Phông chữ
„Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con“ ( Chế Lan Viên)


Chỉ còn một mùa xuân nữa thôi là tròn 10 năm tôi xa mẹ, 10 năm tôi bước những bước chân lúc thấp lúc cao giữa xứ lạ mù sương, nhưng trong 10 năm ấy tôi biết chưa khi nào mẹ thôi không dõi theo những bước đi của tôi. Với mẹ tôi chưa bao giờ là một người khôn lớn, vẫn chỉ là một cô bé ngây ngô thủa 15 ngày nào, dù trong mắt mọi người, tôi đã thực sự trưởng thành.

Khi tôi và em trai tôi tròn 3 tuổi, mẹ mắc phải căn bệnh tim quái ác và phải lên bàn mổ. Trái tim thơ bé ngày ấy của tôi chưa đủ thông minh để hiểu rằng nếu mất mẹ ngày đó, cuộc đời tôi sẽ ra sao. Khi tôi 11 tuổi, mẹ bắt đầu nói với tôi về sự sống và cái chết. Bao nhiêu lần nằm trên giường bệnh, mẹ siết chặt bàn tay tôi rồi dặn dò đủ thứ: „ Nếu mẹ có mệnh hệ gì thì hai chị em phải yêu thương và đùm bọc lấy nhau“, rồi „ bố là một người tốt, có thể bố sẽ đi lấy vợ khác hoặc có thể là không, nhưng mẹ đã gửi Ngân hàng cho hai chị em con một số tiền nhỏ để sau này hai chị em có thể học Đại học“. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu ngày đó mình đã khóc vì điều gì, nhưng 11 tuổi, lần đầu tiên tôi biết nghĩ về giá trị của sự sống. Tôi không muốn hình dung về một cuộc sống không có mẹ…

Ấy thế rồi mà 15 tuổi tôi đã bay thật xa, khoảng cách giữa mẹ và tôi không được tính bằng vài km nữa mà là mười mấy nghìn km. Tôi biết quyết định để tôi đi học xa ngày ấy đã làm mẹ cha nhiều đêm rơi nước mắt, nhưng vì tương lai và vì cuộc sống nên cuối cùng mẹ cũng để tôi đi. 15 tuổi, tôi chưa đủ lớn để hiểu nỗi nhớ mẹ sẽ mênh mông thế nào, chỉ đến khi xa mẹ rồi, tôi mới hiểu nỗi khát thèm được vòng tay ôm mẹ rộng lớn đến bao nhiêu. Nhiều đêm tôi vẫn mơ về mẹ, mơ về những ngày hai mẹ con xách làn đi chợ ngày tết, mơ về những đêm bố đi trực tôi xuống nhà ngủ với mẹ, huyên thuyên kể cho mẹ nghe chuyện trường, chuyện lớp, chuyện thầy, chuyện bạn. Trong những giấc mơ của tôi về mẹ luôn có màu hạnh phúc..

Tôi còn nhớ có một lần trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Việt Nam ở Đức, chú Hùng dẫn chương trình có hỏi tôi rằng: „ Mẹ là người có ảnh hưởng như thế nào đối với Yến Anh?“ và tôi đã nói với chú rằng tôi biết ơn mẹ rất nhiều về những bài học vào đời mà mẹ đã dạy cho tôi, tôi tôn trọng những lý tưởng của mẹ nhưng tôi sẽ luôn đi theo con đường của riêng tôi và làm những gì tôi muốn. Có những quyết định của tôi đã làm mẹ buồn, có những cản ngăn của mẹ đã làm tôi đau. Để rồi cũng không ít lần khoảng cách giữa mẹ và tôi bỗng trở nên xa xôi. Từ nhỏ tôi đã là đứa con gái độc lập và bản lĩnh ( có thể sự bản lĩnh ấy tôi đã học được từ mẹ- người phụ nữ từng trải biết vươn lên để chiến thắng bệnh tật), thế nên để cho ai đó quyết định cuộc đời mình, với tôi đó là điều không thể. Cuộc sống ở châu âu gần 10 năm đã dạy tôi hiểu rằng: „ Hãy biết đấu tranh cho cuộc sống của bạn, có thể bạn sẽ thất bại, nhưng nếu bạn biết đứng lên từ sau những thất bại đó, tức là bạn đang đi trên con đường để hoàn thiện mình“

