Phông chữ
Chiều qua, tôi đã bất ngờ khi nhận được email của một người bạn xa lạ từ Việt Nam gửi sang, bạn viết: „ Tôi là một người trẻ thầm lặng luôn dõi theo những trang viết của chị suốt 2 năm qua.
Tôi đã luôn tự hỏi rằng tại sao đối với một người trẻ chưa có nhiều vốn sống và cũng chưa phải lăn trải ở trường đời quá nhiều ( như chị từng phát biểu trong một entry ) lại có thể viết được những bài viết sâu sắc đến vậy. Có những bài chị viết tôi đã dừng lại rất lâu. Blog chị đối với tôi đôi khi là một liều thuốc phiện khiến tôi bị nghiện. Chị viết nhiều về quê hương, về cuộc sống, về tình yêu và về thế hệ trẻ. Với tư cách là một người trẻ ( tạm gọi là thành đạt và có tiếng nói đối với một số thành phần nhất định), chị nghĩ sao về một thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ ?“.

 

Tôi đã mỉm cười sau khi đọc xong câu hỏi đó, nếu được trả lời ngắn gọn, có lẽ tôi sẽ hóm hỉnh trả lời rằng: „ So với thế hệ trẻ bây giờ, tôi chỉ là một người nhà quê, dù tôi đã có hơn 8 năm sống ở một đất nược thuộc dạng giàu nhất thế giới“. Nhưng tôi đã không trả lời như thế, và có lẽ dù có can đảm đến đâu, tôi cũng không dám „ đại diện“ cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam để đánh giá về họ, khi mà đã 8 năm rồi, tôi đã rời xa chốn ấy. Nhưng tôi có thể kể bạn nghe những suy nghĩ của mình, của một người trẻ được may mắn sống, lớn lên và trưởng thành cùng hai đất nươc hoàn toàn khác nhau.

Tôi vẫn được những người lớn tuổi nhắc nhở rằng khi còn trẻ, hãy làm những điều mà mình thích. Nhưng tôi cũng hiểu rằng không phải những gì mình thích mình cũng có thể làm được. Tôi cũng như hàng trăm, hàng vạn và hàng triệu bạn trẻ khác đều mang trong mình hai 2 lý tưởng: Sự nghiệp và tình yêu. Có bạn đã đạt được cả hai ( chúc mừng bạn !), có bạn chỉ mới đạt được một ( chúc mừng bạn vì bạn vẫn còn một điều nữa để phấn đấu ) và có bạn chưa đạt được điều gì cả , ví như tôi ( cũng chúc mừng bạn vì ít ra bạn còn hai mục tiêu để phấn đấu trong đời ). Rất nhiều người đọc những bài viết của tôi, họ nói với tôi rằng với một tư tưởng sống như vậy, hẳn tôi phải có một tình yêu đẹp lắm, để rồi lại phải ngỡ ngàng khi vô tình đọc phải những trang Blog ấp đủ những giọt buồn về một tình yêu tan vỡ của tôi, ấy thế mà tôi vẫn cười, vẫn nói tôi đã có một tình yêu đẹp. Bạn biết vì sao không? Vì đối với toi, một tình yêu đẹp không phải là một tình yêu có một kết thúc đẹp , mà với tôi, cái đẹp của tình yêu thể hiện ở cái cách mà người ta đối xử với nhau khi tình yêu kết thúc. Tôi thường tự hỏi vì sao người nước ngoài chia tay nhau nhẹ nhàng và thanh thản đến thế, không có những ràng buộc phức tạp như ở Việt Nam, dù tôi biết họ cũng đau, đau nhiều lắm chứ. Một cậu bạn thân người Đức của tôi khi chia tay người yêu đã gọi điện cho tôi và khóc. Nhưng rồi những ngày sau đó tôi không còn thấy cậu ấy than vãn hay phàn nàn gì nữa cả, và lúc đó tôi hiểu rằng cậu ấy đã cất dấu niềm đau nơi góc khuất của trái tim, học cách chấp nhân và nhìn về phía trước. Nếu đi ngược về quá khứ ấy và tìm lại lý do cho sự chia tay ấy, sẽ chẳng khác gì bạn đang cố nhặt lại những mảnh vỡ và điều đó hẳn sẽ chẳng làm bạn thanh thản hơn, bởi vì: „ Tình yêu vỡ rồi, nhặt lại làm gì cho xước nữa bàn tay ?!“.

