Phông chữ

„ Sao anh chẳng bao giờ kể cho em nghe về cha?“,nàng cắt ngang cuộc nói chuyện khi tôi đang thao thao kể về mẹ, người đàn bà mà tôi yêu thương và kính phục nhất trên đời.

 

Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi kể cho nàng nghe về mẹ, những lúc như vậy nàng chỉ thường lắng nghe, chờ đến lúc tôi kể xong thì nàng thủ thỉ với cái giọng lí nhí trong điện thoai, nhưng đủ để tôi nghe: „ Một ngày nào đó anh đưa em về thăm mẹ nhé?“. Nhưng hôm nay không hiểu một động lực nào đưa đẩy khiến nàng hỏi về cha. Tôi ngỡ ngàng im lặng. Nàng cũng im lặng và nín thở chờ đợi một câu trả lời mà nàng đã muốn biết từ lâu. Tôi không biết phải trả lời như thế nào với nàng. Nói là tôi không có cha ư? Nhưng rõ ràng trong tờ giấy khai sinh, tên ông vẫn hiện lên ở phần „ Cha đẻ“ cơ mà.

***

Nàng – 22 tuổi, nhỏ và gầy. Tôi quen nàng qua ông thầy giáo cũ dạy tôi thời Đại học. Nàng học ở London, tôi làm việc ở Hà Nội. Lần đầu tiên nói chuyện và làm việc với nàng qua mạng, tôi không ấn tượng lắm. Tôi xem nàng như tất cả các cô gái mà tôi đã từng gặp và quen. Cho đến một ngày, tôi để ý thấy cái status của nàng treo trên yahoo suốt cả một tuần: „ Một nỗi buồn làm ta lớn khôn hơn“, tôi đã vào hỏi chuyện nàng. Không phải vì quan tâm, cũng chẳng phải vì tò mò, vì cái gì lúc đó tôi cũng không biết nữa. Tôi hỏi vì sao nàng buồn, nàng bảo nàng có một người bạn hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo và có thể chỉ sống được 2-3 năm nữa thôi. Rồi nàng bảo tôi „ cuộc đời này ngắn ngủi lắm, bởi thế nên hãy biết nâng niu từng giây phút mà mình còn được sống trên đời“. Sau câu nói ấy của nàng, tôi đã nghĩ về nàng bằng một suy nghĩ khác. Lần đầu tiên tôi nhận thấy trong con người nàng có một cái gì đó rất khác với những cô gái mà tôi đã từng quen. Tôi và nàng gắn bó và chia sẻ với nhau nhiều hơn qua những câu chuyện thường ngày. Nảng kể cho tôi nghe những thứ hạnh phúc giản dị trong cuộc đời của nàng. Tôi chưa bao giờ nghĩ một cô gái đang sống ở một thành phố vào hạng giàu và đắt nhất châu âu lại có những ước mơ thật bình dị đến vậy. Tôi không cần phải mất quá nhiều thời gian để nhận ra được một tâm hồn đẹp đang ẩn chứa ở trong nàng. Nhưng có một điều tôi không bao giờ có thể hiểu được, đó là vì sao nàng rất hay buồn, mặc dù nàng có rất nhiều điều mà bạn bè cùng trang lứa mong ước, khát khao. Mỗi lần tôi hỏi, nàng chỉ trả lời „ Đó là nỗi buồn của Trịnh“. Tôi nhất định muốn nàng phải vui hơn. Tự khi nào, tôi bỗng trở thành một người bạn thật đặc biệt của nàng. Nàng nói tôi chọc cười rất giỏi nên dù có buồn đến bao nhiêu, nói chuyện với tôi xong nàng đều phải cười sặc sụa. Tôi thấy mình thật vinh dự vì đã gánh được phần nào nỗi buồn của nàng.

