Để duy trì mưu sinh ở nước sở tại, một số người Việt đã lạc lối, tổ chức sản xuất, phân phối cần sa phi pháp và hậu quả là “bóc lịch” dài ngày. “Bị bắt, ngồi tù là một nhẽ, chứ những người này – chỉ số ít thôi, làm cái nghề trái pháp luật, như con sâu làm giầu nồi canh, làm xấu hình ảnh cộng đồng trong mắt người bản xứ. Tôi cảm thấy thật xấu hổ!”, anh Lê Văn T., một tiểu thương Việt ở thủ đô Praha (Séc), bức xúc nói.
Dồn dập bị bắt
Gần đây dồn dập có rất nhiều vụ người Việt tại Séc, Đức, Anh, Ba Lan… bị bắt giữ do liên quan đến trồng và phân phối cần sa. Cụ thể, sáng ngày 8/11vừa qua, truyền thông Séc đồng loạt cho hay, ba nghi phạm người Việt Nam đã bị bắt tại chỗ và đây là vườn cần sa khổng lồ nhất mà cảnh sát Séc phát hiện được trong năm 2010. Theo một số nguồn tin, trong vườn này có từ 10.000 tới 12.000 cây và những người này có thể phải đương đầu với án tù 10 năm. Tiếp đó, ngày 21/10, cảnh sát Séc lại bắt 2 người Việt khi phát hiện họ có mặt tại nơi trồng cây sợi gai dầu trong một ngôi nhà ở làng Strmilov thuộc vùng Jindřichův Hradec.
Ngày 11/9, tại Oberwittighausen (Đức), Lực lượng hỗn hợp điều tra ma túy của nước này bắt giữ 9 người Việt, trong đó 4 người được coi là nhân công thuê chăm sóc, 5 người bị cáo buộc đóng vai trò chủ trại và thu giữ 1.187 cây cần sa, trị giá ước 300.000 Euro, cùng cả hệ thống công nghệ trang thiết bị máy móc trồng thu hái chế biến tự động.
Ngày 21/7, theo tin từ cảnh sát địa phương, số lượng cần sa được trồng trong nhà của 4 người Việt ở thành phố Portsmouth, hạt Hampshire, miền Nam nước Anh lên tới hàng nghìn cây, với tổng trị giá lên tới hàng trăm nghìn bảng Anh. Trong số 4 người Việt bị bắt có 2 đàn ông, một phụ nữ khoảng ngoài 20 tuổi và 1 bé trai 12 tuổi. Trước đó, ngày 27/5, cảnh sát Anh cũng bắt giữ 6 người Việt với tội danh sản xuất cần sa trái phép tại Surrey. Đầu tháng 3, cảnh sát bắt giữ 12 người đàn ông và 5 phụ nữ, đa số là người Việt Nam, khi phát hiện trong vườn và trong nhà của họ ở Sutton Coldfield, miền Trung nước Anh, có số lượng cần sa lên tới 250.000 bảng.
Ngày 18/6, Cục điều tra trung ương Ba Lan đồng loạt tấn công 6 địa điểm có vườn cần sa do người Việt quản lí tại miền Trung và Bắc nước này, bắt giữ 12 người Việt, thu giữ tổng số 3000 chậu cần sa và 20 kg cần sa đã sấy khô. Những người Việt bị bắt có thể chịu mức án đến 15 năm tù.
Hậu quả để lại
Nguyễn Thị M., một du học sinh Việt ở Anh, chia sẻ: “Có thể số ít người Việt trồng á phiện, đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, hoặc có cái nhìn về việc làm phạm pháp quá “cạn” do thiếu thông tin vì bất đồng ngôn ngữ, nên mới sa vào ma trận này. Tuy nhiên, gánh chịu sự lên án gay gắt, tẩy chay của người dân bản xứ lại không phải họ, mà là những người Việt đang sinh sống và làm ăn lương thiện ở nước sở tại, đặc biệt là thế hệ thứ 3 của người Việt đang ngồi trên ghế nhà trường, rất dễ bị bạn bè kỳ thị…”.
Trong khi đó, chị Phạm Thị H., buôn bán ở khu biên giới giữa Slovakia với Hungari, than thở: “Bao công sức quảng bá đất nước, con người Việt Nam đều bị những người đó làm ảnh hưởng!”
Chia sẻ điều này, ông Marcel Winter, Chủ tịch Hội Séc - Việt, từng cho biết: Với hơn 60 nghìn người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở Séc, đa phần không ai dính dáng tới các tội danh hình sự. Số lượng người phạm tội là rất ít, không hề cao hơn các cộng đồng người nước ngoài khác. Do vậy, số liệu do Trung tâm Phòng chống ma túy quốc gia (NPC) công bố là không đầy đủ, không khách quan làm tổn hại đến uy tín của cộng đồng người Việt.
Như vậy, dù sự thật về việc người Việt trồng cần sa có đúng như báo chí nước sở tại đưa hay không thì đây vẫn là một vấn đề “nóng”, có hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ phá vỡ hình ảnh và sự nỗ lực xây dựng một cộng đồng “đẹp” trong mắt người dân bản xứ.
An Đông