Phông chữ

Vinh danh 11 kiều bào tại Thuỵ SĩChính phủ vừa khen ngợi 11 kiều bào tại Thuỵ Sĩ vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về đất nước trong năm 2010.

 

Những người được vinh danh gồm các ông Lưu Trí Diễn, Nguyễn Văn Lam, Hoàng Sơn, Nguyễn Văn Khải, Vũ Giản, Lương Văn Mỹ Thiện, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Thịnh Cường và bà Ngọc Dung Moser và bà Thanh Huyền Ballmer-Cao.

Ông Lưu Trí Diễn, thay mặt cho các Việt kiều tiêu biểu, xúc động cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Ông Diễn tâm sự, dù xa quê trên 30 năm, nhưng quê hương Việt Nam luôn là hình ảnh sống động trong cuộc sống hàng ngày của ông. Ông kêu gọi sự tham gia, đóng góp tích cực của tất cả Việt kiều để cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, đoàn kết hướng về tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Đại sứ Việt Nam Hoàng Văn Nhã đã hoan nghênh bà con kiều bào trong năm qua đã có rất nhiều hoạt động đáng khích lệ và một trong những hoạt động đó là việc thành lập Hội người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ vào tháng 4/2010. Ông Nguyễn Khánh Kinh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ, cũng cho biết mong muốn lớn nhất của Việt kiều tại Thuỵ Sĩ là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng và đóng góp thiết thực xây dựng quê hương.


Một cộng đồng hoà nhập sâu vào xã hội sở tại

Theo ông Nguyễn Khánh Kinh, hiện có khoảng 7.000 Việt kiều tại Thuỵ Sĩ và đại đa số đã hoà nhập rất sâu vào cuộc sống xã hội của nước sở tại và được người bản xứ đánh giá rất cao. Và số liệu thống kế cho thấy, những người Việt đến trước năm 1975, thường đi theo mục đích du học và ở lại, có địa vị khá trong xã hội, làm các công tác quản lý. Những người đến sau năm 1975 thì làm ở nhiều ngành nghề: lái xe, mở quán ăn, công nhân, tin học...

Hiện, trong số người Việt làm ăn, kinh doanh thành công ở Thuỵ Sĩ, có thể kể đến trường hợp của ông Hoàng Nguyên Hùng, hiện làm việc ở Công ty đồng hồ Oméga tại thành phố Biel-Bienne, một trong những hãng sản xuất đồng hồ nổi tiếng nhất Thuỵ Sĩ cũng như thế giới. Theo ông Hùng, những năm đầu mới sang định cư (năm 1991), ông đã hết sức vất vả với nghề bồi bàn nhưng mỗi khi có thời gian, Hùng lại tranh thủ học thêm ngoại ngữ và tiếp đó xin vào học ở một trường dạy nghề làm đồng hồ. Mất thêm 4 năm, nhờ kết quả học tập tốt nên Hùng được cấp học bổng. Sau khi học xong, qua kiểm tra, ông được nhận vào làm ngay ở Công ty đồng hồ Oméga và đến nay, ông là một kỹ sư bậc cao tại đây. Hùng cho biết, mỗi tháng trung bình ông chỉ phải làm từ 1 - 2 chiếc đồng hồ, nhưng cái nào cũng có trị giá trên dưới 85.000 CHF (franc Thuỵ Sĩ, tương đương hơn 1,3 tỷ đồng Việt Nam) với mức lương khoảng 6.000 CHF /tháng.

Trong khi đó, bà Ngọc Dung Moser, hiện sống tại thành phố Geneva lại khác. Gần 40 năm sinh sống ở xứ người, bà chủ yếu làm công dạy tiếng Đức, tiếng Pháp cho những người Việt mới sang Thuỵ Sĩ và một số công việc mang tính tình nguyện cho Hội Chữ thập đỏ của nước này. Tuy không vất vả lắm nhưng bà phải luôn cố gắng thì mới có thể đảm bảo có việc thường xuyên và có thu nhập ổn định. "Ở đây, nếu không làm gì, thất nghiệp thì sẽ không có chỗ đứng trong xã hội vì không thể có tiền để chi tiêu khi các chi phí sinh hoạt, tiêu dùng đều rất đắt đỏ", bà Dung nói và cho biết sẽ sớm thu xếp thường xuyên về Việt Nam vì sắp tới chị cũng định đầu tư một dự án tại TP.HCM.

Với ông Nguyễn Thành Đồng (quê gốc Hà Nội), chủ nhân của chuỗi nhà hàng Châu Á mang tên “Thượng Hải”, lại chọn con đường làm giàu bằng kinh doanh nhà hàng - một lĩnh vực không đơn giản, đặc biệt ở Thuỵ Sĩ vì vấn đề quan trọng đầu tiên đối với các nhà hàng là quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: các loại thực phẩm nhập vào các nước EU đã khó, vậy mà vào Thuỵ Sĩ lại còn khắt khe hơn… Theo ông Đồng, từ năm 2002 đến năm 2007, ông đã khai trương ba nhà hàng. Khi được hỏi về bí quyết của sự thành công, ông Đồng không ngần ngại chia sẻ: “Có lẽ đó là do đức tính cần cù, chịu khó của người VN. Đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ bạn càng cần phải kiên nhẫn hơn. Bên cạnh việc kiến trúc nhà hàng để tạo sự khác biệt, chúng tôi dường như nhớ hết khẩu vị, các món ưa thích của khách hàng. Đối với những khách mới, chúng tôi luôn dành thời gian để tìm hiểu về phong tục, văn hoá của họ để tư vấn các món ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn có những thực đơn độc đáo, bất ngờ và ấn tượng khiến khách ngạc nhiên, thích thú”.

Tuy bộn bề với công việc kinh doanh, nhưng vợ chồng ông Đồng luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho quê hương đất nước. Gia đình ông luôn nhiệt tình tham gia những sinh hoạt cộng đồng do Đại sứ quán VN tổ chức. Nhà hàng Thượng Hải cũng là một điểm đến thực tập ưa thích của nhiều sinh viên VN sang học tại các trường quản lý nhà hàng khách sạn của Thuỵ Sĩ và điểm đến thân thiết của nhiều bà con Việt kiều ở Thuỵ Sĩ.