Phông chữ
Ngày Tết năm nay cũng đến với chúng tôi như thế, khi trong nhà chuẩn bị mâm lễ cúng Giao Thừa cho đúng theo giờ Việt Nam là lúc 6 giờ chiều, thì ngoài trời đang đổ tuyết. Những bông tuyết trắng xóa mỏng manh quay cuồng bay theo cơn gió đã làm lạnh thêm những ngày Tết xa quê...

Là một Việt kiều sống và làm việc ở Đức mấy mươi năm, ngày Tết đến với tôi thường là trong không gian và thời gian đầy nghịch cảnh: ấy là lúc tôi đang ngồi tham gia một buổi họp quan trọng trong xí nghiệp, hay đang bù đầu lo giải quyết một vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng từ bấy lâu nay, hay là đang phải lái xe đi công tác đâu đó trên con đường xa lộ tuyết trắng rơi đầy…

Nhớ lại ngày mới rời thành phố Sài Gòn đi du học xứ người, cái Tết đầu tiên đến lúc nào tôi cũng chẳng hay. Ngày ấy chàng thanh niên trẻ vừa đỗ Tú Tài đang ngồi cặm cụi trong phòng học tiếng Đức, tiếng cô giáo oang oang tập cho cả lớp phát âm. Lớp học gồm 30 người đủ mọi kiều dân và lứa tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Ngày ấy thông tin liên lạc không thuận tiện như bây giờ, cần biết gì ở quê nhà thì chỉ có cách viết thư gửi qua đường bưu điện, thư đi thư đến mất hết khoảng từ ba đến bốn tuần. Rồi khi nhận được thư nhà, nghe mẹ kể lại những ngày Tết không có mặt tôi cả nhà ai cũng buồn, và mẹ hỏi chắc là con đã khóc nhiều lắm phải không? Đọc thư xong, biết là Tết đến đã lâu rồi, và đó là cái Tết đầu tiên tôi đi vắng, cả nhà ai cũng đã nghĩ về mình, lúc ấy tôi mới thực sự buồn rơi nước mắt như một đứa trẻ con, những giọt nước mắt nóng vì nhớ nhà đã đổ xuống cả trên con đường dẫn đến trường phủ đầy tuyết lạnh…
 
Những ngày sau đó, trong giấc ngủ tôi cứ chập chờn, những thước phim về Tết với những kỷ niệm gia đình đầm ấm ở quê hương cứ quanh quẩn mãi trong đầu. Nào là không khí tươi vui nhộn nhịp bên nồi nấu bánh, hình ảnh cha ngồi cặm cụi tỉa từng nhánh mai vàng tươi, hình ảnh chị khoe chiếc áo dài mới với mái tóc chải mướt dầu dừa, những chiều hò hẹn với người yêu trong quán cà-phê nhạc rồi cùng nhau đi xin xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu. Ngày ấy chúng tôi cùng đốt hương khấn nguyện một đời bên nhau hạnh phúc.

Rồi thời gian chợt vụt qua như bóng mây. Mới đó mà đã bao nhiêu năm tôi sống, làm việc và… trôi nổi ở xứ người. Bao nhiêu cái Tết đã qua đi trong đời tôi với không gian và thời gian nhiều nghịch cảnh. Một điều căn bản khác hơn xưa là ngày nay thông tin liên lạc hiện đại hơn nhiều, cần biết gì ở bên nhà chỉ cần nhấc phôn lên gọi, ngay cả những lần lái xe đi công tác, qua cái phôn di động tôi đã gọi chúc Tết hết cả nhà vào đúng Giao Thừa ở Việt Nam, bên Đức lúc ấy là khoảng 6 giờ chiều. Qua cái phôn tôi cũng nghe được tiếng nhạc Xuân vọng lại rõ ràng từ ti-vi, tiếng nước sôi sùng sục trong nồi nấu bánh tét, tiếng cười vui rộn rã của mỗi đứa em và cháu trong nhà lúc được tiền lì xì mừng tuổi đầu năm mới.

Qua cái phôn di động tôi cũng thưởng thức và cảm nhận được một phần thi vị của Tết ở quê hương, rất xa mà lại rất gần, rất buồn mà lại rất vui, rất mong manh mà vô cùng ấm áp. Rất tiếc là những lần Tết sau này tôi không còn dịp chúc Tết mẹ vì bà đã ra đi, tôi không còn có dịp qua cái phôn di động nói cho mẹ hay rằng, vào những ngày Tết, con vẫn thường nghĩ về mẹ, không còn buồn rơi nước mắt như xưa, nhưng trong tâm tư vẫn đầy nỗi nhớ, và trên con đường dẫn đến cơ quan làm việc phủ đầy tuyết lạnh, bước chân vẫn như những dịp Tết năm nào, dẫm từng bước ngập ngừng trên nền tuyết trắng…


