt một năm nay là 4,3 triệu USD.

Chi phí cho một trường hợp tử hình tiêm thuốc lên tới 308 triệu USD.

Chưa hết, chi phí cho một tử tù lên tới 100.000 USD một năm. Trong khi đó, thời gian giam giữ trung bình của một tử tù từ khi bị tuyên án đến khi hành quyết là 25 năm.

Chính vì sự tốn kém này nên theo tờ Guardian, 5 năm nay, tòa án bang California chưa từng tiến hành một vụ tử hình tiêm thuốc độc nào.

Hàng hiếm

Chi phí đắt đỏ không phải vấn đề duy nhất khiến nhiều bang của Mỹ tạm “nói không” tử hình tiêm thuốc. Nhiều tháng trở lại đây, rất nhiều bang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhu cầu thuốc tiêm độc gây chết người dùng cho tù nhân nhận bản án tử hình. Thậm chí, một số vụ thi hành án tử hình vừa qua ở Mỹ phải trì hoãn do sự thiếu hụt về nguồn cung cấp thuốc độc.

Từ trước tới nay, chỉ duy nhất có Công ty Dược phẩm Hospira tại bang Illinois, Mỹ sản xuất loại thuốc độc dùng cho thi hành án. Tuy nhiên, tháng 1/2011, công ty này được yêu cầu tạm ngưng việc sản xuất loại thuốc này vì bản thân bang Illinois sẽ chấm dứt hình thức tử hình tiêm thuốc từ tháng 7 này, gây ra sự gián đoạn về nguồn cung thuốc độc.

Do đó, một số bang của Mỹ quay sang Anh cầu cứu nguồn cung cấp thuốc độc. Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Công dân tự do Mỹ ACLU nhận được báo cáo liên bang và báo cáo của bang California về việc tìm kiếm đó. Theo các bản báo cáo này, ít nhất 10 bang đặt hàng thuốc của Công ty Dream Pharma, Ltd., một công ty có văn phòng nhỏ tại London.

Một nguồn tin  khác được công bố bởi ACLU cho biết, ngay khi đó Chính phủ Anh gửi thư cho chính quyền của Obama, yêu cầu Mỹ chấm dứt việc nhập khẩu thuốc dùng để thi hành án tử hình từ Anh. London cũng nghiêm cấm các công ty ở Anh cung cấp thuốc cho việc thi hành án.

Trước tình thế đó, người Mỹ buộc phải yêu cầu Đức và một số quốc gia châu Âu cung cấp thuốc. Tuy nhiên, cũng giống như những quốc gia châu Âu trước đó, trong tuần qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Rosler thẳng thừng từ chối Mỹ khi ra lệnh cấm buôn bán chất gây tê độc, một nguyên liệu chủ yếu trong hỗn hợp ba loại thuốc đang được dùng trong thi hành án tử hình ở rất nhiều bang nước Mỹ.

“Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, tôi sẽ ngăn cấm việc này và không ai có thể sắp xếp được một cách thức hợp pháp ở đây”, ông Philipp Rosler quả quyết.

Mỹ đang thiếu thuốc độc để phục vụ các ca tử hình.
Với quan điểm và cái nhìn khác với người Mỹ, một số quốc gia châu Âu vẫn phản đối việc duy trì án tử hình như Mỹ và một số nước. Ngay cả những quốc gia không phản đối tử hình thì phương thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc vẫn bị coi là phương pháp vô nhân tính.

Khó khăn của Mỹ không dừng lại ở đó. Trong tuần qua, công ty Dược phẩm Lundbeck của Đan Mạch, nơi sản xuất loại thuốc "pentobarbital" được coi là tương đương và có thể thay thế loại thuốc mà Đức cung cấp trong "cocktail tử hình" cũng lên tiếng rằng, việc ngăn chặn sự sản xuất loại thuốc này đáp ứng cho thi hành án tử hình là rất cần thiết.

Đại diện của Lundbeck này còn cho biết, công ty đang xem xét việc ngưng sản xuất sản phẩm trên, nhưng loại thuốc này lại được dùng để chữa trị chứng động kinh nên hiện vẫn được sản xuất.

Thêm vào đó, Đại sứ Đan Mạch tại Washington gửi một bức thư tới chính quyền của các bang sử dụng "pentobarbital" nêu rõ: "Chính phủ Đan Mạch chúng tôi một cách kính cẩn nhất, mong muốn các bạn và chính quyền, sử dụng hết các quyền mà các bạn có để đặt dấu chấm hết cho việc lạm dụng sử dụng thuốc độc (pentobarbital) cho thi hành hình phạt tử hình".

Cái chết không êm ái

Sở dĩ nhiều nước đồng loạt từ chối cấp thuốc độc cho Mỹ là bởi ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêm thuốc độc hoàn toàn không phải hình thức tử hình nhân đạo.

Trong các vụ tử hình bằng thuốc độc, người Mỹ thường tiêm lần lượt ba loại thuốc mà theo lý thuyết thì mỗi loại đều có khả năng làm chết người. Mũi thứ nhất là thiopental, dùng để gây mê nhưng không có tác dụng giảm đau. Mũi thứ 2 (pancuronium bromide) tác động lên cơ quan thần kinh điều khiển hệ cơ, làm ngưng toàn bộ cơ và ngưng thở. Mũi thứ 3 (potassium chloride) làm tim ngừng đập.

