Phông chữ
Người ta vẫn nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên tôi ghi chép lại một vài câu chuyện nhặt nhạnh đường dài cho ngày nghỉ cuối tuần.

Đi sang Châu Âu gặp những ngày nắng nóng khiến có cảm giác thế giới thực sự phẳng chứ chẳng phải chỉ là cách nói ví von của mấy nhà triết lý. Trái đất không còn hình quả cầu nữa hay sao nên mặt trời không còn chiếu nơi xa, nơi gần, nơi nóng nơi lạnh nữa. Khách sạn Châu Âu vốn chỉ lo việc sấy nóng ngày đông mà không nghĩ đến việc ướp lạnh ngày hè, khiến cho nhiều khách sạn xây cũ không cải tạo kịp phải dùng những cây quạt máy bình dân chềnh ềnh giữa nhà rất là vướng víu. Ở một vài nơi công cộng có những sân chơi với nhiều cột nước vọt lên từ mặt đất theo nhịp điệu âm nhạc cho vui mắt và cho lũ trẻ vầy thì bây giờ có những người lớn cũng sẵn sàng uớt át để giải cái nóng thất thường của hiện tượng “biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Đặt chân đến thủ đô nước Bỉ, người đầu tiên tôi muốn liên hệ là một anh bạn người Việt định cư ở Brussels đã bốn chục năm. Sứ quán nói rằng mới vài ngày trước anh đến dự buổi lễ và nhận tấm bằng khen của Bộ Ngoại giao về những đóng góp cho đất nước.

Từ nhiều năm nay vẫn thấy nhiều lần anh về nước giúp huấn luyện công việc lễ tân của nhà nước, dẫn “vua bếp” và những chuyên viên từ Bỉ về hướng dẫn các món ẩm thực hay dạy cách cắm hoa, bài trí cho một bữa tiệc của ngành ngoại giao...

Cách đây 3 năm, sau lần gặp anh ở trong nước tôi đã viết một bài “nghĩ ngợi cuối tuần” để giới thiệu một Việt kiều yêu nước có lòng say mê và quyết tâm khôi phục sự danh giá của loài chó Phú Quốc mà cách đây hơn một thế kỷ đã từng đoạt giải cao nhất trong các cuộc thi chó danh giá nhất ở Châu Âu.

Lòng say mê của anh muốn chọi lại cái thờ ơ của người mình khi để giống chó này tuyệt chủng trong khi một nước láng giềng khôn ngoan khai thác nó dưới cái nhãn “made in” của họ. Bây giờ thì ở trong nước một hội chơi chó cảnh mà anh giúp sức đã ra đời và đang nỗ lực thực hiện những gì mà anh mong ước, không chỉ với loài chó Phú Quốc mà còn một loài chó khác cũng rất quý của người Mông ở các vùng núi cao phía Bắc...

Lần này, gặp anh ở ngay ngôi nhà nhỏ giữa thủ đô Brussels để nghe anh nói về điều say mê của mình sau con chó Phú Quốc, đó là sách và các ấn phẩm cổ. Như một chuyên gia bảo tồn, anh giảng cho tôi thế nào là giá trị của ấn phẩm, từ loại giấy, cách in, những tấm bìa da đóng rất cầu kỳ đến tác giả hay nội dung sách.

Anh có những cuốn sách rất cổ, loại sách mà giới kinh doanh sách cổ thực dụng thường tách từng trang chữ hay trang ảnh lồng trong khung gỗ giả cổ để bán, mà cộng lại thì cuốn sách có giá không ai lường được và đương nhiên hơn hẳn là bán nguyên cuốn. Đấy cũng là một hiện tượng thời thượng thích làm sang hơn là hiểu biết tựa như sự đánh cắp tượng hay các đồ thờ của các di tích hay các hiện vật ra khỏi bảo tàng... mà dường như ở xã hội nào cũng có.

