Phông chữ

1. Một hôm, cha về nhà vào thứ 4. Sau ba tháng không về, ông gầy hơn và già đi rất nhiều. Trên đầu điểm thêm nhiều sợi tóc bạc nhìn thấy rõ mồn một. Mẹ mếu máo khóc :


- Sao họ bắt ông vất vả thế?

- Có gì đâu mà bà làm ầm lên.

- Ông đi làm mà như đi tù khổ sai ấy. Mẹ đích thân đi chợ và nấu cho cha món ăn mà ông thích ăn nhưng cha không ăn được nhiều. Ông chỉ gắp vài miếng rồi chống đũa. Ngày hôm sau, cha tôi đã rục rịch chuẩn bị đi và giải thích rằng dự án này kéo dài còn đến cả năm nữa mới xong.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, cha bảo mẹ đưa 50 triệu cho bạn vay mua nhà gấp vì con gái ông ấy lấy chồng không có nhà ở, chồng nó ở rể.

- Đó là thằng Thuỵ bạn thân của tôi, bà biết rồi đấy.

- Ông ấy mà phải vay kia à?

- Tính nó thích xài sang, làm được bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, có để được đồng nào.

Mẹ lấy tiền đưa cho mà lòng nổi nghi ngờ như Tào Tháo. Mẹ nghi ngờ ông có gì mờ ám.

2. Mẹ nhấc máy bấm số gọi điện báo tin cho cha, tôi bị tai nạn xe tải, đang ở trong tình trạng rất nguy kịch. Ông vội về nhà, gương mặt hốc hác, hoảng sợ và tái nhợt, thấy mà tôi thương ông quá chừng. Tôi thấy trách mẹ khi nghĩ ra những ý tưởng kì quái khiến mọi người đau đầu, hoảng hốt.

- Tôi mới về, sao bà còn bày chuyện ra.

- Ông vắng nhà đã mấy tháng nay. Mẹ khóc nức nở.

Cha tôi làm việc ở Hưng Yên, đi xây dựng nhà máy mới theo dự án di dời cơ sở sản xuất của chính quyền thành phố. Tôi thuê 1 chiếc taxi đường dài, sẵn sàng theo sự chỉ dẫn của tôi để không mất dấu vết của ông. Và mẹ muốn tôi tìm hiểu sự thật về cha mình để giữ cái gia đình này như lời mẹ nói.

Xe ông đang về cơ quan chắc có việc gì, tôi nghĩ bụng. Tôi đợi mãi rất lâu, hơn 30 phút mà không thấy ông đi ra.

Mẹ liền gọi ngay đến cơ quan than phiền rằng cha bỏ bê gia đình đến vợ cũng không biết ông ấy đang làm gì đi đâu. Tôi nhắm mắt lại khi nghĩ đến vô vàn lời chỉ trích than phiền của mẹ về cha và người kia sẽ lại an ủi rằng mẹ hãy bình tĩnh, mọi việc đâu còn có đó.

Một lúc sau ông đi ra, tôi liền bám theo sát nút. Tôi và ông đã ra ngoại thành Hà Nội.

Tôi hơi ngạc nhiên vì xe đang đi về phía Hà Tây (cũ) thì chẳng hoá ra mua đường còn gì. Trong tôi bắt đầu nảy sinh những thắc mắc xen lẫn hoài nghi trong hành động có phần mờ ám của ông.

Tôi nín thở chờ xem chuyện bất ngờ gì cha giấu mẹ con tôi sẽ diễn ra tiếp theo. Chiếc xe đi đến huyện Thường Tín thì rẽ vào một con đường đất. Chiếc xe đi chầm chậm như để quan sát phía sau. Cha tôi dừng ở một xóm nhỏ có nhiều lùm xây xanh, bên cạnh dòng sông.

Tôi dừng lại và thẫn thờ ngồi trên xe với bao câu hỏi lẫn lộn trong đầu mà chưa có câu trả lời cho mình, mọi thứ vẫn nằm trong bóng tối nhưng tôi có thể chắc chắn một điều, cha có điều gì đang giấu mẹ con tôi.

Nhiều lúc nghĩ, tôi không tin vì cha tôi là người coi trọng gia đình, chăm lo, vun vén cho vợ con, lí nào trong một phút sa ngã ông đã đánh đổi tất cả chỉ để mua lấy một cuộc vui không đầy gang tay.

