Phông chữ

Đã lâu rồi con không viết gì cho cha, cha nhỉ? Bao nhiêu là công việc ở trường, ở công ty cộng thêm việc làm báo đã cuốn con theo vòng xoáy của thời gian, nhưng đêm nào cũng vậy,khi những lo toan, trăn trở đã dịu xuống thì đó cũng là lúc con được trở về với cái thế giới riêng của con, nơi ấy hình ảnh cha và mẹ vẫn choán đầy kí ức…



Cha thương yêu của con!

Hôm qua khi mở lại chiếc hộp kỉ niệm chứa rất nhiều những bức thư, những tấm thiệp mà bạn bè và những người thân yêu đã từng gửi sang cho con trong suốt 8 năm qua, cầm thư cha trên tay lòng con run run một niềm khó tả. Và trong mạch nguồn cảm xúc vừa trào dâng ấy, con đã viết lên bài thơ này gửi cha:

Cầm thư bố trên tay
Con rưng rưng nước mắt
Muốn mỉm cười thắt chặt
Những giọt mềm trên môi

Cầm thư bố trên tay
Con run run con khóc
Dặn lòng mình đừng khóc
Bố sẽ buồn biết bao

Yêu thương bố gửi trao
Qua từng câu từng chữ
Bố dặn con đủ thứ
Sức khỏe học hành chăm

Bố nhắc lại tháng năm
Khi con còn thơ bé
Đã luôn người mạnh mẽ
Bây giờ, tại sao không?

Bố nói mọi dòng sông
Đều gặp nhau ở biển
Thế nên những muộn phiền
Con hãy thả cuốn trôi

Mùa đông giờ qua rồi
Lạnh giá cũng qua thôi
Bố nơi xa vẫn thổi
Những nồng nàn cho con

Còn bố thì còn con
Còn con…còn tất cả
Cuộc đời dài muôn ngả
Hãy vững lòng nghe con

Đọc thư bố xong rồi
Con rưng rưng nước mắt
Đôi môi cười thắt chặt
Tình dịu dàng bố trao

Con đang cố hình dung và tưởng tượng ra khuôn mặt cha lúc này, hẳn nếu ngồi ở bên, cha sẽ lại trêu con: “ Nhà thơ làm thơ hay quá!” và rồi con sẽ lại đỏ mặt vì ngượng ngịu. Đã từ lâu lắm rồi, mọi người vẫn gọi đùa con là “ nhà thơ trẻ”, tên con gái cha được xuất hiện trên báo với nhiều bài viết hơn, đài phát thanh Việt Nam ở Đức cũng đã có hai lần trò truyện và phỏng vấn con (mặc dù công việc con đang làm chỉ liên quan đến Kinh tế). Khi cầm tập thơ đầu tiên của con trên tay, con biết cha đã xúc động đến vô cùng. Sau này cha bảo “ Con gái cha như một vì sao lặng lẽ tỏa sáng”. Và cũng từ đó, cha cũng không gọi con là “ Tẹt ơi” nữa, cha gọi con là “ nhà thơ ơi”. Hôm qua khi con gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cha, con trêu cha:

“ Cha vào Sài Gòn một tuần để khám bệnh mà khi ra Bắc cha nói giọng lơ lớ xứ Thanh rồi đó”

Cha cười rồi bảo: “ Nhà thơ cường điệu quá rồi đấy nhé!” làm con cũng phải phì cười. Cha biết không? Hạnh phúc của con là được nghe cha nói, cha cười. Con biết bệnh tật và những cơn đau triền miên đã lấy đi của cha nhiều sức lực, nhưng cha hãy đừng quên mỉm cười cha nhé. Vì khi cha cười thì ở một nơi nào đó trên bầu trời nước Đức thân yêu, con cũng đang mỉm cười cùng cha đấy.

Cha còn nhớ cũng vào những ngày này của hơn một năm về trước không cha? Khi đó con được trở về trong vòng tay của cha sau hơn 7 năm dài đằng đẵng đi học xa nhà, khi trở về con gái cha vẫn vậy: Vẫn khờ, vẫn ngố,vẫn ngoan và vẫn thật. Con thật thà đến nỗi cha cũng phải thốt lên: “ Con thật thì cũng thật vừa vừa thôi cho người khác còn thật nữa chứ”. Con biết cha lo cho con,cha sợ con sẽ bị đắm chìm trong cuộc sống đầy những cạm bẫy và gian nan. Nhưng con biết cha vẫn rất tự hào về con. Bởi con gái cha đã được yêu thương, được quí mến, được trân trọng cũng bởi những điều thật nhất mà con đã cho đi, phải không cha?

