feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trăng mười sáu vằng vặc giữa sân đình, đêm ví dặm đã tàn mà lòng người còn chưa muốn dứt.

Những người lớn tuổi nán lại uống nước chè xanh, kể dăm ba câu chuyện về cái thuở trai gái làng này, làng nọ đứng bên ni sông hò sang bên nớ. Đám thanh niên thì tụm năm tụm bảy tranh thủ giao lưu, bình phẩm. Lâu rồi, làng Xuân Yên mới có một cuộc hát hay như vậy.

Làng Xuân Yên nằm bên bờ một nhánh của con sông La êm đềm. Ngày trước, Xuân Yên nổi tiếng với những điệu hát dân ca ngọt ngào, say đắm, người Xuân Yên đi đâu cũng nhớ về. Bây giờ, cuộc sống thay đổi nhiều, âm nhạc phong phú, câu dân ca cũng mai một. Đợt này, làng sắp đón nhận danh hiệu Làng văn hóa nên Ủy ban xã có chủ trương phục hồi lại truyền thống của làng.

Anh chàng Huân, cán bộ văn hóa, được giao làm trưởng ban tổ chức. Ngoài Mai là "cây hát" chính, luôn ủng hộ mình, Huân tuyển chọn mãi mới được một nhóm nam thanh nữ tú còn có chút năng khiếu dân ca. Còn thầy hát thì khỏi phải tìm đâu xa, dì Ngà lúc nào cũng say mê và nhiệt tình. Nhạc cụ thì có sẵn, cũng chỉ cần mấy cây đàn bầu, nhị, sáo trúc, toàn "của nhà làm được" cả. Ban nhạc gồm các cụ cao niên một thời làm nghề gánh hát, phiêu bạt khắp nơi nay trở về làng. Sân khấu dựng giữa sân đình lộng gió, nhằm vào đêm trăng mười sáu mà tổ chức. Đêm hát thành công nhưng Huân vẫn thấy thiếu thiếu một chút không khí dân gian của thời anh và Mai còn thơ dại, lẽo đẽo theo dì Ngà đi xem hát.

Đêm nay, Mai nổi bật nhất, không phải vì Mai xinh đẹp mà vì giọng hát của của cô. Nhìn Mai, người ta nhớ đến hình ảnh dì Ngà thuở đôi mươi, cũng áo tứ thân, khăn mỏ quạ, thắt đáy lưng ong và đôi mắt lúng liếng. Dì Ngà hát hay nức tiếng một vùng. Nghe dì hát, người ta mê đến quên cả đường về. Nhưng cuộc sống của dì lại đa đoan, đời người phụ nữ đã "hai lần sang sông" mà vẫn cô độc, câu dân ca còn lênh đênh sóng nước.

Đêm nay, dì không hát, dạo này dì yếu hơn nên người ta ít khi nghe dì hát. Mai vừa tốt nghiệp đại học, trong lúc chờ việc, cô qua ở với dì. Thỉnh thoảng, Mai thay dì trông coi quán nước đầu sông. Khách của quán toàn người quen, nếu họ muốn nghe, cô cũng chỉ hát một vài điệu.

Dì Ngà đã về trước, khi đêm hội tan, Huân đưa Mai về. Hai người lặng yên đi qua cánh đồng. Trăng chiếu loang loáng trên thảm lúa đang thì con gái. Gió thổi mát rượi làm phất phơ mái tóc mềm thơm mùi bồ kết của Mai. Huân cất lời trước để xóa tan sự yên tĩnh:

- O Mai hát ví hay mà hát dặm cũng hay nữa.
- Anh quá khen rồi, Dì em mới chỉ dạy em một ít thôi mà, còn nhiều điệu em chưa thuộc hết, mà giọng em cũng chưa được trong nữa.

Bất chợt, Huân hát lại câu hát mà anh chàng nào đó ở xóm trên hát với Mai tối nay:

Giống như đọi nác đầy
Bưng nhẩn nhẩn trên tay
Không khuy sơ một hột
Gió nỏ triềng một hột
Công đôi ta thề thốt
Kể đã mấy niên rồi
Lòng đã quyết lứa đôi

Mai đỏ mặt đáp lại:
Em đã có chồng rồi
Em đã có lứa rồi
Vung úp đã vừa nồi
Đũa ghép đã thành đôi.

Huân bối rối:
- Mai nói dối tui phải không? Mai vẫn chưa có bạn trai mà.
- Mai chưa có việc làm nên chưa dám nghĩ đến chuyện tình cảm, anh à.
Có chút thoáng buồn hiện lên trên mặt Huân. Về đến cổng, Huân nhìn Mai như muốn nói điều gì đó, Mai nhẹ nhàng:
- Thôi em về, giờ này chắc dì em cũng chưa ngủ.
Cô mỉm cười rồi nhẹ nhàng lách người qua cánh cổng tre đi vào trong sân.

