Phông chữ

Chàng trai Đức Michael Guhle gặp tình yêu của đời mình ở một làng chài nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Nguyễn Thị An khi đó bán hến tươi nấu chín và trái cây cho vị khách Michael Guhle và ngay từ phút đầu gặp gỡ họ đã phải lòng nhau.

 

Michael Guhle – nhân viên viện dưỡng lão ở Berlin sau đó đã sử dụng tiền tiết kiện và những kỳ nghỉ để quay lại Việt Nam thăm An. Sau một thời gian yêu nhau, cả hai quyết định tiền tới hôn nhân mà không biết rằng đó là khởi đầu cho một sự thử thách kéo dài hơn họ tưởng.

Nước Đức đã không cho phép An vào lãnh thổ sau khi cô thất bại trong cuộc kiểm tra ngôn ngữ bắt buộc với những người nhập cư, ngay cả khi họ đã kết hôn với người Đức.

"Tôi nghĩ kết hôn với người mà bạn yêu thương và sống chung với nhau là quyền của con người," Guhle nói trong căn hộ hai phòng khiêm tốn của anh ở ngoại ô Berlin.

"Rõ ràng điều đó không đúng ở Đức”, anh thở dài.

Quy định phải vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ đối với người nhập cư được chính phủ nước này áp dụng từ năm 2007. Trong khi hầu hết các nước EU - bao gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển đều không yêu cầu điều này. Áo, Anh và Hà Lan là những nước có chính sách giống như Đức nhưng theo các chuyên gia thì mức độ yêu cầu trong bài kiểm tra của Đức là khó khăn nhất.

Ủy ban châu Âu đã chỉ trích luật pháp ở Đức và cho rằng điều này vi phạm các hiệp ước châu Âu. Dù vậy, các cặp vợ chồng như Guhle và An vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tốn kém và khó khăn.

Phía Đức cho rằng chính sách của họ nhằm bảo vệ người nhập cư và ngăn chặn những cuộc hôn nhân cưỡng bức, đồng thời giúp người nhập cư hòa nhập dễ dàng hơn. Tuy nhiên các nhà phê bình cho rằng việc duy trì luật này là biểu hiện của sự phân biệt đối xử với những người nghèo và trình độ học vấn thấp. Hầu hết những người nhập cư đồng ý với việc nên học tiếng Đức, nhưng các bài kiểm tra nên ở mức dễ dàng hơn và giá rẻ hơn.

"Những người có học vấn và đủ khả năng theo học các lớp học ngôn ngữ sẽ không gặp rào cản nào trong việc đáp ứng nhu cầu về ngôn ngữ nhưng điều đó không đúng với những người khác", Hiltrud Stoecker-Zafari, người đứng đầu các quốc gia Hiệp hội các cặp vợ chồng hai quốc tịch nói.

Bildschirmfoto 2014-04-07 um 15.45.40

Nguyễn Thị An và anh Michael Guhle trong căn hộ của họ tại ngoại ô thành phố Berlin. Ảnh: AP

"Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng: đất nước này rõ ràng là muốn gửi đi thông điệp rằng các cặp vợ chồng yếu kém tài chính không nên đến đây”.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ: Những người có trình độ đại học và những doanh nhân lại được miễn kiểm tra. Một người Pháp sống ở Berlin có thể mang  vợ là người Việt Nam đến Đức nhưng Guhle thì không.

"Chúng tôi chỉ muốn sống với nhau," Guhle, người đàn ông 43 tuổi có giọng nói nhẹ nhàng với đôi mắt màu xanh xám ấm áp nói. "Làm sao bạn có thể học tiếng Đức nếu bạn nghèo, thất học và sống trong một ngôi làng đánh cá xa xôi ở Việt Nam?"

Chính phủ Đức cho rằng họ chỉ đòi hỏi người nhập cư có kiến ​​thức ngôn ngữ cơ bản - bao gồm cả đàm thoại Đức và một số kỹ năng đọc và viết.

"Nếu một người nhập cư biết cách giao tiếp sẽ có thêm động lực và dễ dàng hội nhập sau khi nhận được thị thực", một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức nói.

Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, khoảng 40,000 người đã kiểm tra ngôn ngữ do Viện Goethe tài trợ vào năm 2012. Trong số đó, khoảng 14.000 đã thất bại và không thể lấy được thị thực.

Khi Guhle đầu tiên bày tỏ ý định kết hôn và đưa bạn gái người Việt Nam sang Đức vào năm 2006, một quan chức nói với anh mà không cần giải thích rằng điều đó là không thể.

Cặp vợ chồng sau đó đã tổ chức một đám cưới truyền thống với 300 khách ở làng chài Dốc Lết của An. Họ đã kết hôn tại Việt Nam vào mùa hè năm 2007 và có kế hoạch chuyển tới Đức sinh sống mà không biết rằng Đức vừa ban hành chính sách khắc nghiệt về ngôn ngữ.

Cuộc hôn nhân của họ sau đó trở thành một câu chuyện chờ đợi và cô đơn dài đằng đằng với hàng ngàn euro chi phí.

Guhle vốn là trợ lý y tá với mức lương thấp. Để chi trả tiền học tiếng Đức cho vợ ở Nha Trang, anh phải làm thêm công việc rửa xe vào ban đêm. Anh cũng chi trả tiền khách sạn cho vợ trong 9 tháng và chi phí chuyến đi tới TP Hồ Chí Minh để làm bài kiểm tra ngôn ngữ.

"Những lớp học là điều không thể chấp nhận đối với những người không biết chữ hoặc đến từ các vùng nông thôn”, nghị sĩ Đức Sevim Dagdelen nói. "Có rất nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ vì những gánh nặng này".

An đã không vượt qua bài kiểm tra và không nhận được thị thực. Cô tiếp tục cố gắng học tiếng Đức, nhưng tất cả không bao giờ là đủ. Nhà chức trách Đức thậm chí còn từ chối cấp thị thực du lịch để An thăm chồng tại Berlin.

"Cuộc sống của tôi chỉ có công việc và đi thăm vợ vào kỳ nghỉ. Mỗi buổi sáng và ban đêm tôi vẫn gọi cho cô ấy. Thật không dễ dàng cho An trước những lời rèm pha về lý do một người đàn ông giàu có từ Đức lại không thể đưa cô ấy về sống chung”.

Cặp đôi này sau đó đã đưa trường hợp của họ lên một tòa án tại Đức. Sau khi chứng minh rằng An đã đã cố gắng học tiếng Đức trong hơn một năm, tòa án cuối cùng cho phép cô nhập cư. An đến Berlin đoàn tụ với chồng vào tháng Chín năm ngoái.

Ngồi trong căn hộ của mình, cả hai nắm tay nahu và trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ hỗn hợp cả tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Việt. Họ liên tục gọi nhau là ‘anh yêu, em yêu’.

"Tôi rất nhẹ nhõm khi cuối cùng được tới Đức sống với chồng tôi", An -  một phụ nữ nhút nhát với mái tóc đen dài nói. Người phụ nữ 27 tuổi đã đăng ký một lớp học chuyên sâu tiếng Đức và hăm hở tìm kiếm việc làm tại các nhà hàng Việt Nam tại Đức.

Phương Anh, NDT