Phông chữ

Tôi được anh Đỗ Đại Dương, TGĐ Công ty Mai Mai, Hamburg, Đức đôi lần mời đến công ty vui đón Tết nhân dịp năm mới, mà lần lữa chẳng thể đi. Đường xa, cả đi cả về cũng gần 600 cây số chứ ít gì. Chưa kể dịp cuối năm công việc bề bộn, đường xá lại băng tuyết, nên cũng ngại.

 

Lần này anh lại mời, giọng vồn vã:

- Công ty tổ chức Trung thu cho các cháu. Anh đến nhé. Vì tương lai con em chúng ta. Trời mới vào thu. Đang ấm. Sẽ bố trí có người đi với anh cho vui.

Tôi không nỡ từ chối. Mà quả thật cũng muốn một lần đến công ty anh cho biết. Tôi đã từng đưa tin về công ty của anh qua một bài viết từ báo Đức. Nói về một hệ thống bán đồ ăn nhanh của công ty rải khắp thành phố Hamburg và các tỉnh vùng phụ cận với doanh số mỗi năm lên đến hàng triệu Euro. Tôi cũng từng nghe đây là một doanh nghiệp không những làm ăn giỏi mà còn giàu hảo tâm với những sinh hoạt của cộng đồng. Hầu hết các sự kiện lớn người Việt tổ chức ở Berlin cũng đều có sự tham gia đống góp của công ty Mai mai. Vừa rồi trong lễ hội “40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại CHLB Đức“, công ty không chỉ đóng góp tài chính mà còn thuê hẳn xe Bus chở anh em nhân viên đến góp mặt. Năm ngoái khi cộng đồng người Việt tổ chức quyên góp ủng hộ biển đảo, toàn bộ công ty Mai Mai từ giám đốc đến nhân viên, từ người già đến trẻ nhỏ đã nhiệt tâm ủng hộ người ít kẻ nhiều, có cháu còn đập lợn tiết kiệm đưa số tiền đầy tình nghĩa sẻ chia đó lên tới 10.000 Euro.

May lần này đi từ Berlin có thêm ba người, toàn những người sáng giá. Chị Bích Thảo Bí thư thứ nhất, Thường trực Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ. Anh Nguyễn Văn Hiền TGĐ TTTM Đồng Xuân. Anh Trần Công Thành, CT Hội Đồng hương Quảng Bình, GĐ nhà hàng Đức Anh rất nổi tiếng ở Berlin. Chỉ có tôi, tuổi nhiều nhất mà “quân hàm“ lại bé nhất – nhà báo quèn của cộng đồng.

Với những người như thế chuyến đi thật vui và bổ ích. Cả quãng đường dài chuyện trò tếu táo, chẳng kiêng khem đề tài nào. Vì không phải lái xe tôi vừa hóng chuyện vừa nhìn ra bên đường. Lần nào cũng vậy, dù không biết bao chuyến đi dặm dài nước Đức, nhưng mỗi lần đi trên đường cao tốc tôi đều mê mẩn với phong cảnh bên ngoài. Mùa nào cũng đẹp. Mùa nào cũng thoáng đãng, thanh sạch và ngút ngát tầm nhìn. Nước Đức đang vào thu. Cây lá chưa đồng loạt ngả một màu vàng chanh, nhưng thấp thoáng trong màu xanh sậm như đã ngả già là những chiếc lá đã nhuộm màu đỏ tía, tạo nên bức tranh sinh động cho một mùa đang chuyển, một mùa đang tới.

Khi chúng tôi đến nơi, bà con xúm xít ra tận đường chào đón. Trọng thể mà vẫn tình cảm, ấm áp, miệng cười, tay bắt hân hoan. Mỗi lần đi về các tỉnh như Leipzig, Dresden hay Chemnitz... và lần này, tôi đều thấy thế. Cảm giác như những lần tôi từ Hà Nội về thăm quê. Quê tôi ngay bên Đông Anh, chỉ cách một con sông, đi qua một cây cầu, mà người ở đấy nồng ấm hơn hẳn dân thành phố.

Bước chân vào hội trường nhìn tấm phông với những họa tiết sinh động kiểu trẻ con đã thấy không khí tết trung thu. Người đông đúc, náo động như lễ hội là vậy, nhưng mỗi khi có người xuất hiện trên sân khấu là mọi người đều im phắc. Dù người đó là trưởng ban tổ chức, một vị khách quý đến từ Berlin hay một thanh niên mới lớn nghêu ngao bản tình ca đang thịnh hành trong các quán karaoke vẫn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt không chỉ bằng những tràng vỗ tay mà cả bằng ánh mắt ngưỡng mộ, thân thiện. Đến mức tôi phải buột mồm phát biểu:“Ai lên đây hát rồi cũng hay vì không khí này luôn khích lệ, cổ vũ và gần gụi như đứng ngay trong sân nhà mình“. Ngoài ra là uống. Là zô. Uống rất khỏe và “zô“ rất to. Tôi thích không khí đó. Thích tính rành mạch của họ. Vui hết mình mà vẫn nghiêm túc. Nhưng cái tôi thích nhất đấy là không khí gia đình trong một cuộc liên hoan gặp mặt của một công ty. Chức tước, địa vị trong những sự kiện như thế này - với họ - không phải là cái được nể trọng nhất, mà người được nể trọng nhất là người cao tuổi nhất. Ngồi ngay hai bên hàng ghế đầu là hai vị trọng tuổi, một người đàn ông làm trưởng BTC và một người phụ nữ là hội trưởng hội phụ nữ của công ty. Khách mời đầu tiên được giới thiệu không phải là người có chức sắc cao nhất, theo thông lệ, mà là người đàn anh gần gụi được họ quý trọng nhất.

