feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Ảnh minh họa: Thiên Chương.Tôi thích tết từ bé. Tết là khi tôi được má mua cho hẳn bộ quần áo mới nhưng má giấu rất tài, nhờ vậy mùng một Tết tôi mới có bộ đồ mới “keng” để diện và lấy le với bọn trẻ trong xóm. (Huỳnh Ngọc Hiền, Hà Lan)

Tết là dịp để các thành viên gia đình quây quần bên nhau. Dù con cháu có sinh sống làm ăn ở đâu xa xôi, nhân ngày lễ Tết cũng tụ tập về bên ông bà, để được nghe những lời giáo huấn, cùng ăn chung mâm cơm, để hàn huyên tâm sự về những chuyện trong năm mà các thành viên trong gia đình chưa có dịp để nói.

Từ bé tôi đã thích Tết. Tết, tôi sẽ được mẹ mua cho hẳn một bộ quần áo mới, không phải là mặc ké lại của chị Hai như mọi ngày. Mẹ tôi thường chọn mua đồ của bà Sáu Huế, vì quần áo bán ở chỗ của bà thường rẻ hơn ở nơi khác và đường kim mũi chỉ được may rất cẩn thận, do chính tay chị Ti, con gái của bà làm ra. Khỏi phải nói, tôi thích đến nỗi mà nằm mơ cũng thấy mình đã được mặc bộ quần áo đó. Nhưng má tôi có "chiêu" giấu đồ hay lắm, cái phòng rộng có hai mươi mét vuông mà tôi kiếm bộ đồ hoài kiếm không ra. Bởi vậy tôi phải đành ngậm ngùi tiếc rẻ đợi đến mùng một Tết. Nhưng mà nhờ vậy mùng một Tết tôi mới có bộ đồ mới "keng" để diện và lấy le với bọn trẻ trong xóm.

Nhắc đến bà Sáu Huế tôi mới nhớ. Trong xóm của tôi, bà là người nổi bật nhất, do bà nói tiếng Huế. Con gái Huế nổi tiếng là đẹp. Bà tuy bôn ba trong chợ buôn bán, nhưng cái chất đẹp dịu dàng, kiêu sa ẩn dấu trong bà không hề biến mất. Hàng của bà bán luôn đông khách, người ta đến để mua quần áo, để nghe giọng nói dịu dàng mượt mà của bà và để ngắm nhìn cách nói chuyện và buôn bán của bà. Trong làng, thỉnh thỏang có vài thằng bé đi theo sau bà để nhạy giọng, khi bà quay lại thì chúng bỏ chạy, cười té tát, trong khi bà chỉ quay lại và nhìn chúng mỉm cười.

Vài năm sau đó thì khu chợ đó bị dời đi, không biết bây giờ bà vẫn còn bán hay đã ở nhà an hưởng tuổi già bên con cháu. Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng nếu gặp lại, chắc chắn tôi vẫn sẽ nhận ra bà. Không hiểu sao dù thời gian có trôi qua mười năm hay hai chục năm, tôi vẫn không thể nào quên được giọng nói, khuôn mặt và tiếng cười đôn hậu của bà.

Tôi còn nhớ Tết lúc đó, mồng một lúc nào cửa cũng đóng im ỉm. Thím tôi bảo rằng nếu tôi có đi ra đi vô, thì phải mau khép cửa lại. Nếu không, nhỡ như có người nào vô xin tiền thì sẽ xui hết nguyên năm. Tôi thì không tin chuyện đó nhưng vì là cháu, người lớn nói thế nào thì phải nghe. Vì thế cho nên mỗi khi tôi ra vào nhà mình, tôi đi như ăn trộm: mở cửa ra, ngó nghiêng xem không có ai, xong mới lẹ lẹ vọt ra. Còn đi vào thì tôi nhìn quanh quất, khi không có ai, tôi mở cửa, lẹ lẹ, phóng vô.

Đến mồng sáu thì mở cửa khai trương, đón lân. Vừa nghe tiếng trống từ xa, một vài nhà thì mở cửa ra đón lân, một vài nhà thì đóng cửa lại. Họ đóng cửa lại vì sợ khi lân vào nhà múa rồi thì phải cho tiền. Nhà nội tôi thì không như thế, từ sáng nội đã treo bao lì xì từ trên tầng hai của ngôi nhà. "Nếu là đội lân múa giỏi, thì ắt họ sẽ lấy được", nội nói thế. Tôi thì không tin chuyện đó, tôi nghĩ: nội treo bao lì xì cao như thế, có mà thách thức người ta, có phải là phim Hồng Kông đâu mà phi thân lên là lấy được.