Anh có những cuốn sách được in khắc trên gỗ từ những thế kỷ rất sớm sau khi Guttenberg sáng chế ra nghề in ở Châu Âu. Đó là cuốn “Cosmographe universelle” của nhà bản đồ học kinh điển người Đức Sebastien Munster xuất bản chỉ sau bản kinh mà Guttenberg khởi đầu nghề in (1440) chừng nửa thế kỷ. Anh cho xem những cuốn Atlas của các tác giả cổ điển, trên đó tập hợp nhiều bản đồ rất cổ và có giá trị về văn bản học. Anh còn sưu tập những bản đồ rời nguyên gốc, đó là những bản được in từ những “mộc bản”, tức là những bản in rập chứ không phải là chụp in lại sau này.

Với những bản đồ cổ, cứ mỗi lần lật ra một tấm mới anh lại chỉ vào cái vùng đất quê hương mình. Ở đó, từ xa xưa, lúc tỏ lúc mờ nhưng ký hiệu chỉ dẫn về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo cách gọi ngày nay của ta, bao giờ cũng có. Như anh giải thích, bởi lẽ mọi con tàu vượt đại dương nhờ vào chế độ gió mùa gần như bắt buộc phải nương vào cái hành lang đi lại an toàn nhất nằm giữa bờ biển Việt Nam với địa danh phổ biến là “Cochinchine” với những dải hải đảo san hô song song ngoài khơi phía Đông mà bản đồ vẽ thời Vua Minh Mạng thể hiện rất rõ, gọi chung là “Vạn Lý Trường Sa”.

Anh còn đưa ra nhận xét là đã nói đến hai quần đảo với rất nhiều đảo nổi, đảo chìm này phải gắn kết với Côn Đảo trông tựa như dấu chấm của một dấu chấm than (!) trên biển. Các nhà hàng hải, nhà quân sự, thương nhân và kể cả đám cướp biển đều quan tâm đến hòn đảo này như một tiền tiêu của cái hành lang huyết mạch chạy dọc theo hướng Bắc-Nam của con đường mà người từ Châu Âu cũng như vùng Trung Đông muốn tiếp cận với bờ biển phía Đông của nước Trung Hoa đầy hấp dẫn sau khi vượt eo biển Malacca, đều coi Côn Đảo như cửa mở trước khi ngược qua bờ biển Việt Nam. Đó chính là con đường hàng hải huyết mạch đương thời được ví như “con đường tơ lụa trên biển”...

Nhưng sưu tập khiến tôi quan tâm hơn cả là những sách có liên quan đến lịch sử Việt Nam của người phương Tây. Anh cho tôi xem bản gốc những cuốn du ký của Tavernier, của Borri... của cả giáo sĩ Alex andre de Rhodes viết về hành trình ra Đàng Ngoài in từ nhiều thế kỷ trước mà giới sử học trong nước lâu nay phải đọc qua sách in lại của người đời sau. Và đặc biệt, anh còn là chủ nhân của một bộ hoạ báo rất nổi tiếng chỉ của nước Pháp. Đó là tờ “Illustration” tồn tại đúng 100 năm (1844-1944). Lần tôi đến lâu đài Bagnelet của Hãng Hennessy ở vùng Cognac, trong sảnh sang trọng của toà nhà người ta đặt trang trọng trong tủ kính có khoá chừng hai chục tập báo đóng bộ thành từng năm, coi đó là của quý.

Nhưng ở nhà của anh bạn Việt kiều này, ngót một trăm tập báo năm đặt trong giá sách gỗ nằm chềnh ềnh trong phòng khách vốn đã hẹp, bởi lẽ nó nặng quá (chừng cả tấn) không thể đưa lên gác của một ngôi nhà cũ trong một phố cổ được. Nói ngót một trăm tập để thấy bộ báo của anh vẫn còn thiếu một số năm mà anh coi việc sưu tập cho đủ là một niềm đam mê của một cuộc chinh phục còn lại.

Anh lễ mễ khênh từng tập nặng chừng 5-6kg, giở ra từng bài viết liên quan đến Việt Nam giới thiệu cho tôi xem. Tờ “Illustration” là tờ “hoạ báo” theo đúng nghĩa của chữ vì hồi đầu chưa có công nghệ chụp ảnh nên buộc phải dùng bút vẽ để minh hoạ. Tính hiện thực trong bút pháp khiến giá trị của những bức tranh trông như ảnh chụp; từ thập kỷ 60 của thế kỷ XIX bắt đầu có ảnh chụp nhưng lại chưa có công nghệ in ảnh (cliché kẽm) nên có hẳn một công nghệ (cũng là nghệ thuật) khắc trên gỗ hoặc khắc đồng theo các bức ảnh chụp để in lên giấy (iconographie).