Tôi cũng có nhiều phút lạc lòng khi nhìn những bạn trẻ tay trong tay nhìn về một hướng, lúc đó trong lòng tôi đã chúc mừng họ vì họ đã tìm thấy nhau. Còn với những bạn trẻ đã từng yêu và từng đỗ vỡ, xin đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin về những điều tốt đẹp còn xảy ra trong đời. Hãy cảm ơn người đã buông tay bạn, đã làm cho bạn đau để sau này bạn gặp người tốt hơn và biết đâu sẽ trở thành chồng bạn. Hãy cảm ơn cả những lỗi lầm mà bạn đã bước qua, vì nhờ có nó mà bạn đã trưởng thành và có những bài học để bước vào đời như hôm nay. Hãy nhớ rằng tình yêu không phải là thứ quan trọng nhất ở cuộc đời này, bạn sống không phải vì cho một tình yêu mà còn cho cả một nhân loại, phải không nào? Và tôi nhớ, có một câu viết của một bạn nào đấy mà tôi đã từng đọc được ở trên mạng, tôi rất tâm đắc và đã lưu lại ngay vào trong bộ nhớ của mình khi bạn ấy viết rằng: „Nỗi đau lớn nhất nó không phải là những điều mất mát mà nỗi đau lớn nhất đó chính là sự thất bại trong khi có thể chiến thắng, có thể đạt được trong khi không chịu cố gắng, có thể giành lấy hạnh phúc trong khi chính bản thân mình từ bỏ.“ Tôi tin rằng bài học ở trường đời bạn học ở ngày hôm nay, không có một nơi nào có thể dạy bạn được. Ở trường đời, bạn vừa là thầy của chính bạn và cũng tự là học trò của chính bạn. Bạn tôi từng viết trong một lá thư gửi tôi rằng: „ Ngày hôm qua đã qua rồi mà mãi mãi qua rồi, chẳng có điều gì có thể thay đổi được ngày hôm qua được nữa. Tất cả những gì chúng ta có thể làm được bây giờ, đó là hãy sống thật tốt cho hôm nay và ngày mai.“ Thế gian còn có quá nhiều để chúng ta yêu thương, ví như sự nghiệp. Phải thừa nhận một điều rằng thế hệ trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội để học hỏi và cũng rất nhiều người thành đạt. Nhưng song song với nó, cũng còn rất nhiều bạn trẻ không định hướng được tương lai của mình và cứ để cho cuộc sống phó mặc. Tôi quan sát thấy rằng người Việt Nam mình chăm học hơn rất nhiều so với các bạn trẻ nước ngoài, họ rất ham học hỏi và tiếp thu cũng rất nhanh, nhưng nhược điểm của nhiều bạn trẻ là không kiên trì đến cùng. Khi còn nhỏ thì bị cha mẹ bắt ép học, lớn lên thì họ nhận ra rằng họ không muốn thua kém bạn bè nên phải học, thêm chút nữa thì học để có công ăn việc làm, nói tóm lại là họ học vì một cái gì đó chứ không hoàn toàn là do ý thức tự chủ của cá nhân. Điều này là một khác biệt rất lớn đối với giới trẻ nước ngoài.

Tôi có đọc được ở một cuốn sách một câu nói rất hay mà tôi tiếc rằng đã quên tác giả của nó, đại khái nói rằng cuộc đời của mỗi người ai cũng phải trả giá một lần. Có người trả giá trước, hưởng thụ sau. Có người thì lại hưởng thụ trước, trả giá sau. Sự lựa chọn đó nằm trong tầm tay và quyết định của mỗi người, nhưng sự trả giá cuối cùng bao giờ cũng đắt hơn. Tôi không biết những gì tôi đang làm lúc này có phải là sự trả giá không, nhưng tôi biết mình cũng đang mất mát và thiệt thòi rất nhiều, đó là tôi phải xa quê hương, xa gia đình tôi và xa những thân thương xưa cũ để sống một cuộc đời tự lập nơi đất khách. Tôi không dám chắc rằng sau này tôi sẽ được hưởng thụ, nhưng tôi tin, khi không còn trẻ nữa, tôi sẽ không ân hận, vì cả tuổi trẻ của tôi, tôi đã được sống, được làm những điều như lòng tôi muốn thế. Một người bạn của tôi từng nói: „ Tại sao những việt kiều lúc nào cũng nói thương, nói nhớ quê hương mà không ai chịu trở về“. Lúc đó tôi cười và trêu lại bạn tôi : „ Quê hương chỉ là nơi để nhớ chứ không phải là nơi để…ở“, nhưng khi nói xong với bạn điều đó, tôi đã hắt tiếng thở dài vang vọng giữa hư không. Tại sao những người Việt trẻ du học xong đều không trở về, hoặc nếu họ có trở về, thì một thời gian sau họ lại tìm cách ra đi. Có quá nhiều lý do để giải thích điều này vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi chợt nhớ tới lời nói của anh Thành Vinh ( cựu á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, từng du học ở Úc ) đã nói: „70% du học sinh không trở về, đó một con số không nhiều và cũng không ít. Nếu 30% quay trở về làm đất nước phát triển rực rỡ thì thế đã là quá đủ. 70% nữa quay trở về chỉ làm môi trường thêm chật chội. Nếu 30% đã quay về chẳng làm được gì hết thì 70% nữa quay về liệu có làm được gì không? Còn nếu cần nhiều hơn con số 30% quay về để phát triển đất nước thì không ai khác hơn chính nhà nước Việt Nam phải biểu hiện điều đó”.

Tôi không biết mình đang lơ lửng ở đâu giữa lưng chừng câu hỏi „ không trở về „ hay „ chưa trở về“. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của bạn tôi ( cũng là một người trẻ du học và đã trở về Việt Nam ), bạn viết thư sang và dặn tôi chỉ một điều: „ Nếu có thể, học xong hãy trở về Việt Nam làm việc Yến Anh nhé !“

Tôi còn rất nhiều điều trăn trở và nghĩ suy về cái gọi là lẽ sống của mỗi người trẻ, tôi chỉ muốn tôi và tất cả các bạn sống như thế nào đó để khi mình bước qua tuổi 20 rồi, nhìn lại chặng đường đã qua, mình sẽ không hổ thẹn vì đã có những ngày tháng thật hoang phí. Dù là tình yêu hay sự nghiệp, tôi cũng mong bạn hãy theo đuổi nó đến cùng và hãy tự cho mình cái quyền quyết định, nhưng đồng thời cũng hãy lắng nghe những lời khuyên của lớp người đi trước. Sẽ không tránh khỏi những vấp ngã, nhưng chính những vấp ngã đó là thử thách cho quãng đời tiếp theo của bạn. Nếu bạn biết đứng dậy, tức là bạn đang hoàn thiện mình rồi đấy.