Phông chữ

Mỗi khi buồn hay thất vọng về một điều gì, tôi thường ước được bay về một nơi mà ở  đó tôi có thể nghe những thanh âm của bình yên trượt dài trên cơ thể, được nhìn mây nhởn nhơ bay. Nơi ấy bây giờ vẫn có một góc sân con với đàn gà ung dung nhặt thóc, có khoảng vườn xanh những vạt rau, có cây bơ trĩu quả trên cành. Tôi nghe bình yên bởi nơi ấy tôi còn có mẹ, có những kỷ niệm về ba và về những ngày thơ bé.

      Ngày  ấy gia đình tôi sống trong một căn nhà với gian trước là tường vôi nhưng gian sau lại là tường đất. Tường vôi bởi đó là nơi tiếp khách của gia đình, còn mọi sinh hoạt của chúng tôi thì ở gian phòng sau. Tôi nhớ những đêm ba chị em nằm trên giường, áp tai vào vách để nghe gió thổi và đưa tay hứng gió. Lúc ấy mẹ sẽ từ dưới bếp đi lên với mẻ bắp rang mà khi chiều ba vừa vào trong bản bẻ về. Chị em chúng tôi thôi trò “ đùa gió” và quay ra chơi bán thuốc.. Chị Hai đóng vai người bán thuốc, còn hai chị em tôi sẽ đóng vai khách hàng. Cứ hai trăm đồng là chị sẽ bán cho chúng tôi năm viên thuốc. “Thuốc” là những hạt bắp vàng rượm của mẹ còn “tiền” là những miếng giấy trắng được cắt vuông vức, nhỏ xinh. Ba mẹ nhìn chúng tôi chơi và mỉm cười đầy hạnh phúc.

      Chiều nào đi làm mẹ cũng mang về khi thì cái bắp chuối, lúc lại là nắm rau lang, con cá.. Tối  ấy cả nhà chúng tôi sẽ quây quần bên mâm cơm với đĩa rau khói bay nghi ngút và vài con cá khô chiên. Chỉ vậy thôi nhưng ba chị em tôi ai ăn cũng thấy thật ngon. Chúng tôi đặc biệt mong trời mưa, bởi điều đó đồng nghĩa với việc hôm sau chúng tôi sẽ được ăn cơm với món ếch xào sả thơm lừng. “Cánh đồng dù” ngày ấy mỗi lần mưa, ếch nhái kêu ran. Chị em chúng tôi ở nhà mong ba về để được nhìn thấy những con ếch mập nu được ba cột lại thành xâu rồi thả vào cái chum con. Cả đêm ngủ mà tôi cứ nghe tiếng ếch đạp nước trong chum, lòng mong cho trời mau sáng để được đứng xem ba mổ ếch. Tôi sẽ không thể quên tấm lưng trần của ba mỗi khi ông làm ếch. Tấm lưng to bè với những vết thương đã thành sẹo – kết quả của chiến tranh.

      Mẹ  là giáo viên, đồng lương còm cõi khó có thể vừa nuôi năm miệng ăn, vừa lo cho các con đi học. Bởi vậy hàng đêm mẹ thường thức khuya để làm kem. Lúc ấy mẹ làm kem mà không có tủ lạnh, thế là ba gợi ý mua thùng xốp về, mua đá bỏ vào, kem làm xong cho vào thùng, đậy nắp lại và sáng thứ bảy, chủ nhật, chị Hai và tôi sẽ xách thùng kem ra chợ bán. Bây giờ mỗi lần ăn những cây kem socola là tôi lại nhớ về những cây kem chuối ngọt ngào và những bịch kem mít thơm lừng của mẹ.

      Mẹ  và ba được một người bạn giúp mở một bàn xăng con. Buổi chiều chị tôi đạp xe xuống đại lý ấy lấy xăng, ba sẽ đong vào bình, còn tôi được ngồi canh. Hôm đó tôi ngồi trước nhà và thấy có người dừng trước cái bàn xăng, tôi vừa chạy ra sau nhà vừa hô lên “ mẹ ơi có người, mẹ ơi có người”. Mẹ chạy lên nhìn người đó rồi nhìn tôi cười, mẹ bảo “ bữa sau con thấy ai đi xe máy thì mới kêu mẹ, còn bác này đi xe đạp dừng lại hút thuốc thôi mà”. Tôi hiểu ra và cười bẽn lẽn. Mái nhà nhỏ của chúng tôi ngày ấy yên ấm nhưng không phải lúc nào cũng đầy những tiếng cười. Có khi đó là tiếng khóc của ba chị em, là giọt nước mắt của mẹ khi ba nằm trên giường và lăn qua lăn lại bởi những mảnh đạn vẫn nằm lại trong cơ thể Chị Hai ôm tôi và em trai vào lòng dỗ chúng tôi nín mặc dù chị cũng đang khóc. Mẹ xoa nhẹ lên những chỗ đau của ba, ba cắn răng chịu đau và vẫn cố nhìn chúng tôi như muốn nói rằng “các con đừng khóc ba sẽ không sao”.

      Rồi thời gian trôi, cùng với sự tảo tần của mẹ, ngôi nhà của chúng tôi dần thay da đổi thịt. Chúng tôi  được đùa giỡn trên nền xi măng, được ấm  áp qua những mùa gió. Nhưng khi ấy cũng là khi ba ra đi vì tai nạn giao thông. Hôm ấy đang là mùa thu. Trung thu ấy chị em tôi ngồi trong nhà với mẹ, nghe ngoài kia trống lân đánh rộn ràng mà lòng tê tái. Góc nhà nhỏ bình yên hôm nao giờ chỉ còn bốn mẹ con và những kỷ niệm về ba. Rồi chị Hai lấy chồng, tôi đi học thỉnh thoảng mới lại về thăm.

      Qua bao mùa mưa, mái tôn đã được thay mới nhưng cái giếng, cây bơ, khoảng sân mà ngày xưa ba hay ra ngồi mẹ vẫn giữ lại, mọi thứ trong nhà vẫn hệt như những ngày còn có ba. Bây giờ nơi tôi ở đã không còn những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, không còn những tiếng ếch kêu đêm để nhắc chúng tôi nhớ về món “đặc sản” của ba nhưng kỷ niệm về một mái nhà nhỏ bình yên có ba, có mẹ, có những ngày tuổi thơ êm đẹp vẫn theo tôi trong suốt cuộc đời.

      Y Việt Sa

      Email : vietsa.alw@..