Phông chữ
1. Năm 1989 tôi có may mắn được theo học khóa nâng cao nghiệp vụ bên Mátxcơva. Nikita Khô Đốp trợ giảng môn lý luận báo chí có lẽ vì xấp xỉ trang tuổi nhau lại cùng say mê đội bóng Spactác Mátxcơva và thủ môn Đaxaép, thích bia ngày và rượu “Mùa thu vàng” nên chúng tôi thường trò chuyện với nhau. Khi ngồi ở phòng khách nhà ông ở phố Riskaia nhìn xuống tôi thường ao ước đến khi nào đường phố Hà Nội của tôi cũng rộng, thoáng,  khang trang như vậy.

Hôm Đại lễ tôi may mắn có dịp gặp lại Khô Đốp tại Quốc Tử Giám. Chúng tôi tíu tít trò chuyện và bỗng nhiên tôi trở thành một nhân viên hướng dẫn du lịch cho ông bạn già người Nga. Chuyến đi ấy chúng tôi bắt đầu từ cầu Thăng Long quê tôi, chiếc cầu hoành tráng biểu tượng cho tình Hữu nghị Việt - Xô, vòng qua đường vành đai 3, qua Mỹ Đình, vòng về Đại lộ Thăng Long, lướt cầu Thành Trì rồi về cầu Vĩnh Tuy.    

- Tôi nhớ ngày xưa ông ao ước Hà Nội của ông cũng sẽ có nhiều con đường, chiếc cầu như bên Mátxcơva. Cứ nhìn Đại lộ Thăng Long, những building ở Mỹ Đình, rồi cầu Vĩnh Tuy thì có khác gì….

Tôi giảng giải cho Khô Đốp hiểu rằng Hà Nội của tôi còn vất vả lắm nhưng may có Đại lễ nghìn năm nên từ 10 năm nay Hà Nội đã tập trung để chỉnh trang và xây dựng. Vốn đầu tư cho sự xây dựng và đổi mới này lên đến 94 nghìn tỷ đồng.

- Thế kia á?

Khô Đốp lẩm nhẩm.

- Đại lễ bỗng trở thành một động lực cho sự phát triển của Thủ đô… Tôi định nói đó là hồng phúc của tiền nhân tạo dịp, tạo dịp cho Hà Nội nhưng tôi lại e Khô Đốp không hiểu ý niệm phương Đông này nên thôi. Ông bạn già của tôi gật gù rồi bất chợt vỗ khẽ vào vai tôi:

- Nhưng mà này. Tại sao đường phố Hà Nội của ông lúc nào cũng đông nghịt ra thế. Cuồn cuộn, chật cứng, ồn ào và xin lỗi ông có cả sự lộn xộn như dòng sông mùa lũ. Có phải vì không khí mấy ngày Đại lễ không?

Tôi gật đầu khẽ nói:

- Đường phố của chúng tôi đúng lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt như trong Đại lễ.

2. Với vị thế Thủ đô của một quốc gia trong thời kỳ hội nhập để vươn lên thành một đất nước có nền kinh tế phát triển nên Hà Nội đòi hỏi sự lột xác. Một thành phố nửa triệu dân với diện tích vài vạn hecta không còn đủ cho kích cỡ của một Thủ đô Việt Nam vào thế kỷ 21.

Cũng như nhiều Thủ đô trên thế giới muốn trở thành một thành phố hiện đại thì phải có một hệ thống hạ tầng cơ sở nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của kinh tế, dân sinh. Phải có cầu, có đường, có các công trình hiện đại, quy củ. Cái lý cho sự tồn vong và không bị lạc hậu của Hà Nội sau mười thế kỷ là như vậy. Có thể nhận ra sự chậm trễ của một Hà Nội suốt dằng dặc gần nửa thế kỷ từ khi tiếp quản Thủ đô năm 1954 chạm đến năm thứ nhất của thế kỷ 21.

