Phông chữ
Nhớ sao cái cảnh êm đềm khi cùng chị gái và bạn bè ngồi trông nồi bánh chưng đến tận khuya, vừa ngồi trông vừa đánh tam cúc hoặc đánh phỏm, cắn hạt dưa tí tách, thỉnh thoảng cao hứng vùi vài củ khoai vào lửa. Mẹ thì tíu tít chạy ra chạy vào.

Vậy là một cái Tết nữa lại sắp sửa đi qua mà không có mình ở nhà để cùng mẹ đi lễ chùa đầu năm. Năm nào cũng chậc lưỡi, Tết bây giờ có như Tết ngày xưa đâu mà về. Thà rằng cứ ở đây gặm nhấm cái nỗi buồn nhớ Tết mà tưởng tượng ra Tết với những tình cảm trìu mến nhất, tưởng tượng ra Tết ở quê nhà trong những năm xa xưa chứ không phải một cái Tết bận rộn như mấy năm gần đây. Vậy mà càng gần đến Tết lại càng nao lòng làm sao, lại tiếc sao mình không cố gắng thu xếp để được về lấy một lần, để được hưởng cái không khí yên bình đêm Thất tịch, để được hưởng cái ồn ào, vội vàng của chợ Tết chiều 30, để được nghe tiếng người lao xao ngoài ngõ nói câu "Chúc năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát tài“. Ôi chao, nhớ sao mà nhớ thế!

Nhớ sao cái cảnh êm đềm khi cùng chị gái và bạn bè ngồi trông nồi bánh chưng đến tận khuya, vừa ngồi trông vừa đánh tam cúc hoặc đánh phỏm, cắn hạt dưa tí tách, thỉnh thoảng cao hứng vùi vài củ khoai vào lửa, lát nữa lấy ra ăn. Mẹ thì tíu tít chạy ra chạy vào, khi thì xem nước có vừa xăm xắp bánh không, khi thì thay nước cho nồi măng để đến hôm 30 còn ninh măng với móng giò. Đến khuya muộn mấy chị em đã đói bụng là lúc mẹ chạy ra bảo: ah, bánh chưng bé được rồi đấy, lấy ra ăn thử xem nào (chẳng là năm nào khi gói bánh mẹ cũng gói vài chiếc bánh nhỏ ăn trước trong lúc đêm dài ngồi canh nồi bánh). Thế là cả nhà lại xúm xít vào vừa ăn vừa thưởng thức rồi tự xuýt xoa khen sao bánh chưng năm nay rền thế, muối bỏ vừa đủ, tiêu cũng vừa không hắc lắm.

Ôi, nhớ làm sao sắc đào phai của ngày Tết với những quả bóng bay xanh đỏ và những phong bao lì xì treo vắt vẻo, vương vài sợi dây kim tuyến trắng vàng óng ánh. Nhớ làm sao những chiều 29 phố phường sao tấp nập. Ai cũng nặng tay xách những giỏ nào măng, nào miến, nào mộc nhĩ, nấm hương. Nhớ hồi còn ở nhà với mẹ, tôi vẫn phàn nàn sao mẹ mua gì mà nhiều vậy, cứ như thể cả tuần sau chợ nghỉ không họp vậy, giờ có phải như ngày xưa đâu, chiều mùng Một ra chợ đã có lác đác vài hàng rau, hàng cá rồi, mua nhiều làm chi cho chật nhà. Vậy mà ở đây mình cũng giống mẹ, Tết Nguyên đán thậm chí chẳng được nghỉ, các cửa hàng vẫn mở bán ê hề nhưng tôi cũng mua đồ về chất đầy tủ lạnh như thể cả tuần sau không thể mua được thức gì nữa. Càng ngày tôi càng thấy mình giống mẹ nhiều hơn, bữa cơm cuối năm tôi cũng cố nấu thật nhiều để mong sao một năm mới lúc nào cũng no đủ, không sợ thiếu đói.

Ôi, nhớ làm sao dáng mẹ tất tả bên nồi bánh chưng, tất bật đi chợ lo chọn từng cọng hành, sợi miến, nhớ làm sao dáng mẹ nghiêm trang bên bàn thờ tổ tiên khẽ khàng đặt từng quả quất, trái trứng gà. Nhớ làm sao hình ảnh bố về nhà với một cành lộc sau Giao thừa vài phút để phát lộc cho từng chị em rồi cả nhà ngồi ăn thịt gà xé phay với ít nộm hoặc dưa hành, nhớ làm sao lúc mấy chị em ngồi xếp bằng trên giường vừa đánh tam cúc, hoặc đánh phỏm vừa tán chuyện giòn tan sao mà vui thế, sao mà thân thương thế.

Khi đó chỉ chực bật khóc và thầm nghĩ sang năm nhất định phải về, phải ngồi trông nồi bánh chưng với lũ cháu, tán chuyện về chuyện hai ông một bà mặc áo dài mà lại chẳng chịu mặc quần. Người chồng không theo bất cứ một đạo nào vốn vẫn ngưỡng mộ phong tục thờ cúng tổ tiên của Việt Nam lại thêm chút chiều vợ muốn cho vợ nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương nên cứ thủ thỉ hay là nhà mình cũng lập bàn thờ tổ tiên mua hương trầm về khấn vái, cũng mời bạn bè tới ăn Tết với canh măng ninh móng giò, với thịt gà xé phay, rồi chơi bài ăn tiền và cắn tí tách hạt dưa. Nhưng người chồng đâu có hiểu rằng mình có thể lập bàn thờ tổ tiên, có thể mua hương trầm và cành lộc, có thể ăn Tết với bánh chưng, với canh măng và miến nấu với lòng gà, nhưng mình đâu thể có được cái không khí ấm áp thân tình, đâu có thể có được cái " mưa bụi nên em không ướt áo" mà chỉ ở miền Bắc mình mới có, đâu có thể có được hình ảnh mọi người vừa đi vừa mỉm cười nói câu "Chúc bác năm mới cả nhà mạnh khoẻ, làm ăn phát tài" được.

Biết bao giờ mới lại có thể về nhà vào dịp Tết đây, dù rằng có thể chẳng được trông nồi bánh chưng (giờ nhà bố mẹ đã ở phố đâu còn chỗ để bắc bếp luộc bánh chưng đâu), dù chẳng được thấy thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh thì cũng được cùng mẹ đi lễ chùa đầu năm. Mong cho mọi sự tốt lành, được cùng bố mẹ, anh chị và các cháu ngồi quanh mâm cơm ngày Tết có giò lụa, có giò thủ, có bát canh măng ninh chân giò, được đắm mình trong mùi hương trầm, được thấy mọi người rộn ràng đi sắm chợ Tết, được nghe tiếng trẻ con kháo nhau năm nay được nhiều tiền mừng tuổi hơn năm ngoái, được ngồi chơi bài ăn tiền hay tính điểm … Thế cũng là quá đủ để mà thấy hạnh phúc, thấy ấm áp rồi, đâu có thể cứ đòi mọi thứ phải được như mơ ước. Đâu cứ phải đòi cho kỳ được đêm 30 có thêm trăng tròn thì ngồi trông nồi bánh chưng sẽ thi vị hơn bao nhiêu, phải vậy không?

Hà Phong Anh ( Đức )