Nàng trở nên yêu đời hơn và không còn biết khóc trước những cơn mưa dai dẳng ở London như cái hồi mới sang nữa. Nàng ríu rít kể cho tôi nghe những dự định của nàng khi nàng về nước. Nàng kể cho tôi nghe tuổi thơ ở xứ sở miền trung của nàng, về gia đình nàng. Tôi cũng không dấu nàng điều gì cả, chỉ có điều tôi không bao giờ muốn nhắc tới cha mình. Bởi trong kí ức tôi, hình ảnh đó không tồn tại. Khi nghĩ về gia đình, tôi chỉ nghĩ đến ba người, trong đó có mẹ, có tôi và có em Nguyên. Người đàn ông mà trong tờ giấy khai sinh hiện trong phần cha đẻ ấy của tôi đã bỏ mẹ , bỏ tôi, bỏ em Nguyên trong những ngày cơ khổ. Tôi mắc bệnh hiểm nghèo, một mình mẹ chật vật buôn bán để mong tôi có đủ tiền chữa chạy, mẹ tôi đã dốc hết tuổi xuân của mình để hy sinh hạnh phúc cho cuộc đời của tôi và em Nguyên với một ước mơ duy nhất: Nuôi hai an hem tôi ăn học nên người. Những ngày khốn khó ấy tôi không bao giờ quên, đã bao nhiêu lần trong tuổi thơ tôi khát thèm hơi ấm của một người đàn ông, tự hỏi „ giá mà có bố ở bên“, nhưng những suy nghĩ ấy chợt đến rồi cũng chợt đi rất nhanh, bởi tôi vẫn còn mẹ. Tôi không hận người đàn ông ấy, nhưng tôi biết tôi sẽ không thể nào tha thứ nổi cho ông. Tôi đã quen với một cuộc sống không có cha, vẫn sống tốt giữa cuộc đời, vậy thì cũng chẳng có lý do gì khiến tôi cần ông lúc này nữa, khi mà cái tâm ngày xưa của ông đã nằm ngoài bên lề cuộc sống. Làm sao nàng có thể hiểu điều đó được đây khi cả cuộc đời này nàng luôn được ấp ủ trong cái nôi yêu thương có cả cha và mẹ.

***

Nàng thông báo sẽ về Việt Nam 3 tháng với rất nhiều dự định cả công lẫn tư và đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp nàng sau hàng trăm email và hàng chục cuộc điện thoại. Tôi không ngỡ ngàng nhiều khi gặp con người nàng ngoài đời thực bởi nàng vẫn nguyên như những gì mà từ trước đến nay tôi tưởng tượng. Sau mỗi ngày đi làm, tôi thường đến nhà nàng và xin phép đưa nàng đi chơi, có quá nhiều nơi ở Hà Nội này mà nàng chưa biết đến. Chúng tôi đi dạo, đi ăn kem, đi xem sách hay đôi khi chỉ là ngồi nói chuyện với nhau về cuộc sống, về những ước mơ, những dự định tương lai. Tôi và nàng hiểu nhau rất nhiều, đó là lý do tôi quyết định đưa nàng về thăm mẹ, nhưng nàng nói: „ Em sẽ không về với tư cách là một người bạn bình thường của anh như bao người bạn khác“. Tôi đủ thông minh để hiểu ra ngụ ý của nàng và tôi cũng không mất quá nhiều thời gian để chờ cái gật đầu của nàng.

Ngày tôi đưa nàng về, trong nhà bỗng có một ông khách lạ mặt xuất hiện. Tôi hết nhìn mẹ rồi quay sang nhìn Nguyên, linh cảm có một điều gì đó không bình thường đang xảy ra. Nàng cầm bàn tay tôi siết nhẹ như một niềm an ủi. Tôi bước vào nhà với cái lắc đầu khó hiểu khi thấy ông chằm chằm nhìn nàng.

„ Đây là người đã sinh ra các con“, cuối cùng thì mẹ tôi cũng lên tiếng sau một hồi im lặng. Nguyên đứng phắt dậy và nói: „ Con không có cha !“. Người đàn ông ấy cầu xin chúng tôi cho ông được giải thích và mong mỏi được nhận lại hai đứa con ở cái tuổi xế chiều. Nhưng không hiểu sao tôi không hề có một sự thương cảm nào dành cho ông, tôi vẫn cho rằng đó là cái giá mà ông phải trả cho hai mươi mấy năm bỏ mẹ con tôi một mình. Đâu chỉ một lời xin lỗi là mọi chuyện có thể đâu vào đấy được đâu, niềm đau suốt cả tuổi ấu thơ cho đến tận bây giờ tôi không thể dễ dàng để nó tan vào bọt biển được. Tôi cảm ơn ông đã đến tìm chúng tôi nhưng cũng xin lỗi ông vì tôi không thể xem ông là cha của mình được. Tôi đã quen với một cuộc sống chỉ có mẹ và em Nguyên.

Nàng lặng lẽ chứng kiến cuộc nói chuyện từ đầu đến cuối. Tôi hơi ái ngại vì đã để nàng phải khó xử trước những điều bất ngờ không hay đó, nhưng cuộc sống đôi khi có những điều đến và đi mà con người ta không được định hình sẵn. Khi người đàn ông ấy bước ra khỏi cửa, tôi thấy nước mắt nàng rơm rớm. Nàng sống nhạy cảm và có một tấm lòng quá bao dung, có lẽ vì thế nên nàng đã không thể nào hiểu được tại sao tôi và Nguyên lại phản ứng quyết liệt đến như thế.

