Phông chữ

- Hoài ơi! Hoài ơi!
Chiều nào anh Thức cũng chạy dọc bờ sông thế, vừa chạy vừa gọi. Người già trong làng nhìn nhau thở dài. Đám đàn bà con gái cười. Trẻ con thì toang toác lên: “Điên tình. Điên tình đấy!” Nhiều bữa chúng rồng rắn chạy theo anh Thức, đồng thanh gào: “Hoài ơi! Hoài!”


Ở nhà, hễ nghe tiếng gọi loang loang ngoài sông là mẹ tôi cáu kỉnh: “Ông không biết làm gì à? Để nó réo tên con Hoài mãi thế...”. Rồi thì mẹ khóc, khóc lằng lặng. Cha tôi lầm bầm: “Chứ tôi làm gì được, nó là con xã hội, đụng vào nó mà chết à!”. Vậy mà cha tôi nổi tiếng dữ, cả làng ai cũng nể sợ.
*
*     *
Chị Hoài là chị ruột tôi. Xưa cha mẹ tôi lấy nhau, cảnh mồ côi mồ cút, nghe kể nghèo lắm, cha bỏ lên miền ngược làm ăn, ba năm về quê đã thấy chị Hoài đi lẫm chẫm. Năm sau mẹ đẻ thêm tôi. “Hai con vịt trời” - cha bảo thế, nhưng mẹ tôi không đẻ gắng được nữa vì bị bệnh gì đấy. Cha mẹ tôi nông dân lực điền, người làng tôi toàn vai u thịt bắp cả, không biết chị Hoài giống ai mà đẹp thế, từ xưa chưa hề có ai đẹp thế. “Cha mẹ quỉ đẻ con tiên” - vài người nói vậy, không biết có phải không. Về trước cha tôi cũng có ý nghi ngờ, vì có lần rượu vào cha hỏi mẹ: “Ngày trước tôi đi làm ăn, mình có ngủ với ai đẻ ra con Hoài không?”. Mẹ tôi nước mắt nhòa nhện: “Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy ông, con Hoài là con ông, tôi đẻ nó đủ tháng đủ ngày, ông nghi ngờ tội thân tôi”. Cha đặt cút rượu: “Tôi hỏi là hỏi cho biết để về sau mà đòi nợ, chứ tôi mất không à? Mình không nói thì thôi, tôi để bụng làm gì”. Từ đấy không thấy cha hỏi han hay nhắc lại nữa, nhưng người làng thì không ngớt xì xèo, người ta bảo chắc mẹ tôi ngủ với trai thật, vì con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh chứ. Một bữa hai chị em tôi ra sông xem đánh cá mòi, có người trêu bảo: “Về hỏi mẹ mày chọn giống đâu cho tốt, mách nước chúng tao với!”. Tiếng cười rú kéo dài cả quãng sông, không dừng được. Chị Hoài chạy về kể với cha. Cha lẳng lặng chọc tiết con lợn chửa trong chuồng, bảo mẹ tôi mua rượu, sai chị em tôi chạy khắp làng mời mọi người đến nhà tôi ăn đám. Người làng hỏi: “Đám gì?”, tôi trả lời: “Đám quảy”. Bấy giờ người ta lại kháo nhau cách khác, rằng chắc cha tôi trúng quả gì nên mở tiệc ăn mừng. Hôm sau đủ mặt người làng, chờ rượu thịt ngà ngà, cha liền gọi mẹ tôi và chị Hoài ra giữa nhà, lấy dây trói lại, xong cầm con dao bầu vừa gại lưỡi vừa nói: “Trước tôi có đi làm ăn ba năm về đã thấy vợ tôi đẻ con Hoài. Bà con ở đây có ai thấy vợ tôi ngủ với trai, hay có chứng cứ gì chứng tỏ con Hoài là con thằng khác, xin nói cho tôi một tiếng, rồi thì tôi giết cả hai mẹ con nó, chôn xác ở đây, coi như rửa nhục”. Không ai nói, đến nhìn nhau người ta cũng không dám. Lúc lâu cha tôi tiếp: “Vậy từ nay ai hở hơi chuyện này tôi xin chút máu. Tôi nói trước để làng đừng trách”. Sau buổi ấy không ai dám bàn tán nữa thật, nhưng mẹ tôi đi đâu lại hay cúi mặt nhìn đất, chẳng biết vì sao. Sau này nghe mẹ tôi kể lại, rằng cái đêm mẹ tôi đẻ chị Hoài, trời tối lắm, mà chim Ca Cút thì kêu thảm thiết.