Mà quả thật, hôm đó nhóm múa lân đó như có khinh công. Họ đến một đội lân, cùng với ông Địa và những người đánh trống, khoảng đâu mười người. Sau một hồi nhảy múa lung tung bên này bên kia là đến tiết mục chính. Họ chuẩn bị đâu sẵn một cây thật dày và dài, họ dựng trước cửa nhà, bây giờ là một người đội đầu lân leo lên, vừa múa vừa leo, bên dưới là bốn hay năm người vịn cây. Tôi nhìn theo mà rất hồi hộp, tôi sợ ổng té xuống rồi đè mấy người bên dưới. Ai dè, ổng leo thật nhanh, thoắt cái ổng đã lấy được bao lì xì của nội tôi treo từ sáng. Xong ổng trèo xuống trong tiếng vỗ tay, reo hò của đám đông tụ tập bên dưới. Trong thâm tâm, tôi rất mừng khi họ lấy được bao lì xì, vì dù sao họ múa cũng để kiếm ăn ba ngày Tết, nếu họ không lấy được thì những người này sẽ đi về công cốc, vừa không có tiền mà còn bị chê là múa dở. Vì vậy lúc họ lấy được lì xì leo xuống, tôi là một trong những đứa vỗ tay tán thưởng đến rát cả hai lòng bàn tay. Nhưng mà tôi thật sự rất vui.

Cuộc đời không sao nói trước được, vài năm sau đó nội tôi rồi đến ba tôi thay phiên nhau qua đời. Hai người thân ra đi chỉ cách nhau vài ngày. Gia đình tôi phải lưu lạc về thành phố. Tôi cũng đã trưởng thành, Tết trong tôi – đối với tôi mà nói - bây giờ không là tất cả nữa. Vì ban ngày tôi phải lo mưu sinh, ban đêm phải đi học. Khuya, về đến nhà tôi thường mệt nhoài. Tuy thế, khi năm hết Tết đến, tôi vẫn là đứa máu nhất trong gia đình. Tôi luôn xung phong dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Buồn cười nhất là việc dán giấy tường cho ba ngày Tết. Mỗi lần mấy bác hàng xóm thấy tôi đứng liêu xiêu trên ghế, ghế đứng chơ vơ trên ngạch cửa, là mấy bác lại nói trỏng, ghẹo tôi: Chưa Tết mà, sao chuẩn bị sớm vậy? Hay: Nhà ai năm nay ăn Tết lớn quá vậy ta? Họ làm tôi đứng cheo leo trên ghế mà mắc cỡ. Tuy vậy trong lòng họ và tôi đều náo nức khi nghĩ về cái Tết sắp đến.

Cái Tết sắp đến rồi cũng lại qua đi. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Tôi cũng không tránh khỏi quy luật đó. Năm hai lẻ bốn tôi theo chồng qua Đức. Vợ chồng tôi sống ở Potsdam. Potsdam là thành phố nhỏ nhưng có nhiều công viên và cung điện xưa, tráng lệ nổi tiếng. Nữ hòang Elizabeth II ngày đầu tiên viếng thăm nước Đức đã tới Potsdam. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà. Bà ngồi trong xe mặc bộ đồ màu xanh dương với chiếc nón cùng màu, từ trong xe bà đưa tay ra vẫy chào mọi người. Khuôn mặt của bà ở ngoài nhìn không khác nhiều gì mấy so với hình ảnh bạn thấy trên tivi. Thật xúc động khi thấy được bà bằng xương bằng thịt.

Từ Potsdam đến Berlin khỏang 20 phút ngồi xe lửa. Có khoảng trên dưới trăm ngàn người Việt sống ở Berlin. Tôi biết chỉ một vài siêu thị có bán thực phẩm châu Á (do người Việt đứng bán). Tết đến họ cũng có bán bánh tét, bánh chưng. Nhưng thay vì gói bằng lá chuối, thì họ lại gói bằng giấy bạc. Tôi ăn thấy ngon lắm. Ở đất khách quê người, điều kiện thiếu thốn mà làm ngon được như vậy, cho tôi chấm là tôi chấm 11 điểm luôn. Tết đầu tiên ở Đức, tôi không hề có người bạn người Việt nào. Chẳng lẻ lại để một cái Tết trôi qua buồn tẻ như vậy?

Về nhà tôi suy nghĩ hoài, bây giờ mình mời ai về nhà ăn Tết đây? À, lớp học tiếng Đức ở Berlin của tôi có khoảng mười lăm người, đó là tính luôn cô giáo người Đức. Tôi nghĩ là mình sẽ mời hết bọn họ lại nhà tôi ăn tiệc Tết cho vui. Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau tôi thông báo với cô giáo. Hơn cả sự tưởng tượng của tôi, đến ngày đó tất cả bọn họ đều đến nhà tôi không thiếu người nào. Nhưng đừng trông mong gì những món ăn ngày Tết nằm trên bàn tiệc của tôi. Lúc trước lúc còn đi học thì má nấu cho ăn. Sau này lấy chồng thì mới tập tành nấu, cho nên những món tôi làm đãi bạn, nếu nói ra thì không có liên quan gì đến Tết. Thậm chí cái món cá nửa nướng nửa hấp, xong chế mỡ hành lên trên, rắc đậu phộng ăn với nước mắm tỏi, tôi không biết nó gọi là gì nữa.

