Phông chữ
Nước ta muốn hội nhập toàn cầu, thì không thể không tính đến chuẩn mực thế giới và tương lai khu vực như EU, cần chuẩn bị từ bây giờ, không thể chấp nhận những cải cách xa lạ thế giới, dù bất kỳ lý do gì!

Vào những thập kỷ 80, nước ta chủ trương xây dựng mô hình cấp huyện, lập cơ cấu quản lý hành chính và kinh tế với các phòng ban, tương tự tỉnh; thành lập các công ty cấp 3, các hợp tác xã sát nhập lên bậc cao. Việc này khởi đầu từ ý tưởng chính trị cấp cao khi được tham quan, khảo sát mô hình các nước Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu, tiếp đến thí điểm ở Hải Hậu, Quỳnh Lưu, rồi biến thành nghị quyết các cấp, nhân ra cả nước. Đi kèm theo đó là tổ chức quán triệt nghị quyết, hội thảo nghiên cứu khoa học phục vụ chính sách, phát động phong trào quần chúng rầm rộ, hừng hực khí thế cả nước ra quân, với bao khẩu hiệu cổ động.

Đó là quá trình làm chính sách nói chung ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, hình thành công nghệ làm chính sách dựa vào nghị quyết, phát động quần chúng.

Cùng một cách nảy sinh ý tưởng tương tự, khi thăm Hội chợ Công nghệ Thông tin Quốc tế CeBIT Hannover ngày 23.2.2000, Schröder, Thủ tướng Đức lúc đó nghĩ cần có một chính sách thu hút lao động bậc cao vào Đức. Điều đó lại liên quan tới Luật nhập cư hiện hành, muốn thực hiện phải cải cách luật nhập cư này.

Bảy tháng sau, ông cho thành lập một Ủy ban Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu khoa học làm cơ sở cải cách Luật Nhập cư. Kết qủa nghiên cứu khả quan, trong đó định lượng được cứ nhập cư 1 chuyên gia công nghệ thông tin thì tạo ra được ít nhất 3 chỗ làm việc, một cứu cánh để giải quyết vấn nạn thất nghiệp nan giải lúc bấy giờ.

Bảy tháng sau nữa, Liên minh cầm quyền, đảng SPD và Grün, thông qua kế hoạch xây dựng Luật Nhập cư, giao Bộ Nội vụ soạn thảo. Dự Luật được Hạ viện thông qua dễ dàng, do liên minh cầm quyền chiếm đa số, nhưng đến trình Thượng viện chuẩn y, hai nghị sỹ đại diện tiểu bang Brandenburg đã không bỏ đồng phiếu, nhưng Chủ tịch Thượng viện lại coi đó là phiếu thuận, cho thông qua, bị các đảng đối lập chỉ trích dữ dội, buộc Tổng thống phải chuyển sang Tòa án Hiến pháp Liên bang xem xét. Bị Toà phán sai thủ tục, Dự luật phải làm lại từ đầu.


Lần này quy trình tới Thượng viện bị tắc, do đảng đối lập CDU/CSU chiếm đa số phủ quyết, buộc Chính phủ phải chuyển cho Ủy ban Điều phối của hai Viện thương thảo, giằng co cho tới lúc Thủ tướng Schröder thỏa thuận được với đảng đối lập CDU/CSU, 8 nguyên tắc cơ bản hoàn chỉnh Dự Luật Nhập cư, mới kết thúc. Dự Luật, nhờ đó, được cả hai viện thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.1.2005, mất tròn 5 năm tính từ thời điểm phôi thai.

Đó là công nghệ làm chính sách theo luật, phổ biến trong thể chế pháp trị, khởi đầu cũng bằng ý tưởng chính trị, nhưng xuất phát từ luật hiện hành, kiểm định căn cứ khoa học, soạn thảo dự luật, thông qua cơ quan lập pháp (có khi cả trưng cầu dân ý), sản phẩm cuối cùng là văn bản Luật mới hoặc sửa đổi. Các đối tượng thi hành thực hiện tự động, được bảo đảm bằng chế tài bởi cơ quan tư pháp độc lập, không cần vận động quần chúng.