Những năm tháng ấy có thể chúng ta đang dồn sức cho cuộc chiến tranh vệ quốc ở tiền tuyến và  ngay trên bầu trời Hà Nội. Có thể vì chúng ta đang lúng túng trong sự nghèo nàn, của một lối quản lý bao cấp. Mọi sự khoanh tròn nơi ô tem phiếu. Nên khi Hà Nội bung ra, thoát khỏi mọi ràng buộc chợt nhận ra tấm áo quá chật chội của mình thì cũng là khi Hà Nội bước vào thế kỷ 21, thành phố yêu quý tròn tuổi 990.

Một thập kỷ nữa Thăng Long sẽ tròn 1000 tuổi. Đồng hồ đếm ngược được dựng nên ngày ngày nhắc nhở mỗi con dân. Đúng vào thời điểm đó ngưòi Hà Nội bỗng chốc thấy mình phải có thần thái và sức bật của vị Thánh làng Phù Đổng.

Bố vợ tôi, kỹ sư Lê Đình Thu, người đảng viên 45 tuổi Đảng và có thâm niên 15 năm ở vị trí Chánh văn phòng Bộ Xây dựng vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20 - hồi đang đương chức ông từng cho biết. Những người xây dựng cách đây hơn 20 năm đã thấy hơi thở báo động cho Hà Nội chúng ta về sự ùn tắc giao thông bên Bangkoc nhưng dạo đó có thể là tầm nhìn, có thể là nền kinh tế chúng ta còn eo hẹp. Cái ăn, cái mặc thường ngày còn khốn khó huống hồ...

Đúng rồi thời đó có cách bao xa đâu mà ngay giữa Hà Nội, đê Trần Khát Trân, đê Yên Phụ vẫn nguyên vẹn là con đê làng cho cỏ mọc, bò dê thả lông nhông. Đoạn đường từ Yên Phụ về làng Chèm của tôi vỏn vẻn chưa đầy chục cây số mà heo hút đường đá dăm nhỏ xíu băng qua rặng ổi um tùm bên hồ Tây ngút ngát, hoang sơ. Mới 5 giờ chiều đã hoang vắng, quạnh hiu, con gái nhà lành không dám đi qua vậy mà bây giờ... Mới non hai chục năm tính từ sự đổi mới và tròn chục năm kể từ khi Hà Nội bắt đầu dự tính cho kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm mọi sự đã khác xa.

Ba chiếc cầu mới ra đời, cũng trong năm Đại lễ thêm hai chiếc cầu vào loại hiện đại nữa trong loạt gần chục chiếc cầu nối đôi bờ sông Hồng đi vào khởi công. Cầu Vĩnh Tuy hiện đại mang trên mình nhiều kỷ lục về nội lực thành phố mà Hà Nội đã chắt chiu dồn lại số tiền 3.600 tỷ đồng để dựng nên. Rồi hàng trăm hộ dân hai bên đầu cầu vì vẻ đẹp vì sự hiện đại của thành phố đã sẵn sàng rời bỏ nơi trú ngụ lâu đời, nơi bắt đầu đã thành phố thành phường để đến chỗ ở mới với sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn của người dân thành phố 1.000 tuổi. Bố vợ tôi hôm ra dự Đại lễ vốn là dân xây dựng đã từng tu nghiệp ở Đức, ở Pháp, Ý .. cũng phải trầm trồ:

- Tốc độ xây dựng của Hà Nội chục năm nay nhanh thật. Hiện đại, quy mô lắm.

Đường về làng tôi dọc theo rẻo bờ nam sông Hồng đã thành con đường khang trang, qui củ với mặt đường làm theo công nghệ ASTO của Mỹ có đèn chiếu sáng, có dải phân cách. Rặng ổi hoang vu giờ sáng rực đèn, với những khách sạn, plaza cao vút, đồ sộ. Hồ Tây bao đời hoang dã và bị co hẹp dần vì sự xâm lấn giờ bờ đã thành đường quy chuẩn và mặt nước đã được bảo vệ để mãi mãi là lá phổi nơi phía tây Thủ đô. Có lẽ chăng cũng nhờ lộc của Đại lễ 1.000 năm.