Theo các chuyên gia xây dựng phương pháp này, tử tù sẽ chết trong khoảng 7 đến 15 phút kể từ khi bị tiêm mũi đầu tiên và sẽ có một cái chết không đau đớn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia thuộc ĐH Miami thực sự gây chấn động dư luận Mỹ. Họ khảo sát 42 vụ tử hình tại Bắc Carolina và 8 vụ tại California và phát hiện rằng mũi tiêm thứ nhất có thể không đủ khiến tử tù bất tỉnh và mũi thứ 3 đôi khi không đủ để làm tim ngừng đập. Điều đó dẫn tới một số trường hợp tử tù chết trong đau đớn kéo dài.

“Việc cho rằng tiêm thuốc độc sẽ dẫn tới cái chết êm ái là không xác đáng. Phương pháp này có điều bất ổn", tiến sĩ T.Zimmers thuộc nhóm nghiên cứu trên kết luận. Kết quả khảo sát trên thực ra được thực tế chứng minh trước đó với một số trường hợp tử tù không chết trong vòng 7 tới 15 phút mà dài hơn nhiều lần.

Tờ Orlando Sentinel dẫn ra trường hợp Angel Diaz, người bị xử tử vào tháng 12 năm ngoái tại Florida vì giết người vào năm 1979. Diaz chưa bao giờ nhận tội và cũng không có ai chứng kiến hành động tội ác của anh ta nhưng đó không phải là điều gây tranh cãi. Điều đáng nói là trong vụ xử tử này, Diaz mất tới 34 phút mới chết. Sau khi nhận ba mũi thuốc theo quy định, Diaz vẫn không chết và người ta phải sử dụng một mũi tiêm phụ thêm thì tử tù mới tắt thở.

Vụ việc trên gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt tại Mỹ. Ban đầu, cơ quan thi hành án Florida biện hộ rằng do Diaz bị một chứng bệnh liên quan tới thận nên thuốc độc không phát huy tác dụng tức thì và dù có một chút trục trặc nhưng tử tù cũng không đau đớn trước khi chết. Gia đình Diaz bác bỏ điều đó và khẳng định, anh ta chưa hề có tiền sử bệnh thận.

Nhà chức trách sau đó phải điều tra và đi đến kết luận rằng sai sót trong việc xác định vị trí các mũi tiêm trên tay Diaz đã dẫn tới tình trạng thuốc độc không xâm nhập vào cơ quan nội tạng của anh ta như tính toán.

Tương tự, tại bang Florida, năm 2006, một tội phạm bị kết tội tử hình bằng thuốc độc bị bỏ lại trong phòng tiến hành tử hình với cơn đau đớn quằn quại kéo dài hơn 30 phút sau khi thuốc độc được tiêm vào tĩnh mạch của anh ta.

Từ trường hợp Diaz và một số người khác, báo Medical News Today dẫn lời các nhà nghiên cứu cho rằng, hình thức tử hình tiêm thuốc độc cần phải chấm dứt ngay lập tức bởi có nhiều bất cập. Một trong những bất cập đó là việc sử dụng cùng một lượng thuốc độc đối với các tử tù khác nhau, bất kể họ cao, thấp, béo, gầy thế nào. Trong một số trường hợp, khi khả năng chịu đựng của một tử tù nào đó cao hơn mức bình thường, cái chết sẽ đến chậm hơn và họ có thể phải chịu đau đớn.

Lùi thời hạn áp dụng tiêm thuốc độc với tử tù

Về việc thực thi các quy định của Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7, trung tướng Cao Ngọc Oánh (Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an) cho VnExpress.net biết, về nguyên tắc việc tiêm thuốc độc diễn ra ngay tại trại tạm giam có tử tù đang bị giam giữ; nơi có tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử.

Hiện, mỗi năm số người bị thi hành án tử hình tăng 80 - 100 người, nên trước mắt Bộ Công an sẽ xây dựng phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc theo cụm khu vực. Sau đó, tùy tình hình thực tế sẽ triển khai dần ở các địa phương để hạn chế khó khăn và phát sinh trong quá trình di chuyển tử tù đến địa điểm thi hành án.

Hiện, lượng án tử hình chủ yếu liên quan đến hành vi giết người cướp của và ma túy.

Tướng Oánh cho biết, Tổng cục thi hành án đã và đang khẩn trương hoàn thiện các công việc chuẩn bị để triển khai việc tiêm thuốc độc thay xử bắn tử tù, đúng như lộ trình của Luật thi hành án tử hình đã quy định. Song hiện vẫn còn một số khó khăn như đào tạo nghiệp vụ; chuẩn bị công nghệ công nghệ, vật chất cho việc tiêm thuốc độc; thiếu quỹ đất để xây dựng nhà thi hành tử hình…

"Do vậy, cuối năm nay mới chính thức triển khai việc thuốc độc với tử tù; và từ 1/7 chấm dứt hình thức xử bắn", Tổng cục trưởng Cao Ngọc Oánh nói.

 (Theo VnExpress.net)

  • Bích Diệp (tổng hợp) DatViet