Nhưng chủ yếu vui là chính, cho nên cuối buổi tiệc ra về ai cũng vui vẻ. Tôi thu thập được khoảng gần tám chai rượu, đó là do bọn bạn đem đến biếu. Vợ chồng tôi đâu có ai biết uống rượu, thành ra cứ để đó. Lâu lâu có nấu món gì cần tới rượu, tôi lại khui một chai, xài không hết, để lâu hết thơm, lại đem bỏ. Tiếc quá, tôi gõ cửa những ông hàng xóm người Đức của tôi, những chai còn lại tôi mang biếu không cho họ. Ơ, họ ngạc nhiên quá chừng. Đến chừng tôi giải thích và năn nỉ họ nhận giùm thì họ mới à ra, và nhận rất vui vẻ.

Cái Tết đó trôi qua đã lâu, nhưng thỉnh thoảng sau này bọn bạn viết email cho tôi lại nhắc lại buổi tiệc hôm đó làm tôi cũng cảm thấy vui vui trong lòng.

Hai năm sau hết hợp đồng ở Đức, hai vợ chồng tôi dọn nhà về Hà Lan. Ông xã tôi là dân chính gốc của xứ sở hoa tu líp và cối xay gió. Cái Tết đầu tiên ở Hà Lan, tôi nấu ăn cho hai vợ chồng tôi và ba má chồng. Tôi còn nhớ năm đó tôi đãi ba má chồng ăn hột vịt đen ngâm trong củ kiệu và tôm khô. Lạp xưởng, thịt kho tàu, cơm chiên, súp cua giả và gà xé phay. Từ ba giờ chiều tôi đã chuẩn bị, đến bảy giờ chiều vẫn chưa được ăn. Tôi lính quýnh đến nỗi không để ý ông xã đang phá hư món gà xé phay của tôi. Ổng xé gà nhỏ như cọng chỉ trong khi tôi kêu ổng phải xé lớn gấp năm lần như vậy. Lỡ rồi, tôi cho qua luôn. Tôi nghĩ thầm: xé nhỏ thì ăn dễ tiêu. Lên bàn ăn, tôi giới thiệu: À, này là món ăn ngày Tết (tôi chỉ vô món thịt kho tàu). Còn những món kia thì trong những dịp lễ lạc đặc biệt. Ông bà ăn nhấm nháp và khen tôi nấu ăn ngon. Tôi không biết là ông bà có cảm thấy ngon thật không, tôi cũng hơi nghi ngờ, nhất là món hột vịt đen, người nước ngoài sợ lắm. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy an ủi là những món ăn tôi nấu được ăn sạch sành sanh.

Một tháng sau ông bà kêu tôi về cho tôi quà. Quà của ba má chồng là trả tiền cho tôi thi học bằng lái xe, bao cho tới khi tôi đậu lý thuyết lẫn thực hành luôn. Tôi tự hỏi: lẽ nào dư âm của những món ăn tôi làm ngày Tết lại cho ra một cái hậu ngọt ngào như vậy? Mà chắc có lẽ họ thích cái sự nhiệt tình của tôi, mà cái đó thì tôi có hơi bị nhiều. Tôi cũng rất cảm động, phần vì trị giá món quà cũng lớn, phần tôi cảm nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông bà. Họ muốn cho tôi hòa nhập vào cuộc sống ở Hà Lan nhanh, dễ dàng và thỏai mái hơn.

Những năm sau này, Tết tôi không còn có cơ hội nấu ăn cho ông bà nữa. Gia đình tôi vừa có thêm một thành viên mới. Con bé con của tôi đón cái Tết năm nay là cái Tết đầu tiên của nó. Nó chả hiểu gì về Tết, nó cũng không ăn được cái gì ngoài ba cái cháo đặc sệt của nó. Nhưng chắc chắn tôi sẽ trang hoàng nhà của mình toàn những bông màu vàng khắp nhà, để ít nhiều gì màu vàng cũng gợi nhớ đến những nhánh mai ngọt ngào, thân thương của ngày Tết, sau đó tôi sẽ nấu những món ăn đặc biệt của ngày Tết. Tôi vẫn sẽ giữ nguyên phong tục lì xì và xông đất đầu năm để con (hoặc cháu) sau này về Việt Nam cũng không bỡ ngỡ và làm khách trên chính quê hương của mình.

Tóm lại, ở Việt Nam ăn Tết, theo tôi là vui nhất. Còn nếu bạn ở nước ngoài, chỉ cần bạn khéo léo xoay xở và biết cách tổ chức một chút, thì bạn cũng có một cái Tết ấm cúng, đầy đủ và ý nghĩa.

Huỳnh Ngọc Hiền từ Hà Lan
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.