3. Năm 2010, năm Canh Dần ấy có nhiều sự cố khiến lòng mỗi người chân chính dễ chạnh lòng. Bão lụt miền Trung liên miên, dồn dập lạm phát kinh tế nơi xa, nơi gần, sự lộ diện của những thất bát ghê gớm trong kinh tế… Nên thấy sự chi tiêu cho tưng bừng, hỉ hả trong thập nhật Đại lễ cũng thấy xót ruột. Âu đó cũng là cái tâm của con người. Những lời đồn thổi cũng dễ làm lay động.

Trách sao được. Tâm linh của cha ông đang ngự chốn linh thiêng, nơi tâm khảm của con cháu cũng lên tiếng nhắc. Đại lễ sang trọng, đàng hoàng nhưng đừng phí phạm. Tiền là mồ hôi, là công sức chắt bóp của dân, tiêu một đồng cũng phải tính. Nhất là khi khúc ruột miền Trung, người Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang chằn mình, quật quã trong mưa to, sóng lớn… Vì thế nên mọi thứ hình thức quá thì cắt bớt.

Năm cổng chào hoàng tráng ở 5 cửa ô không dựng. Hàng chục điểm bắn pháo hoa thu bớt lại tiết kiệm hơn 5 tỷ gửi thẳng vào ủng hộ bà con vùng bão lũ… Tính đi tính lại dự định chi 350 tỉ cho Đại lễ. Hà Nội cố gắng, dùi dắng tùng tiệm trong tuyên truyền, quảng bá, quà tặng cho khách trong nước, khách quốc tế… tất tật hết 265 tỷ, rút bớt được 75 tỷ. Mười ngày Đại lễ tưng bừng ấm cúng hòa hợp con tim của hơn 80 triệu con người. Chả cứ người dân Hà Nội mà dân tỉnh xa từ Năm Căn ra, từ Mù Cang Chải xuống, từ Móng Cái lên… Bà con từ Canada, Thụy Điển, Nam Phi… về dự Đại lễ cũng cảm thấy cái nghĩa đồng bào cao cả, da vàng máu đỏ.

Cảm thấy hồn phách cha ông cho sự trường tồn của nòi giống. Và hơn bao giờ hết mỗi ngưòi đều nhận ra một Hà Nội to đẹp hơn, khang trang hơn. Một Hà Nội Thủ đô rực rỡ với hàng loạt công trình đạt kỉ lục. Con đường gốm sứ nhận kỷ lục thế giới. Đại lộ Thăng Long hiện đại nhất nước ta. Cầu Vĩnh Tuy biểu hiện nội lực kinh tế Hà Nội đạt kỷ lục cầu bê tông dự ứng lực dài nhất, và Hà Nội đã có bảo tàng đẹp nhất… Cái tình, cái lý của Đại lễ hiển hiển ra cụ thể và minh bạch là thế đó...

Bé Việt Bách, cháu nội tôi mấy hôm trước đi theo ông lên vườn hoa Lý Thái Tổ cứ băn khoăn mãi sao hôm ấy không có trống to, không có người nhảy múa, không thấy người mặc quần áo đẹp, cầm cờ hoa đi rầm rập. Tôi bảo:

- Những ngày vui đó là Đại lễ con ạ.

- Bao giờ lại đến Đại lễ hả ông?

- Một nghìn năm nữa.

Thấy cháu thoáng bần thần nên mấy ngày giáp Tết hai ông cháu tôi lại lên vườn hoa Lý Thái Tổ. Việt Bách lại thấy hoa, thấy cờ, thấy dòng người đẹp đẽ, náo nức xuôi ngược bên bờ hồ, cháu nội tôi lại reo lên:

- Hôm nay lại là Đại lễ hả ông?

Tôi nói khẽ:

- Không, đây là mùa xuân đến.

- Mùa xuân cũng giống Đại lễ ông nhỉ?

Tôi khẽ gật đầu và nhìn quanh. Đúng rồi Hà Nội của tôi hôm nay đang chầm chậm, đàng hoàng đến với xuân…

Nguyễn Hiếu