Phông chữ

Nắng hè ập vào căn phòng ngủ đuổi cái màn đêm đen đặc nằm ì hàng chục tiếng đồng hồ sau tấm rèm nhung đen.

 

Tay với vội cái điều khiển tivi và ấn nút "ON" để rồi mọi thông tin thời sự dội vào tai. Thót tim vì nghe thoáng qua Rammasun đang tiến thẳng vào quê nhà. Cơn ngái ngủ bị nỗi lo âu đẩy đổ nhào.

Ta đang ở trời Tây.

Ta lấy chồng Tây.

Chợt nhận ra một mùa bão nhiệt đới đang về. Những cơn bão đầu tiên trong số hàng chục cơn bão của năm đã đến! Ta lẩm bẩm thoát ra hai tiếng: "Mẹ ơi!".

Chồng đã đi làm từ khi nào. Chỉ còn ta với căn phòng đầy nắng. Tiếng sông chảy lặng lẽ đều đều đã ru ta bao đêm, giờ như cuồn cuộn muốn trào bờ. Một mảnh giấy nằm đợi ta cùng bát cà phê và tuýp sữa đặc trên bàn ăn. "Chúc một ngày tốt lành (bằng tiếng Pháp), Ang ieu em!".

Lấy chồng Tây cũng là lúc ta quên đi mùi hương phở bò, phở gà, hủ tiếu mỗi sáng, tạm xa những bát xôi vò mỡ gà chảy thấm lá chuối. Ta chào một ngày mới bằng chiếc bánh croissant với bát cà phê tan. Nhủ lòng với vài giọt sữa đặc, vẫn thoang thoảng mùi vị quê. Sữa Ông Thọ!

Lấy chồng Tây cũng là lúc ta gói ghém những tiếng rủ rê đầu giờ nghỉ trưa. "Cơm trưa đâu mày? Thôi hôm nay cháo lòng đi! Bún chả hay bún đậu, mắm tôm?". Ta trở thành người vợ hiền biết nội trợ trên quê chồng.

Sao cái việc nội trợ trời Tây lại đơn giản (và đôi khi tẻ nhạt) với ta vậy? Thứ bảy hàng tuần, vợ chồng lượn chưa hết một vòng quanh siêu thị là cả xe đẩy đầy ắp hàng cho cả tuần. Rau, quả, thực phẩm. Đồ tươi, đồ đông lạnh. Ta nhặt những hộp thịt bò, gà đóng gói sạch sẽ, xếp gọn vào xe đẩy. Quên rồi sao các câu mời chào của chị bán thịt: "Ăn gì hôm nay em, sườn non ngon tuyệt!".

Ta rảo bước theo sau chồng và tìm kiếm một mẹ già tóc bạc phơ bao quanh bởi chục mẹt rau xanh ngắt. "Mua giùm bà mớ rau đi con!", "Nắng nôi thế này làm mớ rau mồng tơi cho mát!". Bóng mẹ ta bỗng hiện về! Mẹ ngồi trên chiếc ghế gỗ nhỏ xíu cao chưa đầy hai mươi centimet. Đầu gối quá tai, không phải vì mẹ có đôi chân dài mà vì lưng mẹ đã bị thời gian bẻ còng xuống. Tóc bạc trắng đưa mẹ chạm vào nghĩa thực của cái tên theo mẹ từ thưở lọt lòng: Tuyết. Bé Tuyết, em Tuyết, chị Tuyết, cô Tuyết, bà Tuyết. Tại sao không phải là Hằng, Nguyệt, Nga, Kiều mà lại là Tuyết? Ai đó đã phán rằng cái tên đi đôi với số kiếp con người. Ta phản đối. Ta phủ nhận. Nhưng ta vẫn bị cái hình ảnh của tuyết mùa đông trời Tây, cái bạc phơ của tóc mẹ ám ảnh, để rồi đôi mắt cay xè khi tuyết rơi, lòng như sóng trào khi mường tượng vài sợi tuyết lo âu trong ba bốn ngày bão phải ngồi nhà, xa các mẹt rau xanh.

Giật mình. Xa lạ. Nghe tiếng gọi đầu dây: "Madame Dupont?". Khi mẹ Tuyết sinh ra ta, có ai phán ta sẽ là Madame Dupont?

Nhìn dòng chữ trên mảnh giấy nhỏ "Ang ieu em" ta tự hỏi sao mình vô tâm đến thế? Tại sao lại không phải là "Anh yêu em"? Ta hứa với "bà Dupont" rằng tối nay sẽ sửa ngòi bút của chồng mặc dù những lỗi chính tả không làm thay đổi tình yêu của chồng với ta. Và ngược lại.

Lấy chồng Tây. Ta miệt mài học ngôn ngữ của chồng. Mới ngày nào ta cong môi, nhíu mày với "Oong, đơ, thoa" mà hôm nay ta đã dỏng tai nghe thời sự trên tivi. Ta đã có công ăn việc làm và một cuộc sống bình đẳng. Bình đẳng là nguyên tắc cuộc sống hàng ngày. Ta được phép đi làm, có thu nhập nhưng cũng tự giác đóng các khoản đóng góp xã hội.

Bình đẳng! Nhiều khi cái từ đó làm tổn thương ta, tổn thương cái nét văn hóa phương Đông bao dung, chia sẻ mọi nơi mọi lúc. Có thể nhiều người sẽ trách ta vì hiểu sai lệnh cái từ bình đẳng đó.