*
*     *
Tôi giống cha, mắt xếch, lông mày rậm, da đen. Tưởng cha thương tôi hơn, nhưng thực không phải, vì từ bé đến lớn việc trong nhà ngoài đồng cha đều sai tôi làm, không bao giờ để chị Hoài phải mó tay vào. Chị thích gì, muốn gì, cha cũng cho, cũng chiều. Tôi không thế, tôi như đất như đai, vứt lăn vứt lóc đấy, trần mặt ra đấy, thế nào cũng được. Tôi không dám tỵ chị Hoài, vì mẹ tôi bảo chị người trời, nương cửa nhà tôi là phúc đức rồi, để chị khổ phải tội. Cha bảo số chị như gạo tám đem vần than rơm. Cha hay sợ chị chết yểu, vì xưa nay người nhan sắc hay yểu mệnh.
- Nhĩ ơi! Nhĩ nhòm mặt chị giống ai? - chị Hoài hỏi.
Tôi nói:
- Giống em.
Tôi biết chỉ nói thế chị mới thích, chứ bảo chị giống cái gì chị cũng dỗi hết.
- Ừ đúng rồi. Chị con cha con mẹ đấy! - Chị thì thầm, rồi bảo - Chị thương Nhĩ nhất...
Mắt tôi cay cay, chỉ chực khóc, vì tôi biết tôi không giống chị, rằng gương mặt chị với tôi chỉ như một giấc mơ tủi nghẹn thôi.
- Nhĩ cho chị đi cào cỏ lúa với Nhĩ nhé!
- Nhĩ cho chị ra sông xem đánh cá mòi!
- Nhĩ cho chị đi xem sương dâng ngoài đầm!
Thỉnh thoảng chị Hoài hay xin tôi thế, mắt chị nhìn như van lơn. Tôi thương chị nhưng không dám. Cha tôi cấm chị Hoài ra khỏi nhà. Người ta bảo chị Hoài là ma, chỉ gieo chết chóc tai họa cho người khác.
- Nhĩ nằm sát vào chị đi! Nhĩ ôm chị đi!
Tôi ôm lấy chị, cảm thấy người chị run run.
- Nhĩ kể chuyện đi! - Chị lại thì thầm.
Tôi kể cho chị nghe những gì tôi thấy tôi nghe trong ngày, kể cả những điều tôi tưởng tượng.
- Chị chết Nhĩ có nhớ chị không? - Chị Hoài hỏi.
Tôi ôm cứng lấy chị:
- Em không cho chị chết!
- Ừ, chị không chết, chị ở với Nhĩ, nhưng ngày mai Nhĩ phải hái hoa dẻ về cho chị...
- Em hái... - Tôi nói mà nước mắt trào ra. Tôi không dám khóc to, sợ cha tôi thức dậy.
- Đừng khóc, Nhĩ, chị buồn lắm... - Chị lại bảo, rồi úp mặt nằm yên.
Hai chị em tôi cứ thế, nín thở nghe gió trườn ngoài vườn, nghe cây lá cọ vào nhau, nghe tiếng ếch nhái râm ran lẫn trong tiếng ngáy của cha tôi rền rĩ, cho đến lúc thiếp vào giấc ngủ chập chờn đầy ảo ảnh.
Thường đêm có trăng, tầm nửa khuya con chim Ca Cút ở bên kia sông lại kêu, tiếng kêu khắc khoải: “Qua qua quýt...! Qua... qua... quýt...!”. Chị Hoài kể, xưa kia, có một người trai bên kia núi yêu người con gái bên này, một lần hẹn, người con trai băng núi lội đầm, đến bến Ca Cút đã khuya, không còn đò, người trai đứng bên kia gọi mãi, kiệt sức chết hoá thành con chim Ca Cút cứ đêm trăng lại gọi: “Ơi đò Ca Cút! Cho qua một chút!”. Tôi hỏi cha: “Con chim Ca Cút là thế nào?”. Cha bảo chim Ca Cút không bao giờ bay khỏi hang ban ngày, chờ đến đêm mới bay đi kiếm ăn, và chỉ lúc nào cần tìm nhau nó mới kêu. Tôi hỏi anh Thức: “Thế có bao giờ có người gọi đò mà anh không nghe không?”. Anh lắc đầu: “Lâu lắm không thấy ai qua sông!”. Tôi không dám hỏi nữa nhưng cứ phấp phỏng không yên. Nhiều đêm giật mình nghe tiếng chim Ca Cút, tôi lại hình dung về người con trai lỡ cuộc hẹn với người tình trong câu chuyện kể của chị Hoài, rồi người khó chịu, không rõ là cảm giác gì.