Tôi cũng hết còn dịp chúc Tết "người yêu cũ“ vì nàng đã đi lấy chồng và hiện giờ đang sống cùng gia đình bên Mỹ. Việt kiều bên Mỹ hưởng Tết có phần đậm đà hơn bên Đức vì nơi ấy đông người Việt hơn, họ hình thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ, sống quây quần cùng nhau. Có lẽ bên ấy người yêu thủa học trò của tôi cũng sẽ đi xin xăm Tết ở chùa, cầu cho chồng con khỏe mạnh và hạnh phúc, những lần như thế tôi chợt thấy lòng mình thoảng nhẹ chút hờn ghen, và nhớ về những lần đưa nàng đi ngắm chợ hoa dọc theo đường Nguyễn Huệ giữa Sài Gòn, đi thăm sở thú đông người vào ngày Tết, rồi tìm một góc vườn hoa vắng vẻ nào đó để được hôn nhau, rất vội vàng nhưng lại rất dịu ngọt say đắm. Mùi hương tóc của nàng từ đó đã quyện vào hồn tôi, bám chặt không rời và ngày càng đậm đà hơn theo từng mùa Tết đến, nó đã trở thành một thứ "mùi hương Tết“ trong tôi tự lúc nào không biết, cho nên cứ mỗi lần hai đứa ngồi sát bên nhau, dù vào ngày tháng nào khác trong năm, tôi vẫn ngỡ rằng ngày Tết đang thấp thoáng ẩn hiện ở đâu đây...

Tết năm nay tại thành phố Berlin nhiều tuyết rơi hơn năm ngoái, ngõ vào nhà tôi trắng xóa một màu. Những cành thông trĩu nặng từng mảng tuyết, đổ xuống theo từng cơn gió lay. Buổi sáng khi nắng sớm xuyên qua cành lá, tuyết phản chiếu tỏa sáng nhiều màu sắc đẹp như những thỏi kim cương. May mắn là Tết năm nay lại là những ngày cuối tuần, người Việt đi làm trong cơ quan Đức được thảnh thơi ăn Tết. Tôi xin nghỉ phép trước một tuần vì những công việc quan trọng của xí nghiệp tôi đã giải quyết gọn gàng từ mấy hôm trước. Buổi chiều, cô thư ký người Đức duyên dáng với mái tóc vàng ánh, đến trao cho tôi cái giấy nghỉ phép và chúc tôi mọi sự tốt lành trong năm mới Á Châu. Từ cơ quan về tới nhà, tôi lập tức cùng với vợ lên kế hoạch dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm các thứ để chuẩn bị đón Xuân.
 
Berlin có chợ Đồng Xuân và chợ Thái Bình Dương, đây là hai khu trung tâm thương mại lớn của người Việt cách xa nhau độ chừng 2 cây số, nằm phía bên Đông Berlin thời Cộng hòa Dân chủ Đức cũ. Ở đây người Việt tha hồ mua sắm những sản phẩm quê nhà, từ đôi đũa tre đến chiếc áo dài hay bộ bàn ghế cẩn xa-cừ. Món ăn thì không thiếu thứ gì, bún, phở, nem chua, bánh tét, bánh chưng hay các loại rau thơm. Chúng tôi đi loanh quanh sắm sửa đủ thứ trong khu chợ suốt cả buổi chiều, không khí Tết đã rộ lên ở khắp mọi nơi, náo nhiệt, vui tươi và đầm ấm. Khi vào đây mua đồ Tết, người Việt thật sự cảm thấy bớt cô đơn, bớt nhớ nhà, nhất là khi đây cũng là dịp để gặp lại bạn bè, cùng uống ly bia thơm lạnh hay cốc trà nóng thơm lừng, chúc nhau những điều tốt đẹp và may mắn cho một năm mới sắp đến.

Tôi cũng định mua các loại trái cây để cúng Tết theo tục lệ người Sài Gòn, đó là mâm ngũ quả, gồm có năm loại như xoài, đu đủ, mãng cầu, dừa và trái sung đang bày bán trong gian hàng trái cây khu chợ Thái Bình Dương. Mâm ngũ quả với năm thứ trái cây này là một nét đặc trưng trong ngày Tết miền Nam, cầu chúc có tiền vừa-đủ-xài rồi tiến tới sung túc giàu sang. Thế nhưng, cô vợ trẻ của tôi cản ngay lập tức, cô ấy bảo em đã tạm đủ tiền xài rồi, nếu có cầu thì cầu cho em thành đại gia tỉ phú ngay cơ! Tôi lúng túng không biết phải chọn loại trái cây gì cho hợp với điều cầu khẩn đùa vui và ngộ nghĩnh ấy, vì Việt Nam ta làm gì tìm được bốn thứ quả trái cây mang tên “đại-gia-tỉ-phú” được! Tôi nhìn cô vợ trẻ, cùng bật cười và nắm tay nhau qua quầy hàng bán mứt.

Thật ra ở nước Đức người Việt được đón Tết hai lần - Tết Tây và Tết Ta. Đón Tết Tây thì thực sự vui hơn vì cả nước Đức cùng liên hoan tưng bừng ầm ĩ, không khí đã nhộn nhịp ngay từ bốn tuần lễ trước Giáng Sinh. Khi người Việt cùng nhau đón Tết Nguyên Đán cho đúng tập tục quê nhà, thường đúng vào tháng hai dương lịch, ấy là lúc không khí của xã hội bên ngoài đã trở thành im ắng, mọi hoạt động trở lại bình thường, niềm vui đón Tết gượng gạo trong nỗi nhớ nhà.

Ngày Tết năm nay cũng đến với chúng tôi như thế, khi trong nhà chuẩn bị mâm lễ cúng Giao Thừa cho đúng theo giờ Việt Nam là lúc 6 giờ chiều, thì ngoài trời đang đổ tuyết. Những bông tuyết trắng xóa mỏng manh quay cuồng bay theo cơn gió đã làm lạnh thêm những ngày Tết xa quê...



Berlin ngày Tết
Sa Huỳnh (CHLB Đức)