Từ nhỏ, cha luôn là người tôi tin yêu và là mẫu người để tôi yêu cho mình sau này. Nước mắt tôi lăn trên má vì hình tượng ấy trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn. Tôi muốn vén màn bí mật để nhận rõ chân dung cha mình, mà bấy lâu nay bị che giấu bằng một vẻ ngoài đạo mạo.

3. Thực ra cha vẫn đi làm ở cơ quan nhưng đến muộn và về sớm hơn quy định để ông có thời gian đi việc riêng. Hoá ra đồng nghiệp trong cơ quan biết cả nhưng bao che cho ông. Tất cả đều là giả dối và lường gạt.

Tôi đóng giả người buôn rau, lân la quanh khu vực đó, hỏi chuyện về người đàn ông ngày nào cũng đánh xe đi về. Tôi bàng hoàng khi biết cha có mối quan hệ bất chính như vợ chồng với một người đàn bà bỏ chồng, sống với một đứa con trai gần một năm nay.

Trời đất như sụp đổ dưới chân tôi. Quay cuồng. Những gì mẹ linh cảm không hề sai hay võ đoán. Vậy mà tôi không mảy may để ý. Tôi muốn biết người phụ nữ kia có gì hơn mẹ tôi mà khiến cha mê mẩn đến vậy.

Một lần, tôi giả làm nhân viên phát quà khuyễn mãi cho hãng dầu gội Sunsilk. Tôi đứng trước cánh cửa nhà bà ta, trong đầu đã chuẩn bị sẵn kịch bản, do chính mình dựng nên.

Tôi gọi cửa mãi mà trong nhà không ai lên tiếng. Tôi nhìn ngôi nhà ngói đỏ, sạch sẽ có sân vườn và tường bao quanh. Cánh cổng gỗ đóng chặt. Thấy người lạ, con chó trong nhà sủa nhặng.

- Ai đấy? Tiếng đàn và trả lời vọng ra, giọng thều thào như hết hơi.

Tôi im lặng không trả lời, lắng nghe bước chân rất nhẹ trên gạch.

Một lúc sau, cuối cùng cánh cửa cũng phải mở. Tôi cố nở nụ cười thân thiện. Một gương mặt buồn rầu, khá hiền lành, có phần nhợt nhạt của người đàn trước mặt tôi.

Tôi bảo, hãng dầu gội phát hàng dùng thử đến cho khách hàng. Bà ta liền khước từ, đóng cửa vào nhưng tôi vội giữ cửa lại.

- Cô có thể lấy cho chú và con.

Bà ta nhìn tôi nét mặt buồn rầu tái đi. Tôi cố tình nói vậy để xem phản ứng của bà ta thế nào. Hình như tôi đã chạm đến điều gì ẩn sâu trong lòng bà ta.

Thế là tôi đã gặp kẻ đang phá hoại hạnh phúc gia đình mình. Đó chỉ là một người đàn bà thanh tú, không có điểm gì nổi bật cả. Tất cả con người chỉ toát lên những gì làng nhàng, một nỗi âu sầu thiểu não, không hơn không kém.

Lần này, tôi giả làm người buôn đồng nát với chiếc xe đạp cà tàng đạp vòng vòng trong xóm. Con ngõ xóm vòng vèo, ghập ghềnh, nhỏ nhỏ.

Tôi lân la dò hỏi chủ nhà ngay cạnh đó. Tôi quẩn quanh nói những câu chuyện không đầu không cuối, chuyện xem có gì để bán cho tôi không, chuyện mối tình đầu trong trẻo của tôi đang có nguuy cơ tan vỡ vì gia đình tôi không đồng ý, định gả cho một đám khác khá hơn dù chúng tôi đã quá yêu nhau.

Chợt tôi nghe có tiếng ô tô bên nhà bên. Tôi biết đó là xe cha mình.

- Nghe như có tiếng ô tô ấy nhỉ?

Tôi lắng nghe những điều mình đã biết trước đó. Ở bên này, tôi nghe có tiếng nước nóng rót từ siêu ra chậu.

