Phông chữ
Khi Lê Quang Liêm đoạt á quân giải cờ vua Siêu đại kiện tướng Dortmund (Đức), báo chí nước ngoài xôn xao về “chiến thắng của người Việt Nam” và ca ngợi “trí tuệ Việt lên ngôi”. Làng cờ thế giới choáng váng và ngạc nhiên là điều dễ hiểu, bởi Lê Quang Liêm nhỏ tuổi nhất (sinh năm 1991, trong lúc các kỳ thủ khác sinh từ 1985-1975), elo thấp nhất (2.681, còn hạt giống số 1 là cựu VĐTG Vladimir Kramnik đạt 2.790), và bị đánh giá là nhân vật “lót đường” tại giải này.


Cần nói thêm, hè năm 2009, sau khi thi đậu Đại học Sài Gòn, Lê Quang Liêm đã mạnh dạn bảo lưu kết quả chứ không đi học, nhằm tập trung cho cờ vua, và Liêm là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên lọt vào tốp 10 hạng đầu trẻ thế giới, tốp 50 hạng đầu thế giới, cũng như đăng quang giải Aerflot mở rộng tháng 2-2010, cho thấy quyết tâm vượt bậc của Liêm khi theo đuổi nghiệp cờ.

Thế nhưng đến nay, gần 2 tuần sau khi Liêm về lại TPHCM, vẫn chưa thấy Tổng cục TDTT và Liên đoàn Cờ Việt Nam có những động thái khen thưởng cho thành tích chưa từng có này của Lê Quang Liêm.

Khi dư luận đặt vấn đề, tương tự những thắc mắc về khen thưởng khi Quang Liêm vô địch giải Aeroflot mở rộng 2010, những người có trách nhiệm của Bộ môn và Liên đoàn Cờ Việt Nam luôn lôi cơ chế ra để bao biện, khi cho rằng, giải Siêu đại kiện tướng hay giải Aerflot danh giá và lẫy lừng cỡ nào trong thế giời cờ chuyên nghiệp thì cũng là số 0 đối với thể thao Việt Nam, do không thuộc quy định khen thưởng hiện hành (!?).

Chưa kể, Quang Liêm thi đấu giải này cũng do ngành thể thao TPHCM chi tiền vé máy bay, và gia đình đài thọ chi phí mời chuyên gia trong 2 tuần (trung bình 4 giờ/ngày với học phí 50 euro/giờ) trước giải. Thực tế này khiến người ta tự hỏi: những lời hứa đầu tư có trọng điểm cho các tài năng thể thao cuối cùng là như vậy sao?

Trong khi đó, chỉ vài ngày sau khi Lê Quang Liêm về nhà, một doanh nghiệp, thông qua Liên đoàn Cờ TPHCM, đã gửi tặng Liêm 5.000 USD và đề nghị Liên đoàn cũng như gia đình không nêu danh tánh của họ. Nghĩa cử này càng bộc lộ sự khập khiễng và cứng nhắc đến vô lối của ngành thể thao Việt Nam trong việc khen thưởng và động viên kịp thời đối với Liêm (lẫn một số VĐV khác, nếu có).

Cứ như thế, hỏi sao những VĐV tài năng của Việt Nam ngày càng chán theo nghiệp thể thao đỉnh cao, và bị “chảy máu” tài năng khi một Hoàng Thanh Trang lừng lẫy ngày nào, giờ đang khoác áo thi đấu cho đội tuyển cờ vua Hungary.