Công nghệ này cần thời gian lẫn nỗ lực của cả hành pháp, lập pháp, tư pháp, bởi vừa phải kiểm chứng khoa học, vừa cần đồng thuận vốn không dễ trong một xã hội đa nguyên, và nhỡ mắc lỗi, sai sẽ bị kiện. Chính phủ và thành viên phải chịu trách nhiệm nặng nề với cả sự ra đời lẫn thất bại của nó, bằng số phận chính trị của mình.

Còn chính sách ra đời bằng công nghệ dựa vào nghị quyết, vận động quần chúng, hầu như không vấp bất kỳ trở ngại gì về mặt chính trị, thông suốt từ khởi xướng tới thực thi. Khi thất bại chừng như không một cá nhân hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm, bởi đó là kết qủa của cả hệ thống chính trị lẫn toàn dân đồng thuận tham gia.

Do hai công nghệ trên xuất phát từ 2 ý thức hệ ngược nhau, nên không có thước đo chung để so sánh đánh giá bản thân chúng, mà chỉ có thể đánh giá kết quả thực tế nó mang lại cho người dân lẫn tiền đồ quốc gia họ.

Từ mô hình cấp huyện 30 năm trước, lần này lại được cải cách nhằm vào mục tiêu cụ thể: bỏ HĐND huyện, quận, phường, bắt đầu bằng thí điểm từ năm 2009 ở 10 tỉnh, thành, được tổng kết đánh giá: "chức năng của HĐND huyện, quận, phường được chuyển cho cấp tỉnh" vẫn "bảo đảm sự vận hành của bộ máy nhà nước",  "hiệu quả và nhiều mặt tốt hơn trước", "tiết kiệm được 85 tỷ đồng/năm", kèm các số liệu thống kê về giảm khiếu nại, tố cáo từ 3,5% - 7,9%.

Thăm dò ý kiến tại Nam Định, tới 51,6% đánh giá tốt hơn, chỉ 1,9% ngược lại. Từ đó, chính phủ đề xuất 3 phương án, sửa Hiến pháp trong kỳ họp Quốc hội thứ 8 để thực hiện ngay, hoặc kéo dài thời gian hoặc nhân rộng thí điểm.

Đối chiếu với xây dựng mô hình cấp huyện cách đây 30 năm, thì quy trình trên vẫn y nguyên cũ, rất cần được phân tích thấu đáo để rút ra công nghệ xây dựng chính sách thích ứng nói chung, đúng nguyên lý nhà nước pháp quyền ta đang đeo đuổi.

Công đoạn thí điểm trên rõ ràng không phải để tìm căn cứ khoa học cho việc lựa chọn 1 trong 2 mô hình, bỏ hoặc giữ HĐND, mà với chủ đích minh hoạ cho mô hình thí điểm thắng thế. Điều này được thể hiện ở cả ba phương án đề xuất, dựa vào suy diễn định tính thiên lệch từ kết quả tổng kết, bất chấp chúng phụ thuộc vô số yếu tố bất định ràng buộc lẫn nhau, và không thể chứng minh được mối quan hệ phụ thuộc 1/1 giữa mô hình cả cũ lẫn mới với mức độ khiếu nại, tố cáo, biểu quyết thăm dò, tiết kiệm chi phí, một khi thực tế hoạt động của mọi cơ quan dân cử đang có vấn đề, cùng cả bộ máy nhà nước các cấp liên quan.

Khoa học minh họa lẽ ra phải đọc lời ai điếu cho nó từ lâu, trường hợp này lại được vận dụng (xem bài Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh hoạ - Tuần Việt Nam).

