Phông chữ

Từ các đô thị lớn đến những TP nhỏ ở biên giới, miền núi với chỉ vài ngàn cư dân tại cựu lục địa, nơi nào tôi cũng thấy sự hiện diện của người Việt


Trong chuyến đi đến khoảng 20 TP ở 7 nước Tây và Trung Âu, mỗi nơi dừng chân 2-5 ngày, tuy vẫn chỉ như cưỡi ngựa xem hoa nhưng tôi cũng kịp nhận ra vài nét khác biệt của từng quốc gia. Song, ấn tượng khó quên nhất đối với tôi là sự có mặt ở mọi nơi của người Việt tại cựu lục địa này.


“Người mình” đây rồi !


Trong suốt chuyến đi, từ những đô thị lớn đến những TP nhỏ ở biên giới, miền núi với chỉ vài ngàn cư dân, nơi nào tôi cũng thấy sự hiện diện của người Việt. Có nơi rất đông người Việt - cả một khu phố như ở Paris hoặc một trung tâm thương mại như ở Đức hay Cộng hoà Czech.

Khi đến Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin - Đức hay Sapa ở Prague – Czech, tôi nhận thấy có đến hơn 90% tiểu thương và khách hàng là “người mình”.

Quang cảnh rất giống ở quê nhà, có khác chăng là những tấm pa-nô thật lớn ghi chữ Việt quảng cáo chơi cá độ bóng đá giải Bundesliga hoặc những cuốn lịch treo tường với hình ảnh các cô gái Á Đông khoả thân... Ngược lại, có nơi chỉ lẻ loi một tiệm ăn nhỏ, một cửa hàng bán đồ châu Á hay một gia đình “người mình” trong một thị trấn cách biệt ở Luxembourg.


Ở Paris, hai anh em Tâm và Vân - vốn tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, nay một người làm trong ngành điện toán và một làm nghề quảng cáo - đưa tôi đi thăm một khu thương mại có cửa hàng bán băng đĩa Thuý Nga Paris ở đại lộ Ivry - quận 13, rồi qua đại lộ Choisy ăn trưa tại tiệm ăn Lợi Khẩu Phúc.

Ở đây, hai anh kêu các món ăn Quảng Đông rất hợp khẩu vị với người Việt và uống bia Tsingtao nhập từ Trung Quốc. Chủ nhân của Lợi Khẩu Phúc cũng như của tiệm ăn New Heng (Tân Hưng Phạn Điếm) ở số 14 đường Celles, cách nhà ga chính của Hannover, bang Niedersachsen - CHLB Đức 3 khối phố, đều là người Việt gốc Hoa sinh trưởng tại Chợ Lớn, rời VN năm 1978.

Trong mấy ngày ở Hannover, vợ chồng anh Thành - chị Nga đưa tôi đến viếng chùa Viên Giác ở số 6 đường Karlsruhe, dùng bữa chay cùng các thầy và bà con phật tử, dạo cảnh trong khuôn viên chùa rồi chụp ảnh lưu niệm với thượng toạ Thích Hạnh Tấn trụ trì chùa. Thượng toạ Thích Hạnh Tấn có tên trong danh sách các đại biểu dự Hội nghị Việt kiều hồi tháng 11-2009 tại Hà Nội.


Ở Berlin, VIETHaus (Nhà Việt) toạ lạc khá bề thế trên con đường lớn Leipziger Straße, tại số 54-55. Bên cạnh khu hàng thủ công mỹ nghệ rộng hai tầng, quán Saigon Café - Bar khá sang trọng, khách có thể ngồi thưởng thức cà phê trên lề đường rộng ngay góc phố. Hôm đến đây, tôi may mắn gặp lại mấy người bạn xa nhau đã lâu.