Nàng ở lại dùng bữa cơm trưa hôm đó cùng bà ngoại và ba mẹ con tôi, Nguyên có vẻ rất quí nàng, hỏi hết điều này rồi điều kia. Dường như cuộc sống ở châu âu còn có vẻ mơ hồ với Nguyên lắm, thế nên Nguyên tận dụng ngay cơ hội để nâng hiểu biết của mình thêm một bậc nữa.
Mẹ tôi bảo nàng lên giường bà nằm nghỉ trưa nhưng Nguyên thì lại cố tình lôi kéo nàng ra vườn để tận hưởng trọn vẹn không khí của một miền quê. Hơn một tiếng sau, tôi ra gọi nàng vào nhà để sang chào cậu mợ, bất chợt tôi nghe tiếng thút thít của Nguyên và giọng nàng thao thao: „ Có thể cha em đã là một người chồng, người cha không tốt nhưng bây giờ cha em đã nhận ra lỗi lầm của mình, người ta nói đánh kẻ chạy đi nhưng không ai đánh người chạy lại. Cho người khác một cơ hội cũng là tự tạo cho mình thêm một cơ hội nữa em à“. Nàng im lặng khi thấy bóng tôi xuất hiện ở phía sau, Nguyên vội vàng dụi mắt. Tôi vờ như không nhìn thấy và quay sang trêu nàng: „ 2 chị em đang nói xấu gì anh à?“, nàng liếc nhìn tôi và nói: „ Nguyên đang nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra được cái tốt của anh để kể cho em nghe nè“. Cả ba cùng bất cười và bước vào nhà . Trước khi đưa nàng về Hà Nội, bà ngoại tôi dí vào tay nàng mấy chiếc bánh phu thê. Nguyên siết chặt tay nàng và lém lỉnh: „ chị hiểu ý món quà của bà ngoại em không?“. Nàng cười đỏ mặt.

***

Nàng phải trở lại London sớm hơn dự định 2 tuần vì có một số việc cần phải giải quyết gấp. Tôi đang chuẩn bị đón Taxi để đưa nàng ra sân bay thì nhận được tin nhắn của Nguyên: „ Anh đến bênh viện Bạch Mai ngay, em chờ anh ở trước cổng bệnh viện“. Tôi chỉ cho nàng tin nhắn và xin lỗi vì đã không thể tiễn nàng đi được. Nàng dí vào túi áo tôi một bức thư nhỏ mà có lẽ nàng đã viết sẵn trước khi bay và dặn tôi tới bệnh viện ngay, nàng sẽ tự đón Taxi ra sân bay. Tôi siết chặt tay nàng và lao ra xe…

Nguyên đi đi lại lại trước cổng và thấp thỏm chờ đợi tôi. Khi vừa thấy bóng tôi xuất hiện, Nguyên nói: „ Người sinh ra tụi mình đang nằm ở phòng cấp cứu, bác sĩ nói ca mổ này sẽ quyết định tính mạng cuộc đời ông“. Tôi cố gắng thản nhiên: „ Đó là lý do em bảo anh đến đây?“. „ Em đến theo yêu cầu của mẹ, người đó đã cầu xin mẹ cho được gặp 2 anh em mình một lần nữa. Em đã nói chuyện với người đó ban nãy trước khi nhắn tin cho anh“, Nguyên nói xong và cụp đôi mắt xuống phía dưới. Cô không biết mình nên làm gì lúc này và có lẽ Nguyên phải đấu tranh với tư tưởng nhiều lắm nên cuối cùng Nguyên cũng lên tiếng „ Em sẽ vào trong đó, còn anh?“. Tôi không trả lời và để mặc Nguyên một mình bước vào phía trong bệnh viện. Bao nhiêu ý nghĩ quẩn quanh ở trong đầu, bất chợt tôi sờ vào túi áo và bóc vội lá thư của nàng. Những nét chữ con gái mềm mại nhảy múa trước mắt tôi:
Đừng để niềm tin trôi

Em biết
Chẳng bao giờ anh nói về cha
bởi Người đã từng bỏ mẹ con anh giữa những ngày lam lũ
bao nhọc nhằn khó khăn đè đầy trên vai người thiếu phụ
Mẹ một mình vất vả ngược xuôi

Người lo cho anh từng thìa cơm muỗng cháo
Rồi những đêm dài Người thức trắng canh thâu
Người bồng anh vào lòng ấp ủ
Mặc gió
Mặc mưa
Mặc gió đè
Mặc những ngày bão nổi
Chao ôi, tấm lòng người thiếu phụ
Xa chồng rồi chỉ còn biết đến con

Em biết,
Tuổi thơ anh thiếu vắng vòng tay cha
Khi lớn lên thì xa vòng tay mẹ
Bao nỗi buồn niềm vui… một mình anh đong đầy tất cả
Có bao giờ anh chợt thấy xót xa ?