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mô hình nhà nước pháp quyền, bất cứ công nghệ nào cũng không được phép vi phạm nguyên lý của nó vốn đòi hỏi nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Vì thế, không thể bỏ HĐNN đang được hiến định, bất luận lý do gì, kể cả thử nghiệm.

Luật pháp là luật pháp. Thế giới chưa hề có luật nào có điều khoản cho phép thử vi phạm; nhà nước đặt dưới chứ không phải trên pháp luật.

Nếu bắt buộc phải thử nghiệm, thì lẽ ra trước đó Quốc hội phải bổ sung Hiến pháp khoản mục tương thích cho phép, có thời hạn; nhà nước phải là tấm gương thượng tôn pháp luật trong bất luận tình huống nào.

Đây là lí do giải thích tại sao ở các nước hiện đại, khi thấy luật cần ban hành bị vướng những khoản mục hiến định có thể sửa, họ cũng buộc phải sửa cho dù chỉ một câu, thậm chí vài chữ.

Nếu cho rằng HĐND huyện, quận, phường có vấn đề, thì phải cải cách cả mô hình tổng thể bao trùm lên nó, đó là phân cấp bộ máy chính quyền toàn quốc tương quan với phân chia địa lý hành chính (cũng là tư duy công nghiệp, thay vì sửa chữa chi tiết như trước đây, ngày nay người ta thay cả cụm, thậm chí cả cỗ máy), trên cơ sở những nguyên lý bất di bất dịch của nhà nước pháp quyền, được đặc trưng bằng tam quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp (dù hiểu phân lập, hay phân công), không chỉ ở trung ương mà ở mọi cấp chính quyền. Bất kỳ chức năng nào cũng không được phép vượt ra khỏi đơn vị hành chính hình thành nên cấp chính quyền đó, nếu không, tuyệt nhiên không còn là một nhà nước pháp quyền!

Do đó vấn để bỏ hay giữ HDND huyện quận phường ở ta, rốt cuộc nằm ở chỗ, nên tổ chức chính quyền mấy cấp? Thực tế ở tuyệt đại đa số các nước, chủ yếu do phân chia điạ giới hành chính lẫn mật độ dân số và lịch sử hình thành quyết định.

Như nước Đức có dân số và diện tích tương đương ta, họ xây dựng chính quyền 3 cấp, trung ương (Liên bang), trung gian (gồm 16 tiểu bang, có 3 thành phố trực thuộc), và cấp địa phương (cả nước có 124 thành phố và 312 huyện). Huyện/Thành phố cấp điạ phương, lớn nhất có diện tích 3.000km2/310 km2 với số dân 35.000 dân/1,5 triệu dân, nhỏ nhất chỉ 200km2/70 km2 với số dân 50.000 dân/1 triệu dân.

Quận, phường, xã, không có cấp chính quyền, thay vào đó là chi nhánh những phòng ban cần thiết của Ủy ban huyện, thành phố, trong đó bắt buộc phải có phòng Công dân, giải quyết tất tận mọi loại giấy tờ của công dân (với nguyên tắc "chính quyền phải gần dân nhất" không được bắt dân phải đi lại vì chính quyền), còn dân biểu ở cấp nào cũng đều có văn phòng riêng hoặc gộp của họ.

Nước Đức không phải ngoại lệ mà nằm trong hệ thống hành chính của khối EU được tiêu chuẩn hoá mang ký hiệu NUTS đánh mã số từ 0-3, áp dụng cho mọi nước thành viên, để hoạch định chính sách toàn EU trên cơ sở thống kê, đánh giá, vốn chỉ có thể thực hiện được khi tiêu chuẩn hoá.

Nước ta muốn hội nhập toàn cầu, thì không thể không tính đến chuẩn mực thế giới và tương lai khu vực như EU, cần chuẩn bị từ bây giờ, không thể chấp nhận những cải cách xa lạ thế giới, dù bất kỳ lý do gì!
 
 TS NGUYỄN SỸ PHƯƠNG, CHLB ĐỨC