Phông chữ

Bildschirmfoto 2015-05-13 um 12.19.55Rừng đêm đen kịt, tuyết trắng hắt lên một dải sáng nhờ nhờ. Mẹ cháu đeo ba lô ôm con, chiếc vali nhỏ được vợ chồng đi cùng xách hộ, cô thì thào vào tai con bé: "Mình đi sang với bố, đường rất nguy hiểm, con thương mẹ thì không được khóc".


Cô con gái đầu của tôi sinh ra ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào đầu năm 1990. Mẹ cháu làm việc trong một nhà máy may thời trang. Ngày ấy, theo hợp đồng giữa hai nhà nước thì tất cả các công nhân nữ sang đây theo diện xuất khẩu lao động trong thời hạn làm việc không được sinh con. Và nếu muốn sinh con, thì người mẹ phải mang con về nước gửi lại rồi sang thực hiện tiếp hoặc hủy hợp đồng lao động.

Vì vậy, cả mấy khu nhà cao tầng có mấy trăm cô gái, yêu rồi lỡ có thai, các cô đều đi nạo hút rất êm nhẹ, không có trường hợp nào để sinh con. Phát hiện mẹ cháu có thai đã nhiều tuần tuổi, bà đội trưởng đưa mẹ cháu đi khám bác sĩ rồi báo cáo lên ban giám đốc. Chỉ một, hai ngày sau nhà máy tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, thành phần gồm trưởng phòng nhân sự nhà máy, đội trưởng, phiên dịch, mẹ cháu và tôi.

Người phiên dịch truyền đạt lại ý kiến của bà trưởng phòng nhân sự là nên phá thai nhi đi vì theo bác sĩ không nguy hiểm gì đến sức khỏe người mẹ, nếu không, nhà máy sẽ cắt hợp đồng. Nghe chưa dứt câu, mẹ cháu đanh mặt: "Không!".

Tất cả lặng đi vài giây. Bản thân tôi cũng bất ngờ thái độ của người mẹ trẻ chưa đầy 19 tuổi. Bà trưởng phòng lặng đi một lúc rồi hỏi ý kiến tôi, tôi quyết định hủy hợp đồng lao động với nhà máy. Và biên bản được ký giữa hai bên: khi sinh con xong, đủ sức khỏe, hai mẹ con sẽ bay về nước không quay lại nữa.

Cháu sinh được vài tháng thì tình hình chính trị Đông Đức bắt đầu biến động phức tạp. Nhiều người dân Đông Đức kéo nhau bỏ trốn sang Tây Đức. Thư ký của bà trưởng phòng nhân sự gặp tôi xui: "Mày chở chúng nó trốn sang bên Tây đi". Tôi không nghe theo.

Đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhà máy chở hai mẹ con ra sân bay về nước. Bà trưởng phòng nhân sự nhà máy thở hổn hển, một mình bà bê chiếc nôi con gái tôi từ tầng năm xuống ôtô. Đến giờ ra máy bay, tôi ôm xiết hai mẹ con tạm biệt.

Hai mẹ con mang theo lá thư tôi viết cho bố mẹ: "Cậu mợ kính yêu. Đây là con gái của con. Hai mẹ con cháu từ nay sẽ về ở với cậu mợ. Cậu mợ thương mẹ con cháu cũng như thương con nhé. Con, VTT".

Máy bay cất cánh, quá nửa đêm tôi quay về đến căn phòng hai mẹ con cháu ở, nằm vật trên tấm đệm quăng xuống nền xung quanh bừa bộn những thứ bỏ lại. Vừa chợp mắt, bất thần tôi nhìn thấy gương mặt con tươi rói gọi mình. Tôi ngồi bật dậy. Cánh cửa sổ tầng cao bật tung, mây đen trôi ùn ùn, gió phần phật cuộn rối những mảnh rèm…

Những ngày tiếp theo đó, nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Cũng lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cuộc biểu tình của công nhân nhà máy và những người dân quanh vùng. Người sát người dài hàng vài cây số, không một tiếng hô hào, giương cao biểu ngữ tỏ ý nguyện thống nhất đất nước với chính phủ. Những cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp, ở nhiều nơi người tham gia đông khủng khiếp, nhưng do các tổ chức công đoàn lãnh đạo, không quá khích gây ra bạo động. Tôi ngồi xem tivi, tại quảng trường ở thủ đô Berlin, mấy chục nghìn người tập tụ hò reo ủng hộ sau lời phát biểu của các chính khách trong chính phủ lâm thời.

