Phông chữ

Tôi đã viết rất nhiều cho mẹ, cho cha, cho bạn bè và cho cả những người đã từng lướt qua trong cuộc đời mình, nhưng lại chưa bao giờ viết về bà dù không khi nào tôi không nghĩ đến bà.

Hôm qua khi vô tình đọc lại bài thơ viết cho bà cách đây 5 năm, bỗng dưng tôi thấy nhớ bà đến kì lạ, nhớ tuổi thơ những ngày còn bên bà…nỗi nhớ ùa về như từng thước phim quay chậm…

Mỗi lần bà lên chơi
Tôi thường hay vòi vĩnh
„Bà ơi bà kể chuyện
Cổ tích ngày xưa đi“

Bà gõ trán tôi cười
„Lớn rồi còn làm nũng“
Tôi vụng về sửa lại
„Cháu còn bé bà ơi“

Nhớ những ngày sao rơi
Nằm nghe bà kể chuyện
Chị em tôi khúc khích
„Bà kể chuyện hay ghê“

Tôi rời khỏi miền quê
Ra xứ ngươi du học
Từng đêm dài chắt lọc
Lời bà kể ngày xưa…


Tôi nhớ có một lần trong lá thư gửi cho bà khi mới bắt đầu  lên đường sang Đức du học, tôi đã viết: Bà có thể có nhiều cháu nội nhưng cháu thì chỉ có một bà nội mà thôi. Bởi thế nên bà hãy sống để chờ ngày cháu trở về bà nhé "

Bà có tất cả 7 người con, bố tôi là con út. So với các bác trong gia đình thì bố vất vả hơn cả, không biết có phải vì thế hay không mà bà thương bố vô cùng. Ông nội mất khi chị em chúng tôi còn quá nhỏ, ngày đó khi tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, cậu em trai còn ngơ ngác hỏi: „Mẹ ơi, sao ông lại nằm trong hòm? Người ta đưa ông đi đâu vậy mẹ?“

Ngày đó bà sống cùng bác P ở quê, chúng tôi cứ mỗi dịp hè bố mẹ lại gưi chị em chúng tôi về cho ông Nhân kèm học khoảng vài tuần. Tối nào tôi cũng đòi chui vào buồng của bà ngủ và bắt bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Sau này lớn hơn một chút bố mẹ thường đón bà xuống chơi, mùa hè 3 bà cháu trải chiếu ra ngoài balkon và ngủ, hai chị em chúng tôi tổ chức thi hát và….bắt bà làm giám khảo. Lần nào bà cũng cho Ngọc Anh điểm cao hơn ( sau này tôi mới hiểu rằng suốt cuộc đời của mình, tôi có thể biết viết văn, làm thơ, thậm chí biết làm kinh tế nhưng chưa bao giờ biết hát ). Hôm nào bố mẹ ra Hà Nội có công việc, ba bà cháu lại cùng nhau đi chợi mua bao nhiêu là đồ ăn và tối lại cùng nhau chơi bài tam cúc. Bà chơi bài tam cúc rất giỏi nên lần nào bà cũng thắng, mỗi lần thắng bà cười rất đẹp, từ đó chúng tôi gọi bà là „ Người đẹp Bình Dương“.

Tuổi thơ tôi gắn bó bên bà không nhiều, học hết lớp 5 tôi cũng ít về quê hơn, mỗi lần bà xuống chơi với chúng tôi bà chỉ ở lại được một tuần rồi lại đòi về . Bà nói ở phố huyện này bà không biết phải làm gì cả nên bà thấy buồn, ở quê bà có vườn, có gà, có vịt và còn nhiều những thứ khác nữa để làm…