*
*     *
Làng tôi nằm về cuối nguồn sông. Con sông Yên vừa ra khỏi rìa làng bỗng phình to ra thành cái đầm nước mênh mông. Đấy là đầm Linh. Đầm Linh như cái túi nước nằm giữa ba bề núi đá chập chùng quanh năm mờ mây phủ, là chặng cuối cùng của sông Yên trước khi đổ ra bể qua một cửa hẹp và dốc. Mùa gió, về đêm lắng tai nghe rõ tiếng nước hú, tiếng sóng réo ầm ầm ù ù từ cửa sông vọng về, như giận dữ, cũng như cơn vui man dại. Mẹ tôi bảo đấy là sóng Thần tức giận núi đá đã chặn dòng chảy sông Yên nên quyết mang quân phá núi thông dòng. Chị Hoài thì bảo sông Yên là con của biển khơi, một ngày nọ mải rong chơi lạc mất mẹ, sông cuống quýt tìm, rồi lạc vào đây...  “Bên kia núi là biển - Chị nói thêm - Mà  biển thì rộng lắm, rộng hơn đầm Linh nhiều”. Tôi tin lời chị Hoài. Sáng sớm nào tôi cũng chạy ra đầm, chờ mặt trời lên, chờ tan sương và bỗng chốc hiện lên trước mắt là mặt biển rực rỡ chói ngợp...
Bến sông làng tôi gọi là bến Ca Cút. Mẹ tôi bảo qua sông, cứ men mép đầm mà đi, tít tắp phía kia là đường xe chạy, theo đấy mà đi tiếp sẽ gặp làng mạc phố xá, sẽ thấy nhiều cảnh nhiều người lạ. Tôi giật mình, hay người trai gọi đò từng đi theo lối ấy? Tôi hỏi mẹ: “Thế mẹ đi chưa?”. Mẹ nhìn xa xăm: “Mẹ nghe kể”. “Người làng ta có ai đi chưa?”. “Có, nhưng chẳng ai về” - Mẹ đáp. “Còn cha?” - Tôi băn khoăn. “Cha đi theo hướng sông Yên” - Mẹ trả lời.
Có lẽ vào được làng tôi khốn khó vậy nên ở làng hiếm khi có khách lạ, thành ra những tốp thuyền của dân vạn chài xuôi sông Yên về đậu bến làng tôi là cả một sự kiện. Từ thuở bé tôi và chị Hoài hay ra bến xem người “nốc đoọc”, theo cách người làng gọi họ. Hai chị em tôi ngồi trên bậc đất tò mò nhìn những người đàn bà nấu ăn trong cái bếp treo được hứng bằng chiếc thau nhôm, nhìn những đứa trẻ bụng ỏng bồng nhau lít nhít.
Chị Hoài mười lăm, rồi mười sáu... Chiều ấy bến vắng, chị Hoài  rủ tôi xuống tắm. Hai chị em giấu quần áo trong hốc cây, trần truồng thế lội xuống nước. Chị Hoài bảo tôi sờ tay lên ngực chị: “Hay hay lắm”. Tôi chỉ dám đặt tay lên đầu vú hồng hồng loang loáng ánh mặt trời phản chiếu xuống mặt nước. Lúc giật mình ngẩng lên thấy ngay một con thuyền dừng trên đầu. Bấy giờ trên thuyền chỉ độc mỗi anh con trai đang dại mắt nhìn chị Hoài. Hôm sau anh con trai ấy ra đầm Linh tự dưng cắm đầu xuống đầm mà chết. Vạn đò đồn đại rằng, chỉ vì anh ta đã nhìn thấy chị Hoài khoả thân.
Từ đấy cha không cho chị Hoài ra sông. Từ đấy tôi men dọc bờ cây ven sông tìm hoa dẻ về cho chị. Hoa dẻ không đẹp, khi còn xanh mùi rất hắc, nở chừng mươi ngày thì chín, lúc chín cánh hoa ngả màu vàng mơ toả một thứ hương thơm như mê dụ huyễn hoặc, sau một buổi là rụng, nhưng hương thì cực bền, ép khô cất đến năm sau còn thơm. Hoa dẻ hay nở trên cao và khuất, tôi thấp không với tới, nhiều lúc nghe mùi hương đấy mà chỉ muốn ứa nước mắt. Sau này anh Thức biết thì chính anh Thức đi tìm hoa dẻ để tôi mang về cho chị Hoài.
Từ đấy trai làng nương theo hương hoa dẻ đi tìm chị Hoài.
Cha tôi đứng trấn ngoài ngõ: “Đứa nào đụng đến con Hoài phải bước qua xác tao!”. Cha chờ người xứng duyên với chị Hoài.
Nhiều trai làng xuống đò anh Thức ra đi. Anh Thức quay về bên này bến Ca Cút giọng khê nồng hát:
Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Sông xa nguồn có nhớ nguồn không?
Ai chắt nước cho sông đầy sông đi ra bể
Dằng dặc sông ơi
Bể mênh mông thăm thẳm biết mô mà tìm...
