Phông chữ
Tết này có về không?_0

Từ hơn một tháng nay câu hỏi ấy đã là câu cửa miệng mỗi khi gặp nhau hay qua telephone thay lời chào hỏi của người Việt trên đất Đức.

Sắp Tết rồi, nước Đức mùa này năm nay lạnh quá. Có nơi tới 20, 30 độ dưới không. Cái lạnh giá băng, cái lạnh đến se lòng làm người xa quê càng thêm nhớ về, muốn về lại một quê hương có lẽ mùa này bắt đầu thấp thoáng bóng hoa đào, bắt đầu có bụi mưa mịn màng và ấm. Thứ mưa, mà lạ thay, để đầu trần đi bộ cả một vòng bờ hồ vẫn không ướt áo.


Tết này có về không? Người ta hỏi nhau để hễ ai được về thì hớn hở, ai không về được lại ngậm ngùi. Đã đành bánh chưng bây giờ ở đâu chả có. Giò, thịt, mỡ, dưa hành cũng thế. Lại có người phóng mấy trăm cây số mua bánh pháo Trung Quốc to như chiếc vành xe đạp về đốt lúc giao thừa cho cả phố cùng nghe, cho mọi người biết năm mới của người Việt Nam đã đến. Thế mà chẳng biết tại sao vẫn chưa ra Tết. Cành hoa mận hay hoa gì đó được vợ tôi trang trọng cắm trong bình gượng nở một vài nụ như giục lòng càng thêm nhớ sắc đào phai.

Tết ở đâu? Thế nào mới là Tết? Hay là Tết chỉ có ở quê hương mình, nơi mà nhịp sống đang hối hả, mấy ngày này bỗng chầm chậm lại. Ai nấy đang ở đâu cũng tìm về với người thân, với gia đình. Nơi những người hàng phố quanh năm vẫn nhìn nhau, sáng mùng một Tết bỗng thấy nhau như mới ra, như hòa nhã hơn trong lời chúc đầu năm. Hay là cả nước cùng ăn Tết mới ra Tết? Ở đây thì ai đi làm cứ làm, ai bán hàng cứ bán hàng, trẻ con cứ đi học. Tối về mới Tết. Sáng hôm sau nếu không phải thứ Bảy hay Chủ nhật thì lại đi làm, đi học bình thường.

Mấy năm trước tôi sợ nhất là nhìn thấy bánh chưng hay giò gói bằng giấy bạc. Vợ tôi thường để dành lại những chiếc lá dong gói bên ngoài những chiếc bánh chưng mỗi khi từ Việt Nam gửi sang để gói lớp trong cùng, vớt vát đến tận cùng chút hương thơm, chút màu xanh của lá, còn bên ngoài cũng vẫn phải gói thêm giấy bạc cho chắc bánh. Giò thì cắt hộp sữa bằng bìa (bên trong có đặt lớp giấy bạc), đục vài lỗ để mỡ có chỗ thoát ra. Thịt chân giò xơ kỹ với mộc nhĩ, nước mắm, hạt tiêu rồi nêm chặt, bó lại. Đó là món giò thủ nhưng không có thủ. Bây giờ “phú quý” rồi nghĩ lại thì thấy thế chứ hồi đó ăn cũng ngon. Những năm gần đây mâm cỗ đã có đôi bánh chưng gói bằng lá dong chở từ Việt Nam sang (mà người ta cẩn thận gói lấy cho mình và bạn bè vì sợ mua ngoài chợ người bán cho pin vào luộc cùng cho chóng dừ!!!). Đĩa thịt gà cúng giao thừa thì chỉ có những gia đình nào ở thành phố lớn như Berlin, Leipzig, Munchen… thì mới mua được gà nguyên con (cả đầu, cả chân) ở khu chợ của người Việt mình. Những gia đình ở tỉnh nhỏ như gia đình tôi chỉ có gà mua ở cửa hàng Đức thì thiếu những thứ đó nên vợ tôi thường chất ra đĩa rồi cũng cắm chen vào một bông hồng đỏ cho đẹp. Tôi nhớ có lẽ cái Tết “hoành tráng” nhất trên đất Đức của gia đình tôi là hồi năm kia. Hôm đó chả biết cao hứng thế nào mà chạy gần 600km cả đi lẫn về để thỉnh một đôi bánh chưng và hai chiếc giò bò, giò lụa của quán Thanh Koch (Koch = đầu bếp), một trong những quán ăn Việt Nam ngon và nổi tiếng vào bậc nhất Berlin. Chủ quán người Nam Định. Tiện đây cũng kể, để ăn được miếng ngon Việt Nam ở bên Đức này “hơi bị khó”. Đã có lần tôi phải tự tay vứt chiếc giò bố mẹ tôi gửi cho các cháu ở sân bay Hamburg bởi những nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm không cho phép nhập khẩu thức ăn chưa kiểm định vào nước Đức.

