Phông chữ

tapchihuongviet_lekietNghệ sĩ Lê Ngọc Anh Kiệt, hay còn gọi là Nghệ sĩ violon Kiệt Lê là người Việt Nam duy nhất trở thành thành viên chính thức của dàn nhạc danh tiếng Berliner Symphoniker biểu diễn ở Philharmonie Berlin. Anh là một trong những người đã đem lại niềm tự hào lớn cho người Việt ở Đức, cũng như ở Châu Âu.

Tạp chí Hương Việt đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở và thân mật với anh - Nghệ sĩ Kiệt Lê.

Hương Việt: Xin chào anh, năm 2011 anh đã trở về Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên sau 21 năm định cư ở nước ngoài, cảm xúc của anh thế nào?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Hồi tháng 03.2011 mình trở về Việt Nam sau một thời gian đi xa rất lâu, nên cũng rất nhiều cảm xúc lắm: trông chờ, hồi hộp và cũng nhiều lo lắng vì mình về không đơn thuần là thăm lại gia đình, bạn bè mà còn có một buổi biểu diễn cùng với Chỉ huy dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Nhà hát Thành Phố đang chờ đợi mình nữa.
 
Hương Việt: Phải mất một khoảng thời gian dài anh mới trở về Việt Nam biểu diễn, anh có thể chia sẻ điều gì đó về khoảng thời gian này không?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Cũng do nhiều lý do nên cũng rất lâu mình mới quay trở lại Việt Nam và một trong những lí do đó là thời gian, vì mình làm nghề phải làm việc lúc người khác nghỉ ngơi và giải trí mà.
 
Hương Việt: Những yếu tố nào đã làm nên thành công của anh ngày hôm nay?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Thành công hay không đây do khách quan nhận xét, chứ bản thân những người làm nghệ thuật, âm nhạc thường thì chưa bao giờ dám nhận định rằng mình đã thành công. Nhưng mặt khác mình cũng cảm thấy rất hạnh phúc theo đuổi được và được làm cái nghề mà mình yêu quý nó. Thật ra mình cũng là người may mắn hơn nhiều bạn bè khác thôi và một trong những may mắn lớn nhất mà mình luôn có là sau mình là một “hâu phương vững chắc”, vợ mình: Nguyễn Tuyết Nga rất đảm đang, trước học kinh tế ở Lenigrad nơi mà tụi mình quen nhau và mình có hai con rất ngoan và đáng yêu Hà My và Phan Anh. Quan trọng nữa là trong cuộc sống và công việc mình luôn gặp người tốt giúp đỡ, nôm na là mình luôn có được “quý nhân” phù hộ một người nữa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời mình đó là Thầy Bùi Công Thành, dù ở xa đến đâu nếu mình cần, Thầy luôn cho những khuyên bảo, cho mình những kinh nghiệm quý báu trong đường đời và sự nghiệp. Nên mình nghĩ nếu chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên thôi thì chắc chắn mình sẽ chưa có như được ngày hôm nay.
 

Hương Việt: Anh có nhận xét gì về tình hình biểu diễn và ghi âm nhạc cổ điển Việt Nam nói riêng và sự phát triển của nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay nói chung? Theo anh về trước mắt và lâu dài cần phải làm gì để âm nhạc cổ điển Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Theo mình nhìn chung tình hình biểu diễn và phát triển của âm nhạc cổ điển Việt Nam trong 20 năm qua đã có một tiến bộ rất vượt bậc: Dàn nhạc chơi những tác phẩm rất khó của Mahler..., trình độ người nghe cũng lên cao. Đó là do công lao của rất nhiều thế hệ thầy, cô, đồng nghiệp của mình rất nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc ở Việt Nam.

Nhưng trong vòng một, hai năm gần đây mình có cảm nhận đà phát triển positive đó hơi bị chùng lại, có lẽ do ảnh hưởng kinh tế của cả nước (?) Nên nhà nước và các nhà tài trợ cho các chương trình biểu diễn, đầu tư cho tài năng âm nhạc trẻ, đầu tư vào dàn nhạc giao hưởng trong nước cũng ít hơn trước dẫn đến các hoạt động âm nhạc cổ điển cũng lắng xuống. Nên mình nghĩ chỉ còn bằng cách qua các phương tiện truyền thông, báo chí chúng ta nên kêu gọi từ nhiều phía, cụ thể để có nhiều người ủng hộ hơn những Projekt – Âm nhạc qua đó để đà phát triển âm nhạc cổ điển tiếp tục tốt hơn và một ngày gần thôi Việt Nam có thể sánh vai về âm nhạc với các nước như Japan, China… và một phần nào học tập được các nước Châu Âu có truyền thống âm nhạc lâu đời.

Mặt khác mình cần có nhiều hoạt động trao đổi âm nhạc giữa các thành phố, giữa Việt Nam và các nước khác: Solist, Dàn nhạc, Ensemble, các cuộc thi tài năng, trại hè âm nhạc, chương trình vô tuyến, Radio âm nhạc cổ điển…

Giới thiệu đến khán thính giả Việt Nam những tác phẩm cổ điển không “khó nghe”, như cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết qua lần dự Concert Viena Phihlarmonic có đánh giá: sự thành công của dàn nhạc này là họ làm được việc đưa âm nhạc cổ điển đến cho bất kì ai dù có hay chưa nghe nhạc cổ điển bao giờ cũng cảm nhận được sự hay tuyệt vời của nó.
 