Bức tường Berlin sụp đổ. Rồi 3/10/1990, nước Đức thống nhất. Nhà máy xí nghiệp Đông Đức đóng cửa hàng loạt. Hầu hết lao động Việt Nam nhận tiền đền bù của chính phủ rồi hồi hương. Tôi ra sở ngoại kiều xin giấy mời gửi về để đón hai mẹ con sang. Nhận được giấy mời nhưng lo thủ tục giấy tờ chờ đợi lâu, hai mẹ con bồng bế nhau quay lại Đức bằng một cuộc vượt biên, lúc đó con tôi 13 tháng tuổi…

Hai mẹ con bay sang đến Nga, ở Moscow một ngày một đêm rồi lên tàu sang Tiệp. Đi cùng họ có đôi vợ chồng mới năm ngoái nhận tiền đền bù về nước nay bỏ con lại cho ông bà nuôi, vợ chồng nhanh chóng lộn sang.

Tàu chạy êm êm, nhìn qua cửa kính tuyết đã rơi trắng xóa, rừng thông nối những rừng thông. Con bé gào khóc mệt lả, nó nằm trong lòng mẹ thiu thiu ngủ, mẹ ghì lấy con, nước mắt làm ngắt quãng lời ru:

“Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà…".

Đôi vợ chồng trẻ nằm ghế đối diện nhớ con ôm nhau rưng rức khóc.

Vượt biên giới sang Đức là chặng đường cuối cùng quan trọng nhất.

Rừng đêm đen kịt, tuyết trắng hắt lên một dải sáng nhờ nhờ. Người dẫn đường nhắc "Đi bám vào nhau! Cấm chuyện trò!". Mẹ cháu đeo ba lô ôm con, chiếc valy nhỏ được vợ chồng đi cùng xách hộ, cô thì thào vào tai con bé: "Mình đi sang với bố, đường rất nguy hiểm, con thương mẹ thì không được khóc".

Con bé như hiểu được điều gì rất nghiêm trọng, nó ôm cổ tựa đầu lên vai mẹ. Đường dốc ngoằn ngoèo tuyết dưới chân lạo xạo, đoàn người lầm lũi. Đến biên giới Đức. Đây là điểm nóng nhất. Bỗng nhiên bờ tả ly dựng đứng xuất hiện, nhìn xuống dưới sâu hoẳm.

"Nhảy xuống!", người dẫn đường ra lệnh. Đoàn người ứ lại ngần ngừ. "Nhanh lên! Công an bắt hết bay giờ!", tiếng gằn ra lệnh. Mấy thanh niên quẳng đồ xuống trước co chân nhảy. Mẹ cháu thì thào: "Ôm thật chặt lấy mẹ!".

Rụp! Cô ấy ngồi vài giây định thần rồi xốc con nhao người đi tiếp, mồ hôi con bé rịn ra ướt má mẹ. Cả đoàn nhìn hai mẹ con ngơ ngác…

Hôm tôi đi làm thủ tục giấy tờ cho hai mẹ con cháu thì bất ngờ gặp lại bà trưởng phòng nhân sự nhà máy cũ. Nhà máy đã giải thể và bà xin về đây làm cán bộ ủy ban hành chính. Khi biết tin hai mẹ con cháu đã quay lại Đức, bà mừng rỡ rồi khẩn khoản: "Mày đưa nó đến đây đi! Tao muốn ôm hai đứa..."

Ấy thế mà đã hai mươi mấy năm rồi. Cháu đã hoàn thành chương trình đại học luật. Tuần rồi về thăm bố mẹ mang theo bạn trai, chúng nó trẻ vui như chim sâu. Con gái ngồi bên tôi cười hị hị nịnh: "Con đang làm tiếp thạc sĩ, làm luôn hai cái cho nhanh nên chẳng có nhiều thời gian về thăm bố mẹ,… con có lỗi quá".

Văn Tất Thắng