Ngỡ ngàng, thú vị


Cũng tại Đức, trên đường lên đỉnh núi Zugspitze cao nhất nước này để ngắm tuyết trắng giữa mùa hè trong khung cảnh hùng vĩ của dãy Alps, khi dừng chân tại TP nhỏ Garmisch -Partenkirchen có chưa đến 27.000 dân thuộc vùng sơn cước ở độ cao hơn 700 m, tôi cũng thấy một tiệm ăn của người Việt.

Ở Halle và Nürnberg, tôi được các anh chị sống tại đây trên 20 năm chỉ cho thấy ngoài những ki-ốt và cửa hàng nhỏ, người Việt còn làm chủ những nhà hàng ăn sang trọng, bảng hiệu tiếng Đức hoặc tiếng Nhật, bán cho khách Tây.


Ở Trier, TP cổ nhất nước Đức chỉ với khoảng 100.000 dân, sau hơn một giờ thăm bảo tàng Karl Marx, khi đang dạo trên đường Marx-Straße, chúng tôi gặp ngay tấm bảng hiệu Saigon Store ở nhà số 15. Cửa hàng chỉ rộng chừng 30 m² nhưng bán đủ thứ đồ châu Á.

Chủ nhân cửa hàng tên Lan đang tiếp mấy vị khách người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi trò chuyện với một khách hàng người Việt, chạy xe từ nhà cách 40 km đến để mua gạo, rau tươi và các thực phẩm chế biến đóng gói nhập cảng từ VN. Tôi chợt ngỡ ngàng, thú vị khi thấy trong cửa hàng của chị Lan có cả gạo, nếp, nước mắm cá cơm... từ VN.


Tại Hà Lan, khi đến Utrecht, sau khi thăm nhà thờ cổ có từ thế kỷ XI, tôi bắt gặp ngay một tiệm làm móng có tên bằng chữ Việt “Đại Nam”. Hay ở Maastricht, trên quảng trường Vrijthof trong trung tâm khu phố cổ rất đông du khách, một cửa hàng lưu động bán đủ thứ thức ăn nhanh cũng mang tên hiệu VN. Tại Amsterdam, trên phố Zeedijk ngay bìa phía Đông của khu De Wallen, đối diện với ngôi chùa Phổ Quang Sơn Hà Hoa Tự cũng có một tiệm ăn VN bên cạnh những tiệm ăn Hoa, Nhật...


Đến Innsbruck, thủ phủ bang Tyrol của Cộng hoà Áo, trong khi đi dạo ở thành phố du lịch nổi tiếng này, nơi từng đăng cai hai lần thế vận hội mùa đông, trong một siêu thị nhỏ, tôi thấy bày bán những chiếc túi xách có những dòng chữ trang trí bằng tiếng Việt. Hỏi thăm, tôi được biết đó là sản phẩm một cơ sở may của người Việt trong vùng.


Yêu quê cha đất tổ sâu đậm


Trong chuyến đi, tôi đã gặp gỡ những cụ ông, cụ bà tuổi 80, 90 người Việt qua Pháp du học từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Không kể cháu chắt, ngay những người con của họ nay cũng đã ở tuổi trên dưới 50, có vị trí xã hội cao, phần lớn không nói được tiếng Việt, vậy mà tình yêu đối với quê cha đất tổ vẫn sâu đậm trong trái tim họ. Họ hầu như ít vướng bận hay mặc cảm về chính trị, thời cuộc, nếu có, ở cha mẹ mình.


Tôi đã được đọc những vần thơ bằng tiếng Pháp thấm đậm tình quê với nét chấm phá cảnh sắc đặc trưng nơi quê nội vùng Kinh Bắc và quê ngoại Nhị Khê, Hà Đông của một nữ kỹ sư điện toán trong lần đầu về thăm quê nhà vài năm trước.

Chị từng tốt nghiệp Trường Polytechnique nổi tiếng từ khoá đầu tiên tiếp nhận cả nữ sinh - trường này vốn là học viện quốc phòng, trước năm 1972 chỉ tuyển nam sinh. Tạm dịch: Nước trong xanh, cau già soi bóng/ Trong bình minh nhẹ bước thăm chùa... Hay: Không có gì đẹp hơn/ Nơi quê hương xứ mình/ Nơi đây là quê hương/ Nơi đây là cuộc sống/ Có gì đẹp hơn thế/ Nơi đây là tình thương...