Mai và Huân là đôi bạn thân từ thời thơ ấu. Kỷ niệm thì nhiều nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong ký ức hai người vẫn là những lần theo dì Ngà đi coi hát ví dặm. Huân hơn Mai một tuổi. Mỗi khi có đêm hát, dì Ngà một tay bế Mai, một tay dắt Huân, cứ chập tối là đi. Người dân xứ Nghệ quê Mai thường rất thích hát dân ca. Họ hát trong lúc dệt vài, chèo đò, đốn củi, đan chiếu, vì thế mới có các làn điệu hát Phường vải, Phường chiếu, hát Đò đưa...

Ở làng Xuân Yên, sau mỗi mùa gặt, trai gái các phường hát ở xung quanh đấy thường đốt đèn kéo nhau về mở hội. Các phường hát ít thì gồm dăm bày người, nhiều thì có khi hơn chục người, có phong cách hẳn hoi. Mỗi phường hát ngồi riêng một chiếu chứ không có sân khấu như bây giờ. Hội hát có khi kéo dài cả tuần nếu có nhiều phường tham gia. Hội có hai phần, phần thứ nhất dành cho các phường thể hiện tài năng, phần thứ hai là phần hát đối đáp. Các bên tự ra câu đối và thách đối lẫn nhau, có khi là các điệu hát cũ, có khi là các điệu hát mới. Nhưng yêu cầu quan trọng là phần đối và phần đáp phải tương xứng nhau. Ban giám khảo là những bậc cao tuổi được mời từ các xã. Giải không tính bằng tiền mà thường là con trâu, con bò hay tạ thóc.

Lũ trẻ con như Huân và Mai theo người lớn đi coi hát nhưng cứ gặp nhau lại bày đủ trò nghịch ngợm. Còn nhớ có lần chơi trốn tìm, Mai chui vào đống rơm mới rồi ngủ khì trong đó, dì Ngà và Huân đi tìm đỏ mắt đến gần sáng. Mãi không thấy Mai, Huân cứ đứng giữa sân đình mà khóc. Thế mà khi Mai tỉnh giấc còn dụi mắt trêu Huân: "Lêu lêu, có anh khóc nhè". Tình yêu của Mai và Huân đến một cách rất tự nhiên. Cái tình cảm ngây thơ, trong sáng đầu đời ấy cứ nhẹ nhàng mà sâu lắng chảy trong tâm hồn hai người bạn tựa mạch nguồn êm đềm của con sông La.

Tuy nhiên, từ lúc hai người cảm nhận được một tình cảm khác dành cho nhau chứ không hẳn là tình bạn hồn nhiên, vẫn chưa ai dám bày tỏ. Mai và Huân cứ đi bên cạnh nhau, lặng lẽ quan tâm nhau mà không nói với nhau lời nào về tình cảm của mình. Học xong lớp 12, Mai đậu vào Đại học Sư phạm trên tỉnh và nuôi ước mơ trở thành cô giáo, Huân cũng vào học trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Mai học giỏi lại xinh và hát hay nên nhiều người theo đuổi nhưng cô không mảy may nghĩ đến ai khác ngoài Huân. Còn Huân cũng chỉ dành sự quan tâm cho Mai.

Sau khi tốt nghiệp, Huân về làng làm cán bộ văn hóa. Mai ra trường sau, học xong, cô nộp hồ sơ trên sở Giáo dục rồi về quê chờ việc. Đáng lẽ, Mai có thể ở lại thành phố, tìm một công việc trái ngành làm tạm như những người bạn đồng môn hoặc nhận lời yêu một trong số những anh chàng nhà giàu đang "chết mê chết mệt" giọng hát của cô để cuộc sống được sung túc. Nhưng Mai lại chọn cách về quê vì cô không muốn xa Huân, cũng không muốn xa dì Ngà và câu ví dặm. Mai định khi nào có việc rồi, cô sẽ nhận lời yêu Huân hoặc giả sử Huân e ngại, Mai cũng sẽ nói cho Huân biết tình yêu của mình. Còn bây giờ, mỗi lần Huân có ý nhắc đến chuyện tình cảm, Mai đều tìm cách lảng tránh.

Chuyện tình cảm của Mai và Huân, dì Ngà cũng đoán biết được phần nào. Dì không phải không ưa Huân nhưng dì lại mong cháu gái của mình có một cuộc sống khá giả hơn nơi thị thành chứ không muốn cô ở lại làng. Dì còn sợ Mai vướng vào "dớp" cũ của làng, con gái xinh đẹp mà hát hay thì không thoát khỏi điều tiếng.

Cuộc đời của dì được nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng đầy thị phi. Dì Ngà đã gần 50 nhưng nhiều nét xuân xanh còn đọng lại. Dáng vóc dì vẫn thon gọn, làn da có hằn chút đồi mồi nhưng vẫn trắng ngần, vầng trán cao điểm thêm nếp nhăn của thời gian, mấy sợi tóc lòa xòa ngang cặp lông mày sắc như dao. Trông dì quý phái khác hẳn các mẹ, các dì chân lấm tay bùn nơi đây.