Nhiều bức ảnh chụp cảnh Liên quân Pháp-Tây Ba Nha đánh chiếm nước ta từ Đà Nẵng vào Sài Gòn rồi lục tỉnh vô cùng sinh động được in kèm những bài phóng sự hết sức công phu của nhà báo đi cùng với đoàn quân viễn chinh. Nếu nhắc đến lịch sử báo chí thì tờ báo đầu tiên xuất hiện ở nước ta đuợc in bằng những cỗ máy được đạo quân viễn chinh mang theo trên các tàu chiến, để từ đó ra đời tập kỷ yếu riêng (Bulletin des Expéditions de la Cochinchine - Kỷ yếu của những cuộc chính phục xứ Nam Kỳ, ra đời năm 1861 trước tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo 4 năm) của đạo quân tiên phong cho chủ nghiã thực dân cũng là những phương cách đưa văn minh phương Tây đến vùng Viễn Đông...

Qua thế kỷ XX tờ hoạ báo thực sự chuyển thành tờ “báo ảnh” khi công nghệ in ảnh đã phổ biến thì câu chuyện từ Đông Dương lúc này đã trở thành thuộc địa của Pháp càng phong phú...

Chủ nhân bộ tạp chí này nói với tôi rằng có cả một kho tri thức của thế giới chứa đựng liên tục trong một thế kỷ; riêng về Việt Nam, anh nói rằng có thể thấy ở đây nhiều tin và ảnh từ cảnh các nghĩa sĩ Việt Nam bị hành hình đến tin Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, rồi các cuộc đấu xảo thuộc địa có cả các cuộc thi hoa khôi, những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh và nhiều danh hoạ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đựơc giới thiệu rất trang trọng từ thập kỷ 30 thế kỷ XX v.v...

Anh nói rằng, đọc bộ tạp chí này dường như đọc lại cả một pho sử từ lúc Pháp đánh chiếm nước ta cho đến khi chính nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Anh tự hào nói rằng tuy báo chí Pháp đôi lúc khai thác những chi tiết như cảnh Sứ đoàn của Thượng thư Phan Thanh Giản khi qua Pháp, nhiều người tuỳ tùng còn giữ thói quen đi đất ngay trên xứ lạnh, nhưng những ứng xử của những người đại diện triều đình Việt Nam cũng như những hành động anh hùng của các nghĩa sĩ Việt Nam từ Nguyễn Tri Phương đến Hoàng Hoa Thám và cả những nét đặc sắc của nền văn hoá Việt đã khiến người Pháp phải đưa ra một nhận xét mà chủ nhân của bộ sưu tập luôn nhắc đi nhắc lại: “Người Việt Nam biết cách sống và cách chết đáng kính nể”.

Khi đưa tôi đi lại trên dường phố Brussels, anh dừng xe lại và chỉ cho tôi một cách xử lý môi trường xanh đô thị, các phương cách tạo ra những vườn treo trên các toà kiến trúc và bày tỏ đã nhiều lần muốn giới thiệu gửi trong nước nhất là vào dịp thủ đô kỷ niệm nghìn năm, nhưng loay hoay thấy quá nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được.
 
Khi chia tay, chúng tôi hẹn nhau vào cuối năm không phải ở Hà Nội mà ở Thành phố Hồ Chí Minh để cùng nhau làm một sự kiện: Kỷ niệm 100 năm chiếc máy bay đầu tiên cất cánh từ Châu Á lại diễn ra tại Trường đua Phú Thọ trước cả Bangkok hay Hồng Kông mà người thực hiện lại là một phi công người Bỉ (Van Den Borg, dân Liège)...

Anh là người góp phần phát hiện và cũng đã có trong tay một sưu tập khá phong phú hình ảnh và tài liệu về sự kiện này mà anh hy vọng sẽ được đem ra triển lãm tại Việt Nam vào dịp này. Anh coi đó là nghĩa vụ của một người Việt đã gắn bó với đất nước Bỉ gần như trọn đời.

Brussels 7-2010