…Rồi tôi xuất ngoại, trước khi tôi đi bà lên ở với tôi một tuần. Bất chấp sự ngăn cản của các bác, bố mẹ vẫn quyết định để tôi đi dù tôi biết quyết định ấy đã làm bố mẹ nhiều đêm thao thức. Sau này trong lá thư gửi tôi bố viết: „ Không hiểu sao cái quyết định ngày xưa không đi tu nghiệp đối với bố sao mà dễ đến thế, vậy mà quyết định cho con đi đã bao lần làm bố phải rơi nước mắt…“ Có lẽ ngày ấy, niềm tin dành cho đứa con gái bé bỏng của mình quá lớn, rằng tôi sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành một người phụ nữ thành đạt mới cho bố mẹ nhiều nghị lực phi thường đến vậy. Bà không ủng hộ và cũng không phản đối, bà lắng nghe tất cả những phân tích của các bác và của cả bố mẹ tôi, rồi cuối cùng bà hỏi tôi: „Cháu có muốn đi hay không?“. Tôi im lặng. Tôi không có câu trả lời bởi thời điểm đó tôi còn quá nhỏ và không biết mình thực sự muốn gì. Nửa muốn ở lại để tiếp tục được sống trong vòng tay yêu thương che chở của bố mẹ, nửa muốn bay qua bầu trời bên kia để khám phá một thế giới mới. Điều duy nhất khiến bà sợ đó là tôi còn quá trẻ. 15 tuổi  - khi ấy tôi còn quá ngây thơ để hiểu được rằng con đường đang chờ đón mình phía trước không phải là một con đường trải thảm màu hồng..

Những đêm cuối cùng trước khi bay, tôi nằm ôm bà và thủ thỉ: „Cháu rất buồn khi tất cả các bác không ủng hộ quyết định của bố mẹ cháu, nhưng bà hãy tin ở cháu nhé!“. Rồi tôi xuất ngoại…

Gần 7 năm sau tôi trở về, ôm bà trong vòng tay của mình, sống mũi tôi cay cay. Một nỗi xúc động trào dâng trong lòng, những ngày ở bên bà tôi vẫn lăng xăng đòi giã trầu cho bà, tối lại tôi vẫn có thói quen ôm bà ngủ, nhưng tôi không còn bắt bà kể chuyện cổ tích như ngày xưa nữa…

Vội vã trở về rồi lại vội vã ra đi, ngày chia tay  bà đưa cho tôi 500.000đ và nói: „Bà không biết tặng cháu gì cả, biết cháu thích đọc sách, cháu hãy dùng số tiền này mua sách mang sang đó đọc nhé“. Sống mũi tôi cay xè ( tôi về Việt Nam có bao nhiêu tiền tôi đưa cho mẹ hết bởi tôi không biết tiêu tiền Việt, khi nào cần mua gì thì tôi lại hỏi mẹ và dặn mẹ là nhớ giữ cho tôi 500.000đ để tôi ra Đinh Lễ mua sách, có lẽ bà nghe được câu chuyện đó của mẹ và tôi nên bà đã làm như vậy để mong có thể mang lại cho tôi một niềm vui nho nhỏ ). Tôi ôm bà vào lòng, gửi vào đôi vai gầy ấy cả một bầu trời bình yên. Bởi giây phút đó tôi hiểu, rất có thể đó cũng là cái ôm cuối cùng. Chín mươi mấy tuổi rồi, cuộc sống của bà không biết ngày mai sẽ ra sao, mà tôi thì không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại, thời gian thì chẳng đợi chờ ai. Ý nghĩ ấy khiến tôi không muốn rời xa bà nhưng tôi vẫn phải đi, còn có quá nhiều điều vẫn đang chờ tôi phía trước…

Bà ơi, có rất nhiều thứ trong cuộc đời cháu không thể làm được như những gì cháu muốn, nhưng bà hãy tin, ở một nơi nào đó trên thế giới này, cháu vẫn luôn nhớ tới bà với tất cả những tình cảm yêu thương nhất.
Cháu sẽ trở về, đợi cháu nhé, bà ơi…


Hoàng Yến Anh