Có những điều trên đời này chẳng thể thứ tha
( em biết )
Nhưng vẫn cầu mong con người ta mở rộng lòng nhân ái
Dẫu biết phía đằng sau trái tim là bao niềm tê tái
Em vẫn mong một ngày
Anh mở rộng lòng mình và tha thứ cho cha.

Vì chẳng có gì trên đời này quí bằng tình mẹ , tình cha
Dẫu Người đã từng mang đi tất cả
Hy vọng
Niềm tin
Bờ vai người đàn ông một thời anh từng ước
Được dựa vào khi vấp ngã đớn đau

Vì chẳng có gì trên đời này đẹp bằng lòng vị tha
Mà con người cần để dành mãi cho nhau
Vì anh cần cha
như những đứa con anh sau này cần có người ông nội
Thì anh nhé
Đừng để niềm tin trôi…
PS: Em vẫn mong và nguyện cầu về một ngày anh hạnh phúc bên cha!

Tôi gấp bức thư và một nỗi xúc động dâng trào. Giây phút ấy tôi chợt nhận ra rằng có những điều nếu không làm hôm nay, ngày mai sẽ muộn. „Quá khứ dẫu có thế nào thì cũng đã là quá khứ, người ta không thể thay đổi được những điều đã qua nhưng có thể thay đổi được ngày mai“, có một lần nàng đã nói với tôi như thế. Tôi lao vào phía bên trong bệnh viện và gặp Nguyên ở hành lang, Nguyên ngỡ ngàng nhìn tôi, vừa lúc đó chiếc xe đưa người đàn ông sinh ra chúng tôi chuẩn bị bước vào bàn mổ, khi thấy chúng tôi ông nở môt nụ cười và thì thào: „ Cảm ơn các con đã đến! Nhất định cha sẽ vượt qua được“ rồi khẽ nhấc bàn tay cho chúng tôi nắm. Một cảm giác thật lạ vừa xuyên thấu qua da thịt tôi. Chiếc xe đưa ông vào phòng mổ…

***

Tôi đưa Nguyên trở về quê ngay sau đó, trên đường đi Nguyên rấm rứt khóc. Tôi không biết em khóc vì điều gì, vì thương chính bản thân em hay vì thương người đàn ông đã sinh ra em. Tôi không nói gì và để Nguyên lặng yên với dòng suy nghĩ. Khi chúng tôi vừa về đến nhà, tôi bỗng nghe tiếng mợ Hải nói với mẹ từ dưới bếp vọng lên:

„ Hóa ra cái con bé sống ở London mà hôm thằng Phong đưa về là người đã đạo diễn mọi việc và đứng phía sau làm hậu phương cho ông ấy à? Có phải nó đã bảo ông ấy đến gặp 2 đứa con nhà chị không? Nó ở xa như vậy, sao có thể làm được những điều như thế nhỉ?“.

„ Ông ấy đã có ý định gặp bọn nhỏ để nhận lại cha con từ cách đây mấy năm rồi nhưng vì chị biết bọn nhỏ không chấp nhận nên không để cho ông ấy gặp. Hy vọng là bọn nhỏ đến bệnh viện và gặp ông ấy, dù sao thì đó cũng là một giọt máu….“, giọng mẹ tôi nhỏ dần.

Tôi sững người nhìn Nguyên. Nguyên cũng lặng yên không nói điều gì. Hóa ra nàng đã âm thầm giúp tôi và cha trở lại bên nhau, hóa ra nàng đã thu nhập được khá nhiều thông tin. Giờ thì tôi hiểu tại sao thằng Tiến, bạn thân tôi cũng bỗng trở nên khó hiểu suốt cả thời gian qua. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao nàng nhất định chỉ muốn về nhà tôi trong cái ngày 28 hôm ấy , giờ thì tôi đã hiểu vì sao người đàn ông ấy đã chăm chú nhìn nàng rất lâu, cái nhìn ông gửi gắm như cả một bầu trời biết ơn dành cho nàng và giờ thì tôi đã hiểu vì sao nước mắt nàng rơi hôm đó khi ông lặng lẽ một mình bước ra khỏi cửa trong căn nhà cấp 4 của ba mẹ con tôi. Nguyên đứng cạnh tôi sụt sùi và hỏi nhỏ: „ Bao giờ chị ấy quay trở lại hả anh? „