Phát triển kinh tế gắn với xoá đói giảm nghèo là nỗ lực của các địa phương nói chung và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng nhằm cải thiện đời sống cho người nghèo, giúp họ có thể thoát nghèo một cách bền vững.
Từ việc hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế thu nhập cao đến việc khuyến khích lĩnh vực kinh tế tập thể, tư nhân phát triển nhằm tạo việc làm cho lao động... là những cách làm hiệu quả nhằm giúp cho người nghèo có thêm nội lực tự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống ngày một tốt hơn.
Gia đình anh Nguyễn Quang Phú là một trong những hộ nghèo ở xóm 8, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Suốt nhiều năm, vợ chồng anh chỉ quanh quẩn với cái cuốc cái cày trên mấy sào ruộng khô cằn của gia đình. Quanh năm gia đình chẳng đủ ăn, nói gì tới chuyện chăm lo cho con cái học hành bằng bạn bằng bè... Mãi đến năm 2010, gia đình anh Phú mới thoát nghèo nhờ có nguồn vốn vay tín chấp thông qua Hội nông dân xã Trường Sơn. Với một khoản tiền ban đầu được vay đó, anh đã mạnh dạn mở quán bán hàng tạp hóa ngay tại nhà; mua một con hươu và một con bò về nuôi. Quán hàng tạp hoá của gia đình anh nếu so với những quán hàng tạp hoá ở phố huyện thì vẫn còn sơ sài, nhưng nếu so với mặt bằng chung tại khu dân cư của gia đình thì cũng vào loại đầy đủ. Cuộc sống của người dân trong xã ngày một nâng cao. Quán hàng tạp hoá của anh lại bán giá rất phải chăng. Cũng nhờ đó mà quán hàng ngày một đông khách, cuộc sống gia đình cũng ngày một cải thiện rõ rệt.
Anh Nguyễn Quang Phú - Xã Trường Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây, gia đình em thuộc diện hộ nghèo được hội cho vay vốn để phát triển chăn nuôi, làm ăn, làm trang trại thì mới thoát nghèo”.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn 6 xã Sơn Trường lại phát triển kinh tế hộ gia đình theo một hướng khác. Nhà nằm sát đồi, không đủ đất để canh tác lúa và hoa màu, nên gia đình ông đã quyết định khai hoang đất trông đồi trọc cạnh nhà để trồng rừng. Suốt gần 5 năm qua, gia đình ông đã khai hoang và trồng được 4ha rừng. Nhìn rừng keo tai tượng của gia đình lên xanh mướt, ông rất vui ...nhưng ông luôn hiểu rằng nghề trồng rừng là dài hơi, không thể một sớm một chiều cho thu hoạch được. Chính vì thế, để đảm bảo cuộc sống gia đình, gia đình ông đã nuôi thêm 14 con hươu, nuôi ong và trồng 1 ha cam bù. Là giống cây bản địa, có từ lâu đời trên vùng đất Hương Sơn, cam bù Hương Sơn là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững. Nhờ đức tính chịu khó tìm tòi, học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã nắm vững kỹ thuật và áp dụng hiệu quả việc trồng cam ở đất đồi. Đến nay, vườn cam của ông Hợi đã có trên 250 gốc, mỗi năm cho thu hoạch trên 4 tấn quả, mang lại nguồn thu từ 60 đến 70 triệu đồng. Chính vì thế, nhiều năm nay gia đình ông đã thoát nghèo và đã trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi và có kinh tế ổn định nhất nhì trong xã, trong huyện.
Ông Nguyễn Văn Hợi – Xã Trường Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thời, hội nông dân các cấprất quan tâm, tập huấn cho các chương trình cây trồng vật nuôi để nông dân tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất có hiệu quả, đời sống gian đình ổn định hơn trước. Mô hình chúng tôi phát triển thì mọi người học hỏi, rút kinh nghiệm nhưng nói chung những hộ nông dân nghèo năm sau giảm hơn năm trước vì sản xuất kinh doanh, sản xuất cây ăn quả và lâm nghiệp”.
