feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Đi chợ Tết ở Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.Mẹ lặn lội lái xe lên tận Hamburg, mua đủ thứ. Dưới bàn tay mẹ, hiện ra cũng đủ bát măng, bát bóng, đĩa gà, đĩa xôi. Mẹ con nhìn nhau, vẫn thấy thiêu thiếu. Rồi mẹ ra vườn, chặt vào một cành cây khô, lại cầm thêm xấp giấy ăn mầu xanh, mầu hồng. (Nguyễn Thùy Dương, Đức)

Khác với mùa xuân ở Đức, xuân Hà Nội là Tết, là chợ hoa, là háo hức, hân hoan. Cái lạnh của mùa đông dần trở nên nhẹ nhàng, êm ái. Bắt đầu bừng lên ánh nắng nhạt, dịu vàng. Và đi chợ hoa, chen vai đầy hứng khởi.

Ấn tượng mãi chả bao giờ quên chiều 30 tết năm nào, hai chị em lọ mọ rủ nhau đi mua lá mùi già về tắm. Chán chê mê mỏi chả sao, đến lúc chợ tàn hai chị em mới sực thèm một nồi lá mùi, nóng bỏng, thơm nồng. Các cô bán lá mùi rong đã vội về cho bữa tất niên, hai chị em chạy xe lòng vòng tìm kiếm. Cảm giác lúc đó rất lạ. Cứ vội vàng, hớt hải, giữa chiều cuối năm khi ai cũng bận rộn về nhà, chỉ có hai đứa lội ngược dòng người đi tìm, mê mải. Rồi cũng thấy, tận chợ Bưởi, của một bà cụ dọn hàng gần xong. Ôm mớ mùi như ôm chiến công lừng lẫy, cuối cùng cũng có một nồi nước tắm thơm tho.

Chiều cuối năm, cái gì cũng được trẻ con hí hửng kèm thêm từ "tất niên" vào đó. Bữa cơm tất niên, quét dọn tất niên, chơi tất niên, rồi đến tắm cũng tất niên. Duy nhất một lần trong năm tắm lá mùi. Tắm mà như gột rửa, không chỉ bụi bặm ở thể xác mà cả những gợn vẩn trong tâm hồn. Từ buồng tắm chui ra, thấy khoan khoái, nhẹ nhõm, thấy đầu óc trong sạch để chuẩn bị cho một sự khởi đầu. Rồi giao thừa, mùi hương trầm vương vấn, linh thiêng.

Hà Nội hồi đó chưa có lệnh cấm đốt pháo. Cái tên Bình Đà, Ba La Bông Đỏ đủ gợi đến những băng pháo dài cả mét, thỉnh thoảng có đính kèm pháo cối, để có tiếng "Đùng" lẫn vào với những âm thanh "Tạch, tạch... " vui tai. Em rón rén châm lửa, mẹ với chị đứng bịt sẵn tai chờ. Thời khắc giao thừa rộn rã, gần xa râm ran, cứ thế kéo dài đến tiếng sau mới hết. Mùi hương trên bàn thờ quyện vào mùi khói pháo, quấn quít.

Sáng mùng 1, bước chân ra, thấy sân nhà trải đầy xác pháo, hồng hệt mầu đào phai. Năm đầu tiên không pháo, giao thừa buồn, xa lạ, đến lúc nào không ai biết, qua lúc nào chả ai hay. Sau rồi cũng quen, giao thừa được đánh dấu bằng những lần leo lên trần nhà xem bắn pháo hoa tứ phía. Cũng vui, nhưng không bằng năm nào xa xôi ấy.

Rồi lớn thêm một chút, vào dịp tết được bố mẹ chở đi chơi chợ hoa với vườn đào Nhật Tân. Đứng trên một gò đất, thấy những vườn đào trải ra xa tít tắp. Rồi cái loa phát thanh treo trên cột điện bên lề đường phát đi bài "Làng lúa làng hoa". Trẻ con nhưng đã biết rung động sâu sắc, và nhất trí rằng, ngoài chủ nhật, bài hát ấy phải gắn với tết và vườn đào Nhật Tân.

Rồi thắp hương, rồi đi lễ chùa. Mấy năm cứ thế, thành thói quen, đi chùa sau giao thừa một lúc lâu, được cái vắng vẻ, yên tĩnh. Không phải chen vai, cay xè mắt mũi vì khói nhang như "giờ cao điểm", tâm trí lúc đó được thảnh thơi đúng nghĩa vãn cảnh chùa. 3 giờ sáng, Hà nội đêm đầu năm, rất đặc biệt, và rất riêng.

Bẵng đi gần 3 năm mới có dịp quay về Hà Nội. Vào đúng ngày giáp tết, háo hức nhờ cu em chở lên vườn đào chơi. Đứa em hơi lưỡng lự, nhưng vì chiều bà chị mà đưa đi. Đến đường Lạc Long Quân, thấy lạ lẫm như kiểu đi vào một nơi nào đó xa lạ. Cứ hi vọng mình nhìn nhầm. Chả thấy cảm giác háo hức, thân quen. Bây giờ mà nghe "Làng lúa làng hoa" ở đây, chắc xót xa lắm.

Nhớ lại năm đầu tiên đón tết xa nhà, chiều con, mẹ cố gắng bầy biện mâm cỗ tất niên sao cho thật thịnh soạn. Mẹ lặn lội lái xe lên tận Hamburg, đặt nào bánh chưng, mua nào bóng, nào giò, nào măng... Tất cả đều là đồ đông lạnh. Rồi hì hụi cắt tỉa, nấu nướng. Dưới bàn tay mẹ, hiện ra cũng đủ bát măng, bát bóng, đĩa gà, đĩa xôi. .. Mẹ con nhìn nhau, vẫn thấy thiêu thiếu.

Rồi mẹ ra vườn, chặt vào một cành cây khô, lại cầm thêm xấp giấy ăn mầu xanh mầu hồng. Mẹ con thi nhau trổ tài thủ công, cắt cắt gập gập, dính chỗ này, xoay chỗ kia. Dần dần cành đào cũng thành hình, mẹ nghiêm trang cắm vào lọ rồi đặt lên bàn thờ ông bà. Lúc này mới thấy tạm đủ. Việc cuối cùng mẹ con làm là kéo rèm cửa xuống, để khỏi phải nhìn tuyết trắng đầy trời, để tưởng tượng được cho vẹn tròn, rằng mình chưa từng xa Hà Nội đến thế.

Đêm cuối năm nơi đất khách là khoảng thời gian nỗi nhớ không thể kìm nén nổi. Em thú nhận, rằng đó là khoảng thời gian em nhớ nhà, nhớ Hà Nội nhiều nhất, nhớ đến quay quắt, nhớ đến phát cuồng. Từng có lần đã nói, em yêu Hà Nội không vì điều gì to tát, mà yêu chỉ đơn giản vì ở đó em có nhiều thứ muốn nhớ, và có cả những kỷ niệm không thể nào quên.

Nguyễn Thuỳ Dương
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.