Tết này có về không?_0

Nhà hàng Việt Nam ngon và nổi tiếng bậc nhất tại Đức
 

Nói đến chuyện Tết trên đất Đức cũng không thể không nhắc đến karaoke. Nếu như ở Việt Nam nó là “chuyện thường ngày ở huyện” hoặc đã lỗi mốt thì vì một lý do nào đó còn đang thịnh hành trong cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài. Với đời sống tinh thần tương đối còn nghèo nàn, đi hát cũng là một niềm vui mỗi khi bạn bè gặp nhau. Tôi cũng đã từng được Minh Thu, một giọng ca vàng và cũng là một tay chịu chơi nổi tiếng ở Berlin dẫn đi hát ở Far East, một quán rất đẹp do Tuấn Anh làm chủ ở gần tháp truyền hình, có dàn âm thanh hiện đại, có phòng hát gia đình, phòng VIP. Chỉ không có “tay vịn”, một đặc điểm của karaoke trên nước Đức. Có chứng kiến một buổi hát karaoke ở Đức mới thấy cái nhu cầu cần bộc lộ của con người ta đến mức nào. Người ta thường hát say mê như muốn gửi gắm những nỗi niềm riêng. Đành rằng trong cách chọn bài có thể bộc lộ những tầng văn hóa khác nhau, nhưng ai ai cũng trang trọng, thậm chí có người còn run. Khác hẳn với lối hát uể oải hoặc quậy phá mà đôi lần tôi được chứng kiến ở quê nhà. Có lẽ do nó ít, nó hiếm mà trở thành quý chăng?

Nhớ những Tết năm trước, chiều 30 Tết tôi thường phải ra trông hàng cho vợ về làm cỗ Tết kịp thắp hương lúc 6 giờ chiều (là 12 giờ đêm, giao thừa ở Việt Nam). Xong lại vội gọi điện về chúc Tết bố mẹ, anh chị em ở nhà. Có khi cả trăm ngàn cú điện thoại gọi về Việt Nam cùng một lúc làm tắc nghẽn đường dây, gọi mấy lần mới được. Bọn trẻ con nhà tôi cũng mong đến Tết lắm để được ăn bánh chưng xanh, thứ bánh mà nếu ở xa các thành phố lớn bên Đức, mỗi năm chỉ được ăn một lần vào dịp Tết. Đứa con trai thứ hai của tôi sinh ở bên Đức, chưa một lần ăn Tết Việt Nam bảo: “Con là người Việt Nam nên được ăn hai lần Tết”. Còn tôi, tôi chỉ cần ăn một lần Tết thôi, nhưng là Tết ta ở Việt Nam. Thế nhưng chuyện đó không đơn giản. Thời buổi kinh tế suy thoái, thu xếp cả gia đình về đâu phải chuyện dễ dàng. Nhớ có lần về gặp mấy người bạn cũ ca ngợi môi trường sống trong lành ở bên Đức, tôi không khỏi thầm ganh tỵ: “Thế các ông ngày nào cũng được ở Hà Nội thì sao!”

Nhìn mấy chiếc áo khoác lạnh cóng treo trên giá ngoài vỉa hè, mỗi khi có cơn gió ào qua lại vẫy tay rối rít như mời khách bộ hành: “Bitte kauf mich” (Xin hãy mua tôi!), tôi bỗng ngậm ngùi thương người ở lại. Thôi thì năm nay chia cái Tết ra làm đôi. Về với Hà Nội đến mùng 2 rồi quay sang Đức ăn Tết với vợ con mình vậy.