Tôi ngồi cạnh chị hội trưởng hội phụ nữ nên tranh thủ “phỏng vấn“:
 
- Một công ty tư nhân trong môi trường “tư bản giãy chết“ này mà cũng có hội phụ nữ hả chị?
- Có chứ. Không những thế còn có cả tổ chức công đoàn, thanh niên, có cả nhà văn hóa như thời XHCN nữa. Và hoạt động rất hiệu quả.
- Cụ thể các tổ chức đó hoạt động như thế nào?
- Chúng tôi quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của anh em công nhân, của phụ nữ và các cháu thanh, thiếu niên. Mỗi khi có người ốm đau chúng tôi đều đến thăm hỏi, tặng quà. Các cháu học giỏi, trưởng thành thì có phần thưởng. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu tại nhà văn hóa theo lịch tuần, lịch tháng. Đương nhiên là không nặng nề, cứng nhắc. Đôi khi đơn giản là tổ chức cho các ông ngồi nhậu, đàn bà có dịp ngồi “buôn dưa lê“ cuối tuần. Điều cơ bản là qua các hoạt động đó, qua cách ứng xử đó chúng tôi hiểu nhau hơn, gắn bó và chia sẻ với nhau trong cuộc sống và công việc.
- Thế vai trò của lãnh đạo công ty trong những hoạt động này?
- Tất nhiên các anh ấy rất ủng hộ chứ. Nhưng cái quan trọng là họ đã tạo ra được một nề nếp giống như nề nếp của những người anh em trong một gia đình lớn. Ở đó mỗi thành viên đều có trách nhiệm quan tâm đến cái chung, đến các thành viên khác.

Tôi ngồi cùng bàn, gần như đối diện với TGĐ Đỗ Đại Dương. Anh vốn là người bảnh bao, phong độ và cởi mở. Đương nhiên hôm nay anh vui hơn mọi ngày và cũng dễ “khai thác“ hơn mọi ngày. Khi tôi hỏi về yếu tố gia đình trong công ty mà chị hội trưởng hội phụ nữ vừa cung cấp, anh vui vẻ chia sẻ:

- Đơn cử như sự kiện đón tết trung thu này. Anh nhìn lên góc phông bên phải thấy tên của 17 người đặt trong khung của mấy cái đèn kia không? Thực chất hôm nay là sinh nhật của họ. Thay vì ai tự làm nhà nấy, 17 người này nộp mỗi người 200 Euro để tổ chức sinh nhật chung. Nhưng anh thấy đấy, từ đầu đến giờ có ai nhắc đến sinh nhật đâu. Chỉ là cái cớ gặp nhau để tổ chức trung thu cho các cháu. Mà chẳng riêng gì những sự kiện lớn như thế này, ở mức thấp hơn, chúng em cũng gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng hoặc ở đây, hoặc ở nhà văn hóa của công ty.
- Sao gặp nhau như định kỳ thế?
-  Tại chúng em chơi họ. Mỗi gia đình thành viên trong công ty mỗi tháng góp một khoản tiền nhỏ. Rồi luân phiên nhau mỗi tháng hốt họ một lần. Bằng cách đó giúp cho các gia đình có một khoản tiền kha khá để mua sắm, giúp đỡ người thân ở Việt Nam hay đơn giản là đi du lịch. Mỗi lần nhận họ, mỗi gia đình trích ra 25 Euro nộp vào quỹ chung của công ty để thăm hỏi người ốm đau. Trích một ít cho cuộc liên hoan gặp mặt ngày hôm đó. Anh thấy đấy, ngoài việc hỗ trợ nhau về kinh tế, việc đó còn giúp cho các gia đình thuộc công ty thêm đoàn kết, gắn bó. Có đoàn kết, yêu thương nhau thì người ta mới gắn bó và hết lòng vì công ty. Đấy mới là điều quan trọng. Chưa kể ở những lần gặp ấy, các trưởng quầy và lãnh đạo công ty có cơ hội để trao đổi, chia sẻ những công việc cần tháo gỡ.

Khi tôi băn khoăn hỏi tổ chức tết trung thu mà chỉ thấy toàn người lớn, anh cười bảo:

- Chương trình vui chơi cho các cháu được tổ chức sau tiệc ẩm thực. Còn anh muốn nhìn các cháu thì sang đây.
Quả nhiên ở một sảnh khác các cháu ở mọi lứa tuổi ngay ngắn ngồi bên bàn ăn. Các cháu bé hơn thì có mẹ, có chị ngồi cạnh. Nhìn các cháu ngồi ăn mà thấy ngay cái cách mà các cháu được nhà trường Đức giáo dục. Giờ ăn là giờ ăn, giờ học ra học, chơi ra chơi.