Lấy chồng Tây. Bình đẳng. Cũng là chấp nhận cái "năm mươi, năm mươi". Ta trả năm mươi phần trăm tiền vay ngân hàng mua nhà, ta chịu năm mươi phần trăm chi phí cho cuộc sống chung. Ta có tài khoản riêng mang tên bà Dupont. Ta có thể hẹn hò cùng các cô bạn có chồng Tây đi tụ tập tại một quán bar không có sự hiện diện các đấng ông chồng. Một tối Barrio Latino chẳng hạn!

Lấy chồng Tây. Ta theo đuổi một cuộc sống độc lập, bước trên đôi chân của mình. Quê ta nghèo, mặc dù đã qua rồi cái thời mái tranh, vách đất. Nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi dân quê. Ta muốn gửi chút tiền về cho mẹ già, đàn em đang tuổi học trò. Ta băn khoăn không dám hỏi chồng, đành lòng, ta bí mật gửi về cho gia đình. Ta đang bảo vệ một nét văn hóa Việt (tự hào về bản thân) hay đang bảo vệ cái hạnh phúc của gia đình văn hoá Ta - Tây? Chuyện đó, bí mật đấy, chỉ có các Madame Dupont mới dám "buôn" với nhau thôi.

Lấy chồng Tây. Dù ta ở trời Tây đến muôn năm vạn kiếp, ta vẫn là Ta. Vẫn những câu chào hỏi khi làm quen với nhau. "Bà (gốc gác) nước nào?". "Rất hân hạnh giới thiệu, vợ tôi, cô ấy đến từ Việt Nam" (vài chục năm rồi đó chồng ơi). Ta chưa bao giờ có ý định "đốn gốc" hay "quên gốc" mặc dù Madame NGUYEN đã hoá thân Madame DUPONT! Ta là bà Dupont Việt Nam. Đã chết ai?

Chàng Dupont hỏi ta: "Chúng ta sẽ làm các món Việt mời khách chứ?". Hỏi chi mà ngộ vậy chồng ơi! Câu trả lời hàng bao năm nay vẫn là "Vâng".

Những tối "mời cơm" đãi bạn tại gia, ta vẫn phải thể hiện cái "thuần Việt" của mình. Bắt đầu bằng buổi chiều đi chợ châu Á. Gạo, bánh đa, rau, bò, thơm, mùi, giá, hành, hẹ, nước mắm... Danh sách trong tay, ta đẩy xe qua từng quầy mua những gì cần thiết cho bữa tiệc tối. Chuyện vặt của ta. Ta đã nhớ hết từng nơi và giá cả của từng gia vị.

Hành trang ẩm thực mẹ già đã trao tặng ta bao năm bên mẹ: nem, phở, bún măng, bò xào, heo kho tộ. Đã có lúc ta mạnh dạn "phá cách" thêm, bớt các gia vị Đông, Tây, Phi, Ấn. Các ông Tây, bà Đầm ăn vẫn khen ngon tấm tắc. Các "mẹ" Việt kẻ nheo mày vì khó nuốt, kẻ ngạc nhiên vì ăn lạ miệng. Ta tự hào vì cái "phá cách" của ta. Phải chăng cái hay, cái đẹp, cái ngon của một sản phẩm nằm trong sự giao thoa các nền văn hoá?

Lấy chồng Tây. Ta nhận được muôn vàn lời khen ngợi. Câu cú chưa hoàn chỉnh, dùng từ chưa chính xác nhưng ta luôn được nghe: "Ôi sao nói tiếng Pháp giỏi thế". Đôi khi ta cảm thấy (hơi) bị xúc phạm: nói sai vẫn được khen!

Lấy chồng Tây, ta thèm mặc một bộ áo dài với bông hoa sen uốn lượn từ trên vai trái đến tận vạt áo. Cái lá sen ta thêu sau lưng! Chiếc áo mà ta chưa hề có cảm tình khi còn là sinh viên thì từ ngày ta trở thành bà Dupont lại là niềm kiêu hãnh của ta. Mạnh dạn hơn nữa, ta đi dự tiệc, dạ hội với bộ bà ba, áo tứ thân, quần lĩnh đen. Thiếu một chiếc nón Bài thơ nữa thôi là ta hoàn hảo giấu mình trong hồn một cô gái Việt thuần túy. Bước chân ta đi không hoàn toàn tự tin vì khi ta ở quê nhà, chưa một lần ta ướm cái trang phục đó. Mọi người xin chụp hình cùng ta. Lưỡng lự, ta cũng đồng ý để rồi đến ngã phố nào đó, không ai xin một tấm hình cùng ta, ta cảm thấy cô đơn.

Trở về với ta, với cái nắng đầu hè, nghe con sông bên nhà hát, ta nhớ con sông quê quá.

Mẹ ta vẫn ngồi trên chiếc ghế gỗ nhỏ xíu, chờ bán nốt mấy mớ rau chợ chiều.

Lấy chồng Tây. Ta ngắm trời Tây xanh biếc mà sao hồn vẫn vàng mướt một màu mỡ gà?

Ráng mỡ gà đấy mẹ ơi!

Con lấy chồng Tây rồi, sao chạy về chống nhà cùng mẹ đây?

Merseburg
Đào Phi Cường, VNE