Lứa các anh chị người Việt qua châu Âu từ cuối thập niên 70 và những năm 80, bằng đường hợp tác lao động hoặc vượt biển đến nay đều đã ổn định cuộc sống, hoà nhập xã hội sở tại. Anh Thành, cựu giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, từng là trưởng đoàn lao động, hiện ở Kassel, bang Hessen.

Sau khi nước Đức thống nhất, anh làm việc trong một cơ quan kiểm định chất lượng xây dựng giao thông, đúng với chuyên môn được đào tạo trước đây ở CHDC Đức. Vợ anh Thành vốn là giáo viên tiếng Nga một trường chuyên nổi tiếng ở VN. Sau khi sang Đức đoàn tụ cùng chồng, chị đã chịu khó học tiếng nước này và nay đã là giáo viên ở một trường phổ thông thuộc Hannover.


Anh Nghĩa, người đưa tôi đi suốt chiều dài đất nước hoa tu-lip, từ ngã ba biên giới Vaalserberg giáp Bỉ và Đức qua Maastricht lên mạn Bắc, từng được đào tạo lại lúc mới đến định cư ở Hà Lan để làm chuyên viên hoá nghiệm, nay vừa nghỉ hưu. Hai con trai của anh trưởng thành tại đây, sau khi tốt nghiệp đều về VN làm việc trong những công ty có tiếng tăm.

Tôi đã được tận mắt chứng kiến nhiều điểm sáng tương tự như vậy trong cộng đồng người Việt mà mình có dịp tiếp xúc ở châu Âu. Chính sách đổi mới của VN cùng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vượt bậc của thế giới đã thu ngắn khoảng cách địa lý rất nhiều.

 

Vài cảnh nao lòng

Những ngày ở châu Âu, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những cảnh nao lòng. Hôm đến Munich (Đức), sau khi xuống tàu cao tốc ICE, bước gần đến cửa ra của nhà ga, bên dòng người tấp nập, tôi gặp một người đàn ông chừng 30 tuổi, ốm yếu, mệt mỏi, buồn bã đứng ôm một túi khoảng hơn chục loại báo và tạp chí tiếng Việt xuất bản tại hải ngoại. Anh bán nhưng xem chừng rất ít người mua.


Trên đại lộ Ivry ở quận 13 - Paris, trước các trung tâm buôn bán của người Việt và siêu thị Tang Frères, tôi thấy có nhiều người Việt còn rất trẻ, mỗi người mang một thùng các-tông trước ngực đựng đầy đĩa nhạc.

Họ luôn miệng chào mời khách qua đường và nhanh chóng tản đi khi có động. Lúc xuống hầm lấy xe, khi tôi vừa ngồi vào chưa kịp đóng cửa xe, không biết từ đâu, một thanh niên người Việt khoẻ mạnh, áo sơ-mi bỏ trong quần đến thò tay vào cửa xe chúng tôi, van vỉ: “Các chú làm ơn cho con xin một đồng mua ổ bánh mì, con đói quá!”.


Tôi thầm hy vọng chàng trai này còn chút tự trọng, vì anh chọn một nơi thật vắng vẻ, không ai nhìn thấy và biết chắc chúng tôi là khách vãng lai chỉ gặp một lần (bên cạnh bảng số xe chúng tôi còn có chữ L - viết tắt của Luxembourg).

Tôi thầm mong anh và những anh chị ôm thùng các-tông bán đĩa không phải là người nhập cư bất hợp pháp và cách mưu sinh của họ, như tôi bắt gặp, chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết khó khăn tạm thời. Hy vọng họ đang theo học một nghề nào đó...

Bài và ảnh: MAI THẾ PHÚ