Sau giờ ăn, hội trường rộn ràng tiếng trống như tiếng trống trên sân đình vào dịp lễ hội. Theo điệu trống, chú tểu mặt bôi đỏ như gấc, khăn mỏ rìu, quạt phe phẩy đi trước. Đi sau là đầu lân to tướng, lồi tròng mắt, tua tủa râu, múa lượn trong tiếng vỗ tay cả của người lớn, trẻ con có mặt. Lễ mừng tết trung thu bắt đầu. Hai cháu gái MC chừng như sinh viên, một cháu tiếng Việt, một cháu tiếng Đức kể cho các em nhỏ nghe về sự tích rằm trung thu. Sau đó nào là thi vẽ, nào là quay thưởng, nào phát quà, nào phá cỗ đình đám, bài bản như bất cứ cuộc vui trung thu nào ở Việt Nam. Toàn bộ chương trình đều do các cháu tự làm. Các bậc phụ huynh chỉ ngồi xem và vỗ tay động viên. Nhìn các cháu hò reo khi quay được điểm cao và hân hoan nhận quà làm ai cũng vui lây. Nhưng có lẽ ý nghĩa và xúc động nhất là cuộc thi vẽ.

Các cháu tham gia thi nhận một tờ giấy khổ A4 và bút chì màu từ BTC. Thời gian thực hiện 15 phút. Đề bài đưa ra: Em hãy vẽ bố mẹ của mình. Các cháu say mê ngồi ngay dưới đất vẽ, có cháu nằm bò toài. Trống điểm hết giờ BGK thu bài và chấm điểm. Có 6 bạn trúng giải được lên sân khấu nhận phần thưởng. Trước khi nhận phải cầm bức tranh mình đã vẽ và giải thích cho mọi người cùng nghe mình vẽ ai và tại sao?

Tôi nhớ một cháu vẽ một người phụ nữ cầm cái ô to tướng quay ngang hông. Khi hỏi:

- Đây là ai?
- Là mẹ cháu?
- Sao mẹ cầm ô? Sợ mưa à?
- Không. Tại bố cháu hay hút thuốc lá. Mẹ cháu sợ nên cầm ô che.

Còn cháu:

- Đây là ai? Là bố.
- Sao không vẽ mẹ?
- Tại lúc cháu vẽ mẹ chạy đi đâu ý. Cháu chỉ nhìn thấy bố.

Còn cháu:

- Đây là ai?
- Là mẹ.
- Sao không vẽ bố?
- Tại mẹ cháu xinh hơn.

Cả hội trường vỡ òa trong tiếng cười.
Một cháu trai chừng 7 – 8 tuổi trắng trẻo, khôi ngô, đẹp như con lai tay cầm bức vẽ. Khi được hỏi:

- Đây là ai?
- Là bạn cháu.
- Sao không vẽ bố mẹ?
- Bố mẹ cháu chết rồi.

Cả hội trường lặng đi. Khi cháu nhận phần thưởng bước xuống, bác Hiền Đồng Xuân toài người ôm lấy cháu. Cứ ôm riết trong vòng tay, mắt rưng lệ.

Vì ngày hôm sau phải đi học, có những cháu ở xa những hơn 200 cây số nên buổi vui tết trung thu kết thúc sớm khi các cháu còn đang hào hứng. Ríu rít về theo bố mẹ, cháu nào cũng tung tẩy một túi quà trên tay.

Đoàn chúng tôi ra đến đường cao tốc, vầng trăng như được ai xẻ làm đôi đã sà xuống tới ngang những ngọn cây bên đường. Hôm nay đâu mới mùng 8 âm lịch. Phải một tuần nữa mới đúng rằm trung thu. Trăng ngày đó mới lên cao, trong vắt và sáng vằng vặc.

Theo nhịp xe chạy êm trên mặt đường láng bóng, cả một ngày chạy ròng rã, lẽ ra giờ này ai cũng thiu thiu ngủ. Nhưng chẳng ai muốn ngủ. Cũng chẳng râm ran chuyện trò như lúc đi. Tôi biết mọi người còn miên man dòng suy nghĩ về buổi tiệc. Riêng tôi, tôi nhớ tới bài phát biểu tuy ngắn, gọn nhưng đầy ý nghĩa của ông trưởng BTC đọc lúc khai mạc chương trình.
“Cứ mỗi dịp tổ chức tết trung thu cho các cháu, chúng ta lại vui mừng vì thấy số lượng các cháu trong công ty ngày một đông hơn, các cháu khỏe hơn, đẹp hơn, lớn khôn hơn. Sự lớn khôn, trưởng thành của các cháu là hình ảnh đầy ấn tượng về quá trình hội nhập sâu rộng của người Việt tại Đức. Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích 100 năm phải trồng người. Trong tương lai các cháu là hình ảnh đẹp của dân tộc Việt trong lòng người Đức và bạn bè thế giới“.

Hùng Lý (Berlin)