Rồi lại hát:
Mâm vàng thì có mâm vàng
Tìm đôi đũa ngọc đặt trong mâm vàng
Đũa ngọc đặt cạnh đũa tre
Đũa tre xấu xí nhưng tre thì bền
Chẻ tre ta đan thuyền nan
Ngọc rơi xuống nước ta bơi đi tìm...
Chị Hoài ngồi khâu trong cửa chốc chốc lại ngẩng mặt hỏi: “Có ai về ngoài bến không?”. Tôi lắc đầu. Vạn chài vài năm nay không về đậu bến làng tôi nữa vì nhiều con trai đâm đầu xuống đầm Linh mà chết, vì chiều tắm đó chị Hoài đã để rơi máu mình xuống dòng sông, vì nhiều người qua bến Ca Cút về thành trầm tích... Tôi ngồi ngóng bến Ca Cút từng ban chiều từng ban sáng mà sông vẫn vậy mà đầm vẫn vậy chẳng thấy gì ngoài trời ngoài nước và những bóng núi xa mù...
*
*    *
Ngày nọ có một con thuyền lớn đến từ phía bên kia đầm. Chị Hoài mặc áo cô dâu bước dọc đường làng trải chiếu hoa ra bến xuống thuyền. Pháo nổ tưng bừng. Xác pháo rơi đỏ rực xuống mặt sông, mặt đầm. Anh Thức chèo thuyền đi tiễn chị Hoài, cứ rẽ lớp xác pháo dập dình mà đi, lòng thuyền chở toàn hoa dẻ chín vàng xuộm, rồi ngày đó về ngồi bờ sông hát, hết hát thì chạy dọc bờ sông gọi tên chị Hoài.
Tết đó mẹ bán lứa lợn trong chuồng, lần đầu gửi người ngược sông Yên mua áo hoa cho tôi mặc tết.
Tôi vẫn lội dọc vàm sông tìm hoa dẻ, nhưng không có chàng trai nào thao thiết qua ngõ nhà tôi. Hương dẻ nồng đượm thế... Hay chị Hoài tôi mang đi hết cả sức huyễn hoặc của hương hoa? “Thôi, mang hoa về làm gì, chị Hoài con đi rồi” - Mẹ tôi bảo. Bây giờ mẹ hay thở dài lắm, mà cha cũng ngồi hàng buổi chẳng nói năng gì. Chị tôi không tin tức. Mẹ bảo: “Coi như chị con về trời, đừng đợi”. Nhưng mà chiều nào tên chị cũng vang loang ngoài mặt sông thế kia...
Tôi trùm chăn kín mặt, không ngủ được. Phía bên kia con chim Ca Cút kêu hoài: “Ơi đò Ca Cút...”. Qua làm gì chim ơi, chim bay trời rộng, cứ sải cánh mà bay, khuya khoắt nay ai đợi đò đâu mà chim kêu mỏi tiếng... Gian kia cha tôi trở mình rồi nằm yên, rồi chỉ vọng vọng tiếng chim kêu. Tôi rón rén dỡ chăn ngồi dậy. Đêm nay không trăng. Ca Cút kêu vào đêm không trăng là sự lạ, mà tiếng kêu đêm nay cơ chừng khẩn thiết lắm. Tôi ra đường, hướng tiếng kêu đi đến bến lúc nào không hay. Trên mặt sông sương bay bảng lảng, càng về phía đầm Linh sương càng dày, ngả một màu tím sẫm, không phân biệt đâu là trời, là nước, là núi non. Gió lành lạnh, thổi xao xuyến mặt sông. Bây giờ cũng sắp đến tết. Sáng mai mẹ sẽ gửi mua áo mới cho tôi, những phiến áo mới xếp chồng lên năm tháng, dỡ một lượt là biết chị tôi đi một năm.
Ơi đò Ca Cút!
Ơi đò Ca Cút!
Tiếng kêu như dụ dẫn. Tôi cởi áo, lội xuống sông. Nước lạnh căm, ngập đến chân, đến bụng, ấm ấm dần, rồi chỉ còn một sự êm ái mơn man vỗ nhẹ lên da thịt, lên ngực lên cổ, rồi không biết gì hết, rồi chỉ màn hơi sương dịu dàng ôm choàng lên, choàng lên...
- Dậy đi Nhĩ ơi! Dậy xem mặt trời mọc!
Ai đó lay vai tôi. Mơ hồ chập chờn một gương mặt người trai. Đâu đó te tái tiếng gà gọi sáng. Hình như tôi đang ở trên một con thuyền. Hé qua mui thuyền thấy phía trời xa nhuốm một màu hồng nhạt. Nước mắt tôi bất chợt chảy dài.
- Nhĩ ơi! Dậy xem sương tan kìa! Nhĩ ơi!

Theo Truyennganhay