Không ai nghĩ rằng, chàng thanh niên Phan Nhật Thành ở xã Sơn Kim I này lại có thể đổi đời nhờ nuôi nhím. Câu chuyện của chàng thanh niên còn rất trẻ này, lúc nào cũng xoay quanh chủ đề về nhím. Anh có thể kể về cách chăm sóc, nuôi dưỡng nhím cả ngày với những ai quan tâm tới việc nuôi nhím. Số tiền tích cóp bao năm nay, anh đầu tư vào để mua 2 con nhím cái, 1 con nhím đực. Anh đi khắp những gia đình trong và ngoài huyện, lặn lội đến cả những gia đình nuôi nhím có kinh nghiệm nuôi nhím lâu năm ở các nơi để tìm hiểu về đặc tính của nhím cũng như cách phòng chống bệnh cho nhím. Và rồi anh đã thành công. Sau vài năm anh đã nuôi được 6 cặp nhím đẻ, 9 con cái và 3 con đực. Bình quân cho mỗi năm, 30 con nhím con được xuất chuồng với giá khoảng 15 triệu /đôi. Cuộc sống gia đình ổn định hơn trước rất nhiều.
Ông Võ Văn Biển - Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nói: “Mấy năm gần đây để thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã Kim Sơn, Hội nông dân chúng tôi đã triển khai trên tất cả các lĩnh vực về phát triển nông nghiệp, đặc biệt phát triển mô hình kinh tế, đặc biệt mô hình trang trại. Về trang trại chăn nuôi chúng tôi có 30 mô hình, ví dụ: lợn siêu nạc, mô hình ba ba, mô hình nuôi hươu, mô hình nuôi bò lai sinh... Bên cạnh đó, chúng tôi phát triển mô hình rừng tức là mô hình bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện tại chúng tôi đang có khoảng 4300ha rừng để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội từ đơn vị một xã nghèo miền núi 30% năm tới nay còn gần 10%/ năm. Chúng tôi phấn đấu để trở thành một xã nông nghiệp mới để đến 2015 trở thành xã nông nghiệp mới....
Những năm qua, Hương Khê đã có những bước chuyển mình mang tính đột phá, khai thác tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn để chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa. Để khai thác nguồn tài nguyên đất, rừng và sử dụng lực lượng lao động nông thôn một cách hiệu quả, phục vụ cho quá trình phát triển, huyện đã tập trung triển khai thực hiện một số các giải pháp đồng bộ như: Tập trung chỉ đạo sản xuất, coi trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; đẩy mạnh đầu tư, thâm canh, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây con có năng suất cao vào sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt, huyện đã thực hiện thành công công tác giao đất giao rừng cho các hộ. Nhờ đó, không chỉ diện tích rừng trồng không ngừng được tăng lên mà kinh tế vườn - rừng, trại - rừng, vườn đồi cũng phát triển mạnh, xuất hiện nhiều điển hình kinh tế giỏi.
Cùng với kinh tế nông nghiệp, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nghành nghề lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại của huyện Hương Sơn phát triển. Đặc biệt ngành tiểu thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách. Kinh tế vườn được tiếp tục đẩy mạnh, phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp đã đem lại thu nhập đáng kể cho các gia đình. Các hộ gia đình đã tận dụng, khai thác quỹ đất hiện có, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp như gió, tràm, cây nguyên liệu... cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Những mô hình kinh tế của Hương Sơn hôm nay như: chăn nuôi, trang trại, trồng rừng... đã và đang đem lại thu nhập lớn cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên rõ rệt với việc tăng cường mạnh mẽ các dịch vụ phục vụ dân sinh. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có đồng thời tranh thủ các chương trình, dự án, sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững.
Tác giả : Minh Lương, VTV