Ngày tôi chập chững làm thơ, mẹ không bao giờ muốn tôi đi theo con đường nghệ thuật, bởi mẹ nói tôi là đứa con gái nhạy cảm, nếu dấn thân vào văn chương sẽ rất đa đoan. Mẹ nói tôi nên học một cái nghành gì đấy trái với văn chương để cân bằng cảm xúc. Sau này lớn lên tôi quyết định theo học Thương Mại, bởi tôi nhận ra rằng văn chương chỉ là thứ nuôi dưỡng tâm hồn tôi chứ không thể nuôi nổi cuộc đời tôi được. Tôi vẫn làm thơ và làm rất nhiều, tập thơ „ Lời của con“ ra đời cũng chính là món quà tri ân lớn nhất mà tôi có thể dành cho mẹ sau lời hứa: „ Con vẫn sẽ cố gắng sống để trở thành niềm tự hào cho mẹ !“

Trong nhiều lá thư gửi tôi, mẹ vẫn viết: „ Giá như cho mẹ được làm lại từ đầu, mẹ sẽ không bao giờ cho con đi xa đến vậy nữa đâu. Những lúc nhớ con mẹ chẳng biết phải làm gì“. Tôi đọc mà thấy sống mũi mình cay cay, bởi tôi biết „ giá như chỉ là cây cầu quá khứ, là những ngôn từ mà tôi chẳng thể nào làm khác nữa được hôm nay“.

Bảy năm trời biệt xứ, kết thúc xong một chương trình học, tôi vội vã về với mẹ rồi cũng vội vã ra đi. Lần chia tay ấy bố không tiễn tôi đi, mẹ cũng chẳng đang tâm nhìn con mình thêm một lần xuất xứ. Đôi bàn chân tôi nặng trĩu bước lê thê, tôi không dám quay nhìn trở lại bởi tôi biết mẹ đang khóc. Mẹ khóc khi đứa con gái yêu của mẹ lại tiếp tục sải cánh bay xa…Đẫ bao nhiêu lần tôi biết mẹ lặng lẽ lên căn phòng cũ của tôi để tìm lại hơi ấm dấu yêu xưa, tìm lại khoảnh khăc yêu thương , những vòng tay ôm và những nụ hôn ngọt ngào mà tôi đã để lại hôm nao. Tôi đi xa, mẹ lại ở nhà thấp thỏm những nỗi lo, bởi tôi luôn là nỗi lo lắng của mẹ, bởi vì tôi còn khờ quá, mà cuộc đời này đâu chỉ dành cho những đứa có tâm hồn trong trẻo và quá thật như tôi. Bạn bè vẫn hay cười trêu tôi rằng: „ Yến Anh sống ở Tây gần 10 năm rồi mà còn ngố hơn bạn bè ở Việt Nam“. Tôi đã đi nhiều, đã chạm chân đến nhiều đất nước khác nhau, đã học hỏi được nhiều nhưng những mánh khóe cuộc đời hình như tôi may mắn chưa vấp phải nên chưa bị ngã vì đau, có lẽ vì thế nên tâm hồn tôi còn quá trong trẻo giữa cuộc sống đời thường này. Nghĩ rằng đó là điều đẹp đẽ, nhưng nó lại là một nỗi lo cho mẹ. Hơn một lần mẹ nói tôi hãy tìm cho mình một người để yêu đi, bởi mẹ rất muốn tôi có một gia đình yên ấm trước khi mẹ nhắm mắt. Nhưng tôi không biết ngày đó là đâu, thôi thì hãy cứ chờ đợi những điều kì diệu sẽ xảy ra…

„ Mẹ, có nghĩa là tất cả

Là cho đi không đòi lại bao giờ „

Ai đó đã từng viết như thế và tôi cũng tin điều đó. Tình yêu thương của mẹ dẫu đôi lúc không nói thành lời, nhưng đã giúp cho tôi – cô bé mộng mơ đã hiểu ra rằng nếu trên đời này có một tình yêu có thật, thì đó là tình yêu của mẹ.