Năm 18 tuổi, dì cảm mến một anh thợ mộc ở làng bên. Anh này mồ côi cha mẹ, phải đi ở đợ từ bé, ông ngoại chê không môn đăng hộ đối nên cấm anh không được đi lại. Anh thợ mộc tự ái bỏ làng đi, hẹn bao giờ giàu sẽ về đón dì đi cùng. Vì lời hẹn ước ấy mà dì cứ chờ anh ta. Bao nhiêu người theo đuổi dì, nhiều anh chàng đêm đêm đứng hát gọi bạn ngoài sân, dì đều không trả lời. Cho đến khi gần 30 tuổi, dì chấp nhận một cuộc hôn nhân với anh thợ rèn trong làng do ông ngoại sắp đặt. Người làng thấy dì lấy anh thợ rèn cục mịch thì truyền nhau câu hát:

Thiếu chi thợ vẽ, thợ ve
Em còn xuân sắc răng ve thợ rèn?

Dì không chấp nhặt bao giờ, chỉ khi ai đó đi ngang ngõ mà hát vọng vào thì dì mới thản nhiên đáp lại:
Thợ rèn trên bễ dưới đe
Thợ rèn khéo dỗ em ve thợ rèn.

Nhưng sự tự tin của dì không kéo dài được lâu. Anh thợ rèn chịu thương, chịu khó nhưng tính hay ghen, mà anh ta cũng chẳng bao giờ hiểu được tâm hồn dì. Anh không cho dì đi dự những đêm hát nữa. Cứ có ai hát gọi dì là anh khó chịu. Nhiều lần, bạn hát của dì bị anh đuổi đánh khắp làng. Cứ như thế một thời gian, dì chán nản nên bỏ về nhà ông ngoại, anh thợ rèn lấy vợ khác.

Người chồng thứ hai của dì là một anh lái trâu. Anh này từng bỏ một đời vợ. Dì không yêu anh ta nhưng vẫn nhận lời lấy vì dì tha thiết mong có một mái ấm gia đình. Anh lái trâu vốn có tính trăng hoa. Anh ta bỏ bê gia đình để đi buôn bán hết trong Nam ngoài Bắc. Nhiều lần anh ta còn dẫn cả gái trẻ về nhà. Dì cũng không chấp nhận được người đàn ông như vậy nên chung sống được hơn năm thì dì bỏ. Lần này, ông ngoại không cho dì về nữa mà cắt cho mảnh đất gần bến sông, bắt dì ra dựng tạm căn lều ở đấy. Dì mở quán bán nước và tạp hóa đằng trước nhà.

Vài năm sau, dì chắt góp đủ xây cất căn nhà hai gian lợp ngói. Giọng dân ca của dì vẫn đầy mê hoặc nên khách ghé quán thường muốn dì hát cho họ nghe. Dì rất sẵn lòng bởi vì dì còn tha thiết nhiều với câu dân ca. Nhưng cũng vì thế mà dì phải hứng chịu nhiều lời đồn thổi. Phụ nữ trong làng không ưa dì vì tiếng hát của dì làm mê mẩn chồng họ. Rồi quá khứ của dì bị những người rỗi hơi đem ra bàn tán. Dì để ngoài tai tất cả và gần như sống biệt lập, ít khi người ta thấy dì vào làng. Nhưng Mai biết, dì Ngà buồn nhiều.

Có lẽ nỗi buồn làm cho dì nhanh gầy yếu hơn so với tuổi. Mai và gia đình hết lòng chăm sóc cho dì Ngà nhưng sự chăm sóc đó cũng không thể khỏa lấp nỗi buồn ngày càng in hằn trong mắt dì. Một ngày, dì Ngà ra đi như định mệnh. Đám tang rất đông người đưa tiễn. Bến sông trắng, những vòng hoa trắng những vành tang.

Dì Ngà đi rồi, chỉ còn Mai ở lại ngôi nhà bên bến sông để hương khói cho dì. Cô trở thành người ít nói. Những cuộc qua lại của Huân không hiểu sao cũng dần thưa vắng. Rồi một hôm, Mai lên xe hoa. Những tháng ngày độc thân của Mai kết thúc bằng một đám cưới to với một cậu trai người thành phố. Gia đình Mai nói rằng, sau đám cưới Mai sẽ đi làm cho một cơ quan lớn ở tỉnh. Người làng khen Mai thật may mắn.

Hôm cưới Mai, nhà trai thuê sẵn hai chiếc xe du lịch to cho họ nhà gái đi đưa dâu. Khi đoàn xe chuyển bánh ngoài bến sông, có một ánh mắt thẫn thờ nhìn theo, mênh mông sóng nước. Xa xa, câu ví dặm còn vọng lại:

Anh đến vườn hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến bến đò thì đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng
Mà em yêu anh như rứa thì hỏi có mặn nồng mà lấy chi.

  • Tuyết Nhung, ngoisao

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.