Hương Việt: Có nhiều ý kiến cho rằng nhạc cổ điển là nhạc bác học, nhưng có một vị nhạc trưởng ở Việt Nam cho rằng “nhạc cổ điển không phải là nhạc bác học”. Ý kiến của anh về những quan niệm này?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Theo mình âm nhạc đây là một trong những phương tiện để truyền đạt nội tâm, cảm xúc và ý tưởng của con người nên nếu bạn chơi đàn rung động được người nghe bạn thì bạn đã thành công trong sứ mệnh đấy. “Bác học” hay “Hàn lâm” tất cả đều do các dịch giả nghĩ ra thôi! Tất nhiên để hiểu được nhạc cổ điển cũng cần phải có sự tìm hiểu, dẫn giải. Cũng như bạn muốn cảm nhận được một cuốn tiểu thuyết hay thì bạn phải biết đọc đã, nhưng không cần phải là bác học thì bạn mới biết đọc được.

Hương Việt: Từng trình diễn rất nhiều các tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng không chỉ của nước ngoài mà còn của Việt Nam, vậy tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam nào được anh yêu thích và biểu diễn nhiều nhất?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Đây là một trong những việc mà mình muốn làm: giới thiệu các tác phẩm Việt Nam đến các khán thính giả Đức, Châu Âu… qua sự thành lập 2008 nhóm Tứ Tấu  "Berlin Saigon" (BESA-QUARTET) mình thử nghiệm qua sự giúp đỡ của nhạc sĩ Phan Hồng Minh, mình nhờ anh phối lại các ca khúc: Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Thụy Miên… chơi ghép vào chương trình cùng Mozart, Tchaikovsky… đã được tiếng vang rất tốt, vì khán giả Châu Âu phần lớn họ còn biết rất ít về văn hóa, âm nhạc Việt Nam.
 

Hương Việt: Hương Việt được biết vào thời gian tới đây anh sẽ tổ chức một đêm nhạc nói về âm nhạc Việt Nam tại Đức, anh có thể chia sẻ vài nét về đêm nhạc này được không?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Đây không phải mình tổ chức mà là sau lần về Thành Phố Hồ Chí Minh biểu diễn với mình 03.2011 và ở Hà Nội 05.2011 với nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, ông Lior Shambadal (Chef Dirigent) của dàn nhạc Berliner Symohoniker có rất nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước, đặc biệt là về con người Việt Nam. Nên ông đã đề nghị dàn nhạc đưa vào chương trình hằng năm tại Philharmonie Berlin sắp tới (2013), một chương trình giới thiệu âm nhạc, văn hóa Việt Nam dưới sự trình diễn của dàn nhạc Berliner Symphoniker.

Trong phần 1: Âm nhạc Việt Nam để giới thiệu đến người Đức; phần 2: Âm nhạc Đức để giới thiệu đến cộng đồng Việt Nam, nhất là các em thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở đây. Mình hi vọng buổi diễn đó người Việt Nam mình đi thật đông trong khán đường 2.500 chỗ của Phihlarmonie.
 
Hương Việt: Anh đã có những kế hoạch và dự định cụ thể nào nhằm thực hiện mong muốn của anh là gắn kết các hoạt động âm nhạc giữa Đức và Việt Nam, góp phần đào tạo và thúc đẩy nền âm nhạc cổ điển Việt Nam phát triển?
 
Nghệ sĩ Kiệt Lê: Mình chỉ đơn giản là cố làm tốt từng việc nhỏ hiện tại thôi, qua từng bước nhỏ mình hi vọng sẽ tạo được một số sự quan tâm đến từ nhiều phía để đóng góp vào sự phát triển dần nền âm nhạc cổ điển Việt Nam. Cụ thể qua một thời gian dài làm việc với Bùi Công Duy và Công ty đào tạo & tư vấn truyền thông AAA đến hôm qua phía Việt Nam đã thống nhất được những điểm cuối cùng để tổ chức mời Dàn nhạc Berliner Symphoniker, nối tiếp chuyến Tournee tại Japan vào tháng 06 - 07.2012 sẽ đến Việt Nam (10) ngày, sẽ có ba buổi Konzert tại Nhà hát lớn Hà Nội vào thứ bảy 14 và chủ nhật 15.07.2012 cùng với nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn và nghệ sĩ Bùi Công Duy.

Hương Việt: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, thay mặt cho Tạp Chí Hương Việt Phương Ngọc xin kính chúc anh sức khỏe và mọi điều tốt đẹp nhất!

Nghệ sĩ Kiệt Lê: Cảm ơn những quan tâm của báo Hương Việt. Chúc các bạn thật nhiều thành công!

  • Thực Hiện: Nguyễn Phương Ngọc, tapchihuongviet.eu

Nguyễn Văn Thương - Trở về đất mẹ (Return to the Motherland) - Kiet Le & Shambadal

tapchihuongviet.eu