Tôi liền vờ xin bà chủ nhà mấy quả ổi xanh trên cây ăn cho đỡ nhạt mồm, không hiểu sao tự nhiên nhạt mồm nhạt miệng thế không biết, chắc tại vì sáng chưa ăn gì lót bụng đây, tôi còn phải để dành tiền thật nhiều còn cho gia đình nhỏ của chúng tôi sau này nếu không thì muộn mất, mà thật tình cốt là để leo lên cây dòm về phía nhà bên cạnh.

Bà ta đang kì lưng cho ông. Cả hai trông rõ tình tứ, trông đến tức cả mắt. Tim tôi bỗng nhói đau khi nghĩ đến mẹ đau khổ còn ông thì...

Nụ cười dịu dàng của bà ta giữ mãi trên mặt.

Tôi cay đắng khi thấy ông tỏ ra rất yêu chiều mụ ta. Ông gãi đầu chải tóc cho mụ. Thật kinh khủng! Điều mà chưa bao giờ, cha làm khi sống bên mẹ, cả mấy chục năm nay. Có chăng thì hoạ hoằn ông chỉ mua thuốc hoặc mua bát cháo khi mẹ ốm.

Hai người đang ngồi trên chõng tre rợp bóng mát. Có một đứa con trai lớn trong nhà đi đi lại lại. Tôi giật mình khi nhìn rõ mặt nó. Nó giống cha tôi như đúc.

Đứng trên chạc cây ổi, mà chân tôi như muốn khuỵu xuống, không còn đứng vững nổi nữa.

Cha tôi chải tóc và giấu đi tóc rụng nhiều đến cả bối cũng rất lén lút như sợ bà ta biết vậy. Tóc bà ấy để dài quá nên rụng nhiều.

Tôi cảm thấy ớn người khi thấy họ đầm ấm vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Trái tim tôi như đang bị ai bóp đến nghẹt thở.

Tôi muốn nói câu tạm biệt, và nghĩ chẳng bao giờ tôi muốn quay lại đây nữa. Sự thật mà tôi muốn biết thì tôi đã biết rồi, đã chứng kiến tận mặt, còn gì thân mật hơn điều ấy nữa. Hình tượng về một người cha lí tưởng trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ, không còn lại gì nữa cả.

- Chị ta sắp chết...

- Sắp chết?

- Ung thư mà!

Tôi dồn dập hỏi thông tin khiến cho bà ấy cuống lên không còn biết trả lời ra sao.

- Chỉ khoảng hơn 2 tháng nữa chứ mấy.

4. Đúng như vậy. Hơn 2 tháng sau người đàn bà ấy qua đời. Tôi chưa tiết lộ cho mẹ sự thật về cha và giấu mẹ đến dự đám tang. Tôi chưa từng thấy một đám tang nào vừa ảm đạm, lại vừa như chẳng phải có người chết như vậy. Không kèn trống, không người than khóc mà rất thê lương. Nét mặt cha rất đau khổ. Ông dự đám tang với tư cách là người thân.

Trong một lúc, ông tâm sự với tôi, bà ấy là người yêu cũ của ông. Họ rất yêu nhau nhưng gia đình ông ngăn cấm quyết liệt vì hai bên gia đình không môn đăng hộ đối, không xứng đôi. Không thuyết phục được gia đình, hai người trốn đi thuê một ngôi nhà trọ cho đến khi bố mẹ ông nguôi ngoai rồi về trình làng. Nhưng do một lần hiểu lầm và họ xa nhau từ đấy. Bà đau khổ nghe theo gia đình cưới người cùng quê lâu nay theo đuổi bà. Ông biết thì mọi thứ đã muộn và an bài.

Chồng bà là một người vũ phu lại rượu chè, không chịu làm ăn. Có lẽ hắn biết Khương không phải con hắn nên càng đánh đập bà thậm tệ. Mấy năm chung sống, bà không chịu nổi nên li dị. Tưởng chuyện xưa đã là quá vãng nhưng khi gặp lại nhau cũng là lúc phát hiện bà bị ung thư. Ông đưa bà đi viện nhưng vẫn không cứu được. Ông ân hận vì đã bỏ rơi bà.

Nhìn Khương, tôi lặng đi không nói được gì với người anh cùng cha khác mẹ này. Tôi biết mình đang vướng vào cái vòng luẩn quẩn của kiếp người. Cha dẫn Khương về nhà thì mẹ sẽ phản ứng ra sao?

Tôi chẳng biết nữa.