Những ngày về nước ngắn ngủi ấy con đã thật hạnh phúc trong tình yêu của cha, hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà vẫn còn sà vào lòng cha, vẫn chui vào giường nằm ngủ trưa với cha, tối lại vẫn chen vào nằm giữa cha mẹ để được tìm về với những chở che mà suốt gần 8 năm ở xứ người con không có được. Bao nhiêu giờ đồng hồ, bao nhiêu ngày mình đã cười với nhau cha nhỉ? Bao nhiêu kỉ niệm là bấy nhiêu nụ cười. Cha còn nhớ lần cha con mình đi Cẩm Thủy lấy thuốc cho cha không? Một huyện miền núi xa xôi, đường xa thì nhiều ổ gà, lại vừa mưa xong nên đầy những vũng nước, có lúc không đi nổi phải dắc bộ một đoạn, khi qua rồi thì trên đường toàn những đàn trâu, bò, vịt gà chạy lộn xộn trên đường. Con sống ở nước ngoài đã khá lâu nên khi nhìn thấy những cảnh tượng ấy, con phải phì cười vì nó “ ngộ nghĩnh” và vì nó “ lạ” quá. Suốt cả đoạn đường đi và về, con không nhịn nổi cười làm cha cũng phải cười theo, đến nỗi khi về đến nhà con cứ tiếc mãi vì quên không mang theo máy ảnh để chụp lại những “giờ phút huy hoàng” ấy cho bài viết “ Đường về Cẩm Thủy” của hai cha con mình.

Nhưng đằng sau những trận cười, những niềm vui ấy, đã không biết bao nhiêu lần con phải khóc khi thấy cha quằn quại mình trong cơn đau. Đêm cuối cùng trước khi con trở lại Đức, cha sốt hơn 40 độ, phải truyền đạm. Con ngồi đút bánh mì cho cha ăn mà không dấu nổi những giọt nước mắt, rồi con chợt nhớ:

“Khi cho con ăn bố cười, con cười…Con cho bố ăn bố khóc con khóc. Khi con còn bé bố đút cơm cho con ăn, nụ cười trẻ thơ khỏe mạnh cũng là nụ cười hạnh phúc của bố. Rồi một ngày con đút bố ăn, đó là khi sức bố đã mệt, lực đã kiệt…Trong nỗi đau ấy, bố khóc và con cũng khóc. Giọt nước mắt của bố tôi tin là thương con hơn là thương mình. Tình phụ tử của cha bao la và mênh mông quá….biết đến bao giờ con mới trả nổi đây ? “

Ngày con về cha đón con bằng nụ cười hạnh phúc trên môi nhưng ngày con ra đi cha đã tiễn con bằng những giọt nước mắt. Trước khi rời bệnh viện 198 con đã đặt bàn tay nhỏ bé của mình vào lòng bàn tay cha, dặn cha phải khỏe trở lại và con quay đi dấu những giọt lệ lặng lẽ rơi trước bao cái nhìn cảm thông của những người có mặt trong bệnh viện ngày hôm đó.

Cha thương yêu của con! Không chỉ cha mới tự hào về con đâu, mà con gái cha cũng tự hào về cha lắm đó. Cha – người chiễn sĩ công an, Cha – người đàn ông con yêu thương mãi mãi và Cha – ngươi dạy con tình người nhân ái. Viết đến đây, con chợt nhớ đến lời cuối trong bức thư cha từng gửi, cha đã viết:

“ Con thương yêu! Biết rằng sức lực, tài năng con người là có hạn, để chinh phục được đỉnh cao là cả một quá trình, con hãy bước, bước đi từng bước vững chắc. Cha tin con có thể làm được, hãy dũng cảm lên con “

Vâng ! Và từng ngày, con vẫn đang cố gắng sống vui – sống có ích để xứng đáng với niềm tin mà cha đã gửi trao.

Con gửi về cha cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương…

Con gái của cha.

Hoàng Yến Anh